Mr. Nobody là một trong những bộ phim yêu thích nhất của tôi. Bộ phim là một thế giới trừu tượng, mộng mơ, hòa quyện giữa chất siêu thực, tâm linh với những sợi dây tình cảm nồng ấm. Thật khó để tưởng tượng bộ phim nào lại có thể vừa hàm chứa vô số lý thuyết phức tạp, vừa mở ra nhiều câu chuyện, lại vừa đạt đức độ hoàn mỹ về nghệ thuật và cân bằng về cảm xúc như Mr. Nobody.
Đây là một bộ phim đặc biệt và không giống bất cứ bộ phim nào khác. Đối với đa phần khán giả, sẽ là một trải nghiệm không mấy dễ chịu khi phải cố bắt kịp nhịp phim. Nhưng với một số ít khán giả còn lại, khi những vấn đề về vụ nổ Big Bang, về nỗi sợ hãi, về cảm giác “ngờ ngợ” (hay còn gọi là De Javu)… là những điều họ quan tâm từ trước. Thì bước vào thế giới của ngài Nobody sẽ là hành trình thú vị và giải đáp được rất nhiều câu hỏi. Trong đó có tôi.
Ngay từ cái tên của nhân vật chính, đã là một sự trừu tượng lớn. “Nemo Nobody”, trong khi chữ “Nemo” theo tiếng Latinh cũng là “Nobody” – “không ai cả”. Chuyện phim là câu chuyện về hình ảnh những đường ray giao nhau. Mỗi quyết định trong đời người sẽ dẫn họ đến những kết quả khác nhau, sẽ thế nào khi ta biết được nó sẽ dẫn ta đến đâu? Hạnh phúc hay đau khổ? Và chúng có ý nghĩa nào đối với cuộc sống mỗi người?
Cuộc đời của Nemo Nobody rẽ thành ba hướng khác nhau, kể từ lúc bố mẹ cậu chia tay nhau trên sân ga. Cậu được tự mình quyết định sẽ ở với bố hay mẹ. Chuyến tàu rục rịch khởi hành mang theo mẹ cậu đi xa, trong khi Nemo vẫn chưa thể lựa chọn. Cậu vội cất bước chạy theo mẹ, liệu cậu có lên kịp chuyến tàu? Việc bắt kịp đoàn tàu số phận hay không sẽ khiến cậu giàu có hay nghèo khổ, hạnh phúc hay bất hạnh trong tình yêu, cưới những cô gái khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, trở thành những người khác nhau. Nhưng làm sao biết được tất cả kết quả? Trong bộ phim này thì điều đó có thể.
Nhưng nội dung của Mr. Nobody không chỉ có thế. Nó còn là tập hợp của vô vàn những lý thuyết khoa học, và cả tôn giáo, chạm sâu vào tâm linh của mỗi con người. Hình ảnh con bồ câu ở đầu phim là một ví dụ. Chiếc nút hay hành động đập cánh mới là chìa khóa để có thức ăn? Với con chim, nó không bao giờ có thể hiểu được nguyên lý. Có những thế lực, những cơ chế nằm ngoài tầm hiểu biết hạn hẹp của nó. Con người cũng vậy, con người không bao giờ có thể hiểu được điều gì đang chi phối cuộc sống và những lựa chọn của họ. Con người chỉ sống, chọn lựa, và chấp nhận kết quả từ những mạng lưới nhân quả chằng chịt mà họ không thể hình dung. Con người là một dạng bồ câu khác trong một chiếc lồng khác.
Kết hợp với những nguyên lý khoa học, nhưng bản chất của sự sợ hãi, vụ nổ Big Bang hình thành thế giới. Đạo diễn Jaco Van Dormael còn lồng ghép vào những hình ảnh tâm linh huyền ảo. Đó như một sự công bằng trong tư tưởng của ông. Ông chấp nhận những nguyên lý khoa học, sự chính xác, cũng ngang với những thế lực tâm linh huyền bí, vô lượng. Rất đặc biệt, ông giải thích về cách mỗi con người ra đời: những đứa trẻ đã nhìn thấy hết cuộc đời của chúng ngay từ khi chưa lọt lòng, nơi thiên đường. Và chính chúng lựa chọn bố mẹ để sinh ra chứ không phải ngược lại. Mỗi thiên thần lãng quên đã tạo ra một dấu ấn để xóa bỏ những ký ức ấy. Vì thế, chỉ đôi lúc, người ta mới có cảm giác quen thuộc khi trải qua một cảnh nào đó, như thể đã nhìn thấy trong những giấc mơ. Nemo Nobody thì khác, khi những thiên thần đã bỏ lỡ mất cậu, và cậu có thể nhìn thấy chính xác chuyện tương lai. Cậu biết nó sẽ xảy ra, cuộc đời mỗi người đã có sẵn một cái kết.
