Olga Tokarczuk, Diễn từ Nobel Văn chương 2018
Người kể chuyện trìu mến
1.
Bức ảnh đầu tiên tôi chủ động ngắm nhìn có ý thức là của mẹ hồi trước khi bà sinh ra tôi. Chẳng may nó là một bức ảnh đen trắng, tức nhiều chi tiết đã không còn, mà thay vào đó chỉ là những dạng hình xám xịt. Ánh sáng mềm mại lắm, và mù mịt như màn mưa, khả năng cao là ánh sáng trong tiết xuân, và chắc hẳn là thứ ánh sáng thấm qua khung cửa sổ, ôm ấp căn phòng bằng một sự rực rỡ có như không. Mẹ tôi đang ngồi cạnh chiếc máy thu thanh cũ kĩ, loại có một con mắt xanh lục và hai núm vặn – một cái để điều chỉnh âm lượng, cái còn lại để dò đài. Chiếc máy thu thanh sau này trở thành người bạn tuổi thơ vô cùng gắn bó của tôi; nhờ nó tôi mới biết được sự tồn tại của vũ trụ. Vặn chiếc nút đen tuyền là có thể dịch chuyển những cái râu ăng–ten mỏng mảnh, và trong phạm vi của chúng là cơ man các đài phát thanh khác nhau – Warsaw, London, Luxembourg và Paris. Tuy nhiên, thi thoảng âm thanh sẽ yếu dần, cứ như ở lưng chừng Prague và New York, hay lấp lửng giữa Mátxcơva và Madrid, những cái râu ăng–ten lại sẩy chân rơi vào các lỗ đen. Mỗi lần chuyện như thế xảy ra, tôi lại thấy lạnh sống lưng. Tôi tin rằng biết bao hệ mặt trời và dải ngân hà đang trò chuyện với tôi qua chiếc máy thu thanh này, răng rắc và re ré và gởi gắm những thông tin quan trọng cho tôi, nhưng tôi thì chẳng thể giải mã chúng.
Khi còn nhỏ tôi hay nhìn bức ảnh đó, và đinh ninh rằng mẹ đang tìm kiếm tôi khi mẹ vặn chiếc núm trên máy thu thanh. Cũng như một ra–đa cực nhạy, bà xé toang cõi vô tận của vũ trụ, cố gắng tìm hiểu xem tôi sẽ ra đời khi nào, và từ đâu. Mái tóc và trang phục (với chiếc cổ thuyền khoét rộng) cho tôi biết thời gian bức ảnh được chụp, chính là vào đầu những năm sáu mươi. Ánh nhìn xa xăm hướng khỏi khuôn hình, người phụ nữ với dáng lưng cong cong đã nhìn thấy thứ gì đó mà kẻ sau này mới ngắm nhìn bức ảnh không tài nào nhìn thấy. Khi hãy còn là một đứa trẻ, tôi mường tượng rằng bà đang nhìn xuyên thời gian. Không có gì thật sự xảy ra trong bức ảnh cả – chỉ là một bức ảnh của một trạng thái, chứ không phải là một quá trình. Người phụ nữ trông buồn bã và có vẻ đang đi lạc trong dòng suy tưởng của mình – có vẻ đang đi lạc.
Sau này, khi tôi hỏi bà về sự buồn bã ấy – tôi hỏi vô số lần, và luôn nhận được một câu trả lời duy nhất – mẹ tôi bảo rằng bà buồn bã vì tôi chưa được sinh ra, nhưng bà đã thấy nhớ tôi rồi.
“Làm sao mẹ có thể nhớ con khi con còn chưa được sinh ra chứ?” tôi hỏi thế.
Tôi biết rằng nếu bạn nhớ một người mà bạn đã đánh mất, sự nhung nhớ ấy là một hiệu ứng của nỗi mất mát.
“Nhưng cũng có thể hiểu theo cách khác mà,” bà trả lời. “Nhớ một người tức là người đó đã hiện hữu ở đấy rồi.”
Cuộc trò chuyện ngắn ngủi, ở nơi nào đó tại vùng quê miền tây Ba Lan vào những năm cuối thập niên sáu mươi, cuộc trò chuyện giữa mẹ và tôi, đứa con bé bỏng, vẫn luôn ngự trị trong trí nhớ tôi và vun đắp sức mạnh đủ cho cả một đời. Vì nó đã nâng sự tồn tại của tôi vượt lên trên sự hữu hình của thế giới, vượt lên trên sự ngẫu nhiên, lên trên nhân quả và quy luật xác suất. Bà đặt sự tồn tại của tôi nằm ngoài thời gian, trong vùng lân cận ngọt ngào với sự vĩnh hằng. Trong tâm trí non nớt của tôi, tôi hiểu rằng tôi còn hơn cả những gì mình từng tưởng tượng. Và rằng thậm chí nếu tôi nói “Con đang bị lạc,” thì tôi vẫn bắt đầu bằng hai từ “Con đang” – hai từ quan trọng nhất và kỳ lạ nhất trên đời.
Và người phụ nữ trẻ chưa từng theo một tôn giáo nào – mẹ tôi – đã cho tôi thứ từng được gọi là linh hồn, để rồi trang bị cho tôi người kể chuyện trìu mến tuyệt vời nhất trên thế gian.
2.
Thế giới là một mảnh vải mà chúng ta mỗi ngày dệt nên trên khung cửi vĩ đại của thông tin, luận bàn, phim ảnh, sách vở, lời bàn tán, và những giai thoại con con. Ngày nay phạm vi hoạt động của những khung cửi này thật lớn lao – nhờ Internet, hầu như ai cũng có thể góp phần vào tiến trình, nhận một phần trách nhiệm hoặc là không, yêu mến và căm phẫn, tốt lên và xấu đi. Khi câu chuyện này thay đổi, thế giới cũng đổi thay. Theo cách này, thế giới được dệt nên từ con chữ.
Cách ta nghĩ về thế giới và – có lẽ quan trọng hơn cả – cách ta kể về nó cũng vì thế mà có một sức nặng khủng khiếp. Một sự việc xảy ra và không được kể lại sẽ không tồn tại và tan biến. Đây là một sự thật quá đỗi quen thuộc không những với các nhà sử học mà (có lẽ hơn ai hết) còn với mọi loại chính trị gia và bạo chúa. Người nắm giữ và thêu dệt nên câu chuyện chính là người nắm quyền kiểm soát.
Ngày nay dường như vấn đề của chúng ta nằm ở chỗ vẫn chưa có những câu chuyện sẵn sàng không chỉ cho tương lai, mà còn cho một hiện tại vững chắc, cho sự chuyển mình siêu tốc của thế giới ngày nay. Chúng ta thiếu ngôn ngữ, thiếu quan điểm, những phép ẩn dụ, những câu chuyện thần thoại và ngụ ngôn. Nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy được những nỗ lực lộ liễu để tận dùng những câu chuyện rỉ sét, lỗi thời từ lâu đã không còn khả năng khiến tương lai phù hợp với các quy chuẩn xã hội của ngày mai, và vì vậy, hẳn nhiên ngụ ý rằng cái cũ mà ra ngô ra khoai hãy còn tốt hơn cái mới mà chẳng ra cơm cháo gì, hoặc cố gắng bám víu vào cách này để đối phó với sự hạn hẹp trong tầm nhìn của mình. Nói ngắn gọn, chúng ta còn thiếu vắng cách thức mới mẻ để kể câu chuyện của thế giới.
Chúng ta sống trong một thực tế của những câu chuyện kể theo ngôi nhất phức điệu, và cái tiếng ồn phức điệu ấy bao vây ta bốn phương tám hướng. Ngôi thứ nhất theo góc nhìn này của tôi chính là loại truyện chỉ chăm chăm quay quanh cái tôi của người kể, mà người kể chuyện ấy không ít thì nhiều chỉ viết về bản thân và thông qua bản thân. Chúng ta quả quyết rằng góc nhìn được cá thể hóa như vậy, giọng nói của cái tôi, là tự nhiên, nhân văn và thật thà nhất, ngay cả khi nó xa rời góc nhìn toàn cảnh. Thế là ta quan niệm, kể theo ngôi thứ nhất chính là dệt nên một kiểu mẫu độc đáo, vô tiền khoáng hậu; đó cũng là sự tự giác cá thể, ý thức về bản thân và số phận của mình. Nhưng như vậy cũng đồng nghĩa với việc vun đắp sự đối kháng giữa cái tôi và thế giới, và sự đối kháng ấy đôi khi lại đào hố sâu ngăn cách.
