Từ ngày 17 đến 19 tháng 5 năm 2025, Thư viện Cội Rễ đã có chuyến đi tiền trạm tại Nậm Khắt để khảo sát về thực trạng khuyến đọc cho các em nhỏ từ 11 - 15 tuổi tại địa phương và trao đổi về định hướng khuyến đọc với nhà trường. Chuyến tiền trạm thu về được những kết quả như sau:
1. Thực trạng
- Theo số liệu nhà trường cung cấp, trường hiện có 507 em học sinh, trong đó 283 học sinh nội trú (khoảng 55.8%). Tỷ lệ nam nữ cân bằng nhau (ước tính 51% - 49%). Các em học buổi sáng, chiều, nghỉ tối và thứ 7, chủ nhật. Ngoài giờ học, học sinh bán trú và nội trú tăng gia sản xuất, các em không ở nội trú về nhà phụ giúp gia đình.
- Về thực trạng khuyến đọc: Thầy hiệu trưởng thể hiện sự quan tâm rõ nét đến việc phát triển văn hóa đọc của học sinh (thể hiện qua những cuộc trò chuyện thầy luôn tập trung vào mong muốn phát triển văn hóa đọc), nhưng các hoạt động chưa được triển khai hiệu quả để các em tiếp cận và yêu thích với sách. số lượng học sinh chủ động đọc sách thường xuyên còn rất hạn chế. Kho sách phần lớn là sách giáo khoa, báo chí, ít sách mới - chưa đáp ứng nhu cầu khám phá, giải trí, phát triển tư duy.
- Về không gian thư viện, nhà trường có hai không gian thư viện:
Thư viện chính: đặt ở tầng 3, chưa thuận tiện cho việc tiếp cận và thu hút được nhiều học sinh. Không gian còn đơn giản, trang thiết bị chủ yếu là bàn ghế truyền thống, chưa có nhiều yếu tố tạo cảm hứng hoặc thu hút học sinh đến đọc sách thường xuyên.
Thư viện xanh: là một không gian mở gần cổng trường (diện tích khoảng 35m²), gồm ba ô tròn có mái che và ghế ngồi. Tuy có ưu điểm về vị trí gần sân chơi nhưng lại không được kết nối tốt với thư viện chính, gây khó khăn cho việc lấy sách. Bên cạnh đó, hộp sách nhỏ chưa đủ điều kiện bảo quản sách trước tác động của thời tiết, cũng như chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ để tránh hư hỏng, thất lạc.
=> Có thể thấy rằng: Không gian thư viện hiện tại chưa tạo được sự hấp dẫn đủ lớn để thu hút học sinh chủ động đến đọc sách. Trong khi đó, các hoạt động khuyến đọc tuy đã được quan tâm bước đầu nhưng vẫn chưa được triển khai hiệu quả, chưa hình thành được thói quen đọc sách thường xuyên cho học sinh.

Bản đồ các xã Nậm Khắt thu được sau chuyến tiền trạm
2. Đánh giá
Từ kết quả khảo sát, toàn dự án nhận thấy Nậm Khắt là một địa phương phù hợp để triển khai hoạt động khuyến đọc trong giai đoạn 2025 - 2028, bởi các lý do sau:
Nhà trường có cùng định hướng phát triển văn hóa đọc: Ban giám hiệu, đặc biệt là thầy hiệu trưởng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc khuyến đọc.
Các hoạt động khuyến đọc hiện tại chưa thực chất: Thiếu hoạt động tổ chức bài bản, sách không phong phú, học sinh chưa hình thành thói quen đọc → dự án có cơ hội đồng hành và tạo ra chuyển biến.
Tỷ lệ học sinh nội trú cao (55.8%): Điều kiện để thực hiện mô hình khuyến đọc tại trường.
- Trường cấm học sinh sử dụng điện thoại: Giảm sự phân tán, tăng khả năng tiếp cận sách như một hình thức giải trí.
