Cây là làn da của Đất. Theo nhiều nghĩa, chúng khiến cho mọi sự sống trên Trái Đất thành có thể.
Chúng ta vẫn được dạy rằng tự nhiên máu nhuộm đỏ nanh và vuốt, với chuyện mọi sinh vật cạnh tranh với nhau ánh sáng, thức ăn và lãnh địa, và chỉ kẻ mạnh mới sống sót. Do con người chúng ta đúng thực là sống trong một thế giới lạnh lùng, khó khăn và cạnh tranh, nên thực dễ dàng chấp nhận điều này là sự thật.
Dù vậy, các khám phá khoa học cho thấy thế giới tự nhiên là một nơi của sự hài hoà và hợp tác hơn nhiều so với nhiều người có thể muốn tin. Thay vì một cuộc vật lộn thường trực để được sống sót, tiến hoá đã mang đến một sự đa dạng không đong đếm được của các loài, tất cả bọn chúng đều có chỗ của mình trong trật tự của vạn vật mà chẳng cần phải chiến đấu để có được.
Đúng như vậy, mỗi loài cây trong rừng có bộ rễ theo kiểu riêng của mình. Các loại rễ khác nhau vươn tới mọi lớp đất khác nhau, hút nước và dưỡng chất lên bề mặt. Việc này không chỉ ngăn mực nước ngầm khỏi tụt xuống, mà nó còn đảm bảo cho sự tồn tại của mọi sinh vật. Với bộ rễ sâu và rộng của chúng, các loài cây buộc nhau vào đất và bảo vệ đất khỏi bị xói mòn.
Nếu những loài nhất định bị mất đi, có thể một số lớp đất sẽ không còn được rễ cây vươn tới nữa - và thế là vết cắt đầu tiên được tạo ra ở trong tấm vải dệt tuyệt vời này của hệ sinh thái. Chẳng mấy chốc, thêm nhiều vết rách và lỗ hổng xuất hiện, cho tới khi đến cuối cùng, các loài bắt đầu chết đi.
Sự phá hoại mà chúng ta đã làm trong sự ngu si của mình đối với "những lá phổi của thế giới" trong vài thập kỷ vừa qua là khủng khiếp; và hậu quả thì khó mà ước định. Ấy thế mà những cây gỗ là những loài cao nhất và đáng trọng nhất trong số các loài thực vật, sự cho đi khắp và vô điều kiện của chúng là cái nâng đỡ và dưỡng nuôi cho hành tinh này theo nhiều cách. Mặc dù chúng ta khác nhau lắm lắm ở vẻ bề ngoài, nhưng cây rừng lại có nhiều thứ chung với con người - chúng ta đều sống cùng nhau trong sự cộng sinh. Khác biệt duy nhất là ở chỗ các cánh rừng có thể tồn tại mà không có chúng ta, nhưng chúng ta chẳng thể sống sót mà không có chúng.
Không phải chỉ bởi vì cây cối sản xuất ra ô-xy mà chúng ta cần để tồn tại, qua quá trình quang hợp của chúng. Chúng ta, và tất các các loài động vật, tới lượt mình trao cho cây khí các-bon-níc, là thứ cần có cho quá trình trao đổi chất của chúng. Động vật thải ra các nguyên tố vào trong không khí và đất, và biến đổi vật chất hữu cơ thành khoáng chất vô cơ. Về phần mình, các loài thực vật lấy các nguyên tố từ không khí và từ trong đất rồi biến đổi vật chất vô cơ thành hữu cơ.
Con người và Cây cối uống loại ánh sáng khác nhau
Vòng tròn cho và nhận này giữa con người và cây cối còn thể hiện ra ở một mức độ khác: mức độ ánh sáng và màu sắc. Ở trong dải ánh sáng nhìn thấy được, nằm giữa cực tím và hồng ngoại, ánh sáng mặt trời có cường độ cao nhất ở đoạn màu xanh dương - xanh lá cây. Thế nhưng đúng ở các tần số này thì cây cối lại không thể hấp thụ được cho sự sinh trưởng của chúng, bởi lẽ chúng gây ra một dạng hôn mê, một sự ngủ không hoạt động, ở cây cối.
