TTCT - Họ là những thiểu số, rất trẻ, chọn lựa một lối sống khác, đi ngược dòng chảy nhập cư đô thị chủ đạo lâu nay. Những câu chuyện của họ tràn ngập khó khăn và vất vả, nhưng quả quyết và tự tin, bày tỏ một quan niệm nhân sinh mới đáng chú ý và tôn trọng. Từ-phố-về-quê với họ không chỉ là sự chuyển dịch từ điểm A đến điểm B mà là từ bỏ một lối sống và lựa chọn một lối sống. Liệu họ có thể khởi đầu một trào lưu sống tích cực mới mà tâm điểm là thái độ “biết đủ là đủ”, đóng góp xây dựng lại sự cân bằng cho hệ sinh thái và các cộng đồng người?
Bức tranh "Thôn quê" của họa sĩ Rifi Chandra
Tôi thuộc thế hệ sinh ra sau năm 1975. Lứa chúng tôi được trải nghiệm cuộc sống thành thị sau chiến tranh, cái gì cũng thiếu thốn: thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cả nước sạch để xài... Lũ trẻ con khu phố tôi ngoài việc học hành, làm việc nhà thì đều phải “lo việc nước”: xếp hàng lấy nước, khiêng nước, chở nước… Làm sao thì làm, miễn có đủ nước cho cả gia đình sinh hoạt. Có lần tôi hỏi bố: “Nếu lại có chiến tranh, mất điện, mất nước thì làm sao sống hở bố?”. Ông bảo: “Thì về quê!”.
Ra vậy, cứ chiến tranh thì về quê, thì vào rừng. Mấy nơi ấy mới có cái mà xơi, mới có nơi mà trú ẩn. Thời bình thì người ta cứ kìn kìn phá rừng, bỏ quê ra phố. Tôi cũng như bao người trẻ khác, chỉ biết đến quê vào những dịp hè, khi có cơ hội thì đều muốn ở phố. Từ nông thôn ra thành phố. Từ thành phố nhỏ sẽ chuyển ra thành phố lớn. Từ thành phố lớn sẽ muốn đến thành phố siêu lớn. Nông thôn cứ thế “rỗng” dần!
Nhưng vài năm trở lại đây, tôi chứng kiến một “lạch” di-dân-ngược từ-phố-về-quê. Nhỏ thôi, nhưng đây đang là một dòng chảy tồn tại song song với dòng di dân chủ-đạo từ-quê-ra-phố.
Quan sát dòng chảy từ-phố-về-quê, một cách chủ quan, tôi thấy có thể tạm chia làm 5 nhóm:
Nhóm 1: làm nông như một cách để giải tỏa tâm lý.
Nhóm 2: làm nông như một thú vui.
Nhóm 3: làm nông như một cách kiếm sống.
Nhóm 4: làm nông như một lối sống, tự cấp tự túc tối đa.
Nhóm 5: không chỉ làm nông như một lối sống mà còn có hàng hóa đưa ra thị trường.
Nhóm 1 và nhóm 2 chiếm đại đa số. Nhóm 3 khá đông. Thành công cũng có, nhưng tỉ lệ thất bại cũng cao.
Nhóm 4 đang nhiều dần lên. Những bạn có gia đình ở nông thôn bắt đầu bỏ việc về sống với gia đình, và làm việc trên chính mảnh vườn của gia đình thay vì đi kiếm việc làm. Một khi đã có đất đai và có người lớn trong nhà làm nông, lại sẵn lòng tạo điều kiện cho bạn làm nông thì đây là một lựa chọn an toàn nếu bạn thật sự thích cuộc sống ở nông thôn. Việc tự cung tự cấp với người “biết đủ là đủ” thì không khó lắm. Áp lực lớn nhất khi sống theo lối này là phải nghe những điều “người ta nói”.
Nhóm 5 hiện ít người nhất. Tuy nhiên, tôi nhận thấy có một số người thuộc nhóm 5 phát triển từ nhóm 3 và nhóm 4. Có người bắt đầu với kiếm sống, sau đó coi nông nghiệp thuận tự nhiên là lối sống của mình. Có người bắt đầu với lối sống và cần học thêm các kỹ năng khác để có thể đưa sản phẩm ra thị trường.
Chúng ta cùng gặp một số nhân vật thuộc nhóm 4 và nghe câu chuyện của chính họ.
