Năm 2025, Thư viện Cội Rễ đặt chân đến xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Bài viết này tập trung vào hạng mục xây dựng thư viện.
Đề xuất nâng cấp không gian thư viện Nậm Khắt
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trường hiện có 02 thư viện đang hoạt động song song:
- Thư viện Xanh là không gian đọc mở, diện tích khoảng 35m², gồm 3 ô tròn có mái che và ghế ngồi. Đây là không gian thân thiện, nằm tại sân trường – thuận tiện cho học sinh ghé vào đọc sách trong giờ rảnh.
- Thư viện Chính đặt ở tầng 3, chủ yếu phục vụ lưu trữ sách giáo khoa, bàn ghế được sắp xếp theo kiểu truyền thống, mang tính hệ thống nhưng kém hấp dẫn, không gợi mở cho hoạt động đọc tự do.
Về tính thuận tiện: Các hộp sách nhỏ tại Thư viện Xanh hiện không đảm bảo khả năng chống chịu thời tiết (mưa, nắng, ẩm), đồng thời thiếu cơ chế quản lý sách hiệu quả, dễ dẫn đến tình trạng sách bị thất lạc, hư hỏng hoặc không được trả đúng vị trí.
Về khả năng tiếp cận: Với đặc điểm trường gồm nhiều khu vực tách biệt (dãy lớp học 3 tầng, dãy lớp học 2 tầng, khu nội trú, thư viện xanh), việc di chuyển sách từ thư viện chính xuống thư viện xanh gây bất tiện. Học sinh phải mượn sách ở tầng 3 rồi mang xuống sân để đọc, mất thời gian và công sức, khiến Thư viện Xanh dần không còn được sử dụng đúng mục đích.
Về công năng và tính liên kết giữa hai thư viện: Thư viện Chính hiện tại làm nhiệm vụ lưu trữ nhưng thiếu các đầu sách đa dạng và không gian chưa đủ thoải mái để học sinh chủ động tìm đến. Thư viện Xanh dù thuận tiện và gần gũi nhưng chưa có cơ chế liên kết với thư viện chính, khiến việc sử dụng sách và duy trì thói quen đọc vẫn rời rạc, thiếu đồng bộ.
MỤC ĐÍCH XÂY DỰNG
Dự án xác định mục tiêu quan trọng nhất của không gian thư viện là giúp học sinh tiếp cận thư viện một cách dễ dàng – thông qua việc đặt thư viện tại sân trường. Cội Rễ sẽ xây dựng kiên cố 01 ô để làm phòng lưu trữ và mượn – trả sách, 02 ô còn lại giữ nguyên làm không gian đọc mở và tổ chức các hoạt động khuyến đọc. Thư viện được thiết kế với 03 ô cửa kính trong suốt, cho phép học sinh dễ dàng nhìn thấy sách và không gian đọc mỗi khi đi ngang qua. Cách làm này đồng thời cũng giải quyết được vấn đề thực tế là thư viện xanh hiện tại chưa có chức năng lưu trữ sách.
Phương án xây dựng một phòng thư viện lớn – kết hợp cả lưu trữ và đọc sách – là hướng đi lý tưởng. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực hiện tại còn hạn chế, dự án đang tạm thời triển khai giải pháp phù hợp nhất với điều kiện sẵn có.
Không gian đọc không nhất thiết phải cố định. Dự án ưu tiên phương án linh hoạt, miễn là học sinh cảm thấy thoải mái thì bất cứ đâu cũng có thể là nơi đọc sách: Hai ô thư viện xanh gần khu lớp học, ghế đá, ký túc xá (nơi có khoảng 250 học sinh nội trú, chiếm 55,8% tổng số học sinh toàn trường - các em có thời gian rảnh vào tất cả các buổi chiều và tối trong tuần) đều có thể trở thành điểm đọc sách. Với 44,2% học sinh còn lại không ở bán trú, sách có thể được mượn về nhà để tiếp tục đọc.

Hình ảnh mô phỏng xây dựng một ô thư viện thành nơi lưu trữ sách
THÔNG TIN XÂY DỰNG
Quy mô
Công trình có quy mô nhỏ: Diện tích phòng 13m2, diện tích sân 10m2 sức chứa tối đa khoảng 15–20 học sinh. Không gian sử dụng chủ yếu để đi vào mượn – trả sách. Khi hoạt động, cửa ra vào và cửa sổ đều được mở, nên vẫn đảm bảo nhu cầu thông thoáng cần thiết.

