Trích từ Bài viết của Mạc Vấn - vào một ngày của năm 2017
Sông Mã là một thực thể tưởng tượng, nó không hiển hiện trong một thực tại khách quan, nó không phải là một dòng sông dài hơn 500km vắt mình qua lãnh thổ Việt Nam và Lào, cũng không phải là một huyện miền núi xa xôi phía Tây Nam của Sơn La cách Hà Nội gần 400km. Thế nhưng, bằng một cách nào đó, Sông Mã vẫn luôn ở trong tâm trí, ở trong những câu chuyện của rất nhiều người đã từng hoàn toàn xa lạ đến từ nhiều vùng của đất nước. Và bằng một cách nào đó, mỗi khi nhắc về Sông Mã, chúng ta thường nhớ về một hành trình hơn 10 năm của những chuyến đi, của màu áo Xanh tình nguyện; là một dòng chảy của tinh thần đồng đội, của những yêu thương trong một gia đình lớn; là cả những luyến tiếc và trưởng thành. Có thật nhiều những ai đó đã và sẽ đến, bắt gặp, yêu mến rồi hòa mình để trở thành một phần Sông Mã, để rồi từ lúc nào không hay, trong chúng ta sẽ luôn có một dòng sông đang chảy.
Sông Mã, ngày từ khởi nguồn của mình, đã là niềm tin chung của một tập thể những người trẻ, niềm tin về những điều tốt đẹp sẽ luôn còn mãi, rực rỡ như ánh sáng từ Trái tim Danko bất diệt. Tinh thần Sông Mã, không gì hơn là tinh thần sẵn sàng làm những điều tốt đẹp, một cách hoàn toàn vô tư, trong sáng và tử tế. Thế nhưng cũng như một dòng sông khi vơi khi đầy, Tinh thần Sông Mã không phải bao giờ cũng được gìn giữ và chảy trôi trọn vẹn từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Thậm chí, phải thẳng thắn mà thừa nhận rằng, cho đến thời điểm hiện tại, Tinh thần Sông Mã đã ít nhiều bị mai một.
Sông Mã có những hạn chế cố hữu. Không nói về tư duy và cảm thức Tình nguyện, hay những bất ổn trong kết cấu tổ chức; hạn chế lớn nhất mà Sông Mã gặp phải là tính kết nối, kế thừa giữa các thế hệ. Tính kết nối, kế thừa đó là quan trọng, bởi đó là "công cụ" mạnh mẽ duy nhất để truyền thừa, bồi đắp và hoàn thiện Tinh thần Sông Mã. Bởi lẽ, chúng ta có thể thống nhất với nhau rằng, một khi Tinh thần Sông Mã bị mất đi, ắt hẳn dòng sông đó sẽ phải dừng lại.
Tất nhiên, mọi thế hệ Sông Mã đều ý thức được điều đó. Chúng ta đã cố gắng bằng nhiều cách. Như rất nhiều những hoạt động đời sống đã từng được tổ chức, như các đợt đào tạo nhân sự, như hệ thống mentor - mentee,... Tất cả đều với mong muốn xây dựng một tập thể đa dạng về cá tính và năng lực, nhưng cùng chia sẻ với nhau một hệ giá trị. Thế nhưng, sau cùng, việc đào tạo nhân sự, việc duy trì tính kết nối và sự kế thừa giữa các thế hệ lại luôn là việc của một số ít người. Lâu dần, nó trở thành một sức ì lớn trong nội bộ, nó đã gây ra những đứt gãy không thể tránh khỏi trong bối cảnh thực tế rằng những người trẻ ở Sông Mã có nhiều lựa chọn hơn, cũng có nghĩa là họ có ÍT xác suất lựa chọn để gắn bó với Sông Mã hơn.
Cũng cần nói về việc đào tạo nhân sự. Đó không hẳn chỉ là những đào tạo khô cứng về mặt năng lực hành động, mà nhiều hơn là những chia sẻ về tư duy và cảm thức, là những gắn kết tinh thần vượt ra khỏi Sông Mã, đôi khi là những kinh nghiệm, những chỉ dẫn rất đời thường, mà quan trọng hơn cả là sự học hỏi lẫn nhau để trưởng thành. Nhìn từ cá nhân anh, cách mà những thế hệ trước đã từng tương tác với anh, hay cách mà anh tương tác với các thế hệ đi sau cũng là như vậy. Sau cùng, kể cả khi không còn đi với Sông Mã nhiều, điều mà các anh chị chia sẻ với nhau đã là nhiều hơn chỉ là những ký ức.
Vậy thì, chính xác hơn, chúng ta phải dùng từ DẪN DẮT.
"Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ"
Thực vậy. Nếu như ai đã từng đọc tiểu thuyết Cội rễ, hẳn là đều sẽ cảm thấy thú vị trong cách thể chất, cảm xúc, trí tuệ và tâm hồn của một đứa trẻ đã từng được nuôi dưỡng, bồi đắp như thế nào. Ngôi làng là một ngôi trường lớn; truyền thống và văn hóa là những bài học; những lớp người đi trước là những người dẫn dắt, những người thầy. Quan trọng hơn cả, tất cả mọi người trong ngôi làng đó đều có ý thức cũng như tham gia tích cực vào việc nuôi dưỡng, dẫn dắt, dạy dỗ những lứa mầm non, hay là tương lai của chính mình.
Totem Sông Mã mặc dù có hình dạng cụ thể, nhưng cũng như mọi totem khác đã từng tồn tại, thoạt đầu nó không có ý nghĩa tự thân. Ý nghĩa của totem được hình thành và hoàn thiện thông qua cách mà chúng ta thực hành "văn hóa totem", hay chính là thông qua những quy tắc hành xử với totem.
Totem Sông Mã được thiết lập với mong muốn ban đầu rằng, nó sẽ là một biểu tượng nhìn-thấy-được của Tinh thần Sông Mã, và cùng với Tinh thần Sông Mã, totem Sông Mã sẽ được truyền đi hết thế hệ này đến thế hệ khác, thông qua sự dẫn dắt của những anh chị với những đứa em của mình. Những người giữ totem, chính là những người đang giữ Tinh thần Sông Mã.
Thông qua những quy tắc hành xử với totem đã được thống nhất ở trên, chúng ta có thể rút ra một điều rằng, khi càng có nhiều totem ở trạng thái "kích hoạt", Sông Mã đang vững mạnh, và khi có càng nhiều totem được truyền đi sau mỗi thế hệ, dòng chảy Sông Mã đang suôn sẻ. Tất nhiên, chúng ta không hi vọng rằng totem sẽ được gửi trả lại Sông Mã, bởi khi một totem được trả lại, Tinh thần Sông Mã sẽ bớt đi ít nhiều.
Đây là điều quan trọng nhất, totem thể hiện mong muốn rằng, vận mệnh của Sông Mã sẽ được quyết định bởi tất cả những con người Sông Mã, đặc biệt là những cá nhân đang giữ totem, chứ không còn là ý chí chủ quan của một số rất ít người nữa.
Bởi vậy, chúng ta sẽ thống nhất với nhau một điều mặc định rằng, khi không còn totem nào được kích hoạt, thì cũng có nghĩa là, Sông Mã sẽ không còn nữa.