Tôi nghĩ lối tự sự theo ngôi thứ nhất vô cùng đặc trưng cho nhãn quang đương thời, khi cá thể đảm đương vai trò trung tâm chủ quan của thế giới. Nền văn minh phương Tây phần lớn được hình thành trên nền tảng đó, phụ thuộc vào sự khám phá cái tôi, tạo nên một trong những thước đo thực tại quan trọng nhất. Ở đây, con người là diễn viên chính, và sự phán xét của anh ta – dù chỉ là một trong muôn vàn – luôn được tiếp thu một cách nghiêm túc. Những câu chuyện kể bằng ngôi nhất được xếp vào những khám phá hàng đầu của nền văn minh nhân loại; chúng được đọc với một sự sùng bái và tin tưởng tuyệt đối. Khi chúng ta nhìn thế giới qua cặp mắt của một cái tôi độc đáo, loại chuyện kể này sẽ xây dựng một sợi dây kết nối đặc biệt với người kể, và anh ta yêu cầu người nghe hãy đặt mình vào vị trí độc nhất vô nhị của anh.
Những gì chuyện kể theo ngôi thứ nhất đã làm cho văn học và nói rộng ra là cho cả nền văn minh nhân loại là tối quan trọng – chúng đã hoàn toàn thay đổi bộ mặt của câu chuyện về thế giới, để nơi đây không còn là chỗ cho anh hùng và thần thánh hô mưa gọi gió và chúng ta chỉ có thể khoanh tay đứng nhìn, mà đã trở thành một nơi cho những người như chúng ta, với những câu chuyện quá khứ rất cá nhân. Vậy nên việc cảm nhận mối giao tình giữa những người giống chúng ta khiến giữa người kể chuyện và người đọc hay người nghe nảy nở một sự thấu hiểu với những tầng bậc cảm xúc khác nhau trên nền tảng thấu cảm. Và như vậy, về bản chất, sẽ khiến biên giới xích lại gần nhau, rồi xóa bỏ chúng; chúng ta dễ dàng lạc vào thế giới của một quyển tiểu thuyết với đường biên giữa cái tôi của người kể và của người đọc, và một quyển tiểu thuyết được gọi là “cuốn hút” thực chất là nhờ xóa mờ đường biên đó – nhờ vào độc giả, thông qua sự thấu cảm, trở thành người dẫn chuyện tạm thời. Vì vậy, văn chương đã trở thành mảnh đất diễn ra sự trao đổi trải nghiệm, một chốn tụ họp để ai cũng có thể kể về số phận của mình, hoặc mang tiếng nói đến cho phiên bản khác của mình. Chính vì vậy, văn chương là không gian dân chủ – ai cũng có thể nói, ai cũng có thể tự tạo cho mình một tiếng nói. Từ cổ chí kim, nhân loại chưa từng có nhiều văn sĩ và người kể chuyện đến thế. Chúng ta chỉ cần nhìn vào số liệu là tin rằng đó là sự thật.
Mỗi khi đến các hội sách, tôi đều nhìn xem có bao nhiêu quyển sách được xuất bản trên toàn thế giới liên quan đến vấn đề này – cái tôi của tác giả. Bản năng thể hiện dường như cũng mạnh mẽ như bao bản năng khác vốn luôn bảo vệ cuộc sống của chúng ta – và nó được hiển lộ đầy đủ nhất trong nghệ thuật. Chúng ta muốn được chú ý, chúng ta muốn cảm thấy mình phi thường. Những câu chuyện kiểu “Tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện của tôi,” hoặc “Tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện gia đình tôi,” hoặc đơn giản chỉ là “Tôi sẽ kể bạn nghe những nơi tôi từng đặt chân đến” đang chiếm thế thượng phong trong số các thể loại văn chương. Đây cũng là hiện tượng quy mô lớn vì ngày nay, chúng ta nhìn chung đều tiếp cận được văn bản, và nhiều người còn có khả năng thể hiện bản thân qua con chữ và câu chuyện, mà ngày xưa vốn từng chỉ dành cho một số ít. Oái oăm thay, tình huống này cũng giống như dàn đồng ca chỉ bao gồm các nghệ sĩ solo, giọng tranh giọng để được chú ý, tất cả đều đi đường giống nhau, chỉ chực dìm kẻ khác xuống. Chúng ta biết mọi thứ có thể biết về họ, chúng ta có thể đồng cảm với họ và trải qua nhiều cuộc đời như thể đó là cuộc sống thật của mình. Nhưng, rất thường xuyên, trải nghiệm của độc giả là không hoàn thiện và gây thất vọng, vì hóa ra cái “tôi” của tác giả lại chẳng thể đảm bảo tính phổ quát. Thứ chúng ta còn thiếu – có vẻ như thế – là chiều sâu của truyện ngụ ngôn. Bởi nhân vật chính của truyện ngụ ngôn vừa là chính anh ta, một người sống trong một thời kỳ lịch sử cụ thể và ở vị trí địa lý cụ thể, nhưng đồng thời anh ta cũng thoát ly khỏi những khuôn vàng thước ngọc, trở thành Người–điển–hình của Hoàn–cảnh–điển–hình. Khi một độc giả lần theo câu chuyện của một người trong một thiên tiểu thuyết, anh ta có thể đánh đồng với số phận của nhân vật được miêu tả và giả định tình huống đó là tình huống của chính mình, trong khi đối với truyện ngụ ngôn, độc giả phải dẹp bỏ hoàn toàn sự khác biệt cá nhân và trở thành Người–điển–hình. Trong tiến trình tâm lý lắm đòi hỏi này, truyện ngụ ngôn phổ quát hóa các trải nghiệm của chúng ta, quy đồng mẫu số bao số phận khác nhau. Việc chúng ta hầu hết đã đánh mất nhãn quan của truyện ngụ ngôn là minh chứng hùng hồn cho tình trạng bất lực hiện tại.
Có lẽ để không bị nhấn chìm trong vô vàn những cái tựa và họ tên, chúng ta đã bắt đầu xẻ thịt con thủy quái mang tên văn học thành những thể loại, mà chúng ta coi chúng như các môn thể thao khác nhau, và nhà văn cũng là vận động viên được đào tạo chuyên biệt.
Sự thương mại hóa thị trường văn chương nói chung đã dẫn đến sự chia tách thành các nhánh – giờ đây có các hội chợ và festival sách thể loại này hay kia, hoàn toàn tách biệt, tạo thành một nhóm khách hàng kiêm độc giả háo hức để yên vị với một quyển tiểu thuyết trinh thám, truyện kỳ ảo hay khoa học viễn tưởng. Một đặc điểm nổi bật của tình trạng này là thứ vốn chỉ dành để giúp người bán sách và thủ thư sắp xếp một số lượng đồ sộ sách vở lên kệ, và giúp độc giả tự định hướng trong sự muôn trùng của lựa chọn, lại biến thành những hạng mục trừu tượng không chỉ là nơi các tác phẩm vốn có được sắp xếp vào, mà tác giả còn dựa vào đó để bắt đầu nghiệp cầm bút của mình. Tác phẩm theo thể loại ngày càng trở nên một thứ khuôn bánh cho ra hàng loạt sản phẩm giống nhau, sự dễ đoán của chúng được xem như một đức tính, sự tầm thường của chúng là một thành tựu. Độc giả biết mình cần trông ngóng gì và nhận chính xác thứ mình muốn.