BÙI BẢO TRANG (sinh năm 1993, Hà Nội)
Mình mở cửa hàng Nhặt lá đá ống bơ được bốn năm. Mình học nhuộm chàm từ mẹ của bạn mình là người Mông, học bằng cách cô làm gì thì mình làm đấy, cô bảo mình làm gì thì mình làm đó. Việc nhuộm chỉ làm trong 2-3 tiếng một ngày, còn lại mình giúp việc nhà: băm rau cho lợn, tẽ ngô cho gà, nhổ cỏ, bẻ ngô, hái rau... Nhà cần giúp việc gì thì mình làm việc ấy. Mọi người sẽ rủ đi làm cùng, việc gì cũng rủ nhau. Mình làm được đến đâu thì làm. Người ta không quan trọng năng suất của mình đâu, chỉ cần cùng nhau làm là được.
Bùi Bảo Trang (Ảnh: Hằng Mai)
Từ những ngày đầu tự thử nhuộm vải đến bây giờ là một hành trình thật dài, nhưng dù mỗi ngày đều lặp đi lặp lại các việc giống nhau, mình vẫn học thêm được nhiều điều mới. Mình tự làm từ công đoạn giũ vải, nhuộm rồi may sản phẩm, gần đây thì tự trồng một phần nguyên liệu và dệt. Mình nghĩ nếu không làm từ đầu đến cuối như vậy thì không thể hiểu và giải quyết các vấn đề mình gặp phải.
Mọi người thường hỏi vì sao mình không làm nhiều và nâng quy mô lên, nhưng Nhặt lá... giống như một việc mình làm cho bản thân hơn. Thu nhập của mình ở mức tối thiểu, vừa đủ chi trả các sinh hoạt phí. Mỗi tháng mình chỉ tiêu hết 2-2,5 triệu đồng, kể cả tiền thuê nơi bán đồ ở Hà Nội. Bù lại, mình có nhiều thời gian ở gần thiên nhiên, lắng nghe thiên nhiên và suy nghĩ về bản thân, về những điều mình thực sự mong muốn.
Mình nhận ra mình gần như không có nhu cầu mua sắm thêm gì, không cần dùng nhiều tiền nên đã quyết định rời thành phố đến các nông trại để tự trồng rau ăn, tự chăm chút cho cuộc sống của bản thân. Mỗi hai tháng mình mới về Hà Nội một lần. Sau này nếu hợp nơi nào, mình sẽ ở đấy hẳn, trả lại nhà thuê ở Hà Nội.
Bạn mình vẫn mắng mình bán đồ nhuộm chàm rẻ quá. Nhưng mình không nỡ bán cao giá. Mình muốn bán cho những người có lối sống giống mình. Giả sử các bạn làm vườn, làm các việc không ra nhiều tiền mà cần dùng đến các đồ như thế này, nếu giá cao quá thì các bạn ấy không có cơ hội được sử dụng. Bạn mình lại bảo: “Như vậy không tương xứng với giá trị của đồ thủ công”. Mình nghĩ giá trị của đồ là ở người làm. Người ta cảm thấy bao nhiêu là xứng đáng thì được rồi.
Những món đồ chàm mà Trang nhuộm.
Mình hi vọng được sống trong một cộng đồng mà mọi người đều tự làm một thứ gì đấy, tự trồng trọt, chăn nuôi, tự làm nội thất, đồ gia dụng, làm quần áo... rồi chúng mình đổi đồ cho nhau. Hồi đầu năm, khi ở một nông trại, mình hay sửa quần áo cho các cô các chị ở đây, đổi lấy trái dứa ăn, quả nhỏ xíu mà ngon xuất sắc. Thời gian vừa rồi, mình phụ một người bạn sửa nhà, mình đổi công, bạn nuôi mình ăn...
Mọi thứ nhắc mình nhớ là trước khi có máy móc, tất cả đều được làm ra bằng đôi bàn tay con người. Nên gần đây Nhặt lá đã nhận đổi sản phẩm với những thứ các bạn hoặc gia đình các bạn tự làm. Mình rất háo hức khi đổi được xoài, lạc, mơ muối, rong biển, được cả hai quyển sách mà mình đã tìm từ lâu. Và hi vọng có thể gặp thêm được nhiều bạn cùng đường, nhiều điều thú vị mới trong hành trình đổi đồ này.
NGUYỄN ĐĂNG NHẬT (Sinh năm 1991, Điện Bàn, Quảng Nam)
Mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông cận nghèo, theo đạo Phật, trên vùng đất phù sa Gò Nổi, khi xưa hằng năm đều có lụt lội. Tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật năng lượng và môi trường, mình đi làm hai năm theo đúng chuyên ngành đã được đào tạo, nhưng vẫn cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa.