Mối liên hệ nhân-quả, hay “hiệu ứng cánh bướm” được đề cập rất nhiều lần trong phim, bằng những trường đoạn tuyệt đẹp. Như hành trình của chiếc lá để bố mẹ Nobody gặp được nhau, hay làm sao một mảnh vỏ trứng sót trong dây chuyền chế tạo bánh ở một nơi xa xôi, lại có thể tạo thành thảm kịch cho gia đình cậu. Những hình ảnh khó quên ấy tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ của người xem. Giống như mở ra một chân trời mới, giúp họ hình dung đến một thế giới khác, nơi những mối liên hệ ấy hình thành để kết nối cuộc sống của họ. Mà họ không thể nào biết được. Chúng quá nhiều, quá phức tạp, quá vô cùng để hiểu. Đó là thế giới ở ngoài chiếc lồng chim, mà Jaco Van Dormael chỉ mới gợi mở chút ít. Và cũng vì, đó là điều chỉ một phần nhỏ nhân loại quan tâm.
Nhưng không vì vậy mà khán giả “bội thực” lý thuyết và cảm thấy khô khan. Mr Nobody biết cách lồng ghép những câu chuyện và cảm xúc. Nemo lớn lên, và số phận gắn cậu vào ba cô bạn gái thời thơ ấu. Mỗi mội chuyện tình lại dẫn đến nhiều kết cuộc khác, có khi cậu bị giết, vợ chết hoặc trầm cảm, hoặc cuộc sống giàu có nhưng không hạnh phúc. Ở những diễn biến xa hơn, là câu chuyện tưởng tượng về hành trình vượt không để thực hiện lời hứa rải tro vợ ở sao Hỏa. Xa hơn nữa, khi Nemo trở thành một ông già, “người sống” duy nhất còn sót lại, vì loài người đã tìm được cách bất tử nhờ công nghệ sinh học.
Nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực ra, ấn tượng sâu đậm và đắm say nhất là chuyện tình với cô bé Anna. Đó cũng là trọng tâm của bộ phim. Nemo và Anna trở thành anh em sau khi mẹ cậu bé và bố cô bé quyết định sống chung một nhà. Tình yêu nảy nở giữ Nemo và Anna 15 tuổi. Chuyện tình này được khắc họa đẹp đến từng chi tiết, từng góc quay, và giàu cảm xúc nhất. Tài năng và sự sáng tạo của tay máy Christophe Beaurcane đã tạo ra những cảnh phim tình yêu độc đáo và duy mĩ đáng kinh ngạc. Nó khiến tôi phải rùng mình. Như cảnh phim Nemo và Anna hòa quyện vào nhau khi bố mẹ đi vắng, trong lớp chăn với ánh sáng phản chiếu và cùng nói: “Forever”. Hay cảnh hai người nằm quay đầu vào nhau trên tấm thảm, với góc quay vòng từ gần ra xa. Rồi đôi mắt nhìn nhau qua lỗ khóa cửa, cảnh Nemo chạy đi tìm chiếc xe chở Anna đi mất. Tạo ra cái đẹp, nhưng quan trọng nhất, mọi chi tiết các cảnh quay đều dùng để khắc họa sự say đắm của một tình yêu thiếu niên. Tình yêu đó cũng là một thế giới khác, thế giới riêng của Nemo và Anna.
Đó là một tình yêu đẹp, cho đến cả sau này khi thời gian trôi qua, vẫn nồng nàn và say đắm. Nhưng số phận luôn đặt họ phải tìm kiếm lẫn nhau, phải chờ đợi nhau. Cái kết của phim đã ảnh hưởng đến cái kết của chuyện tình này. Dù nhiều người có thể không tin, nhưng điều quan trọng nhất, như Nemo “ông già” đã nói: “Và tôi đã yêu” chắc chắn là sự thật cuối cùng và là cảm xúc đẹp nhất trong mớ hỗn độn giác quan này.