Tôi vẫn luôn theo trực giác mà chống đối lại những cấp bậc như thế, vì chúng sẽ giới hạn sự tự do của tác giả, sẽ dẫn đến sự ngần ngại không dám thử nghiệm và vượt qua giới hạn, vốn là phẩm chất trọng yếu của sáng tạo nói chung. Và chúng loại bỏ sạch sự lập dị ra khỏi quá trình sáng tạo, mà không có nó thì nghệ thuật sẽ lạc lối. Một quyển sách hay không cần tôn vinh mối liên kết với thể loại của nó. Sự phân chia thành thể loại là kết quả của việc thương mại hóa văn chương nói chung và hiệu ứng từ việc coi nó như một sản phẩm bày bán cùng với toàn bộ triết lý xây dựng thương hiệu và nhắm vào khách hàng cũng như các phát minh tương tự khác của chủ nghĩa tư bản đương đại.
Ngày nay chúng ta có thể thỏa mãn vô cùng khi chứng kiến sự trỗi dậy của một phương thức kể chuyện về thế giới hoàn toàn mới mà các bộ phim truyền hình mang đến, mà nhiệm vụ bí mật của chúng là đưa chúng ta vào trạng thái thôi miên. Dĩ nhiên phương thức kể chuyện này đã tồn tại từ lâu rồi, dưới hình thức truyện thần thoại và truyện thơ của Homer, và Heracles, Achilles hay Odysseus không nghi ngờ gì nữa chính là nhân vật chính đầu tiên của bộ truyện này. Nhưng phương thức này chưa từng chiếm chỗ hay ảnh hưởng sâu sắc đến sức sáng tạo cộng đồng đến thế. Hai thập kỉ đầu tiên của thế kỉ hai mươi mốt chính là lãnh địa của phim bộ. Ảnh hưởng của chúng lên phương thức kể chuyện về thế giới (và vì thế cũng ảnh hưởng đến cách ta hiểu câu chuyện) quả thật mang tính cách mạng.
Trong phiên bản hiện đại, phim truyền hình không chỉ kéo dài sự tham gia của chúng ta vào câu chuyện ở khía cạnh thời gian, tạo thành đa dạng các nhịp độ, nhánh rẽ và khía cạnh, mà đồng thời cũng tạo nên những quy tắc mới của riêng nó. Vì trong nhiều trường hợp nhiệm vụ của nó là thu hút sự chú ý của khán giả càng lâu càng tốt – câu chuyện trong phim truyền hình nhân rộng các sợi chỉ, bện chúng vào nhau một cách bất ngờ nhất đến nỗi khi không biết phải làm gì nó bèn dụng luôn cái kỹ thuật tự sự cổ xưa, từng được kịch nghệ cổ điển sử dụng, chính là Deus ex machina. Việc sáng tạo nên tập phim mới thường bao gồm một cú đại tu bộc phát toàn diện tâm lý nhân vật, sao cho họ ăn khớp vào quá trình phát triển tình huống của cốt truyện. Một nhân vật thoạt đầu hiền lành và rụt rè bỗng chốc trở nên đầy hận thù và bạo lực, nhân vật phụ lại thành vai chính diện, trong khi nhân vật chính, người mà chúng ta đã thấy thân thuộc, lại mất đi vị thế hay cuối cùng hoàn toàn biến mất, khiến chúng ta buồn bã vô biên.
Để phần tiếp theo có khả năng thành hình thế là cấp thiết phải bỏ ngỏ cái kết, cũng tức là không còn chỗ cho thứ huyền bí mang tên thanh lọc cảm xúc (catharsis) có thể diễn ra hay ngân vang cuồng nhiệt – thanh lọc cảm xúc, trước kia còn là trải nghiệm chuyển hóa nội tại, sự thỏa mãn và hài lòng đến từ sự tham gia vào các hành động trong câu chuyện. Chính cái sự phức tạp đấy – liên tục trì hoãn thành quả tức là sự thanh lọc cảm xúc – chứ không phải là cái kết, làm khán giả bị phụ thuộc, thôi miên cô ta. Fabula interrupta, được tạo ra từ xa xưa, và được đông đảo biết đến nhờ những câu chuyện của Scheherazade, giờ đây đã trở lại mạnh mẽ với phim truyền hình, thay đổi góc nhìn chủ quan của ta và tạo nên những hiệu ứng tâm lý kì quặc, giật ta ra khỏi cuộc đời mình và thôi miên ta như một chất kích thích. Đồng thời, phim truyền hình khắc tên nó vào nhịp điệu mới mẻ, thậm thượt và lộn xộn của thế giới, vào sự giao tiếp hỗn loạn, sự bất ổn và trôi chảy của nó. Hình thức kể chuyện này có lẽ là cách kiếm tìm một công thức mới sáng tạo nhất hiện nay. Vì vậy, có rất nhiều nỗ lực thật sự được bỏ ra trong phim bộ cho những câu chuyện của tương lai, cho việc tái cấu trúc câu chuyện sao cho phù hợp nhất với thực tiễn mới mẻ.
Nhưng trên hết, chúng ta sống trong thế giới có quá nhiều thông tin đối chọi và vô lý, cái này kịch liệt chống lại cái kia.
Tổ tiên chúng ta đã tin rằng việc tiếp cận tri thức sẽ không những mang đến cho con người niềm hạnh phúc, sự lành mạnh, sức khỏe và sự giàu có, mà còn tạo nên một xã hội bình đẳng và công bằng. Thứ còn thiếu trên thế giới này, theo họ, chính là tri thức phổ biến sẽ tự nhiên xuất hiện từ thông tin.
John Amos Comenius, nhà sư phạm vĩ đại của thế kỉ mười bảy, đã sáng tạo ra thuật ngữ “chủ nghĩa toàn tri,” tức là khái niệm về sự toàn trí toàn thức, về tri thức phổ quát có thể đạt được và bao hàm toàn bộ tất cả sự tri nhận có thể tồn tại. Hơn hết, đây cũng là giấc mộng về thông tin dành cho mọi người. Quyền truy cập thông tin về thế giới chẳng phải đã biến một anh bần nông mù chữ thành một người thấu suốt hiểu rõ về bản thân và thế giới xung quanh sao? Tri thức trong tầm tay chẳng phải có nghĩa rằng mọi người sẽ sáng suốt, rằng họ sẽ dẫn dắt cuộc đời mình bằng sự bình thản và thông tuệ sao? Khi Internet lần đầu xuất hiện, có vẻ như ý niệm này cuối cùng cũng trở thành hiện thực. Wikipedia, tôi ngưỡng mộ và ủng hộ nó, có thể đối với Comenius, cũng như bất cứ nhà triết học cùng chí hướng nào, là sự thỏa mãn giấc mơ nhân loại – giờ đây chúng ta có thể tạo và nhận một khối lượng thông tin đồ sộ không ngừng được bổ sung và cập nhật, khiến nó được tiếp cận một cách dân chủ từ bất kì nơi nào trên Trái Đất.
Giấc mơ thành sự thật thường cũng là giấc mơ gây thất vọng. Hóa ra chúng ta không có khả năng gánh vác sự đồ sộ của thông tin, và thay vì đoàn kết, tổng hòa và khai phóng, ta lại phân biệt, chia rẽ, cách ly trong những bong bóng cá nhân bé nhỏ, tạo nên vô vàn những câu chuyện không khớp đâu vào đâu hoặc thậm chí là công khai hằn học nhau, đồng lòng chống đối nhau.
Hơn nữa, Internet, một cách hoàn toàn và không mảy may suy xét, phụ thuộc vào các quá trình của thị trường và dành cho những tay độc quyền, kiểm soát một lượng thông tin khổng lồ không nhằm mục đích phục vụ sự toàn tri, không mở rộng quyền tiếp cận thông tin, mà ngược lại, trước thảy phục vụ việc lập trình hành vi của người dùng, như chúng ta đã biết sau vụ bê bối dữ liệu Facebook–Cambridge Analytica. Thay vì lắng nghe hòa âm của thế giới, chúng ta lại nghe tạp âm chói tai, một trạng thái nhiễu loạn khôn kham mà ta cố gắng, trong tuyệt vọng, để lẩy ra giai điệu nhỏ nhẹ hơn, thậm chí chỉ cần cái nhịp yếu ớt nhất. Câu nói nổi tiếng của Shakespeare chưa bao giờ phù hợp với hiện thực mới đầy hỗn mang đến thế: Internet, ngày càng thường xuyên hơn, chỉ là một câu chuyện, được một kẻ ngốc kể, ngập tràn âm thanh và cuồng nộ.