Mình nghỉ việc để dành thời gian nhìn lại chính mình. Trong khoảng thời gian đó, mình đã tự hỏi: “Sao mình không tự làm ra nông sản cho mình dùng mà phải đi kiếm tiền rồi lại phải mua chúng, trong khi nhà mình cũng có đất sản xuất và nhu cầu của mình không quá nhiều?”.
Kể từ đó, mình tìm tòi học hỏi khắp nơi để học cách làm nông hiệu quả. Và mình gặp cuốn Cuộc cách mạng một cọng rơm. Sau khi đọc một lèo xong cuốn sách, mình tin tưởng rằng mình có thể trồng được nông sản để tự cung tự cấp cho gia đình một cách đơn giản nhất.
Biết chắc gia đình sẽ phản đối việc làm nông, nên mình xin bố mẹ ở nhà làm vườn vài tháng để học tiếng Anh, rồi sau này tiếp tục đi làm. Một thời gian sau, khi thấy có cơ hội bán được rau mình trồng, mình mới nói với gia đình về quyết định làm nông của mình.
Khó có cha mẹ nào đón nhận việc con mình đi học hết cơm hết gạo rồi tay trắng về làm nông cuốc đất. Mình đã nhiều lần tranh luận với bố mẹ về việc này. Có lần còn nổi nóng về vấn đề thực phẩm bẩn “con người tha hóa đạo đức rành rành thế thì mình lao đầu vào đấy làm chi?”. Thấy mình quyết liệt, một mực làm nông không hóa chất, bố mẹ cũng chịu một phen “để nó làm xem sao”.
Nhật thu hoạch và sơ chế rau vào sáng sớm
Sự nghiệp bán rau của mình bắt đầu vào tháng 7-2017. Những khách hàng đầu tiên của mình là bạn bè thời đại học và các bạn ăn thuần thực vật giống mình. Dần dà đến nay, mình có nhóm khách hàng thân thiết tầm 60 anh chị em. Mỗi tuần mình thu hái, gói rau bằng lá chuối rồi chở xe máy giao đến tận nhà cho khách trong bán kính 4-40km từ nhà mình. Vừa được trồng trọt, vừa có thực phẩm tươi ngon, lại bán được giá, mọi người nhận rau ai cũng vui.
Ngoài cung cấp rau củ quả các loại ra, mình chia sẻ với mọi người ngũ cốc và trái cây theo mùa nhà trồng, cả các món chế biến nhà làm như chuối mít phơi khô, dầu phộng.
Gia đình mình gồm bốn người với 5.000m2 đất canh tác, bao gồm cả đất nhà và đất thuê. Mình dành ra 1.000m2 làm vườn rừng. Với 800m2 đất ruộng, canh tác 2 vụ lúa/năm, nhà mình thu được trên dưới 600kg lúa khô. Cả gia đình dư ăn quanh năm. Rau, đậu, ngô, khoai, sắn, cà, bí… nhà trồng dư ăn. Đồ nhà trồng hương vị thơm ngon và đậm vị hơn hẳn, các món rau củ muối chua, lên men trong nhà lúc nào cũng có.
Nay nhà mình chỉ phải mua muối, đường, tương hạt, đồ khô các loại. Dùng nhiều tiền nhất là các dịp cúng giỗ, đám tiệc - điều mà mình mong muốn sẽ giảm từ từ. Mỗi tháng, cá nhân mình chỉ phải chi tiêu 200.000-500.000 đồng tiền xăng nên ít chịu áp lực tiền bạc.
Vừa làm vừa học hỏi, mình theo dõi các bạn làm nông tự nhiên khác, nhận ra là làm vườn rừng đa loài và đa tầng tán mới thực sự bền vững. Từ giữa năm 2018, mình dành thời gian đến thăm vườn của các bạn. Mình đã hoàn toàn bị thuyết phục và hứng thú với con đường này. Đầu năm 2019, mình bắt đầu thực hành làm vườn rừng.
Tháng 5-2019, mình tạm thời ngưng việc bán rau sau gần hai năm “hành nghề” để phân bổ lại thời gian sống cho chính mình và tìm hướng đi mới. Mình dành nhiều thời gian cho khu vườn rừng và đầu tư cho vườn rau bền vững hơn. Trước đây, giống rau mình phải đi mua là chính, nay mình sưu tầm phát triển rau bản địa lưu niên, rau dại được khoảng 15 loại và vẫn đang tiếp tục sưu tầm giống.
