Người viết sách mà tớ luôn dặn mình: "Đừng đọc quá nhiều cùng lúc", đọc vừa phải thì thấy cảm thông, nhưng đọc nhiều hơn thì thực sự rất ngột. Đặc biệt, ông nói về sự chết - cái chết - nỗi chết, kể cả khi còn thở hay không.
Tớ chưa đọc hết những gì bác già viết, hiểu về nó nông là có thật. Bác đặt ra một bàn tiệc về "chủ nghĩa hiện sinh" - ờ đọc thì thấy nhiều người nói thế, tớ không biết rõ chủ nghĩa này. Nhưng về "bất tín nhận thức" thì quá rõ ràng, ta đang sống vì sao - ta đang ở trên không gian nào - con người xung quanh là thật hay ảo giác, tất cả mọi trang tớ đọc đến giờ thì mọi nhân vật đề rất mơ hồ cho sự tồn tại của mình.
"Rừng Na Uy" là cuốn đầu tiên tớ đọc, nó đau đớn và khắc khoải khi chứng kiến cảnh "người sống sống dở người chết chết ngon". Người ta cứ tồn tại lay lắt, cứ ăn đủ ngủ ngon để nuôi cái kết cho đời mình sao cho trọn vẹn. May là tớ đọc khi cũng đủ nhận thức rồi, vì nếu đọc trước thì tớ cũng bất tin chẳng rõ vì sao tư tưởng ấy lại xuất hiện, nhất là ở cái thời ta cho là sung túc, thậm chí là dư thừa thông tin vô độ.
---
"Tớ thực sự viết ra khi không biết bắt đầu ở đâu, nói thật thì trong hơn 1 tuần đọc “Rừng Na Uy” sách đã mang đi một phần hy vọng ngớ ngẩn nào đó trong tớ. Mọi thứ trần như nhộng, phơi hết ra trước mắt, chưa kịp phản ứng gì thì mọi thứ đã đi rồi. Tớ không mệt mỏi, không sốt ruột hay buồn bã. Tớ cũng không có một phản ứng cảm xúc mãnh liệt nào cả, chỉ ngồi đó và mắc kẹt tại nơi Naoko chọn để thoát ly chính mình khỏi cuộc sống “bình thường” ngoài kia.
“Còn cái mà tôi học được từ cái chết của Naoko lại là thế này: không có chân lý nào có thể làm dịu được nỗi đau buồn khi chúng ta mất một người yêu dấu. Không một chân lý nào, một tấm lòng trung thực nào, một sức mạnh nào, một tấm lòng từ ái nào, có thể làm dịu được nỗi đau buồn ấy. Chúng ta chỉ có thể chịu đựng nỗi đau ấy cho đến tận cùng và cố học được một điều gì đó, nhưng bài học ấy cũng lại chẳng có ích gì nữa khi chúng ta phải đối mặt với một nỗi đau buồn mới sẽ ập đến không biết lúc nào.”
Họ luôn khao khát tình yêu, ở đâu hoặc từ ai cũng được. Kết luận là thế. Có lẽ là nhiều tâm tư con người càng cố chôn xuống thì lại càng bị bóc tách ra hết trong “Rừng Na Uy”. Cậu bạn chuyên cùng rủ Toru đi uống rượu săn gái, ngủ lang hết đêm này tới đêm khác nhưng lại không bao giờ bán sự tự do cho hôn nhân. Cho đến anh bạn “Quốc xã” sạch sẽ đến bệnh hoạn và luôn sống theo từng bước đã sắp đặt trước. Cậu bạn Kizuki thời thơ ấu dễ mến và luôn làm người khác thấy vui vẻ và ấm áp khi ở cạnh.
Đến Reiko, người chị với những nếp nhăn biết nhảy múa mỗi khi chị người. Và hai cô gái đã in sâu vào trái tim Watanabe, mỗi người chiếm lĩnh một nửa. Họ là nhân vật, là giả tưởng hay là thật cũng không còn quan trọng nhất với tớ nữa. Họ đều có quan điểm sống rất riêng cho mình, dù khác thường hay ngớ ngẩn, quá viển vông hay thực dụng, tớ cũng chẳng thấy nổi một ai hạnh phúc trong này cả. Thực sự thì tớ như bị cuốn vào sương mù xong mò mẫm tìm xem rốt cuộc mình có được gì sau tất cả từng đó trang sách, và tớ chợt nhớ ra những người tớ đang đọc được đây cũng không biết lối thoát cho mình là gì. Vậy là tớ bằng lòng để Toru dẫn tớ đi bằng giọng văn của cậu ấy.
“… bọn mình đến ở đây không phải để sửa chữa sự méo mó của mình mà là để làm quen với nó, rằng một trong những vấn đề của bọn mình là khả năng biết được và chấp nhận những méo mó của chính mình. Cũng như mỗi người đều có những đặc điểm riêng trong cách đi đứng, ai cũng có những cái riêng trong cách nghĩ, cách cảm và cách nhìn sự vật, và cho dù ta có muốn sửa chữa chúng, chuyện đó không thể nhanh được, và nếu ta cố ép buộc thì thể nào cũng có những cái lạ lùng khác xảy ra.”