Nghiên cứu của các nhà khoa học chính trị, rủi thay, cũng chống lại trực giác của John Amos Comenius, dựa trên sự tin tưởng rằng thông tin về thế giới càng được phổ biến rộng rãi thì các chính trị gia sẽ tận dụng tốt lý lẽ và đưa ra các kết luận đã được suy xét kỹ. Nhưng có vẻ như vấn đề không hề đơn giản thế. Thông tin có thể thừa mứa, và mức độ phức tạp và mơ hồ cũng dẫn đến đủ loại cơ chế phòng vệ khác nhau – từ phủ nhận đến trấn áp, thậm chí thoát ly vào các nguyên tắc giản đơn của lối tư duy giản tiện, nặng ý thức hệ và phục tùng đảng phái. Phạm trù tin giả đã đặt ra những câu hỏi mới xung quanh khái niệm văn chương hư cấu. Những độc giả vốn bị lừa phỉnh, nhận thông tin sai lệch hay bị dắt mũi nhiều lần đã bắt đầu từ tốn hình thành một thói quen loạn thần cụ thể. Phản ứng lại sự chán nản đối với văn học hư cấu có thể là thành công rực rỡ của phi hư cấu, mà trong sự hỗn loạn thông tin khủng khiếp này, nó thét vào mặt ta rằng: “Tôi sẽ kể anh nghe sự thật, không gì ngoài sự thật,” và “Chuyện của tôi dựa trên sự thật!”
Văn học hư cấu đã đánh mất lòng tin của độc giả từ khi việc nói dối trở thành một vũ khí nguy hiểm dẫn đến hủy diệt hàng loạt, ngay cả khi nó vẫn còn là một công cụ thô sơ. Tôi thường được hỏi câu hỏi đầy ngờ vực này: “Cái thứ cô viết có đúng là thật không?” Và lần nào tôi cũng cảm thấy câu hỏi này báo trước cái chết của văn chương.
Câu hỏi này, ngây thơ từ góc nhìn của độc giả, nhưng lại giống như tận thế đích thực khi rót vào tai văn sĩ. Tôi phải nói gì đây? Làm thế nào mà tôi có thể giải thích về bản thể tồn tại của Hans Castorp, Anna Karenina hay Winnie the Pooh?
Tôi coi kiểu hiếu kỳ của độc giả như thế là một bước thụt lùi của văn minh nhân loại. Đó là sự thui chột nặng nề khả năng đa chiều của chúng ta (cụ thể, có thật trong lịch sử, nhưng cũng có tính chất biểu tượng và huyền ảo) để tham gia vào chuỗi sự kiện mang tên cuộc đời. Cuộc đời được xây dựng bởi các sự kiện, nhưng chỉ khi chúng ta có khả năng giải mã chúng, cố gắng hiểu chúng và cho chúng ý nghĩa thì chúng mới trở thành trải nghiệm. Sự kiện là sự thật, nhưng trải nghiệm là thứ gì đó khác mà từ ngữ không thể diễn tả được. Chỉ có trải nghiệm, chứ không phải sự kiện nào cả, mới có thể là nguyên liệu cho cuộc đời chúng ta. Trải nghiệm cũng là một loại sự thật đã được hiểu và lưu trữ trong trí nhớ. Nó cũng dẫn đến một nền tảng trong tâm trí ta, đến một cấu trúc nghĩa ẩn sâu mà ta có thể lần giở cuộc đời mình ra và xem xét nó một cách toàn diện và kỹ càng. Tôi tin rằng thần thoại thi hành chức năng đó của cấu trúc này. Ai cũng biết rằng thần thoại chưa từng thật sự xảy ra nhưng luôn luôn tiếp diễn. Giờ đây chúng tiếp diễn không chỉ thông qua những cuộc phiêu lưu của các vị anh hùng cổ đại, mà còn lẻn vào những câu chuyện phổ biến và nổi tiếng nhất trong điện ảnh, trò chơi và văn chương đương đại. Đời sống của các cư dân trên đỉnh Olympus đã được chuyển thể thành Dynasty, và những hành động anh hùng được Lara Croft đảm đương.
Trong sự chia tách quyết liệt giữa sự thật và dối trá, những câu chuyện mà văn chương tạo ra từ trải nghiệm của chúng ta đều có chiều kích của riêng chúng.
Tôi chưa từng thật sự phấn khởi về bất cứ sự phân biệt thẳng tưng nào giữa hư cấu và phi hư cấu, trừ khi chúng ta hiểu rằng một sự phân biệt như thế mang tính tuyên bố và tự tiện. Trong tràng giang đại hải những định nghĩa về văn chương hư cấu, cái mà tôi thích nhất cũng là cái cũ kĩ nhất, và của Aristotle. Hư cấu luôn là một kiểu sự thật.
Tôi cũng bị thuyết phục bởi sự khác biệt giữa một câu chuyện đích thực và một cốt truyện do nhà văn và nhà tiểu luận E. M. Forster đưa ra. Ông bảo rằng khi chúng ta nói, “Nhà vua băng hà và sau đó hoàng hậu cũng qua đời,” đó là một câu chuyện. Nhưng khi chúng ta nói, “Nhà vua băng hà, và rồi hoàng hậu vì thương nhớ cũng qua đời theo,” đó là một cốt truyện. Mỗi quá trình hư cấu hóa đều bao gồm một bước chuyển từ câu hỏi “Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?” sang một nỗ lực để hiểu nó dựa vào trải nghiệm nhân bản của chúng ta: “Vì sao nó lại xảy ra như thế?”
Văn chương bắt đầu bằng chữ “vì sao” đó, ngay cả khi chúng ta cần trả lời câu hỏi ấy hết lần này đến lần khác bằng cái câu tầm thường “Tôi không biết”.
Vì vậy văn chương đề ra câu hỏi mà cả Wikipedia cũng không thể giúp trả lời, vì nó vượt ngoài phạm vi của chỉ thông tin và sự kiện, đúc rút trực tiếp từ trải nghiệm của chúng ta.
Nhưng cũng có khả năng là tiểu thuyết nói riêng và văn chương nói chung đang dần trở thành một thứ bên lề ngay trước mắt chúng ta khi so sánh với các hình thức tự sự khác. Trọng lượng của hình ảnh và các hình thức mới mà trải nghiệm truyền trực tiếp đến ta – phim, nhiếp ảnh, thực tại ảo – sẽ đóng góp thêm một lựa chọn thay thế khả dĩ cho đọc thuần túy. Đọc sách thật sự là một quá trình tâm lý và tri nhận phức tạp. Nói đơn giản hơn là: đầu tiên, những nội dung khó nắm bắt nhất được khái niệm hóa và diễn đạt thành lời, chuyển thành các dấu hiệu và ký hiệu, và rồi được “giải mã” lại từ ngôn ngữ sang trải nghiệm. Điều đó đòi hỏi trí năng nhất định. Và hơn hết nó đòi hỏi sự chú tâm và tập trung, cái khả năng ngày càng hiếm hoi trong thế giới đầy xao nhãng ngày nay.
Nhân loại đã tiến rất xa trong cách giao thiệp và chia sẻ trải nghiệm cá nhân, từ hình thức truyền miệng dựa vào lời nói và trí nhớ nhân loại, đến Cuộc cách mạng Gutenberg, khi những câu chuyện bắt đầu được truyền bá rộng rãi nhờ chữ viết và nhờ cách này được cố định và hệ thống hóa cũng như có thể nhân bản mà không gây ra bất cứ sai khác nào. Cái được lớn nhất từ sự thay đổi này là chúng ta đồng nhất tư duy với ngôn ngữ, với viết lách. Ngày nay, chúng ta đang đối mặt với một cuộc cách mạng với quy mô tương tự, khi trải nghiệm có thể được chuyển hóa trực tiếp, không cần đến sự cầu viện của con chữ trên trang sách.