Mình hướng đến việc cắt khoảng cách giữa vườn và người mua rau ngắn lại, càng gần vườn càng tốt, bán rau cho khách dạng “thuê bao”, theo mùa. Và mỗi năm, mùa đông, mình sẽ nghỉ tiết nông nhàn 2 tháng.
Mình tâm đắc và thực hành lối sống “thiểu dục tri túc”, nghĩa là ít ham muốn cho bản thân và biết đủ, biết ơn mọi thứ trên đời! Mình ngày càng vui hơn, được mọi người yêu thương hơn và mình biết yêu thương hơn. Mình cứ làm vườn và hoàn thiện chính mình, để trở thành một con người biết sống có trật tự với tự nhiên.
BA CÔ GÁI (TRẦN THỊ SEN, sinh năm 1989), HOÀNG LÊ NHUNG, sinh năm 1990), PHẠM TRẦN NGỌC HẠNH, sinh năm 1992), VƯỜN MƠ, TÂN PHÚ, ĐỒNG NAI)
Về vườn thì sống bằng gì? - Đó là câu hỏi mà tôi nhận được rất nhiều lần trong suốt gần hai năm kể từ khi về vườn.
Tôi và bạn mình quyết định về vườn sau bốn năm cùng làm việc trong một cơ quan nhà nước. Hai đứa nghỉ làm, đi học làm vườn, sau đó tìm mua đất. Chúng tôi không có nhiều tiền. Việc mua vườn có sẵn nhà cửa, điện nước, cây cối giúp chúng tôi không phải đầu tư gì quá nhiều ngoài tiền mua đất. Chúng tôi xác định rõ ràng ngay từ ban đầu là hai năm đầu tiên ở vườn sẽ chỉ có chi mà không có thu. Cho nên việc quan trọng là: Làm sao để ít phải tiêu tiền?
Ba cô gái trong khu vườn của mình
Mua bất cứ thứ gì chúng tôi cũng suy nghĩ rất kỹ. Chỉ mua khi cần, chứ không mua vì thích. Vì vậy, mọi khoản chi tiêu đều hợp lý. Mỗi tháng chúng tôi cần 2 triệu đồng là đủ mọi khoản chi tiêu trong vườn, dư một chút để phòng khi có việc hoặc lâu lâu đi chơi đây đó. Việc hiểu rõ nhu cầu về tiền bạc của mình giúp ích rất nhiều cho việc lên kế hoạch, sắp xếp giữa làm vườn và kiếm tiền sau này. Chúng tôi mày mò tự làm mọi thứ có thể để không phải dùng đến tiền - những thứ mà tôi tin rằng chúng tôi làm được thì ai cũng làm được.
Ưu tiên số một là tự chủ lương thực. Vừa về vườn là chúng tôi trồng ngay các loại đậu hạt, các loại củ, các loại rau trồng-một-lần-ăn-nhiều-lần mà không mất nhiều công chăm sóc. Kết hợp với vài loại rau dại tự mọc theo mùa trong vườn là cũng tự túc được kha khá thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày. Là nông dân nên chúng tôi cần phải chủ động nguồn giống. Cứ kiếm được giống tốt nào là lại cố gắng trồng và giữ giống.
Chúng tôi tự làm các loại gia vị (sa tế, muối ớt, muối tiêu…), đồ ăn lên men (cà pháo, dưa muối…), bánh, mứt, rượu trái cây, siro chế biến từ mấy thứ có trong vườn để dùng. Khu vực chúng tôi sống có mấy bạn cũng làm vườn rừng, nên chúng tôi trao đổi nông sản với nhau. Nhà nhiều chuối thì đem chuối đổi khoai với nhà nhiều khoai. Vậy là vừa được ăn đa dạng mà không mất công trồng nhiều, lại không bị dư thừa phải lo tìm cách giải quyết.
Đi thăm bạn bè chúng tôi cũng chỉ tặng đồ mình trồng được, làm được. Trước khi đi đâu, chỉ cần dòm vào mấy cái hũ đựng đồ dự trữ, có gì thì mang đó như gói hạt tiêu, gói đậu đen, đậu đỏ… Tết đến, chúng tôi tự làm nhiều loại mứt, vài loại trà lá thu hái trong vườn (lạc tiên cho người hay mất ngủ, hoa cúc mui, trinh nữ, cỏ xước…) và cả bột ngũ cốc nữa, gói thành từng phần đem tặng cô dì chú bác trong nhà, kể thêm câu chuyện thì ai ai cũng thích.
