Bữa nọ tôi được học một cái mô hình về "Cách để giúp bệnh nhân thực hiện hành vi tốt cho sức khỏe". Ngẫm nghĩ hồi lâu, tôi nhận thấy có những điểm tương đồng và có thể vận dụng linh hoạt để thúc đẩy một nhóm đối tượng thực hiện một hành vi nào đó, cụ thể như ở CR01 - chúng ta thúc đẩy các bạn nhỏ đọc sách. (thúc đẩy chứ không phải bắt các em đọc sách)
Xin chia sẻ với các bạn về mô hình BASNEF (belief - attitude - subject norms - enabling factors)
Câu hỏi được đặt ra là: "Điều gì sẽ khiến một người thực hiện một hành vi nào đó?" (Điều gì sẽ khiến các bạn nhỏ của chúng ta đọc sách?)
Có 3 yếu tố cần thiết để hình thành Khuynh hướng hành vi ở một người: niềm tin - thái độ - áp lực xã hội. Khuynh hướng hành vi hiểu đơn giản là ý định thực hiện hành vi (ý định trong đầu).
Yếu tố thứ 01: NIỀM TIN rằng hành vi đọc sách sẽ đưa đến kết quả (giỏi thêm, vui thêm, biết nhiều thêm, ...)
Niềm tin có thể đúng có thể sai; có thể đúng với người này sai với người khác. Nhìn chung nó được hình thành trong mỗi người qua quá trình trải nghiệm sống bao gồm tác động của văn hóa, xã hội, dân tộc, tín ngưỡng, ..
Ví dụ, nếu họ không tin rằng bác sĩ có thể chữa bệnh thì khi ốm họ sẽ chọn đi thầy cúng. Tương tự, nếu các em không có niềm tin rằng "đọc sách sẽ giúp có thêm hiểu biết" thì sẽ khó có động lực đọc sách.
Yếu tố thứ 02: THÁI ĐỘ đối với hành vi đó
Thái độ thể hiện nhân thức tích cực / tiêu cực / trung tính của các em đối với việc đọc sách (có thể là thích/không thích/trung lập, ủng hộ/phản đối/không quan tâm, ...) Đó là sự kết hợp của Niềm tin và Đánh giá về kết quả tiềm năng.
Tiếp ví dụ trên, nếu các em cho rằng "có thêm hiểu biết" là điều tốt thì sẽ phát triển thái độ tích cực (ủng hộ) hành vi đọc sách. Ngược lại, thái độ tiêu cực đối với hành vi thể hiện khi các em cho rằng "có thêm hiểu biết" là một điều tệ hại.
Yếu tố thứ 03: CHUẨN CHỦ QUAN (áp lực xã hội)
Chuẩn chủ quan là nhận thức của các em với việc người-tham-khảo-quan-trọng của các em cho rằng hành vi nên hay không nên được thực hiện. Người đó có thể là thầy cô, cha mẹ, bạn bè, TNV, ...
Ví dụ, khi các em sống trong một gia đình mà cha mẹ cho rằng việc đọc sách là tốt thì các em sẽ có xu hướng được khuyến khích và tự khuyến khích thực hiện hành vi đó. Ngược lại, nếu trong cộng đồng của các em không coi trọng việc đọc sách và cho rằng nó vô bổ thì sẽ có ít khả năng các em dám thực hiện hành vi đó hơn (mặc dù cộng đồng không cấm cản các em làm việc đó). Điều này có thể lí giải do ảnh hưởng của môi trường sống đến sự hình thành con người từ bé, và tâm lí ngại thay đổi, ngại làm những điều mới lạ.
Khi 3 yếu tố trên được kết hợp đủ, KHUYNH HƯỚNG HÀNH VI đã được hình thành trong các bạn. Hiểu đơn giản thì nó là ý-định-đọc-sách. Bây giờ các bạn đã có ý định đọc sách nhưng đến bước này ý định đó mới nằm trong đầu mà chưa biến thành hành vi thực tế. Vì sao? Vì cần có thêm Yếu tố điều kiện nữa.
YẾU TỐ ĐIỀU KIỆN ở đây là những điều kiện bên ngoài bao gồm thời gian, vật chất, kỹ năng, ... Các em không thể đọc sách được nếu không có sách, cũng không thể đọc sách được nếu lúc nào cũng phải lên nương, và tất nhiên không thể đọc được nếu không biết chữ.
---
Vậy ta có thể làm gì để thúc đẩy việc đọc sách ở các em?
Niềm tin - Thái độ - Chuẩn chủ quan (subject norms) là 3 yếu tố được hình thành từ trong đầu các em. Chúng được hình thành và chịu ảnh hưởng bởi cộng đồng, văn hóa, xã hội, kinh tế, dân tộc, ... Ta không thể bắt các em phải có Niềm tin - Thái độ - Chuẩn chủ quan nào đó với việc đọc sách vì đó là tự trong các em. Việc có thể làm ở đây là tác động đến các yếu tố ảnh hưởng. Ví dụ: nâng cao nhận thức của gia đình, thầy cô về việc đọc sách --> tác động đến Chuẩn chủ quan (subject norms) của các em về hành vi đọc sách.
Yếu tố điều kiện là cái "có vẻ" dễ hơn để tác động. Ví dụ như việc ta cung cấp sách, dạy chữ chính là tạo yếu tố điều kiện thuận lợi cho Ý-định đọc sách được phát triển thành Hành-vi đọc sách. Đến đây có vẻ đã rõ câu hỏi classic "Tại sao cung cấp đầy đủ nguồn lực rồi mà các em vẫn không thèm đọc?" - là vì các em không có Ý-định-đọc-sách chứ sao.
Cuộc sống vốn là mớ hỗn độn và khoa học là cái thứ dở hơi cố gắng khái quát chúng lại thành cách qui luật mà con người có thể hiểu. Song chính từ những qui luật sơ cấp mà con người nghiên cứu ra những điều sâu xa hơn. Khoa học hành vi (behavioural science) cũng tương tự. Trên thực tế, để một đối tượng thực hiện một hành vi nào đó là điều phức tạp hơn là cái sơ đồ kia.
Khi nào các bạn 01 dành thời gian suy nghĩ về việc dự án đang làm theo một góc nhìn "có chiến lược" một chút thì có thể tham khảo mô hình BASNEF này xem chúng ta có thể tác động đến những yếu tố nào để thúc đẩy hành vi đọc sách (hoặc bất kì hành vi nào mà ta hướng đến). Lâu nay thấy ta làm hơi cảm-tính, không hẳn là không tốt, nhưng nếu chịu khó trau dồi kiến thức và mài dũa các công cụ cho sắc bén thì việc ta làm không thể nào không có hiệu quả hơn được.
P/S: các tình huống ví dụ tôi đưa ra với mục đích minh họa cho bài viết để giúp người đọc dễ hình dung về ý mà tôi đang diễn tả. cho nên, xin đừng quá nhạy cảm mà đi bắt bẻ các tình huống ví dụ làm gì.
BTW, bữa nào có dịp sẽ thử nghiệm thúc đẩy hành vi lái xe ngoan của tụi xế 01. Thực trạng hiện nay các cụ đi láo quá. Hehe