Jared Leto không còn nghi ngờ gì nữa là một diễn viên tài năng, chính xác là một “ca sĩ – diễn viên” tài năng. Không thiếu ca sĩ chuyển hướng điện ảnh, nhưng chỉ một số rất ít được giới phê bình công nhận. Jared Leto là một trong số ít đó, trước Mr. Nobody, anh đã được đánh giá xuất sắc các qua các vai diễn trong Lord of war hay Requiem for a dream – bộ phim đầy ám ảnh. Điều đáng nói ở đây là đóng góp của hai diễn viên nhí Toby Regbo (Nemo 15 tuổi) và Juno Tempo (Anna 15 tuổi). Trước đó, cả hai chỉ tham gia những vai phụ rất nhỏ, Toby ít được biết đến, Juno thì còn thấy mặt trong Year One của danh hài Jack Black. Nhưng chính diễn xuất tuyệt vời của hai diễn viên này đã kết nối và tạo nên mạch cảm xúc cho phim. Toby với đôi mắt xanh biết nói còn Juno trầm tư, bí ẩn và đầy nhạy cảm. Những phút giây bộ đôi này xuất hiện bên nhau là những cảnh phim đáng nhớ nhất với tôi.
Không thể không nhắc đến một đóng góp lớn lao khác là phần soundtrack tuyệt vời. Sự xuất hiện của các ca khúc nổi tiếng như Everyday (Buddy Holly), Where is my mind (The Pixies, từng xuất hiện ấn tượng trong cảnh cuối của Fight Club) rất thú vị, nhưng cực kỳ phù hợp. Phần hồn của nhạc phim là các bản nhạc không lời của Pierre Van Dormael, anh trai của đạo diễn Jaco Van Dormael. Những tiếng guitar thùng lãng đãng như cơn gió, đầy chất mộng mơ, như không gian của cả phim, hay chính âm nhạc đã tạo nên không gian cho cả bộ phim. Bay bổng nhưng vẫn có chút gì đó chậm rãi, sâu lắng, trầm buồn, không thể nhầm lẫn và đọng lại rất lâu trong tâm hồn. Nhạc phim gắn chặt với từng cảnh phim, đến nỗi mỗi nốt nhạc vang lên, trong đầu tôi luôn hiện ra những cảnh phim ấy. Mr Nobody là bộ phim cuối cùng mà Pierre tham gia trước khi qua đời vào năm 2008.
Trải nghiệm bộ phim Mr Nobody có thể sẽ cực kỳ đáng nhớ, hoặc sẽ vô cùng đáng chán, tùy vào cảm nhận mỗi người. Thời gian không thể quay ngược, cuộc sống con người vẫn bí ẩn và không thể giải đáp. Với tôi, “Mr Nobody” giống như một khe cửa hẹp, mở ra từ cánh cửa huyền diệu của tự nhiên, của chân lý, mà chỉ có thể nhìn ngắm trong chốc lát, chứ không thể vượt qua. Bộ phim có mọi điều tôi thường suy nghĩ đến, dù vẫn không thể trả lời, câu trả lời có thể chỉ đến khi con người ta thoát khỏi những ràng buộc của thể xác để để bay vào những chân trời mới. Nhưng thực sự, bộ phim đã để lại những dấu ấn không phải trong tâm trí và cả trái tim tôi. Vì điều tuyệt vời nhất, là tình yêu, đã được thể hiện đầy màu sắc và xuyến xao. Có lẽ Jaco đã muốn nói: mọi thứ chỉ là hư ảo, mọi thứ chúng ta có cũng có thể là một khoảnh khắc tưởng tượng thoáng qua trong đầu đứa bé 9 tuổi. Nhưng tình yêu vẫn xứng đáng để chúng ta tranh đấu và giúp chúng ta sống sót qua tháng qua năm rồi sẽ lãng quên này.
Rồi sao nữa? Chẳng sao cả, vì chúng ta không có nhiều lựa chọn đến thế. Chúng ta thì chỉ có một đường tàu.