“Trong những điều kỳ diệu khiến cuộc sống ngày càng suôn sẻ, chẳng gì bằng “dần dà”; mà các biện pháp tạo hoá hay dùng để lừa gạt con người, cũng chẳng gì bằng “dần dà”. Bất giác đứa bé hồn nhiên ngây thơ đã “dần dà” trở thành gã trai bừng bừng dã tâm; cậu trai hào sảng khẳng khái “dần dà” trở nên người lớn lạnh lùng tàn nhẫn; người lớn nhiệt tình hăng hái “dần dà” thành ra lão già gàn dở. Vì sự thay đổi diễn ra dần dần, từng năm từng năm, từng tháng từng tháng, từng ngày từng ngày, từng giờ từng giờ, từng phút từng phút, từng giây từng giây, như đi từ triền dốc thoai thoải xuống, không thấy được độ dốc, cũng không cảm giác được từng chặng đường, cứ ngỡ mình vẫn đang ở một vị trí, không hề thay đổi, lại liên tục nảy sinh những hứng thú và giá trị, từ đó cuộc sống được khẳng định và ngày càng suôn sẻ. Nếu giả sử cuộc sống thay đổi không giống triền núi mà như nhịp phách cung đàn, đang từ Do thình lình chuyển sang Re, cũng như đứa bé đêm qua thoắt chốc đã thành cậu trai sớm nay; hoặc như nhịp điệu “nhảy cóc” từ Do sang Mi, tựa hồ sớm còn trẻ trung mà chiều đã tóc bạc, con người ta ắt sẽ kinh ngạc, bùi ngùi, buồn bã hoặc đau xót trước cái vô thường của cuộc đời mà không muốn làm người nữa. Thế mới biết cuộc đời vốn duy trì ở cái “dần dà” vậy. Điều này có lẽ càng dễ thấy hơn ở phụ nữ. Trong ca kịch, thiếu nữ như hoa trên sân khấu chính là bà lão bên bếp lửa ngày sau. Câu này thoạt nghe thì khó tin, thiếu nữ cũng không chịu thừa nhận, nhưng thực sự những bà cụ hiện giờ đều do các thiếu nữ như hoa “dần dà” trở thành.
(…) Bản chất của “dần dà” là thời gian. Tôi cảm thấy thời gian còn kỳ diệu hơn không gian, giống như âm nhạc — nghệ thuật của thời gian còn bí ẩn hơn hội hoạ — nghệ thuật của không gian vậy. Vì dẫu không gian rộng lớn đến đâu, thậm chí là vô hạn, thì chúng ta luôn có thể nắm được một đầu của nó, nhận thức được một điểm của nó. Còn thời gian thì hoàn toàn không cách nào nắm giữ, cũng chẳng thể níu kéo, chỉ có quá khứ và tương lai liên tục đuổi bắt nhau giữa hư vô mù mịt. Đã hư vô mù mịt, không thể nghĩ bàn, vậy mà vẫn chiếm vai trò khá lớn trong cuộc sống. Khái niệm về thời gian của con người dường như chỉ đủ để sắp đặt những những khoảng thời gian ngắn như đáp thuyền ngồi tàu; còn đứng trước khoảng thời gian dài đằng đẵng cả trăm năm như một đời người, họ không cách nào đương nổi, thông thường chỉ chú trọng tiểu tiết mà không nhìn được toàn thể.
(…) Song trong số nhân loại cũng có vài người đương được cuộc đời trăm năm hoặc ngàn năm đằng đẵng. Không bị “dần dà” qua mặt, không bị tạo hoá bỡn cợt, họ thu được cả thời gian và không gian vô hạn vào trái tim nhỏ bé của mình. Bởi vậy Phật mới thu cả núi Tu Di vào hạt cải. Như Bạch Cư Dị, nhà thơ Trung Quốc thời xưa từng viết, “Vỏ sên xó ấy sao tranh mãi, đá lửa vòng kia đã gửi thân.” Hoặc nhà thơ William Blake của Anh cũng nói: Thấy cả thế gian trong hạt cát, trông khắp thiên đàng giữa đoá hoa; trong tay chứa đựng vô vàn, chỉ trong nháy mắt mà thành thiên thu.”
— “Dần”, Phong Tử Khải, viết năm 1925