Tặng các em, những đứa em mang tên ver 9, của một nơi tên là “Sông Mã”.
Em này, nhiều lúc chị thắc mắc: Tại sao mỗi chúng ta lại đều mang một cái tên?
Theo Wikipedia: Tên là thuật ngữ được dùng để nhận dạng. Nó dùng để xác định một con người, một sự vật hoặc một bối cảnh nhất định. Một cái tên cá nhân xác định cụ thể một người duy nhất và định danh giá cá nhân.
Chắc không vào Wikipedia thì chị cũng không biết định nghĩa của cái tên phức tạp như vậy. Chị chỉ biết rằng, mỗi chúng ta khi sinh ra trên đời đều có một cái tên. Cái tên dường như là thứ theo ta suốt cuộc đời này, từ lúc chào đời đến lúc đi về nơi xa. Có lẽ vì vậy mà bố mẹ luôn đặt hết những gì đẹp nhất, kỳ vọng nhất vào tên của mình, mong mình lớn lên mạnh khoẻ, hạnh phúc và bình yên.
22 tuổi, chị tự hào, biết ơn vì tên của mình. Nó có cả họ ông bà nội, ông bà ngoại, họ bố mẹ chị. Tự hào vì cái tên theo chị lớn lớn, theo chị trong suốt những năm tháng cắp sách đến trường. Biết ơn vì cái tên luôn nhắc nhở chị về một nơi bình yên chẳng hề xa xôi. Cảm ơn vì cái tên luôn khiến chị là mình, là “duy nhất” trên những con đường chị đã đi qua.
22 tuổi, chị còn nhớ nhiều về những cái tên. Những cái tên đã nhẹ nhàng, chầm chậm hoặc lướt nhanh đi qua chị, đó là tên của những con người, là tên của những miền đất, là tên của kỷ niệm, của ký ức…
Trong cuộc đời mỗi người, chắc chắn sẽ có những cái tên rất đặc biệt, những cái tên mà dù 10 hay 20 năm sau này, em sẽ vẫn nhớ mãi: tên của mối tình đầu, tên đứa bạn thân nhất, tên của trường học đầu tiên… Những cái tên đến như là một bước ngoặt trong cuộc đời chúng ta vậy.
Năm chị 18 tuổi, chị đột nhiên bắt gặp cái tên ấy. “Sông Mã” – một cái tên mà chị sẽ không bao giờ quên và không bao giờ hết biết ơn nó. Ở Sông Mã, chị còn được dạy về hàng chục, hàng trăm cái tên khác; những cái tên rất đỗi quý giá với chị.
Cái tên đầu tiên chị được dạy ở Sông Mã là ver 1, ver 2,…ver 7,…ver 9. Đấy là cách gọi từng thế hệ. Ver – cho chị biết đây là những đồng đội mình, những người bạn cùng thế hệ mình. Cho dù em có rất nhiều nhiều người đồng đội khác trong Sông Mã thì những người anh chị em cùng ver vẫn luôn là điều kỳ diệu nhất. Chị đã tưởng tượng bọn chị như là những đứa con cùng được sinh ra từ người mẹ “Sông Mã” vậy. Các chị là ver 7 – là người con thứ 7 trong đại gia đình mình.
Chị không biết nó bắt đầu từ bao giờ, nhưng khi vào Sông Mã, dường như ai cũng có tên gọi riêng của mình. Nào là Lu, Nấm, là Xà Nu, Vãi, Ngu, Ngơ, là Chân to, Kave hay thậm chí là Chí Phèo 1, Chí Phèo 2…Có thể khi nghe những cái tên này, em sẽ thấy bình thường lắm, nhưng với chị, nó là rất nhiều kỷ niệm thân thương. Danh bạ điện thoại của chị không bao giờ có chữ Sờ Mờ, chỉ là Sep, là Sứa, là Thương Thương, là anh Béc, là Kave Anh, là cụ Bông,…là những cái tên có thể chỉ mình chị hiểu hoặc ai cũng hiểu. Chị sẽ nghĩ về họ qua những cái tên mà chị luôn ghi nhớ. Giờ này, chập chững vào nơi đây, có thể các em sẽ thấy xa lạ, nhưng tin chị đi, rồi các em cũng sẽ có những cái tên của riêng mình – Những cái tên chỉ cần vô tình được nhắc đến, cũng khiến em mỉm cười an yên, nhiều lắm.
Sông Mã còn cho chị biết về tên của những miền đất rất đẹp: Thái Nguyên, Đức Thông, La Pán Tẩn, Công Sơn, Tà Xùa… Nếu ai đó nghĩ, những địa danh này quen thuộc lắm, cũng chỉ là một vùng đất trên cái bản đồ hình chữ S thôi, thì với chị, nó là cả một vùng trời “ước mơ”. Gọi tên “ước mơ” vì nó mang cho chị động lực để làm, để đi qua khó khăn; nó khiến chị biết mong chờ, biết cố gắng vì một điều gì đó không phải cho riêng mình. Nghe thì có vẻ to lớn nhỉ? Nhưng ngẫm lại thì đơn giản lắm mà. Một điều khó giải thích, chỉ có thể cảm nhận một khi đã trải qua.
