Tương lai thường vẽ ra bức tranh kì vĩ với những ước vọng bay xa. Quá khứ lượm nhặt những tia kí ức nhỏ bé mà thân thương vô cùng. Tuổi thơ, không nằm ngoài quá khứ, luôn hiện lên như những thước phim quay chậm, rời rạc, nhưng dậy mùi yêu thương. Nếu có một tấm vé về tuổi thơ, xin cho tôi một vé về khu vườn mùa hạ năm ấy.
Bầu trời mùa hạ trong kí ức của một đứa trẻ lúc nào cũng xanh trong, cao vời vợi và rộn rã tiếng chim, tiếng ve kêu râm ran. Bầu trời mùa hạ ấy lại xanh hơn, cao hơn và rộng hơn sau những cơn mưa rào. Tôi rảo bước trong khu vườn trước nhà để lượm nhặt những trái xoài nằm sõng soài dưới đất mà ngày hôm qua còn lúc lỉu trên cành cao. Những trái xoài vàng ươm, béo mập rơi xuống nhưng kì lạ không một vết thương, vẫn bóng bẩy, thơm lừng. Nếu không nhặt kịp những trái xoài, hoặc bỏ qua vài trái đã lủng, phần thịt xoài nát tươm lại nuôi cho hạt mầm thành cây. Những cây con mọc lên lại ăn nắng vàng, nước trời, khoáng chất mà dang tay cho những trái xoài treo ngược mình trên những tán cành khỏe khoắn, chắc nịch. Vòng đời tái sinh trong khu vườn. Một cá thể ngã xuống, một cá thể vươn cao.
Khu vườn đẹp nhất là vào những ngày hạ sau cơn mưa như thế. Đương nhiên không phải chỉ vì những trái xoài rụng, mà cây cối trong vườn đều được tắm gội sạch sẽ, thơm mùi cỏ cây và đất thịt. Ngày bé, đứng dưới gốc nhãn lồng trong vườn nhà, đẩy thật mạnh vào thân cây cho “mưa” một lần nữa là một trò vui vô cùng. Cha mắc cho tôi một chiếc xích đu nhỏ dưới một cành nhãn to, mỗi lần chơi đu là mỗi lần nhãn chịu những vết hằn xấu xí trên thân thể. Nhưng sau đấy, xích đu bị đứt, chỉ còn mẩu xích còn sót lại lủng lẳng trên cành. Thỉnh thoảng trèo lên cây vặt nhãn xanh giấu cha, tôi vẫn lấy chân tì vào đó cho khỏi ngã. Thế mà một lần trèo nhãn không xuống được, tôi vẫn gọi cha bế xuống và đương nhiên là bị mắng. Nghĩ lại bây giờ vẫn thấy, ước gì lại trèo lên cao và có người đỡ xuống. Dù bị mắng cũng cam lòng.
Những ngày hạ nóng nực và oi nồng lúc nào cũng khiêu khích lũ ve râm ran trong vườn. Chúng sẽ bậu đến, bất cứ cây nào cho chúng nhựa, ca hát bài ca gọi bạn tình. Nhưng lũ trẻ như tôi chỉ coi đó là một cách tìm ra hang ổ của chúng, vì ve ít khi đi riêng lẻ. Lũ ve thật thính nhạy, chỉ một tiếng loạt soạt dưới chân cũng khiến chúng tắt tiếng và đỏng đảnh bỏ đi. Nhưng chúng cũng thật ngốc, vì khi vợt ve chạm đến người chúng, chúng đã vội giãy giụa đập cánh hoảng hốt trong lớp ni-lông mà không nhìn thấy lối ra vẫn mở. Lũ ve sầu có màu nâu đậm như cafe, nhỏ nhỏ cỡ ngón cái, lũ ve đá thì to lớn hơn, nhưng tiếng kêu ọ ọ rất chói tai. Thân hình ve rất tinh vi. Đầu chúng vằn vện những hoa văn điêu khắc trông đến là kì quái. Những chấm đỏ trên đầu giúp chúng tôi đoán được đâu là ve chúa. Những cánh ve dài, trông mỏng nhưng khỏe khoắn. Tôi đã nghĩ phải có nghệ nhân nào vẽ hoa văn cho chúng từ độ mùa xuân, để đến hạ chúng được dịp khoe sắc trên những cành lá xanh như thế. Nếu bắt được một chú ve câm, nhiều đứa sẽ thả chúng đi. Lũ trẻ trong xóm chuyên bắt ve vào những trưa hạ oi nồng, khi người nhà ngủ hết và khi trời rất lặng. Niềm tự hào nhất khi đó là bắt được một chú ve đen. Những chú ve đen chẳng to hơn ve sầu, nhưng mặc áo đen bóng lộn rất kiêu sa và tiếng kêu “y y” rất khó nghe, khó bắt. Thế mà lũ chúng tôi, rồi ai cũng có lần bắt được chú ve đen ấy. Cầm chú ve nhỏ trong tay, vuốt ve tấm lưng trần của chú, tôi nghĩ rằng, đó là giây phút tuyệt vời nhất của một đứa trẻ, và có khi của một con người. Nhưng năm qua năm, từng đứa một trong tốp đi “săn ve” ngày ấy, theo cha mẹ lên thành phố, lũ ve không khiến tôi cảm động nữa. Ai rồi cũng lớn, tôi tự hỏi lũ ve ấy có lớn không?
Những cá thể trong khu vườn dường như không cô độc như cá nhân trong cuộc bình sinh mà luôn là một mắt xích quan trọng trong quần xã của mình.
Khi còn nhỏ, ta gắn bó với thiên nhiên hơn bao giờ hết, khi đó, ta là một sinh thể nguyên thủy, tinh khôi, không vướng bận, thiên nhiên là bầu sữa thứ hai; xã hội với những mối quan hệ người – người đã bứt ta khỏi bầu sữa mẹ và cả bầu sữa tinh thần ấy, nên mối liên hệ mới lỏng lẻo đến độ nhiều người tưởng đã đứt hẳn. Nhưng tôi nghĩ không hề. Những gì đã qua thì còn mãi trong tâm trí con người. Tuổi thơ tôi cũng vậy. Tuổi thơ của bạn thì sao?
P/S: Bài viết tự lâu, nhân ngày đông ảm đạm lật giở ra xem. Hông có ngờ ngày xưa mình viết dễ thương thế🙂 không có kì bí dị hợm như bây giờ kaka.