Chúng tôi mày mò học đóng bàn ghế, kệ để đồ, giá treo quần áo… từ những thanh gỗ cũ, cành cây nhặt nhạnh trong vườn, ngoài đường hay xin gỗ bỏ đi từ xưởng mộc gần nhà. Có những món đồ được bạn bè đến chơi rồi đóng cho làm kỷ niệm.
Gánh quà sáng của ba cô gái_
Lúc đầu, dụng cụ nhà bếp của bọn tôi có mỗi cái nồi cơm điện cũ và mấy cái chén. Sau đó, bạn bè cho mấy món đồ cũ. Rồi những món quà tặng “tân gia” theo yêu cầu để sự cho tặng trở nên ý nghĩa và hữu dụng. Không mua sắm gì nhiều mà cũng đủ đồ dùng.
Chúng tôi ngâm enzyme từ vỏ trái cây trong vườn để giặt giũ, rửa chén bát, tẩy rửa nói chung. Bồ kết và mấy loại lá cây là quá tốt cho một mái tóc khỏe đẹp. Đánh răng thì dùng lá trầu không nghiền với chanh muối, hoặc bột than tre cho thêm lá bạc hà, một xíu muối là sạch bong. Đun nấu thì dùng bếp củi. Mùa mưa thì hứng nước mưa dùng. Mùa khô thì trữ nước giặt rửa để tưới rau. Do làm vườn rừng nên nhà tôi không phải tưới vườn nhiều trong mùa khô.
Năm đầu tiên chúng tôi thực hành làm vườn và các kỹ năng cần thiết để ổn định cuộc sống. Chúng tôi chưa kiếm được tiền từ khu vườn, nhưng vườn đã cho chúng tôi rất nhiều niềm vui.
Sang năm thứ hai, tiền để dành cũng cạn, chúng tôi tìm cách có đồng ra đồng vào. Có lúc chúng tôi đã nghĩ đến việc một người về lại thành phố kiếm tiền, một người ở lại làm vườn. Nhưng thành phố không còn hợp với chúng tôi nữa, nên ý định đó sớm bị gạt bỏ. Có rất nhiều lời khuyên và ý tưởng về việc kiếm tiền, nhưng giờ làm gì chúng tôi cũng cân nhắc xem việc đó có xả rác không, có ảnh hưởng đến hệ sinh thái không. Sau khi xem xét mọi thứ, từ tình hình vườn đến lối sống mình chọn, chúng tôi quyết định bán nông sản sạch ở các phiên chợ do bạn bè tổ chức: một phiên ở Sài Gòn và một phiên ngay tại địa phương.
Chúng tôi làm vườn rừng, vườn nhỏ mà trồng đa dạng mỗi thứ một ít, kết hợp cây ăn trái với cây rừng, cây ngắn hạn với cây dài hạn. Vì vậy, vườn nhiều loại cây trái nhưng mỗi loại ngoài đủ ăn thì chỉ dư rất ít nên không thể bán buôn hoặc cung cấp thường xuyên cho các cửa hàng thực phẩm sạch được. Phiên chợ kiểu này phù hợp với những khu vườn như của chúng tôi. Vườn có gì chúng tôi bán nấy, kèm thêm một số sản phẩm thủ công và chế biến tự làm.
Tuy nhiên, do là chợ phiên nên có khi cả mấy tháng mới tổ chức một lần. Chúng tôi tiếp tục kiếm nguồn thu nhập khác. Nhưng làm gì để không đi quá xa, quá khác so với lối sống mà chúng tôi lựa chọn: sống tối giản, giảm thiểu rác thải? Lúc này, cơ duyên đem đến cho chúng tôi một thành viên mới, một cô gái nhanh nhẹn, giỏi giang, tháo vát, thích nấu ăn. Sau một hồi cân nhắc tới lui, chúng tôi chọn “buôn thúng bán bưng”. Ba chị em quyết định gánh thúng xôi và tủ bánh quê nhỏ ra chợ địa phương bán. Để gói đồ cho khách, chúng tôi dùng lá chuối và túi giấy tái chế (dùng giấy bỏ đi mà tôi xin được từ cơ quan của bạn bè ở thành phố rồi tự gấp làm túi).
Gánh quà sáng với những món đồ tự đóng_
Gánh hàng đã giúp chúng tôi trang trải cuộc sống hằng ngày và sử dụng được chuối, khoai mì ở vườn làm nguyên liệu làm bánh. Dần dần, khách ghé sạp nhỏ của chị em chúng tôi quen với việc không túi nilông, có vài khách mang hộp theo đựng. Một chị khách nói chị thích cách không dùng túi nilông lâu lắm rồi mà không ai làm cả, nên “có tụi em làm chị rất thích và sẽ mua dài dài”. Những khi ấy, chúng tôi vui lắm.