Không chỉ vậy, những nơi này còn dẫn chị đến những cái tên khác: Chinh, Pủa, Lồng, Cê, Ka, Mận, Dua, Hột Mít… Những bông hoa của đá, làm sao có thể quên?
Có ai còn nhớ mặt sau của tờ rơi tuyển quân ver 8, ver 9 là một loạt những cái tên: Phượt, tiếp sức mùa thi, ghibli, Nối liền một dải Việt Nam, rock… Là văn hóa, là những nét rất riêng của Sông Mã đó em.
Gần đây chị được xem một bộ phim của Hàn Quốc, có một cảnh là cả gia đình cùng ngồi xem World Cup vào năm 1994. Trong phim, cả gia đình đã cùng mặc áo cờ Hàn Quốc, cùng cổ vũ bóng đá và hét vang: “Đại Hàn Dân Quốc vạn tuế”. Chắc hẳn cái tên Hàn Quốc lúc đó được nhắc đến thật tự hào, thật vẻ vang. Chị cũng nhớ ở đất nước ta, khi kình ngư Nguyễn Ánh Viên xuất sắc đạt huy chương cho môn bơi lội tại Sea games 28, 2015 – tất thảy mọi người dù trong nước hay ngoài nước đều hô to cái tên Việt Nam. Ngày Quốc Khánh của nước mình, qua facebook, chị biết rất nhiều những người bạn ở nước ngoài đã mặc áo cờ Việt Nam, tự hào khoe với bạn bè năm châu về một Việt Nam kiên cường, bất khuất. Hay như lúc tối, chị vừa đọc được một bài báo viết về Dự án Cơm 5000 ở Thái Nguyên hỗ trợ đồng bào người Mông tại huyện Võ Nhai – Thái Nguyên trồng hoa tam giác mạch để cải thiện kinh tế, cái tên Thái Nguyên lúc này chợt thương nhớ hơn bao giờ trong chị, dù nay chị đang ở một nơi cách nó hơn 80km. Thế nên em à, lòng tự hào dân tộc, tự hào về đất nước, quê hương đến từ những điều thật nhỏ vậy thôi.
Những cái tên này, là vô giá.
Hôm phỏng vấn ver 9, có một câu hỏi thế này:
– Điều gì làm nên một ngày hoàn hảo của em.
– Điều bất ngờ.
Trong số vô vàn những câu trả lời khác nhau thì thì đây là câu chị nhớ nhất. Chị đã hỏi lại em:
– “Nếu điều bất ngờ đó không phải là điều vui, thì tại sao với em nó lại là hoàn hảo?”
Các em biết bạn ấy nói gì không?
– “Với em, bất ngờ nghĩa là niềm vui rồi ạ”
Chị không biết em quá ngây thơ hay quá lạc quan, nhưng chị nghĩ nhiều về nó lắm. Cảm phục em vì càng lớn, chị càng sợ những sự bất ngờ. Giống như những cái tên, chị thích nghĩ về những điều giản đơn trong cuộc sống của mình hơn. Một ngày hoàn hảo trong chị là ngày được ở gần những cái tên thân thuộc, được gọi, được nghe, được sống trong đó. Tại sao chúng ta cứ phải nghĩ về những nỗi niềm xa xôi, mà lại bỏ lại những gì nho nhỏ mà gắn chặt nhất trong cuộc đời mình?
Có những lúc ngồi một mình, bất giác chị mỉm cười khi nghĩ về ai đó. Tất cả gợi cho chị nhiều mảng ký ức đa âm thanh, đa màu sắc, mờ ảo, rất gần mà cũng lại rất xa.
Này, ver 9, đã sẵn sàng hoà tên mình vào dòng chảy chung lớn lao kia chưa? Để rồi, ngày mai, chị cũng lại thấy những cái tên này rất thân thương, rất nhớ.
Chị chỉ đang sợ, một ngày nào đó không còn được nghe về những cái tên rất gần này. Vì thế, có những cái tên, chỉ mong được “nghe” mãi!
Hôm nay tôi nghe có con chim về gọi
Về giữa trời về hót giữa đời tôi.
Hôm nay tôi nghe
Tôi cười như đứa bé
Mới lớn lên giữa đời sống kia.
Tôi thấy màu xanh hát trong lời gió
Và thấy bình minh thắp trên ngọn lá.
Tôi thấy ngày thật lạ
Xao xuyến từng nỗi nhớ.
Cho nên tôi yêu trái tim không nặng nề
Những con tim bạn bè bao la.
_(Hôm nay tôi nghe _ Lê Cát Trọng Lý)__
HoangDamLuongThuy@Tinker@20151021
__