Giờ đây bạn chẳng cần ghi nhật ký hành trình khi bạn chỉ cần chụp hình và trực tiếp đăng ảnh lên các trang mạng xã hội, tất cả cùng lúc và toàn thế giới thấy. Không cần viết thư nữa, vì gọi điện đơn giản hơn. Tại sao phải viết tiểu thuyết dày cộp, trong khi bạn chỉ cần đắm chìm vào một bộ phim truyền hình là xong? Thay vì đi chơi phố với bạn bè, ở nhà chơi game sướng hơn. Muốn đọc một quyển tự truyện? Không cần thiết đâu, vì tôi đang theo dõi cuộc đời của những người nổi tiếng trên Instagram và biết mọi thứ về họ.
Thậm chí hình ảnh cũng không phải là đối thủ đáng gờm nhất của văn bản trong bối cảnh hiện nay, như cách chúng ta suy nghĩ hồi thế kỉ hai mươi, lo lắng về tầm ảnh hưởng của truyền hình và phim ảnh. Thay vào đó là một chiều không gian hoàn toàn khác của thế giới – tác động trực tiếp đến các giác quan của chúng ta.
3.
Tôi không muốn phác họa nên một viễn cảnh chung cho cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực kể chuyện về thế giới. Nhưng tôi thường thấy băn khoăn bởi cái cảm giác rằng thế giới vẫn đang thiếu thứ gì đó – rằng khi trải nghiệm thông qua màn hình, và thông qua ứng dụng, bằng cách nào đó nó trở nên không thật, xa cách, hai chiều, và nhạt nhòa một cách kì lạ, mặc dù việc tìm kiếm bất kỳ mẩu thông tin nào giờ dễ dàng đến ngạc nhiên. Ngày nay những từ ngữ chất chứa nỗi lo âu như “ai đó,” “thứ gì đó,” “ở đâu đó,” “lúc nào đó” có vẻ tiềm ẩn nguy cơ hơn những ý tưởng rất cụ thể, rõ ràng được thốt ra chắc chắn tuyệt đối – như “trái đất phẳng,” “vắc–xin làm chết người,” “biến đổi khí hậu là thứ tào lao,” hay “nền dân chủ không hề bị đe dọa ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.” “Ở đâu đó” một số người đang chết chìm khi cố gắng vượt biển. “Ở đâu đó,” qua một khoảng thời gian “nào đó,” một cuộc chiến tranh “nào đó” đang diễn ra. Trong cơn đại hồng thủy thông tin, những thông điệp cá nhân đánh mất đường biên của mình, hòa tan vào trí nhớ của chúng ta, trở nên không thật và biến mất.
Cơn lũ của sự ngu muội, ác độc, phát ngôn đầy hận thù và hình ảnh của bạo lực đang được đối trọng trong tuyệt vọng bằng tất cả những thứ “tin tốt lành,” nhưng vẫn không đủ khả năng để ngăn cản ấn tượng đau buồn, mà tôi thấy khó nói nên lời, rằng thế giới này bị làm sao đó. Thứ cảm giác này, từng là khoảng trời riêng của những nhà thơ loạn thần, giờ đây như bệnh không định nghĩa được, một hình thức âu lo ứa ra từ tứ phía.
Văn chương là một trong những lĩnh vực đang cố gắng giữ chúng ta ở gần sự thật trần trụi của thế giới, vì về bản chất nó vẫn luôn mang tính tâm lý, vì nó tập trung vào lý luận và động cơ nội tại của các nhân vật, bóc trần trải nghiệm mà nếu không phải nhờ văn chương thì người khác sẽ không có cơ hội tiếp cận, hoặc đơn giản là gợi cho độc giả một cách lý giải tâm lý cho hành vi của họ. Chỉ có văn chương mới có thể cho phép chúng ta đào sâu vào cuộc đời của một người khác, hiểu lý lẽ của họ, chia sẻ cảm xúc và trải nghiệm số phận của họ.
Một câu chuyện luôn xoay quanh ý nghĩa. Cho dù nó không thể hiện trực tiếp, ngay cả khi nó chủ động từ chối kiếm tìm ý nghĩa, và tập trung vào hình thức, vào thể nghiệm, ngay cả khi nó tổ chức một cuộc nổi loạn về hình thức, đi tìm phương thức mới để diễn đạt. Dù có đọc câu chuyện sơ sài nhất, chả có gì ngoài hành động, chúng ta cũng không khỏi băn khoăn với những câu hỏi: “Vì sao chuyện này xảy ra?,” “Nó có nghĩa là gì?,” “Nó có mục đích gì?” “Điều này sẽ dẫn đến đâu?” Rất có thể trí óc của chúng ta đã phát triển theo chiều hướng của câu chuyện như một quá trình tìm ra ý nghĩa cho hàng triệu những tác nhân kích thích xung quanh mình, và ngay cả khi ta ngủ chúng vẫn không ngừng tạo ra những câu chuyện. Vì vậy câu chuyện là một cách để sắp xếp một lượng thông tin vô tận trong thời gian hữu hạn, thiết lập mối liên hệ với quá khứ, hiện tại và tương lai, biểu lộ sự tái diễn, và sắp xếp nó theo phạm trù nguyên nhân và kết quả. Cả trí óc và cảm xúc cùng tham gia vào quá trình này.
Không ngạc nhiên gì khi một trong những khám phá đầu tiên của truyện kể là Định Mệnh, ngoài việc luôn hiện lên trong mắt mọi người là một thứ đáng sợ và tàn bạo, lại mang trật tự và sự bất biến vào thực tế cuộc sống.
4.
Kính thưa Quý vị,
Một vài năm sau, người phụ nữ trong bức ảnh, mẹ tôi, người đã nhớ nhung tôi khi tôi vẫn chưa chào đời, đọc truyện cổ tích cho tôi nghe.
Một truyện, của Hans Christian Andersen, kể về một chiếc bình trà bị vứt trên đống rác, than khóc nó đã bị người đối xử tàn nhẫn đến mức độ nào – ngay sau khi quai nắm của nó bị gãy, người ta đã vứt bỏ nó luôn. Nhưng nếu họ đã không cầu toàn khắt khe đến thế thì nó vẫn còn có ích cho họ. Những đồ vật gãy vỡ khác thấy vậy cũng kể lể những câu chuyện hoành tráng về cuộc đời nhỏ mọn khiêm tốn của chúng.
Khi còn nhỏ, tôi đã nghe những câu chuyện cổ tích này, hai má ửng đỏ và nước mắt lưng tròng, vì tôi thực lòng tin chắc rằng đồ vật cũng có những vấn đề và cảm xúc riêng, cũng có đời sống xã hội, hoàn toàn tương đồng với cuộc sống của con người. Chén dĩa trong tủ có thể trò chuyện với nhau, và muỗng, dao và nĩa trong ngăn kéo cũng làm nên một gia đình. Tương tự, động vật là những sinh vật huyền bí, khôn ngoan, hiểu rõ bản thân mà vẫn luôn kết nối với chúng ta bằng một sợi dây tâm linh và sự tương đồng có cơ sở vững chắc. Mà dòng sông, cánh rừng và con đường cũng có cuộc đời riêng của chúng – chúng là những cá thể sống vẽ nên bản đồ vũ trụ của chúng ta và tạo nên cảm giác gắn bó, một Raumgeist huyền bí. Quang cảnh xung quanh ta cũng sống động, và Mặt Trời cùng với Mặt Trăng cũng thế, và tất cả những thiên thể cũng thế – toàn bộ thế giới hữu hình và vô hình.
Tôi bắt đầu hoài nghi từ lúc nào? Tôi đang cố gắng lục tìm cái khoảnh khắc đời tôi khi một tiếng tách của công tắc bật lên, mọi thứ trở nên khác biệt, ít sắc thái hơn, tinh gọn hơn. Lời thì thầm của thế giới bỗng im bặt, bị thay thế bởi tiếng động đinh tai điếc óc chốn thị thành, tiếng rì rầm của máy vi tính, tiếng ầm xé tai của máy bay bay ngang đầu, và tiếng ồn trắng đầy mỏi mệt của bao đại dương thông tin.