Mỗi màu sắc hay rung động mà không thể hấp thụ sẽ được phản xạ lại. Một bề mặt màu đỏ, chẳng hạn, hấp thụ tất cả các tần số màu sắc ngoại trừ tần số của màu đỏ, thế nên mắt của chúng ta mới nhận được màu đỏ được phản xạ lại từ bề mặt ấy. Có nhiều chức năng hoạt động mang tính sống còn của chúng ta được kích thích bởi các tần số ánh sáng (màu sắc) nhất định; nếu thiếu vắng những tần số ánh sáng này (vì dùng ánh sáng nê-ông/ánh sáng nhân tạo), điều đó có thể dẫn tới các vấn đề về sức khoẻ. (xem 1)
Hình dáng một cái cây thì phụ thuộc vào sức chống lực hút Trái đất của nó. Ở độ cao (so với mực nước biển) thấp, ánh sáng dịu và lực vươn lên là yếu. Độ cao càng cao thì ánh sáng và lực vươn càng mạnh. Cây trở nên thưa hơn, gỗ của chúng mềm hơn.
Cây cối nhạy cảm nhất với ánh sáng ở các tần số tử ngoại và màu đỏ cho tới hồng ngoại. Cây cối gần như là vô cảm với ánh sáng màu xanh lá cây: nếu ta chỉ chiếu ánh sáng màu xanh lá cây lên một cái cây, nó sẽ không lớn. Con mắt của người thì hoàn toàn ngược lại: tia tử ngoại và hồng ngoại thì hoàn toàn vô hình với chúng ta, nhưng chúng ta lại phản ứng cực kỳ tốt với màu xanh lá cây.
Màu xanh lá không chỉ làm mắt chúng ta thư giãn và khoẻ mạnh hơn; nó cũng có một tác dụng làm bình ổn - thậm chí là chữa lành - đối với hệ thần kinh và tâm lý của chúng ta. Nếu ở quá lâu trong một môi trường thiếu màu xanh lá cây, chúng ta có thể trở nên bức bối hay thậm chí là bạo lực. Tuy nhiên, chúng ta chẳng thể thấy được màu xanh lá có ở trong ánh sáng mặt trời. Chỉ thực vật và cây cối mới cho chúng ta cái màu lục mang tính chữa lành này.
Trong sự nhạy cảm với ánh sáng này, con người và cây cối bù trù cho nhau như hàm sin và cos ở trong toán học vậy, cùng thu hoạch cho mình sinh khí từ các tia mặt trời mà không chắn lối của nhau.
Chúng ta thường quên mất rằng cây cối chỉ có thể thích nghi một cách chậm chạp. Điều này có nghĩa là ngay cả một biến thiên của môi trường dù là nhỏ nhất cũng có thể giết chết cây cối trong khi các sinh vật phản ứng nhanh thì không bị hư hại gì. Chúng ta nợ cây cối một món nợ lớn về lòng biết ơn cho sự phụng sự của chúng đối với mọi dạng sống, một sự phục vụ được mang đến mà không dừng lại hay than phiền, ngay cả khi những phá phách của chúng ta mang đến cho chúng sự yếu đuối và dễ tổn thương. Trong số những món quà khác của chúng dành cho chúng ta, cây cối còn điều hoà khí hậu; nếu có nhiều cánh rừng hơn còn sống sót cho tới ngày nay thì chúng thậm chí sẽ có khả năng phân phối hơi ẩm đều khắp bầu khí quyển, nhờ đó cân bằng nhiệt độ toàn cầu. Lấy ví dụ, một cây dẻ gai trưởng thành có khoảng 7 triệu cái lá, hình thành một bề mặt có diện tích 1 héc-ta rưỡi cho sự bốc hơi của nước.
