Thế giới có gần 7 ngàn triệu người đang sống, cộng với vô số lần hơn như vậy số người đã sống và đã chết. Là một hạt bụi trong lịch sử rộng và dài này, làm sao chúng ta có thể nói được một câu nào chưa có người từng đã nói?
Làm sao để sáng tạo?
Chúng ta viết một câu, ví dụ như: “Cái đẹp có thể thay đổi thế giới”; ví dụ như: “All you need is love.” Một câu lớn lao mà chúng ta nghĩ ra chứ không phải đọc được, nghĩ ra giữa cơn bất tỉnh trong sự nhỏ nhoi tuyệt đối chứ không phải trong niềm hưng phấn về một tài năng hay tầm vóc nào của mình. Câu ấy đúng. Câu ấy thật. Câu ấy đến từ sự chiêm nghiệm trên da thịt thật chúng ta đã trải qua. Chúng ta viết câu ấy ra.
Không ai buồn đọc cả. Vì sao?
Vì người ta đã nghe ai khác nói câu đó một ngàn lần rồi.
Vì một câu kết luận không phải là một bắt đầu, không gợi lên nên cũng không để lại thứ gì cả.
Chúng ta làm gì với câu đó bây giờ?
Sinh ra sau và giữa bao nhiêu là người, chúng ta còn có thể nói gì mà nó không phải là một sự lặp lại. Không muốn lặp lại, không lẽ số phận của chúng ta là chết đi trong im lìm?
Chúng ta vẫn có thể nói câu ấy, đúng từng chữ một, nói và lặp lại hai hoặc hai trăm hai mươi hai lần, mà vẫn có người nghe, nếu chúng ta nói bằng một cái tượng, một bức tranh, một bản nhạc hay một câu chuyện được kể bằng phim hay bằng chữ. Hoặc bằng cách mình sống. Và kể lại một nghìn lần vẫn không lặp lại. Chúng ta muốn nói về sự thật, nhưng sự thật không tên, không dáng và không màu, nên không tả được. Muốn người xem tranh nhìn thấy ánh sáng, chúng ta đặt một thứ gì đó trên đường đi của ánh sáng: mắt người chỉ nhìn thấy đồ vật được rọi sáng, chứ không thấy ánh sáng. Để nói về sự thật, chúng ta dựng nên không gian và thời gian, những con người, những tình huống được sự thật đó soi sáng, chứ không thể mô tả sự thật.
Chúng ta vẽ một bức tranh lớn bằng cả một bức tường, hoặc viết một cuốn tiều thuyết năm trăm trang, chỉ để viết một câu duy nhất chúng ta cần viết. Nhưng ở cuối chuyện, sau bao nhiêu ngày và đêm vô tận và vất vả, khi thời khắc đã đến để chúng ta có thể viết được câu kết luận, thì chúng ta lại thôi không viết. Tự do cuối cùng của người đọc, không lẽ chúng ta lại cướp đi hay sao?
Sự thật chỉ có một, nhưng những câu chuyện làm cho chúng ta cảm nhận – dù nắm lấy được trong tay hay chỉ nghe thoảng một mùi hương về sự thật – thì vô tận. Tất cả các câu chuyện chỉ kể một câu chuyện. Vì thế cho nên có nghệ thuật.