Ở một thời điểm nào đó trong đời chúng ta bắt đầu nhìn thế giới theo từng mảnh, mọi thứ đều rời rạc, những dải ngân hà vụn vỡ cách xa nhau, và cả thực tại mà chúng ta đang sống trong đó không ngừng củng cố: bác sĩ chữa trị theo chuyên khoa, thuế má thì chẳng liên quan gì đến việc cào tuyết con đường ta lái xe đi làm, bữa trưa chẳng dính dáng gì đến trang trại chăn nuôi khổng lồ, áo của tôi cũng không can hệ gì đến cái nhà máy thổ tả đâu đó ở châu Á. Tất cả đều rời rạc nhau, tất cả đều sống những mảnh đời riêng biệt, không chút liên quan.
Để dễ dàng đối phó với vấn đề này chúng ta được phát mã số, bảng tên, thẻ, những thẻ căn cước bằng nhựa thô thiển cố gắng khiến chúng ta chỉ được dùng một phần nhỏ của cái toàn thể, thứ mà ta đã ngừng tiếp nhận.
Thế giới đang chết dần, và chúng ta không nhận ra. Chúng ta không thấy được rằng thế giới đang trở thành một bộ sưu tập đồ vật và sự kiện, một không gian mênh mông thiếu sức sống, nơi chúng ta di chuyển một cách vô định và cô đơn, bị ném ra đây rồi ra kia bởi quyết định của ai đó, bị kìm hãm bởi thứ định mệnh không thể hiểu được, cảm giác là thứ đồ chơi của những thế lực uy quyền là lịch sử hoặc may rủi. Đời sống tâm linh của chúng ta hoặc là biến mất hoặc trở nên nông cạn và nặng về nghi thức. Nếu không thì chúng ta chỉ trở thành môn đệ của các thế lực giản đơn – tự nhiên, xã hội và kinh tế – lôi chúng ta khắp chốn như những con zombie. Và trong một thế giới như thế quả thật chúng ta là zombie.
Đó là lý do tôi ao ước về thế giới ngày xưa, thế giới của chiếc bình trà.
5.
Cả đời này, tôi đều bị cuốn hút bởi những hệ thống kết nối chặt chẽ và ảnh hưởng lên nhau mà bản thân chúng ta không ý thức được, nhưng lại vô tình phát hiện, như sự trùng hợp đáng ngạc nhiên hay những cuộc hội ngộ của định mệnh, tất cả những cầu nối, bu–lông, con tán, mối hàn và khớp nối mà tôi dõi theo trong Xê dịch (tựa tiếng Anh Flights). Tôi bị lôi cuốn bởi những tình tiết kết nối nhau, và bởi hành động kiếm tìm trật tự. Về cơ bản – tôi tin là thế – tâm trí của tác giả là một tâm trí tổng hợp, cần mẫn thu nhặt từng mảnh vỡ nhỏ bé hòng chắp vá chúng lại thành một khối thống nhất.
Chúng ta sẽ viết thế nào, sẽ cấu trúc câu chuyện của mình thế nào để khiến nó đủ năng lực để nâng đỡ hình dáng vĩ đại, tầm vóc vũ trụ của thế giới này?
Lẽ đương nhiên, tôi nhận ra rằng việc trở về với thể loại truyện kể về thế giới như trong thần thoại, truyện ngụ ngôn hay truyền thuyết là không thể, mà những thứ đó, nhờ truyền miệng, đã lưu giữ sự tồn tại của thế giới. Ngày nay câu chuyện cần phải đa chiều và phức tạp hơn; dù sao, chúng ta thực sự cũng đã biết nhiều hơn, và ý thức được những mối liên kết đáng kinh ngạc giữa những thứ dường như chẳng hề liên quan đến nhau.
Hãy cùng xem xét một khoảnh khắc cụ thể trong lịch sử thế giới.
Vào ngày 3 tháng 8 năm 1492, cái ngày mà một chiếc thuyền buồm nhỏ mang tên Santa Maria sẽ ra khơi từ một bờ ke trên cảng Palos ở Tây Ban Nha. Chiếc thuyền được Christopher Columbus chỉ huy. Mặt trời tỏa nắng vàng, thủy thủ đi đi lại lại trên ke, và mấy anh bốc vác đang khiêng mấy thùng phuy thực phẩm dự trữ cuối cùng lên thuyền. Trời nóng, nhưng một làn gió nhẹ từ phía tây đã đến cứu các gia đình đến nói lời từ biệt thân nhân khỏi phải ngất xỉu. Chim mòng biển đi khệnh khạng hết lên rồi xuống trên bệ dốc bốc dỡ hàng, quan sát kỹ lưỡng từng hoạt động của con người.
Khoảnh khắc mà chúng ta đang chiêm ngưỡng xuyên thời gian dẫn đến cái chết của 56 triệu trên tổng số gần 60 triệu người Mỹ bản địa. Vào thời điểm đó, họ chiếm khoảng 10 phần trăm dân số toàn thế giới. Người châu Âu đã vô ý mang tặng họ một vài món quà chết chóc – các loại bệnh và vi khuẩn lạ mà những cư dân bản địa châu Mỹ không hề miễn dịch. Không những thế, họ còn đàn áp và giết chóc không chút xót thương. Cuộc tàn sát tiếp diễn ra hằng năm trời, thay đổi cả bản chất đất đai. Nơi đậu, bắp, khoai tây và cà chua đã từng được canh tác trên các cánh đồng được tưới tiêu một cách tinh vi, cây cỏ hoang dại lại trở về. Chỉ vài năm sau, gần 150 triệu mẫu đất canh tác biến thành rừng rậm.
Được tái tạo, thảm thực vật hấp thụ một lượng lớn khí các-bô-nic, từ đó giảm bớt hiệu ứng nhà kính, và cũng đồng thời giảm nhiệt độ của Trái Đất.
Đây là một trong những giả thuyết khoa học nhằm giải thích sự khởi nguồn của thời kỳ băng hà nhỏ vào những năm cuối thế kỷ mười sáu đã làm khí hậu châu Âu hạ nhiệt độ trong thời gian dài.
Thời kỳ băng hà nhỏ đã thay đổi kinh tế châu Âu. Qua nhiều thập kỷ sau đó, những mùa đông dài, lạnh giá, những mùa hè mát lạnh và mưa dai dẳng đã khiến sản lượng nông sản thu được từ phương thức truyền thống giảm hẳn. Ở Tây Âu, các nông trại gia đình nhỏ tự cung tự cấp đã không còn hiệu quả. Đói kém cứ tiếp diễn, và nhu cầu chuyên canh cũng thế. Anh Quốc và Hà Lan là hai nước bị ảnh hưởng lớn nhất từ khí hậu lạnh giá; khi nền kinh tế của họ không thể chỉ dựa vào nông nghiệp, họ bắt đầu phát triển giao thương và công nghiệp. Bão táp đe dọa đã khiến Hà Lan rút cạn các vùng đất trũng có đê bọc và cải tạo đầm lầy và vùng biển nông thành đất liền. Sự chuyển dịch về phía nam của vùng có cá tuyết, dù là thảm họa cho vùng Scandinavia, nhưng đem đến nhiều lợi ích cho Anh và Hà Lan – nó tạo điều kiện cho các quốc gia này bắt đầu phát triển để trở thành các cường quốc thủy quân và thương mại. Sự giảm nhiệt được cảm nhận rõ rệt nhất trong khu vực các nước Scandinavia. Không ai còn sang được với Greenland và Iceland nữa, mùa đông khắc nghiệt làm giảm sản lượng thu hoạch, bắt đầu những năm tháng đói kém và thiếu thốn. Vì thế Thụy Điển chuyển hướng nhìn về phía nam đầy tham lam, bắt đầu gây chiến với Ba Lan (nhất là khi biển Baltic đã đóng băng, khiến việc một đội quân hành quân băng qua biển dễ dàng hơn thảy) và tham gia vào Chiến tranh Ba Mươi Năm ở Châu Âu.