Cây cối nuôi dưỡng Nông nghiệp
Cây gỗ không chỉ hút độ ẩm và các muối khoáng dinh dưỡng từ những tầng sâu của đất: chúng còn hành xử như các lá chắn bảo vệ và tạo chỗ trú ẩn cho nhiều dạng sống khác. Việc trồng những cây chắn gió này (theo một vòng xoáy thì tốt) không chỉ thuần hoá gió; nó cũng giữ cho đất khỏi bị khô đi. Việc này làm xuất hiện một vùng tiểu khí hậu dưỡng nuôi đất với nhiều mùn (từ lá cây), và bảo vệ nó khỏi xói mòn. Các cây chắn gió như thế này tác động tới tốc độ bốc hơi trên đất trồng trọt lên tới 30 m ngược gió và 120 m thuận gió. Các nghiên cứu của Canada đã chỉ ra rằng các nông trại với 1/3 độ che phủ là cây bảo vệ thì có năng suất cao hơn những nông trại cùng diện tích nhưng không có cây che phủ.
Các lớp rào chắn bảo vệ này cũng thu hút các-bon đi-ô-xit, bởi đây là loại khí nặng nhất trong khí quyển. Do các-bon đi-ô-xit là cần thiết cho quang hợp, tất cả những loại thực vật gần đó cũng sẽ sinh trưởng khoẻ mạnh hơn và tốt hơn. Hệ quả là, việc đào bật những cây hàng rào và đốn hạ các hàng cây gỗ không chỉ lấy mất môi trường sống của nhiều loài chim muông và các con thú khác, nó cũng gây ra những thiệt hại lâu dài đối với sức sản xuất của nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các bạn có biết rằng mình có thể có khả năng sống khá là vui vẻ với diệp lục chảy qua mạch máu mình không? Cũng như máu (hồng cầu) đối với sự hô hấp của tế bào, thì diệp lục cũng vậy đối với quá trình quang hợp ở thực vật. Hai thứ chuyên chở sự sống này có một vòng nitơ gần y hệt như nhau trong cấu trúc phân tử của chúng. Ở diệp lục, một nguyên tử magiê nằm ở tâm vòng, mang lại cho diệp lục màu xanh của nó, trong khi nguyên tử sắt nằm ở bên trong vòng haemoglobin của các tế bào hồng cầu (hai màu sắc mang tính bổ túc cho nhau!). 137 nguyên tử của nó khiến cho diệp lục trở thành một phân tử đặc biệt ổn định, cũng như 137 là một con số nguyên tố không chia hết cho số nào ngoài 1 và chính nó. Khi chuột được thay máu bằng chất lỏng diệp lục, những con vật này vẫn tiếp tục sống với "máu thực vật" như thể không có gì xảy ra cả.
Mọi hình dạng vật lý là sự biểu lộ của năng lượng phi vật chất. Điều tương tự cũng đúng với cây cối. Vẻ ngoài của chúng, cấu trúc bên trong và tuổi thọ của chúng phụ thuộc vào các dòng chảy năng lượng vô hình và sự tương tác giữa trọng lực và phản trọng lực: vị trí sinh sống của chúng càng cao thì lực phản trọng lực (sức vươn) của chúng càng lớn (xem biểu đồ ở trên).
Những cây gỗ cứng và những cây gỗ mềm
Cành của những cây sinh trưởng gần xích đạo hoặc ở độ cao thấp (nơi khí quyển đặc hơn và chuyển động động lực chậm hơn, và nơi năng lượng có kết cấu hài hoà lấn át so với năng lượng mang tính chất động) có xu hướng mọc theo chiều ngang hơn là theo chiều thẳng đứng (ngoại trừ các cây ở trong rừng mưa). Đây là những cây gỗ cứng sống rất lâu như sồi, dẻ gai, du, ..., có xu hướng sống thọ từ 200 đến 800 năm. Chúng là một thể hiện của trường năng lượng đậm đặc hơn, ít năng động hơn và một vòng xoáy năng lượng hướng lên trên (lực vươn) yếu.
