Em ngại ngùng xòe đôi bàn tay. Tôi nắm tay em, thật nhẹ. Tuổi nhỏ mà bàn tay em sao lớn thế, những ngón tay căng nhưng chẳng mịn, thô ráp và ngăm ngăm. La Pán Tẩn mùa này, rẻo cao nắng chưa vàng ruộm, lúa cũng chưa xanh đồng. Có chăng vẫn là màu đất, màu sương gió núi rừng sạm đôi bàn tay em?
Là đôi bàn tay, xách chiếc cặp lồng chằng dây chun đen, cần mẫn bước chân trên con đường dài tới lớp. Đứng nhìn hàng cặp lồng xanh đã cũ treo ngay ngắn cuối lớp học, cô giáo kể tôi mà ánh mắt xa xăm. Đâu chỉ là bữa cơm trưa với muối trắng, rau rừng em mang trên tay, cặp lồng nhỏ còn là hạt gạo mẹ cấy trên nương, nuôi các em chắc bụng, để no con chữ mỗi ngày.
Là đôi bàn tay, chẳng còn đau khi bám chặt vào vỏ cây khô ráp, ôm bó củi vào lòng. Đứng ở phân trường Tà Chí Lừ, giữa tiếng đọc bài ê a trong lớp học nhỏ, xót lòng khi nhìn mấy em bé ngang qua sân, trong tay em chẳng phải vở bút, mà trông kìa, những bó củi ngang người. Vai gầy gồng lên, như thể cái nặng, cái nhọc thành quen, những ánh mắt vẫn tinh nghịch, liếc nhìn chúng tôi, bẽn lẽn giấu nụ cười.
Ấm lòng khi nhìn những đôi bàn tay cầm cây bút nắn nót viết, như nâng niu cả niềm vui tới lớp và giấc mơ học trò. Ở vùng cao này, em nào vóc dáng cũng thật nhỏ, có chăng vì thế mà trông bàn ghế dường như cao thật cao. Tấm lưng cong cong, đầu cúi sát, thương em mà như cũng rạo rực tin vào ngày mai sáng hơn, tương lai chính đôi bàn tay các em đang ấp ôm và nuôi lớn từng ngày.
Dù trường thật bé nhưng ước mơ thật to
Vui sao khi điểm trường nào ở La Pán Tẩn cũng rộn ràng tiếng ca, tiếng hát mộc và trong vắt, như suối, như rừng hòa trong tiếng vỗ nhịp nhàng của những đôi tay nhỏ. Bình yên.
Nhớ lời thơ trong “Nói với con” của Y Phương:
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông, như suối
Lên thác, xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con…”
Tôi rất thích bức ảnh hai em khoác vai nhau, thấy vững vàng cho những ngày tháng tới. Bàn tay em, dù thô mùi bùn, vị đất nhưng vẫn hồn nhiên đặt lên vai rồi nắm lấy nhau vượt qua những ngày gập ghềnh, để mai này cứng cáp. Mai này, những bàn tay nhỏ sẽ lớn, sẽ dang rộng mà che chở bản làng, những bàn tay sẽ mang thảo quả, sơn tra vang xa, để có một ngày, quê hương sẽ tự hào vì những đôi bàn tay sạm màu núi rừng ấy.
Và mảnh đất này, nơi tôi đã thấy, không phải một bàn tay nhỏ nằm ngoan ngoãn trong một bàn tay lớn, mà là một bàn tay lớn nép chặt trong những ngón tay nhỏ xíu xòe căng, cái khoảnh khắc nguyên sơ đến lạ.
Trong lớp các em đang học bài, tôi ngồi một góc sân nhìn một lũ nhỏ đang nghịch bên vũng nước, chân tay lấm lem, má kia hây hây lẫn đất khô. Mấy đứa bé ùa chạy đi, riêng em cứ đứng, mắt trân trân nhìn. Tôi khẽ vẫy tay, bước chân lẫm chẫm chạy lại. Bất chợt tôi xòe bàn tay ra, tưởng tượng cảnh có một bàn tay bé xíu sẽ rụt rè đặt lên đợi tôi nắm lấy. Ơ kìa, năm ngón tay nhỏ đặt xuống dưới, xòe căng, cố nắm trọn mấy ngón tay tôi, như là muốn bao bọc. Tôi nhìn em cười, không nói. Em nghiêng nghiêng đầu, mắt xoe tròn rồi nhìn quanh, tay giữ chặt chẳng rời. Bàn tay tôi trắng và sạch tinh còn bàn tay em lấm lem những đất. Có điều gì muốn nói với chị trong ánh mắt, đôi tay kia thế em bé nhỏ? “Người ta cần nhau nên đến với nhau, hay đến với nhau và chợt nhận ra cần nhau đến vậy”…
Ngày về, Thư đứng bên cây cột đợi chúng tôi. Tôi hỏi em “Em đi học về sớm thế à?”, “Không, em đi ruộng về.” Có tiếng nhạc từ trong túi áo em, đâu phải tiếng nhạc dặt dìu của người Mông, là bài hát người lớn nào đó, nặng và buồn đến lặng. Ngắt vội cành hoa dại, đưa vào tay tôi… Trên con đường đèo trở về, anh kể tôi câu chuyện của em, lời anh dặn em đi học, đừng vội lấy chồng, bỗng thấy buồn mênh mang. Mong mùa hè áo xanh trở lại, xanh lúa, xanh lớp, xanh cả khoảng trời bỏ ngỏ nơi em.
Nhớ giây phút khi bao ấp ủ của người đồng đội nghẹn ngào trong lời nói “ Mày lên đấy nắm tay các em hộ tao nhé!”, dọc đường đi, tôi cứ xòe hai bàn tay mình, khẽ rờ từng ngón tay. Chỉ muốn con đường đi ngắn lại, để ngày về ấy, tôi sẽ chạy đến mà nắm tay bạn tôi, thật lâu, thật chặt và lặng yên…
Tôi đã thấy ở La Pán Tẩn, điều kỳ diệu mang tên “Đôi bàn tay”.