Dự án có được sự ủng hộ từ phía nhà trường: Thầy hiệu trưởng thể hiện mong muốn được đồng hành cùng dự án trong hoạt động chuyên môn và sẵn sàng hỗ trợ cơ sở vật chất (nơi sinh hoạt sạch sẽ, thoải mái).
Gần các điểm đã triển khai như Púng Luông, La Pán Tẩn: Thuận lợi cho việc kết nối các điểm đọc.
Các em mang đậm nét văn hóa bản địa: Là điều kiện thuận lợi để dự án tiếp cận và triển khai hoạt động đọc gần gũi và hấp dẫn với đời sống của các em.
Nguồn lực dự án có khả năng thực hiện các hoạt động khuyến đọc.
3. Giải pháp
3.1. Giải pháp về không gian
Nâng cấp một không gian thư viện thân thiện và bền vững
Không gian thân thiện:
Chọn 1 không gian thư viện xanh gần sân chơi → dễ tiếp cận.
Thiết kế không gian mở, màu sắc dịu nhẹ → tạo cảm giác thân thiện.
Lắp cửa kính (hướng ra sân trường): Trưng bày sách nổi bật phía trong mặt kính để thu hút học sinh.
Bổ sung cơ sở vật chất: Tủ sách, kệ sách, trò chơi,...
Kết cấu bền vững:
Tường kiên cố, kính cường lực lấy sáng.
Mái tôn xốp bạc chống nóng, chống dột.
Kệ sách gỗ chắc chắn, có thể gắn cố định vào tường.
Tổ chức không gian thư viện
Tận dụng 02 không gian còn lại để làm nơi đọc sách và tổ chức hoạt động như: “giờ đọc ngoài trời”, chơi cờ, vẽ tranh, sinh hoạt nhóm.
Cho phép học sinh mượn sách từ thư viện chính để mang ra khu vực bên ngoài đọc.

Hình ảnh dự kiến không gian thư viện sau khi nâng cấp
3.2. Giải pháp về khuyến đọc
Hoạt động khuyến đọc được xây dựng với lộ trình 4 giai đoạn, từ hỗ trợ các em học sinh ít tiếp cận với sách đến việc giúp các em từng bước khám phá thế giới tri thức thông qua sự tò mò, niềm yêu thích với các câu chuyện, kiến thức bổ ích. Qua đó từng bước hình thành và duy trì thói quen đọc sách một cách bền vững. Chi tiết hoạt động như sau:
Thời gian thực hiện: 2025 - 2028.
Mục tiêu cụ thể:
100% học sinh (507 em) được tiếp cận thư viện.
20 - 50% (101 - 253 em) hình thành niềm yêu thích đọc sách.
10 - 20% (50 - 100 em) xây dựng thói quen đọc sách.
5 - 7% (25 - 35 em) biết ứng dụng tri thức từ việc đọc sách vào học tập và đời sống.
Lộ trình các giai đoạn:
Giai đoạn 1 - Tiếp cận: Giúp học sinh làm quen với sách, từ chưa biết đến tiếp cận và dần hình thành sự yêu thích.
Giai đoạn 2 - Yêu thích: Khơi dậy hứng thú, để sách trở thành người bạn gần gũi với học sinh.
Giai đoạn 3 - Thói quen: Nuôi dưỡng tình yêu sách thành thói quen đọc đều đặn và tự nguyện.
Giai đoạn 4 - Ứng dụng: Khuyến khích học sinh vận dụng tri thức từ sách vào học tập, cảm xúc và đời sống thường nhật.
Với những đánh giá như trên, Thư viện Cội Rễ sẽ thực hiện lộ trình khuyến đọc 3 năm (2025 - 2028), bắt đầu từ mùa hè xanh 2025 với Giai đoạn 1 - Tiếp cận.
Thư viện Cội Rễ rất hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm của mọi người trên chặng đường sắp tới!