CHÌM ĐẮM TRONG MỘT CUỐN SÁCH SẼ THAY ĐỔI NÃO BẠN RA SAO?
Một trong các đóng góp thâm sâu nhất, tuy chưa được thừa nhận đúng mức, của quá trình đọc sâu (deep-reading processes) là giúp người đọc biết đặt mình vào góc nhìn, cảm nhận của người khác.
Proust cho rằng “sức thần diệu tràn trề của tương giao được kích hoạt nhờ vào sự cô độc”, mô tả chiều kích của cảm xúc và thân mật trong trải nghiệm đọc: khả năng giao tiếp và đồng cảm với người khác mà không cần nhích ra khỏi thế giới riêng tư. Khả năng này có được khi đọc: rời đi nhưng không rời khỏi một bầu không gian nào đó; điều này trao cho nàng Emily Dickinson ẩn dật chiếc “chiến thuyền” của riêng mình, chu du đến bao cuộc đời và vùng đất nằm ngoài chốn neo đậu của cô ở phố Main, Amherst, Massachusetts.
Nhà thần học tường thuật John S. Dunne đã mô tả quá trình gặp gỡ và tiếp nhận quan điểm trong quá trình đọc như hành động “ghé thăm” ("passing over"), có nghĩa rằng ta thâm nhập vào cảm xúc, tưởng tượng và suy nghĩ của người khác thông qua một dạng đặc thù của đồng cảm: “Ghé thăm không phải là thâm nhập hoàn toàn mà luôn luôn chỉ một phần, không đầy đủ; đồng thời có một quá trình tương đương nhưng đối lập của việc trở về lại với bản thân.” Đây là một nhận định thích đáng đầy duyên dáng về cách mà chúng ta dịch chuyển từ nhân sinh quan hạn chế, cố hữu của mình sang của người khác để rồi khi trở về, nó được cơi nới thêm.
Trong “Love’s Mind”, cuốn sách thiêng về suy niệm, Dunne đã mở rộng nhận định của Proust: “sức thần diệu tràn trề của tương giao được kích hoạt nhờ vào sự cô độc, bản thân nó đã là một cách học để yêu”. Dunne hiểu được nghịch lý mà Proust mô tả trong quá trình đọc: tương giao vẫn diễn ra mặc cho bản chất cô đơn của việc đọc. Đó là lúc ta vô tình sửa soạn cho các nỗ lực mai sau để tìm hiểu người khác, thấu biết điều họ cảm thấy, và khởi sự căn chỉnh lại cảm nhận của bản thân về việc “người khác” thực sự là ai. Đối với các nhà thần học như John Dunne và nhà văn như Gish Jen - sự nghiệp của họ đã làm sáng tỏ nguyên tắc này trong cả thể loại tiểu thuyết và phi tiểu thuyết. Hành động đọc đưa con người đến một nơi đặc biệt – nơi họ được giải thoát khỏi chính mình để tìm đến nơi của người khác; bằng cách đó, họ tìm hiểu ý nghĩa của việc trở thành một người khác với những khát vọng, nghi ngờ hay cảm xúc mà nếu không đọc thì họ không bao giờ biết đến.
Một giáo viên kịch nghệ ở Berkely – người làm việc nhiều với thanh thiếu niên ở giữa vùng Trung Tây, từng kể tôi nghe một ví dụ thuyết phục về tác động chuyển hoá của việc “ghé thăm”. Một học sinh nữ đến gặp ông; cô bé xinh đẹp 13 tuổi này bày tỏ nguyện vọng gia nhập đội kịch chuyên biểu diễn các vở của Shakespeare mà ông đang dẫn dắt. Lời đề đạt nghe có vẻ bình thường, trừ việc cô bé bị xơ nang giai đoạn cuối và được tiên đoán không còn sống được bao lâu. Người thầy tuyệt vời đã giao cho cô một vai diễn mà ông mong sẽ để lại nơi cô những cảm nhận về tình yêu lãng mạn cùng niềm đam mê mà có lẽ cô sẽ không bao giờ được trải qua trong đời. Cô đã trở thành một nàng Juliet hoàn hảo. Gần như chỉ sau một đêm, cô thuộc làu lời thoại của vở "Romeo và Juliet" như thể từng đóng vai này hàng trăm lần trước đó.
Rồi cô khiến mọi người sửng sốt khi tiếp tục trở thành nữ chính kịch Shakespeare hết vở này đến vở khác, cứ vai sau lại mạnh hơn vai trước ở nội lực và chiều sâu cảm xúc. Rồi thời gian trôi qua kể từ khi cô bé vào vai Juliet. Trái với mọi dự liệu và chẩn đoán y khoa, cô đã vào đại học và theo đuổi bằng kép về y học và sân khấu; ở đây, cô sẽ tiếp tục “ghé thăm” hết vai trò này đến vai trò khác.
Câu chuyện đặc biệt về người phụ nữ trẻ không thực sự ngụ ý việc liệu tâm trí và trái tim có thể vượt qua những giới hạn của cơ thể hay không; hơn hết, nó thể hiện bản chất mạnh mẽ của một thực tế: bước vào cuộc sống của người khác có thể có ý nghĩa đến thế nào với cuộc sống của chính chúng ta. Kịch nghệ làm hiển lộ rõ hơn quá trình mỗi chúng ta xoay xở khi “ghé thăm” thông qua hình thức đọc sâu sắc nhất, chìm đắm nhất. Chúng ta chào đón Người khác như một vị khách bên trong mỗi chúng ta, và đôi khi chúng ta trở thành Người khác.
Vào một khoảnh khắc trong thời gian, ta rời khỏi chính mình; và khi trở lại, đôi khi ta được cơi nới và tiếp sức, được thay đổi cả về trí tuệ lẫn cảm xúc. Và đôi khi, như câu chuyện phi thường của cô gái trẻ, chúng ta trải nghiệm điều mà cuộc sống không cho phép. Đó là một món quà vô giá.
-
Nguồn bài: Đủng Đỉnh Đọc lược dịch từ bài viết: What Does Immersing Yourself in a Book Do To Your Brain?