Sự nỗ lực của các nhà khoa học, cố gắng hiểu cặn kẽ hơn về thực tế cuộc sống, chứng minh rằng nó là một hệ thống kết nối chằng chịt, tác động lẫn nhau vô cùng chặt chẽ. Không còn duy nhất “hiệu ứng cánh bướm” nổi tiếng nữa, cái hiệu ứng bảo chúng ta rằng những thay đổi nhỏ bé nhất lúc khởi đầu một quá trình có thể dẫn đến những kết quả to tát, không thể lường trước, nhưng ở đây ta lại có số lượng vô tận các con bướm và cánh bướm, di chuyển không ngừng – một làn sinh lực lan đi xuyên năm tháng.
Theo tôi, việc phát hiện ra “hiệu ứng cánh bướm” đã đánh dấu chấm hết cho thời kỳ của niềm tin bất diệt vào khả năng gây ảnh hưởng, năng lực kiểm soát của chúng ta, và tương tự, cảm giác uy quyền tối cao trên thế giới này. Điều này không tước đi của nhân loại cái quyền năng của kẻ kiến thiết, chinh phục và phát minh, nhưng lại minh họa cho một thực tế phức tạp hơn nhiều so với nhân loại có thể tưởng tượng. Và chúng ta chỉ là một phần nhỏ xíu của những tiến trình này.
Chúng ta ngày càng có nhiều hơn những bằng chứng về sự tồn tại của một vài vùng phụ thuộc hoành tráng, đôi khi gây kinh ngạc, tầm cỡ thế giới.
Chúng ta – con người, cây cối, động vật và đồ vật – đều đang tồn tại trong một khoảng không duy nhất, chịu chi phối của những định luật vật lý. Không gian chung này có hình dạng riêng của nó, và trong phạm vi của nó các quy luật vật lý nhào nặn nên vô vàn hình dạng, cái này liên quan đến cái kia, mãi không dứt. Hệ tim mạch của chúng ta cũng giống như hệ thống lưu vực sông, cấu trúc của chiếc lá cũng giống như hệ thống giao thông, chuyển động của các dải ngân hà cũng giống như khi nước chảy xoáy rút xuống bồn rửa. Xã hội phát triển tương tự như các quần thể vi khuẩn. Vi mô và vĩ mô cho thấy hằng hà sa số những hệ thống giống nhau. Lời nói, tư duy và sức sáng tạo của chúng ta không phải là thứ trừu tượng, tách biệt khỏi thế giới, mà là sự tiếp nối ở một tầng bậc khác của các quá trình biến hóa không ngừng nghỉ.
6.
Tôi cứ tự hỏi liệu ngày nay có thể nào tìm thấy nền tảng cho một câu chuyện mới mang tính phổ quát, bao quát, toàn diện, gốc rễ ăn sâu vào tự nhiên, giàu bối cảnh mà đồng thời cũng dễ hiểu?
Có chăng một câu chuyện vượt khỏi ngục tù của riêng mình khiến ta chẳng buồn nói, phơi bày thực tế với nhiều tầng bậc rộng lớn hơn và cho ta thấy những mối liên kết chặt chẽ? Như vậy sẽ giúp giữ khoảng cách với cái tâm điểm cũ sì, lộ liễu và trùng lặp của những ý kiến thường tình, và thành công trong việc nhìn nhận ngoại vi, ra khỏi tâm điểm?
Tôi thấy hài lòng vì văn chương một cách kỳ diệu đã giữ được đặc quyền bảo toàn sự lập dị, ảo giác, sự khiêu khích, nhạo báng và điên loạn. Tôi mơ về những điểm nhìn cao hơn và góc nhìn rộng hơn, nơi bối cảnh vượt xa những gì chúng ta có thể đã mong ngóng. Tôi mơ về một ngôn ngữ với khả năng diễn đạt thứ trực giác mơ hồ nhất, tôi mơ về một phép ẩn dụ có thể vượt lên trên những khác biệt về văn hóa, và cuối cùng là một thể loại bao quát và vượt qua ranh giới, nhưng cũng đồng thời khiến độc giả say đắm.
Tôi cũng mơ về một kiểu người kể chuyện mới – ngôi “thứ tư”, một người dĩ nhiên không đơn giản chỉ là khái niệm ngữ pháp, mà còn là người với đầy đủ những góc nhìn của từng nhân vật, cũng như có khả năng bước ra khỏi chân trời của từng người trong số họ, nhìn thấy nhiều hơn và rộng hơn, và có thể mặc kệ thời gian. Ồ vâng, tôi nghĩ có thể tồn tại một người kể chuyện như thế.
Bạn có bao giờ từng tự hỏi người kể chuyện tuyệt vời trong Kinh Thánh là ai, kẻ đã cất cao giọng nói: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”? Ai là người dẫn chuyện đã mô tả sự sáng thế, vào ngày đầu tiên, khi hỗn mang tách biệt khỏi trật tự, đã theo dõi loạt truyện về nguồn gốc của vũ trụ, đã biết được ý nghĩ của Chúa, đã ý thức được những nỗi nghi ngờ của Ngài, và bằng một bàn tay vững chắc đã đặt bút để viết nên câu văn phi thường: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp”? Người này là ai, ai đã biết được Chúa nghĩ gì?
Bỏ qua một bên tất cả những hoài nghi tôn giáo, chúng ta có thể coi nhân vật này, một người kể chuyện bí ẩn, trìu mến, là nhiệm màu và quan trọng. Đây là một quan điểm, một góc nhìn mà từ đó ta nhìn thấy mọi thứ. Nhìn thấy mọi thứ có nghĩa là nhận ra được sự thật tối thượng rằng tất cả những gì đang tồn tại đều được kết nối với một thể thống nhất, ngay cả khi chúng ta vẫn chưa biết những sự kết nối ấy. Nhìn thấy mọi thứ cũng đồng nghĩa với một loại trách nhiệm hoàn toàn mới đối với thế giới, vì nó trở nên rõ rành rành rằng mỗi cử chỉ “ở đây” đều có mối liên hệ với một cử chỉ “ở kia,” rằng một quyết định được đưa ra ở nơi này sẽ tạo nên hiệu ứng tại nơi khác, và rằng việc phân định giữa “cái của tôi” và “cái của anh” trở nên không chắc chắn.
Vì vậy tốt hơn hết là kể những câu chuyện thành thật bằng một phương pháp mà nó kích hoạt cảm nhận toàn cục trong trí óc độc giả, khơi dậy khả năng lắp ghép những mảnh vụn thành một mô hình duy nhất, và để khám phá toàn bộ các chòm sao trong các hạt sự kiện nhỏ nhoi. Để kể một câu chuyện làm sáng tỏ rằng mọi người và mọi vật đều nằm trong một khái niệm chung nhất mà chúng ta cần mẫn tạo ra trong tâm trí mỗi lần hành tinh mình xoay vần.
Văn chương có đủ sức mạnh làm điều đó. Chúng ta nên dẹp bỏ các phạm trù đơn giản đến ngô nghê: văn chương cao cấp và bình dân, phổ biến và chuyên biệt, và coi việc phân chia thể loại không lấy gì làm quan trọng. Chúng ta nên dẹp bỏ định nghĩa của “văn chương quốc gia,” biết rằng vũ trụ văn chương chỉ là một, cũng giống như ý tưởng unus mundus[1], một thực tại tâm lý phổ biến nơi tất cả trải nghiệm của con người đều thống nhất. Tác Giả và Độc Giả sắm những vai tương đương nhau, Tác Giả thì sáng tạo, Độc Giả thì liên tục diễn giải.
Có lẽ chúng ta nên tin tưởng vào những mảnh vụn, vì chính mảnh vụn mới tạo nên những chòm sao có khả năng miêu tả hơn, bằng cách phức tạp hơn, đa chiều. Những câu chuyện của chúng ta có thể nhắc đến nhau bằng vô số cách thức, và các nhân vật trung tâm có thể bước vào mối quan hệ với nhau.