Độ cao càng cao, và/hoặc vĩ độ càng cao thì cây cối càng trở nên thưa hơn, phản ánh sự khác biệt trong cái năng lượng hướng lên trên này. Khi trọng lực yếu đi và lực vươn mạnh lên cùng với độ cao thì mật độ khí quyển cũng giảm xuống, trong khi chuyển động động lực học của trường năng lượng lại tăng lên. Các loài cây chẳng hạn như thông, lạc diệp tùng, bách và tùng, với gỗ mềm và tuổi thọ ngắn hơn, từ 120 đến 300 năm, phản ánh chuyển động hướng lên trên nhanh chóng của sức vươn. Tuổi thọ tự nhiên của chúng ngắn hơn, bởi lẽ chúng tiếp xúc với ánh sáng có tần số cao hơn, rung động nhanh hơn. Các vùng ánh sáng thay đổi theo độ cao và vĩ độ: dưới các điều kiện bình thường, các loài cây gỗ mềm như thông sẽ tìm thấy ở nơi có độ cao thấp và vĩ độ cao, hoặc ở độ cao cao và vĩ độ thấp, trong khi những cây gỗ cứng hầu như sẽ chỉ tìm thấy ở nơi có độ cao và vĩ độ từ thấp cho tới vừa phải mà thôi.
Cây cối cũng là hình ảnh phản ánh loại ánh sáng nuôi dưỡng chúng. Màu sắc của lá và thân cây chỉ thị dải tần ánh sáng nào chúng không thể hấp thụ được, và vì thế phản xạ trở lại. Các cây con ở Úc hầu như cho thấy một sự pha trộn đặc biệt các màu sắc đỏ, tím và xanh dương; trong khi ở châu Âu, nơi các điều kiện ánh sáng khác hẳn chiếm ưu thế, hầu hết có màu xanh lục nhạt.
Một quy tắc dễ nhớ thêm vào: tỉ lệ ánh sáng tần số cao, tia tử ngoại càng lớn - nghĩa là ánh sáng càng gắt - gỗ sẽ càng mềm; và ngược lại, tỉ lệ màu sắc hồng ngoại, tần số thấp càng lớn - ánh sáng càng dịu - gỗ càng cứng. Vì vậy mới có chuyện nước Úc được biết đến với những loại gỗ cứng siêu hạng của nó - nhờ vào vị trí địa lý và những vùng bán sa mạc rộng lớn của nó, nó được tiếp xúc với một tỉ lệ ánh sáng hồng ngoại đặc biệt cao.
Xét một cách logic, chúng ta phải tìm thấy những cây gỗ cứng ở trong các cánh rừng mọc quanh vùng xích đạo nữa, thế nhưng một số loại cây ở đó, cây Balsa chẳng hạn, lại có gỗ cực kỳ xốp mềm. Sẽ hiểu rõ lý do vì sao khi chúng ta ghi nhớ một điều rằng dải tần ánh sáng "thông thường" của chúng ta, nằm giữa hồng ngoại (ánh sáng dịu) và tử ngoại (ánh sáng gắt), chỉ chiếm một phần nhỏ trong toàn bộ các tia mặt trời mà thôi. Ngoài dải tử ngoại còn có vô số các tần số. Những tần số này nhanh chóng đạt tới bực cao âm giai rung động cao hơn của màu đỏ nhìn thấy (tần số hài). Giống như chuyện hai tông âm giai quãng tám ngay lập tức rung động cùng với nhau, thì cũng có một sự cộng hưởng trực tiếp giữa một tần số hồng ngoại và một tần số tử ngoại với nhau.
Điều này có nghĩa là tần số ánh sáng quyết định chất lượng của gỗ ở khu vực xích đạo hẳn đã phải rất mạnh ở vùng tần số hồng ngoại. Việc này gây nên một sự cộng hưởng bất ngờ với các rung động tử ngoại, tạo ra gỗ xốp mềm thay vì gỗ cứng. Bởi vì sự cộng hưởng này thuộc về một tần số hài bực khác, loại gỗ tương ứng cũng xốp mềm đáng kể. Balsa chẳng hạn, là loại gỗ xốp mềm nhất trong tất cả các loại gỗ.