Bán hàng là lựa chọn ngắn hạn phù hợp đến khi chúng tôi có đủ thu nhập từ khu vườn. Tới đây, chúng tôi có câu trả lời cho câu hỏi đầu bài: chúng tôi sống nhờ vườn, nhờ cộng đồng địa phương, nhờ năng lực của chính mình!
VŨ CÔNG DÂN (Sinh năm 1992, KIM SƠN, NINH BÌNH, NINH BÌNH)
Tôi từng có quãng thời gian sống và làm việc 3 năm ở Nhật. Trước khi về nước, tôi đặt câu hỏi “khi về mình sẽ làm gì?”. Anh bạn rất thân của tôi bên Nhật khuyên: “Em hãy dành một hai năm tìm công việc mà em thật sự yêu thích, việc đi làm sẽ giống như đi chơi, như anh em mình hay đá banh thôi!”.
Mọi người hay khen tôi có duyên bán hàng nên khi về nước, tôi chọn công việc bán hàng ở Hà Nội để thử sức. Sau một năm bán hàng ở Hà Nội, tôi nhận thấy cuộc sống ở Hà Nội rất nhiều mối lo về sức khỏe - thứ mà có tiền cũng không mua được. Tôi muốn về quê sống.
Tôi gặp một anh có cơ hội ở lại nước Nhật nhưng đã chọn về Việt Nam sinh sống ở quê cùng bố mẹ. Anh nói “việc ở gần với bố mẹ và trò chuyện được mỗi ngày là một niềm hạnh phúc lớn”, và “anh đã cảm nhận được nhiều niềm vui tuyệt vời”. Câu chuyện của anh giúp tôi thêm vững tin về quyết định về quê và ở gần bố mẹ.
Đầu năm 2018, tôi rời phố về quê. Khi về quê sống, tôi biết đến các anh chị em khác đang làm vườn, được nhận những lời chia sẻ bổ ích giúp tôi củng cố lựa chọn sống ở quê. Rồi tôi tâm sự với bố mẹ để thuyết phục các cụ đồng ý việc tôi về quê sống. Tôi cứ thủ thỉ: “Con muốn sống gần bố mẹ”. “Con muốn trồng nhiều cây ăn trái trong vườn nhà mình để cho con cháu sau này hưởng”. “Con sẽ tự chủ được kinh tế nên bố mẹ yên tâm”. Bố mẹ nghe xuôi xuôi, đồng ý việc tôi về quê dù vẫn hơi lo lắng.
Thời gian đầu tôi dành để quan sát vườn, đọc sách, nấu ăn. Rồi tôi cấy lúa, nuôi gà, gieo rau, gieo đậu. Tôi học thêm các kỹ năng làm vườn, trồng cây. Loại trái cây nào mà người thân thích ăn là tôi mua hoặc xin hạt về trồng: mít, ổi, na, nhãn, xoài, cóc, vải, chuối, đu đủ…
Tôi có nhiều kỷ niệm với khu vườn của một gia đình trong xóm. Bọn trẻ con chúng tôi hồi đó mê khu vườn đầy cây trái ấy lắm. Tôi mong để lại cho con cháu mình một khu vườn như vậy. Tôi kết nối với các anh chị em làm vườn rừng ở miền Bắc, hiểu hơn về mô hình và vững tin hơn. Đầu năm 2019, tôi có người bạn đời đồng hành. Chúng tôi cùng hướng tới khu vườn rừng.
Khu vườn nhà khoảng 1.500m2, với mảnh ruộng 5 sào Bắc Bộ liền kề vườn sau và ao cá trước nhà rất thuận lợi cho việc tự cung tự cấp. Ruộng lúa sau nhà thuận tiện cho việc trồng theo phương pháp lúa - vịt. Hai bố con tôi đã thực hành canh tác lúa - vịt được hơn một năm rồi.
Mẹ Dân đan cói_
Mẹ tôi có nghề đan cói từ hồi còn trẻ, nhưng đã bỏ nghề một thời gian dài. Sau hơn một năm tôi về quê, đến nay khu vườn đòi hỏi ít thời gian hơn, tôi thuyết phục mẹ đan lại, tôi chịu trách nhiệm bán hàng.