Khi biến cố xảy ra trong đời, cô gái thời niên thiếu Toru phải lòng - cũng là người yêu của cậu bạn Kizuki ấy chọn nơi xa rời thực tại để sống tách biệt hết mọi thứ. Gia đình, tình yêu, học hành và tất cả những gì người khác đang có và đang làm đều đang làm Naoko đau đớn. Tớ đồng tình với Toru, rằng Naoko đã chọn lấy cái chết từ rất lâu rồi, cô ấy chỉ đang sống để nuôi dưỡng sự chết cho đến khi nó đủ mạnh mẽ, đủ ý chí, nó sẽ cắt đứt để giải thoát khỏi đau khổ. Toru chính là người đã giúp Naoko sinh tồn trong khoảng thời gian trước khi cái ngày đó đến, cậu ấy là mảnh vụn duy nhất còn sót lại không làm cô tổn thương. Reiko là người đi trước, bạn cùng phòng của Naoko đã sống biệt lập 8 năm và cắt đứt hết những gì mình cố vun đắp. Khi đọc đến đoạn này, tớ cũng tự hỏi liệu nó có thật không, cái vùng đất mà chúng mình chẳng cố gượng làm gì cả, chỉ làm những việc vui vẻ và hạnh phúc, trò chuyện và yêu thương mỗi ngày. Ở đây càng lâu, lại càng khó thoát. Dẫu sao, cuộc đời vẫn đó, họ không trốn được.
Midori lại là một mặt rất khác, cách cô thờ ơ đối diện và coi sự bất hạnh mình đang trải qua là đống phế thải làm tớ khá khó chịu lúc đầu. Cô chẳng đặt tình yêu của mình vào từng câu nói, xù xì với mọi khía cạnh đời cho, nhưng sau này lại là người trụ đến cuối cùng.
Mạnh mẽ thật đấy, tớ chẳng rõ nàng có bị điên hay dây thần kinh vụn vỡ đã chết lâu rồi để mà đối diện với từng đó chuyện mà vẫn chưa chùn bước. Cô ấy thành thật nói mọi điều xấu xí và méo mó trong mình, chấp nhận nó thực sự thay vì tìm một nơi và trốn đi rồi từ từ hồi phục như Naoko. Tớ không thiên về cách nào cả, tớ luôn tìm cái chốn khỉ ho cò gáy như Naoko, nhưng cũng ngưỡng mộ những con người giống Midori. Và cả hai nàng đều có chữ “yêu” trong đó, tớ không thể chắc tình yêu của Watanabe dành cho cả hai là thế nào, hay là một tình yêu chạm vào da thịt sẽ thấy ấm áp giữa con người với nhau. Một tình yêu thuở non nớt và bông đùa, cho đến tình yêu khi đã trải qua vô số người vô số truyện. Một trong hai sẽ bị làm nền cho cái còn lại, nhưng Murakami viết cả hai và chúng sống trong mọi dòng chảy của Watanabe, vì thế anh ta chẳng thể bỏ ai lại.
Ở nơi ấy sự chết không phải là yếu tố quyết định làm chấm dứt sự sống. Ở đó, sự chết chỉ là một trong nhiều yếu tố cấu thành nên sự sống. Ở đó Naoko sống với cái chết trong con người nàng. Và nàng nói với tôi, “Đừng lo, nó chỉ là cái chết thôi mà. Đừng để nó làm phiền cậu."
Thay vì cứ cố tạo ra một xúc cảm đau đớn trước khi chết, họ cứ chết còn lý do thì nói đến sau. Cô đã kết thúc đời mình, cô đã không còn đây nữa. Tớ nghĩ rằng Watanabe mới là người đẩy mọi thứ lên cao nhất khi dính dáng đến cái chết, khi ai đó rời bỏ và chẳng thể giải thích hay can đảm sống đúng bản ngã của mình, họ bị số đông và cuộc sống chung cứa đến đau nhức và để rồi chấp nhận buông bỏ. Hồi tưởng của Watanabe, cách anh vượt qua nỗi đau mất mát ấy làm tớ cũng đôi đoạn kiệt quệ. Lồng ghép những gì về cuộc sống thì bài học giai cấp cũng rất hay, giá trị của những con người bình thường, sống trong gia đình bình thường, lớn lên bởi những lời mắng chửi và lục đục gia đình nuôi dưỡng họ thay vì tiền bạc cả thảy giống đời đang ở đây với tớ. Những câu chuyện về suất cơm rẻ mạt, về cái cách phản động chính quyền thì có đem lại công bằng cho những người lao động nghèo hay không, rồi cả những món tiền vào các buổi thác loạn không nuôi con người ta hạnh phúc. Đúng là đời có gì thì viết nấy, nhưng viết sao mà người đọc cảm thấy một phần trong mình cũng đau đớn theo câu chuyện đó thực sự khó khăn quá luôn. Nhưng tớ lại thấy may vì mình chưa viết ra được, có khi nào chính tớ cũng phải đánh đổi mất mát gì đó thì mới đổi lại được một tác phẩm như thế này hay không ?"
---
Hồi viết mấy dòng này bản thân tớ cũng thấy quá nông cạn, nhưng hiểu sâu hơn thế nào tớ không biết nữa. Rất nhiều thứ không biết nữa tạo thành một quả bóng rắc rối khổng lồ, rối rắm như tơ không tìm thấy nút. Tớ đành để đó, đốt nó, thành tro.
"Có những lúc người ta phải lựa chọn giữa cuộc sống của chính mình, một cách trọn vẹn, hoàn toàn, hoàn toàn - hoặc kéo ra một sự tồn tại giả tạo, nông cạn, xuống cấp mà thế giới theo yêu cầu đạo đức giả của mình ."