Tháng 7 năm 22, chúng tôi, một đoàn tình nguyện gồm toàn những đứa lông ba lông bông, đi lên huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái xây một cái nơi gọi là thư viện. Chuyến xe khởi hành lúc 2 giờ đêm, từ nhà Bưởi. Hồi đó Hate, chị Tình, Ma Hằng, chị Tú thuê chung một căn nhà hai tầng trên đường Bưởi. Chúng tôi gọi đó là nhà Bưởi. Sau này những kỉ niệm sâu sắc và thời SM sống động nhất trong tôi đều gắn với nhà Bưởi. (giá mà có tiền thì tôi mua lại nhà Bưởi thình thoảng rủ mấy đứa bạn già đến ôn chuyện xưa, không biết lúc đấy có đứa nào đến không?)
Đó là chuyến đi núi đầu tiên kể từ khi tôi có-ý-thức về cuộc đời. Khi hai chiếc xe lăn bánh, trời còn tối om. Tôi chỉ còn nhớ hình ảnh chúng tôi đứng chào cờ trước cửa nhà 83 Đào Tấn sau một hồi khuân vác vài tạ sách vở, đồ chơi, kệ gỗ qua cái con ngõ vừa sâu vừa ngoằn ngoèo vừa tối đen như mực chỉ đi vừa một cái xe máy. Đường xá giờ đó vắng hoe, lác đác vài chiếc xe lao đi trong màn đêm. Phía bên kia, cửa tiệm Circle K còn sáng đèn.
Rất háo hức nhưng tôi không tài nào thức được. Tôi không nhớ giấc ngủ đã đá bay sự háo hức từ đoạn đường nào nữa. Cho đến khi đầu gật một cái thật mạnh thì hé mắt ra đã thấy núi non trôi dài ngoài cửa kính ô tô rồi. Rất đẹp.
Trời sáng hẳn thì xe đến trường cấp 2 xã Púng Luông. Tôi cũng chẳng còn nhớ ấn tượng đầu của tôi nữa. Bởi lẽ sau này tôi có nhiều ấn tượng sâu đậm hơn về cái trường ấy, chỉ nhớ lúc đó thầy Giàng ra đón chúng tôi.
Nhớ về cái ngày đầu tiên đó, trong đầu tôi không còn gì ngoài những bữa ăn.
Khởi đầu là cái bữa trưa kì quặc nhất trên đời. Chúng tôi đi cùng nhưng phần lớn là ver 15 – bọn tình nguyện viên mới gia nhập hội, nên không quen nhau, thành ra ai cũng còn ngại. Cùng ăn bữa cơm đạm bạc trước cửa bếp với chúng tôi là một thầy giáo trẻ. Sau lời mời cơm, không ai nói với nhau câu nào. Chỉ có tiếng đũa thìa va lạch cạch vào mâm bát. Cái sự im lặng căng thẳng đó làm tôi hết sức buồn cười nhưng kì thực không dám cười kẻo lại bị coi là mất lịch sự.
Không một ai nói câu gì.
Được một lúc, có vẻ cái không khí này đã quá ngượng ngùng rồi, vị thầy giáo kia đành mở lời đưa chuyện với chúng tôi vài câu:
“Các em đều đang nghỉ hè chứ?”
Không ai cất tiếng trả lời. Chúng tôi đều đang nhìn nhau, nhưng không ai trả lời. Có lẽ ai cũng đang đợi người khác trả lời.
“Vâng” – tiếng đáp cụt lủn cất lên từ phía NA làm tôi không thể nhịn cười nổi nữa. Nhìn sang, NA với ông Bách cũng đang cười như mếu không khác gì.
Ăn trưa xong thì đi ngủ. Thực ra là bị bắt đi ngủ. Viết đến đây tôi chợt ngẫm ra rằng có lẽ nội quy bắt chúng tôi đi ngủ cũng chỉ để cho chúng tôi biết ngủ trưa trên núi tuyệt vời thế nào. Gió thì mát hiu hiu, núi đồi tĩnh lặng, nắng vàng hoe sưởi khắp. Cả cuộc đời 20 năm của tôi đến giờ chưa ngủ trưa ở đâu được sâu như thế.
Song, ngủ sâu lắm thì cũng đến lúc phải dậy. Thực sự là một thử thách khó khăn khi phải thức giấc. Mắt nhắm mắt mở, tôi đi xuống dưới bếp xem mọi người đang làm gì. Khung cảnh trước mắt làm tôi cứ ngỡ mình còn đang chìm trong giấc mơ nào đấy. Căn bếp trước mặt tấp nập người nhặt rau, người thái thịt hệt như nhà tôi ở quê mỗi lần có cỗ - cái khung cảnh mà lâu rồi tôi chưa nhìn thấy. Nhưng điều đáng nói ở đây là, lúc bấy giờ mới 1 giờ chiều. Tôi phải tự vả vào mặt vài cái xem có phải mơ không. Hóa ra là thật.
Bữa chiều hôm đó là bữa cơm đông vui và nồng nhiệt nhất giữa nhà trường, chính quyền và chúng tôi. Sau này chúng tôi có nhiều lần ăn cơm cùng nhà trường và chính quyền nhưng tôi không bao giờ thấy được sự chào đón nồng hậu và nhiệt tình như thế nữa. Khi mới gặp gỡ, có nhiều viễn cảnh, hứa hẹn được vẽ ra làm ai cũng đầy hứng khởi. Nhưng rồi thời gian đã cho thấy thực tế cuộc sống thì phức tạp hơn là những viễn cảnh nên thơ ban đầu. Song, bấy nhiêu cũng là đáng quý lắm rồi.
MHX 22 khởi đầu như vậy đó.
Không còn lưu ảnh bữa cơm đạm bạc nào. Minh họa bằng ảnh rửa bát ở cái vòi nước sau nhà bếp của trường. Tối om. Vài đứa soi đèn vài đứa rửa. Vừa sợ muỗi vừa sợ ma