Tôi nghĩ chúng ta còn phải định nghĩa lại cái mà ta hiểu hiện nay là khái niệm chủ nghĩa hiện thực, và tìm kiếm một thứ mới cho phép chúng ta vượt lên trên những hạn chế của bản ngã và xuyên màn kính để nhìn ra thế giới. Vì ngày nay nhu cầu cần đến thực tế đều được thỏa mãn bởi truyền thông, các trang mạng xã hội, và những mối quan hệ gián tiếp qua Internet. Có lẽ thứ đang chờ đợi ta mà không cách nào ta tránh khỏi là một kiểu tân chủ nghĩa siêu thực, những quan điểm được sắp xếp lại mà không sợ đương đầu với nghịch lý, và sẽ đi ngược lại lẽ thường tình khi động tới cái trật tự đơn giản mang tên nhân-quả. Quả có thế, thực tại của chúng ta vốn đã trở nên siêu thực. Tôi cũng chắc chắn rằng nhiều câu chuyện cũng cần được viết lại trong bối cảnh tri thức hiện đại, khơi nguồn cảm hứng từ những lý thuyết khoa học mới. Nhưng tôi cảm thấy việc thường xuyên nhắc đến thần thoại và toàn bộ thế giới tưởng tượng của nhân loại cũng quan trọng không kém. Trở về kết cấu cô đọng của thần thoại có thể mang cho ta cảm giác ổn định ngay cả khi đang sống cùng sự thiếu thốn cụ thể trong bối cảnh hiện nay. Tôi tin rằng thần thoại là vật liệu xây dựng nên tâm trí chúng ta, và chúng ta càng không thể phớt lờ nó (cùng lắm là chúng ta chưa thể ý thức được ảnh hưởng của nó mà thôi).
Không nghi ngờ gì, một thiên tài sẽ sớm xuất hiện thôi, cùng khả năng xây dựng một câu chuyện vừa hoàn toàn khác vừa không tưởng mà mọi điều kiện thiết yếu đều được đáp ứng đầy đủ. Phương pháp tự sự này chắc chắn sẽ thay đổi chúng ta; chúng ta sẽ buông tay những góc nhìn cũ kĩ, bó buộc và sẽ dang rộng vòng tay đón những cái mới mà thật ra vẫn luôn tồn tại đâu đó quanh đây thôi, nhưng ta lại chẳng thể thấy chúng.
Trong tác phẩm Doctor Fautus Thomas Mann đã viết về một soạn giả, người đã sáng tạo nên một thể loại nhạc trừu tượng mới có khả năng thay đổi tư duy con người. Nhưng Mann không mô tả loại nhạc đó phụ thuộc vào điều gì, mà ông chỉ tạo nên ý niệm tưởng tượng rằng loại âm nhạc ấy có thể nghe ra sao. Có lẽ đó mới là thứ mà vai trò của người nghệ sĩ phụ thuộc vào – cho ta một sự mường tượng trước về một thứ có khả năng tồn tại, và nhờ vậy khiến nó trở nên dễ hình dung hơn. Và được tưởng tượng ra chính là giai đoạn đầu tiên của tồn tại.
7.
Tôi viết truyện hư cấu, nhưng nó chưa bao giờ là một sự bịa đặt trắng trợn cả. Khi viết, tôi phải cảm nhận tất cả mọi thứ bên trong mình. Tôi phải để mọi sinh vật và đồ vật xuất hiện trong quyển sách bước qua tôi, tất cả những thứ thuộc con người và vượt ra ngoài giới hạn con người, tất cả những thứ đang sống và không được ban cho sự sống. Tôi phải quan sát kĩ từng vật và từng người, với một sự nghiêm túc tuyệt đối, và nhân hóa chúng bên trong tôi, cá nhân hóa chúng.
Đó là những gì sự trìu mến mang đến cho tôi – vì sự trìu mến là nghệ thuật nhân hóa, nghệ thuật của việc chia sẻ cảm xúc, và vì thế vẫn không ngừng khám phá ra những điểm giống nhau. Tạo nên những câu chuyện có nghĩa là liên tục sinh ra thứ gì đó, mang tất cả những mảnh vụn tí xíu mà cũng chính là đại diện của trải nghiệm con người đến với đời, những cảnh huống mà con người đã chịu đựng và cả ký ức của họ. Sự trìu mến cá nhân hóa mọi thứ liên quan đến nó, để ta mang cho nó một giọng nói, không gian và thời gian để tồn tại, và để được tỏ bày. Nhờ có sự trìu mến mà chiếc ấm trà bắt đầu cất tiếng.
Sự trìu mến là hình thức tình yêu giản dị nhất. Đó là thứ tình yêu không hề xuất hiện trong sách kinh hay sách Phúc Âm, chẳng ai tôn sùng nó, chẳng ai trích dẫn nó. Nó không hề có biểu tượng hay ký hiệu, cũng chẳng gây tội gì, càng không gây ra sự đố kị.
Nó xuất hiện bất cứ nơi đâu ta nhìn một thực thể khác kỹ càng và cẩn thận hơn, thứ gì đó không phải là “ta.”
Sự trìu mến cũng mang tính tự phát và vô tư; nó vượt xa sự thấu cảm đồng loại. Thay vào đó, nó là sự san sẻ số mệnh có ý thức, dù đôi khi hơi u uất.
Sự trìu mến là nỗi bận lòng sâu sắc về một thực thể khác, sự mong manh của nó, bản chất độc đáo của nó, và sự thiếu miễn dịch đối với khổ đau và hiệu ứng thời gian của nó.
Sự trìu mến nhận ra sợi chỉ liên kết chúng ta lại, những điểm tương đồng và đồng điệu giữa chúng ta. Đó là cách nhìn khiến ta nhận ra thế giới là một thực thể sống, đang sống, liên kết chồng chéo, hợp tác, và cực kỳ phụ thuộc vào chính bản thân nó.
Văn chương được xây dựng trên sự trìu mến đối với tất cả những thực thể khác bản thân ta. Đó là cơ chế tâm lý cơ bản của tiểu thuyết. Nhờ có công cụ kỳ diệu này, phương tiện giao tiếp tinh vi nhất của con người, mà trải nghiệm của chúng ta có thể xuyên không, đến với những người còn chưa được sinh ra, nhưng một ngày nào đó sẽ tìm đọc những gì chúng ta đã viết, những câu chuyện về chính chúng ta và thế giới này.
Tôi không biết cuộc sống của họ sẽ thế nào, hay họ sẽ là những ai. Tôi thường nghĩ về họ với cảm giác tội lỗi và hổ thẹn.
Tình trạng khí hậu khẩn cấp và khủng hoảng chính trị mà chúng ta đang cố thoát khỏi, và đang sốt sắng chống chọi bằng cách cứu lấy thế giới, không phải trên trời rơi xuống. Chúng ta thường quên rằng chúng không phải là kết quả của định mệnh hay số phận trớ trêu, mà là của những hành động và quyết định cụ thể – về kinh tế, xã hội, và liên quan đến thế giới quan (bao gồm thế giới quan tôn giáo). Lòng tham, sự bất kính với thiên nhiên, sự thiếu óc tưởng tượng, tranh đua không ngừng và sự vô trách nhiệm đã đẩy thế giới đến tình trạng của một vật thể có thể bị cắt thành từng mảnh nhỏ, bị khai thác cạn kiệt và phá hủy.
Đó là lý do tôi tin rằng mình phải kể những câu chuyện như thể thế giới là một thực thể sống duy nhất, thống nhất, liên tục hình thành ngay trước mắt chúng ta, và như thể chúng ta là một phần nhỏ bé nhưng đồng thời cũng rất uy quyền.
Nguyễn Hữu Gia Bảo dịch
(từ bản dịch tiếng Anh của Jennifer Croft and Antonia Lloyd–Jones,
© THE NOBEL FOUNDATION 2019)
___
[1] Tiếng Latin, có nghĩa là “một thế giới”