Sân phơi các sản phẩm cói của nhà Dân
Thu nhập chính của gia đình tôi hiện nay đến từ “nghề phụ” - các sản phẩm từ cói như túi cói, thảm cói... Sản phẩm từ vườn hầu hết dành cho việc phục vụ nhu cầu gia đình, phần dư ra gửi đi cho các anh chị em trong gia đình. Hiện tại, nhà tôi rất ít khi phải đi chợ. Thực phẩm tự cung tự cấp đến 80-90%: lúa, gạo, rau, quả, cá, gà, vịt, ngan, ngỗng, trứng, mắm cá, mắm chua... Cuộc sống thật đủ đầy!
GIA ĐÌNH HUY-VY (NGUYỄN KHẮC HUY, sinh năm 1989, LẠI HỒNG VY sinh năm 1991) VƯỜN NHÀ VỊT, ĐỒNG NAI.
Hai đứa mình về vườn đến nay được ba năm.
Ban đầu, Huy xin bố mẹ một góc vườn ở xa nhà nhất để làm. Chúng tôi bắt đầu với những thứ thiết yếu cho cuộc sống, từ cây rau, bụi sả, củ khoai đến khóm tre, cây ăn quả, cây rừng. Các loại giống chủ yếu là đi xin, phân tự ủ, nên hầu như chỉ bỏ công và thời gian. Sau một năm cặm cụi, bắt đầu dư ăn, có bán. Hái ớt hiểm hai tiếng mới được một ký mang ra chợ bán lấy 50.000 đồng, hay thức khuya bó rau xếp quả mang lên Sài Gòn bán ở phiên chợ, hoặc gửi cho mấy người khách thân quen…
Sau mấy tháng nhặt nhạnh như thế, chúng tôi thấy chỉ cần siêng năng thì tiền kiếm mỗi tháng vài triệu, bằng người ta đi làm công nhân trên thành phố, sống khỏe được rồi. Kiếm ít tiền hơn, tiêu ít tiền hơn, tự làm ra nhiều thứ để dùng hơn, dành được nhiều thời gian cho bản thân và gia đình hơn.
Bên cạnh việc tự xoay xở, chúng tôi cũng được mọi người giúp đỡ nhiều. Khi mới về, bố mẹ cho mượn đất và chia sẻ kinh nghiệm làm nông; sang nơi ở mới thì được bạn cho ở nhờ đất của nông trại, được thu hái những gì có sẵn cho nhu cầu của gia đình; được bác hàng xóm thương, cho rau quả nhà bác trồng; anh em bạn bè có công chuyện gì thì tới giúp, có gì ngon cũng đem cho.
Bạn bè tới giúp họ lợp mái nhà
Chúng tôi nghĩ trước đây mọi người vẫn sống nương tựa vào nhau như vậy thôi mà. Ở với gia đình một thời gian, chúng tôi ra riêng. Ở chốn mới, mọi thứ bắt đầu lại. Muốn ít phụ thuộc vào tiền hơn thì cần có nhiều kỹ năng. Huy tự làm nhà để ở, làm vườn để tự chủ thực phẩm, mày mò đóng một số đồ đạc để dùng.
Để có đồng ra đồng vào, anh nhận làm công ngày cho nông trại nơi chúng tôi ở, làm thìa gỗ lúc nông nhàn. Tôi lo chuyện nội trợ và chăm con. Có người nhìn vào thấy chúng tôi dư dả, nhưng cũng có người nhìn vào ái ngại “sao các bạn phải kham khổ vậy?”. Cái “đủ” của mỗi người mỗi khác. Chẳng thể đem tiêu chuẩn nào ra để đánh giá, chỉ có thể tự nhìn vào trong xem mình đã hài lòng hay chưa mà thôi.
Cách sống của chúng tôi trong mắt nhiều người vốn đã là cực đoan, thường thì nhiều người nói khi có con cái rồi sẽ không sống như thế được nữa. Đến nay, con chúng tôi đã gần 10 tháng, chúng tôi càng thấy lựa chọn lối sống này là đúng, không chỉ cho mình mà còn cho con nữa.
Có con, chúng tôi lại càng cảm thấy mình muốn, mình cần và mình phải sống sao để không tiêu dùng vào tương lai của con, không muốn bản thân được hưởng thụ sự thoải mái dựa trên những mất mát mà con và thế hệ sau này sẽ phải gánh chịu. Dù chọn sống như thế nào thì cũng phải có lòng tin vào sự lựa chọn ấy. Lối sống chúng tôi chọn trước và sau khi có con không thay đổi, dù những thách thức cho mỗi giai đoạn là không giống nhau.
