Nửa cuối tháng 4/2022, Thư viện Cội Rễ đã có chuyến đi tiền trạm tại Púng Luông để khảo sát về khả năng thành lập thư viện và tổ chức các hoạt động khuyến đọc cho các em nhỏ từ 11-15 tuổi. Chuyến tiền trạm thu về được những kết quả như sau:
1, Thực trạng:
Theo số liệu nhà trường cung cấp, tại xã Púng Luông có 380 em học sinh khối THCS và 419 em thuộc khối THPT. Đa số các em nhỏ theo học tại trường là con em người dân tộc H’mong sinh sống tại địa phương. Trong tổng số các em học sinh có khoảng 253 em theo chế độ nội trú tại trường, các em còn lại thì sinh sống ở gần trường. Vào các ngày trong tuần, do tình trạng thiếu giáo viên nên các em sẽ chỉ tham gia các lớp học buổi sáng; buổi chiều sẽ tự vui chơi sinh hoạt với các bạn, thường sẽ chơi các trò chơi như bóng.đá, bóng chuyền, cầu đá, cầu lông,... Một tuần các em sẽ đi học từ Thứ Hai tới sáng Thứ Bảy, chiều thứ Bảy và Chủ Nhật sẽ được về nhà và sáng Thứ Hai lại quay lại trường.
Về cơ sở hạ tầng tại trường học: Hiện tại, trường học có thư viện, nhưng số lượng sách không đa dạng, hầu hết là sách giáo khoa cũ. Ngoài ra, thư viện trường không có hỗ trợ để các bạn nhỏ ngồi đọc sách tại thư viện, hay có bất kì một phòng đọc nào khác đáp ứng nhu cầu đọc sách.
Về hiện trạng tiếp cận sách của các em nhỏ: 89,47% các em nhỏ không được tiếp cận với sách. (Ngoại trừ một lớp có giáo viên chủ nhiệm vốn là một người thích đọc sách và lan tỏa niềm yêu thích đọc sách). Điều này tức là dù các em nhỏ có muốn, hay đã nhen nhóm sự yêu thích với sách cũng không có điều kiện hay cơ hội để được tiếp xúc với sách, chưa nói đến việc đa dạng thể loại sách.
2, Đánh giá:
Nhóm dự án nhận thấy Púng Luông là nơi phù hợp để có thể gắn bó trong giai đoạn tới bởi các lý do sau:
Dự án có được sự ủng hộ từ phía Nhà trường: Nhà trường có Ban giám hiệu kì cựu và gần như không có sự luân chuyển giáo viên; 2/3 giáo viên lâu năm là người bản địa.
Chính quyền địa phương, ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình.
Các em nhỏ ít có cơ hội được tiếp cận với sách hay một hình thức tiếp nhận kiến thức khác ngoài sách giáo khoa.
Các em có không gian (trường học) và thời gian (các buổi chiều, buổi tối, giờ ra chơi) để hình thành thói quen đọc sách.
3, Định hướng giải pháp
Về mục tiêu:
- Dự án thống nhất thực hiện khuyến đọc lâu dài tại Púng Luông trong khoảng thời gian là 3 năm.
- Dự án sẽ kết nối với cộng đồng địa phương, có được sự ủng hộ của cộng đồng để tiến hành dự án.
Về định hướng:
Xây dựng thư viện cộng đồng tại trường THCS ở Púng Luông.
Thành lập câu lạc bộ sách tại trường.
Tổ chức khuyến đọc tại trường học và về bản khuyến đọc với nhóm nhỏ.
Hình ảnh thực tế tại địa điểm dự tính đặt thư viện
Với kết quả tiền trạm trên, Thư viện Cội Rễ sẽ tiến hành các chương trình và hoạt động phù hợp với các em nhỏ tại Púng Luông, bắt đầu bằng việc xây dựng thư viện tại trường học vào chương trình tháng 7/2022.
Để Cội Rễ lại được tiếp tục hành trình của mình một cách trọn vẹn, hi vọng rằng mọi người sẽ lại dõi theo và ủng hộ dự án trên chặng đường sắp tới.