Vòng đời của nước
Khi mưa rơi, các phân tử nước riêng biệt rơi theo vòng xoáy xuống dưới đất, hấp thụ ngày càng nhiều thể tích ô-xy, ni-tơ và các loại khí khác trong khí quyển trong khi rơi. Cùng lúc đó, chúng phát sinh ra các trường điện-sinh học và từ-sinh học mạnh. Chúng chuyển giao năng lượng này (sinh lực) cho thực vật, cũng như lượng ô-xy và các loại khí khác tích tụ được, được lá cây và mặt đất hấp thụ. Cùng với các năng lượng sinh học khác, chúng kích thích sự tăng tốc sinh trưởng và nhiều tiến trình chuyển đổi khác. Kết quả là, cây cối đáp ứng mang tính tích cực hơn nhiều so với việc tưới truyền thống, nơi mà các hạt nước có thể luận ra là rơi trong một quãng đường ngắn hơn rất nhiều. Chúng chưa được tiếp xúc với các rung động mang tính kiến tạo, tinh tế và thanh nhẹ của mặt trời có thể tìm thấy ở độ cao trên 4000 m. Vì thế rất có lý khi hứng lấy nước mưa vào trong thùng đựng nước.
Khi nước mưa chạm tới mặt đất với một sự thay đổi nhiệt độ dương (làm mát - xem Facts are Facts số 12, các bài viết về nước), nó xâm nhập vào đất và lượng ô-xy dư thừa dần dần được hấp thụ bởi đất mặt. Việc này kích thích sự sống ở trong lớp mùn, mà có đầy các vi sinh vật ở trong đó. Khi nước lọt xuống các tầng đất sâu hơn, được làm lạnh đi tới gần 4°C, nó trút bỏ lượng ô-xy dư thừa cuối cùng của nó. Tại những tầng sâu này, các phản ứng hoá học giữa magiê, can-xi, các-bon đi-ô-xit và nước tạo thành magiê các-bo-nat và can-xi các-bo-nat, giải phóng hiđro. Sự điều tiết nhiệt này diễn ra rất chậm, ô-xy được giải phóng ra dễ dàng bị tóm bởi các nguyên tử hiđro, hình thành ra nước mới. Vì thế suy ra được rằng thể tích nước có trên hành tinh này không phải là một lượng cố định.
Thứ nước ngọt này là hoàn toàn thanh khiết. Sinh ra ở 4°C - điểm kì dị của nước (điểm mà nó có mật độ năng lượng cao nhất) - và thực sự trẻ và non nớt, nó bốc lên liên tục qua các lớp năng lượng và điều nhiệt tinh tế, tiếp tục học hỏi từ các cộng hưởng và rung động mà nó thu thập được trên đường. Nó cũng dần dần ấm lên trên hành trình tiếp tục đi lên, hoà tan ngày càng nhiều khoáng chất, muối khoáng và các nguyên tố vi lượng. Những chất này được ion hoá và chuyển đổi thành dạng mà thực vật và các vi sinh vật có thể sử dụng được.
Nước này giờ đã sẵn sàng để đem lại sự sống thay vì tước đoạt sự sống. Nó đã trưởng thành và hình thành nên các chuỗi phân tử mang lại sự sống. Đó là lý do tại sao nước suối lại lành mạnh để uống hơn so với nước ngầm được bơm lên (xem Facts are Facts số 12). Tại chính xác cái điểm mà thứ nước ngầm dâng lên này đã sẵn sàng giải phóng toàn bộ năng lượng và trao lại cho sự sống, chúng ta có thể tìm thấy các hệ thống trẻ , 'hút nạp' và tìm kiếm thông tin: những cái rễ tơ li ti của thực vật, cùng với hệ vi sinh vật của chúng. Chúng lắp ghép các dưỡng chất thành các phân tử lớn hơn.
Những phân tử này sau đó được hút lên qua các mao mạch nhỏ cùng với các phân tử nước lớn "trưởng thành" đi vào các kênh dẫn ngày càng to rộng hơn của rễ cây, rồi được tích lại. Ngay khi lên tới bề mặt đất, sự cấp dưỡng của các dưỡng chất từ bên ngoài của cái cây đó đột ngột dừng lại. Đây là nơi ranh giới giữa thế giới vô hình thuộc vùng dành cho rễ cây, và thế giới đầy năng lượng, được mặt trời soi sáng có thể nhìn thấy phía trên. Chính tại đây, nơi bề mặt đất này mà hai hệ thống cung cấp cho cây, cái trông thấy được và cái không trông thấy được, hoà làm một.