Ánh sáng
Công trình đặt tại vị trí khuất nắng, không nhận ánh sáng mặt trời trực tiếp. Tuy nhiên, đã bố trí cửa sổ hướng Bắc và Nam, cùng với cửa chính hướng Đông Nam, giúp tận dụng ánh sáng tự nhiên tương đối đầy đủ. Trường hợp thiếu sáng có thể bật đèn hỗ trợ.
Nhiệt độ
Do không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nắng và được đặt ở độ cao địa hình khoảng 1.400m, không gian thư viện có nền nhiệt mát mẻ, không quá nóng, phù hợp với sinh hoạt đọc sách hằng ngày.
Thiết kế
Công trình được thiết kế theo hướng tối giản – linh hoạt, phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu sử dụng thực tế. Dự án lựa chọn hình thức một phòng thư viện nhỏ, gọn, dễ thi công, đồng thời kết nối trực quan với không gian thư viện xanh hiện có. Thiết kế ưu tiên cửa kính trong suốt, giúp học sinh dễ dàng nhìn thấy không gian đọc từ sân trường – tạo hiệu ứng “gọi mời nhẹ nhàng” mà không cần biển hiệu hay lời nhắc.
Vật liệu
Công trình sử dụng gạch đỏ để đảm bảo độ bền và tiết kiệm chi phí, phần mái lợp tôn và bên trên là lớp lá lanh (cây bản địa) chống nóng, kết hợp lót xốp bạc. Cửa sổ và cửa chính dùng kính cường lực khung nhôm, vừa đảm bảo ánh sáng vừa tăng tính thẩm mỹ. Toàn bộ vật liệu (chi tiết trong bản đề xuất) đều được chọn theo tiêu chí: bền – dễ bảo trì – phù hợp với điều kiện khí hậu vùng cao.

Thông tin về thợ thi công
Người thi công công trình là anh Thào A Sang, phối hợp cùng 2–3 thợ xây khác. Anh là người địa phương tại Nậm Khắt.
Về độ uy tín, anh Sang là người bản địa, am hiểu địa hình và điều kiện thi công tại khu vực.

Buổi gặp anh Sang trao đổi về ý tưởng, bản vẽ, hợp đồng
Về tay nghề, anh đã từng tham gia thi công dưới Hà Nội và các tỉnh lân cận cho các đội thầu khác, đồng thời có kinh nghiệm xây dựng các phòng nhà nghỉ ngay tại địa phương.
TÀI CHÍNH

Dự án triển khai theo hình thức khoán công; thợ chính hỗ trợ mua vật liệu xây dựng. Vật liệu được mua theo từng đợt nhỏ; dự án trực tiếp liên hệ và thanh toán với đơn vị cung cấp, nhằm kiểm soát tốt chi phí, số lượng và tránh tình trạng mua thừa gây lãng phí.
XÂY DỰNG THƯ VIỆN LÀ BƯỚC ĐẦU TRÊN HÀNH TRÌNH KHUYẾN ĐỌC
Hình thành thói quen đọc là một quá trình lâu dài, cần lồng ghép các hoạt động khuyến đọc theo từng bước:
Tiếp cận → Yêu thích → Thói quen → Ứng dụng

Hình ảnh cùng em đọc sách trong chuyến tiền trạm tháng 5, năm 2025 khảo sát địa phương
Thư viện Cội Rễ đang nỗ lực xây dựng phần này như một nội lực bền vững, đồng thời phối hợp cùng nhà trường để đồng hành lâu dài với học sinh. Nếu mô hình đọc linh hoạt hiện tại phát huy hiệu quả, dự án sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng, đồng thời xem xét thành lập thêm các tủ sách nhỏ tại bản để tiếp cận sát hơn với 50% các em không ở lại trường.
Trong trường hợp có nhu cầu và điều kiện phù hợp, khả năng mở rộng không gian thư viện cũng sẽ được tính đến.

Bản vẽ 3D công trình Thư viện Nậm Khắt
Việc xây dựng thư viện không chỉ là bước đầu trong việc tạo điều kiện tiếp cận sách, mà còn là sự hiện diện rõ ràng của một không gian đọc – đóng vai trò như một chất kết dính, kết nối và nâng đỡ cho các hoạt động khuyến đọc về sau.
Đặt chân đến Nậm Khắt – mảnh đất thứ ba Sông Mã cùng Thư viện Cội Rễ thực hiện khuyến đọc, dự án mang theo một mong muốn nhất quán: làm đến đâu chắc đến đó. Giữ vững tinh thần Sông Mã – sẵn sàng vì những điều tốt đẹp, không ngại làm cái mới, cái khó – miễn là đã nghĩ đủ kỹ, chuẩn bị đủ kỹ và làm thật chỉn chu đến cùng. Thư viện Cội Rễ sẽ cố gắng hết sức, từng bước một trên hành trình khuyến đọc nhiều năm phía trước cùng với Nậm Khắt.