Bé con nay đã 10 tháng tuổi của Huy-Vy chơi cùng cha trong vườn
Mỗi ngày bế con đi dạo, ôm con ngủ trên vai, chơi cùng con, ngắm nhìn con lớn khôn từng chút, tôi tự nhủ sẽ vì con mà kiên định trên con đường hướng tới cuộc sống tự cấp tự túc và không rác thải. Tương lai là hoa cỏ mọc lên từ mảnh đất hiện tại mình đang chăm sóc mà thôi.
Họ đã từ-phố-về-quê như thế.
Họ có thể là bất cứ ai, độc thân hay đã lập gia đình, có con cái hay không. Họ có thể đến từ bất cứ nơi nào. Họ có thể sở hữu đất đai hay ở nhà cha mẹ, hoặc ở nhờ đất của người khác. Họ có thể lựa chọn làm bất cứ việc gì ở nông thôn: nhuộm vải hay trồng rau, bán đồ cói tự đan hay làm bánh, bán xôi ở chợ địa phương, làm công nhật hay làm thìa gỗ…
Đó không phải là chuyện chuyển dịch chỗ ở hay thay đổi công việc, mà là sự lựa chọn một lối sống khác - lối sống tối giản, tự cấp tự túc tối đa. Một lối sống “nhẹ gánh” cho chính họ và “nhẹ nợ” hơn cho hành tinh này.
Trong những ngày này, khi dịch viêm phổi Vũ Hán hoành hành ở Trung Quốc và lan ra trên toàn thế giới, chúng ta ai cũng đặt ra những câu hỏi về sự an nguy của chính mình, của gia đình và xã hội. Và không chỉ các câu hỏi về bệnh dịch và thuốc chữa trị, hẳn sẽ có những câu hỏi về lựa chọn lối sống của mỗi cá nhân. Ta chọn hướng nào? Chọn nền kinh tế toàn cầu hay địa phương? Chọn những đại đô thị triệu dân với lực lượng người tiêu dùng đông đảo - một thị trường tiêu thụ lớn, nhưng phụ thuộc hoàn toàn nguồn lực từ bên ngoài hay những cộng đồng nhỏ tự cấp tự túc của những người sản xuất? Chọn thay đổi chính mình hay trông chờ sự đổi thay từ bên ngoài?
Ông Bill Mollison, cha đẻ khái niệm Permaculture (*), từng nói: “Sự thay đổi lớn lao nhất mà chúng ta cần thực hiện là chuyển từ tiêu thụ sang sản xuất, thậm chí chỉ ở quy mô nhỏ, trong chính khu vườn của mình. Nếu chỉ 10% chúng ta làm thế thì đã đủ cho tất cả mọi người rồi”.
Ta có dám chọn sự thay đổi ấy? Hay ít nhất, tôn trọng và ủng hộ những người chọn sự thay đổi ấy?
(*): Nông nghiệp trường tồn (permanent agriculture) là sự thiết kế và duy trì hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp có sự đa dạng, ổn định và khả năng phục hồi giống hệ sinh thái tự nhiên. Đó là một hệ thống tích hợp hài hòa giữa cảnh quan và con người nhằm cung cấp thực phẩm, năng lượng, nơi trú ẩn và những nhu cầu vật chất cũng như phi vật chất cho một lối sống bền vững của con người..■
Những câu hỏi khác
Đọc mấy chuyện này thấy địa đàng trần gian quá? Họ có gặp thử thách, có bị tổn thương không?
- Vô vàn! Thách thức đến từ chính họ: ngưỡng đủ của mình ở đâu? Năng lực của mình tới đâu? Thách thức đến từ gia đình, hàng xóm, bạn bè, xã hội; đến từ đất đai nghèo kiệt, ô nhiễm; đến từ hệ sinh thái kiệt quệ. Họ chọn con đường khó đi và ít người đi được.
Liệu họ sống như thế được bao lâu?
- Tôi không biết. Nhưng tôi biết những người biết lấy ngắn nuôi dài thường đi được xa. Bạn thấy đấy, họ đều có sự chuẩn bị, từ thu nhập ngắn hạn đến các kỹ năng để chuẩn bị cho hành trình của mình!
Họ có đông không?
- Tôi không biết. Bạn có thể thấy dòng chảy, nhưng bạn khó mà biết được có bao nhiêu khe nước đã và sẽ làm nên dòng chảy đó.
(Mai Thị Thúy Hằng, người sáng lập Xanhshop - đơn vị dịch và xuất bản cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm)``