Nhịp sống nơi cực Tây Tổ quốc
Tinker@PhươngCuaGà@24/05/2014
Sín Thầu – Mường Nhé – Điện Biên, mảnh đất chỉ mới nghe đến tên ngày học môn Địa lý, nay được đến tận nơi để cảm nhận nhịp sống của con người nơi đây. Ở nơi cực Tây Tổ quốc mọi điều đều thật bình dị…
Từ thành phố Điện Biên Phủ vượt quãng đường gần 200km để đến được trung tâm huyện Mường Nhé trong một ngày nắng mới thấy hết sự khó khăn của mảnh đất Tây Bắc Tổ quốc. Con đường lên huyện được làm mới, đi lại thuận tiện hơn trước nhưng cái gian nan, vất vả thì vẫn còn nguyên theo những nhịp đường, trong mỗi khúc cua và trong cái nắng rát nơi vùng cao…
- Nhịp sống mới nơi cực Tây Tổ quốc từ những nếp nhà…
Con người đầu tiên tôi gặp: người lái xe bưu điện. Đã bao năm nay, với chiếc xe của mình bác chuyển bưu phẩm, sách báo từ bưu điện tỉnh về cho các xã. Con đường đến với Sín Thầu đã quá quen, quen đến mức bác nhớ từng khúc quanh, từng nhịp cầu đi qua. Tôi cứ có cảm giác bác giống như một chú ong chăm chỉ, dù nắng mưa cũng vượt qua quãng đường gần 200km để nối con người lại gần nhau hơn, nối gần lại những bản xa… Nhờ những người như bác mà bà con vùng sâu cũng được tiếp cận với sách báo, được gửi thư từ liên lạc. Chẳng biết bác còn bao nhiêu năm trong nghề, nhưng tôi cứ nghĩ mãi và tiếc nếu một ngày người lái xe ấy về hưu.
- Người dân xã Mường Toong được cấp mới chứng minh thư nhân dân
Di dân tự do, tái định cư… những cụm từ trước đây chỉ xuất hiện trong sách vở và đôi khi thoáng qua trong ý nghĩ, đến bây giờ mới thực sự thành hình, thành khối trong đầu. Lên Mường Nhé mới thấy hết sự khó khăn trong công tác ổn định dân cư. Là chút bối rối và lo lắng của người cán bộ trẻ khi nói về tình trạng di cư tự do và các điểm tái định cư chưa đưa được dân đến ở. Là những băn khoăn và mong muốn của ông trưởng bản Mường Toong khi chuyển về khu tái định cư…
- Màu xanh từ những cánh đồng xã Mường Toong, huyện Mường Nhé
Đến thăm nhà của người dân mới chuyển về khu tái định cư, cảm giác như nhịp sống bây giờ mới thực sự bắt đầu. Cái chuồng lợn mới dựng, cây lâu năm mới trồng, thêm giàn bí trước nhà…chỉ cần vậy là thấy vững tâm, tin tưởng rằng anh sẽ bám trụ lại với mảnh đất này và cuộc sống di dân di cư sẽ thực sự chấm dứt. Lên đến đây mới thấy, niềm tin luôn khởi đầu từ những điều thực bình dị.
Những đứa trẻ tôi gặp tại bản tái định cư là điều ám ảnh nhất. Những đứa bé người Mông ở trần thẹn thùng nhìn người lạ rồi cứ đứng im trước ống kính máy ảnh. Cái nét mặt mà tôi đã gặp bao lần trong những chuyến đi trước đó nhưng rồi vẫn cứ bất ngờ khi nhìn ánh mắt ấy. Chỉ mong sau này, khi trường học được xây dựng gần nhà, em sẽ đến trường, sẽ học cái chữ, sẽ tự mình vượt qua đói nghèo.
- Cậu bé người Mông trong gia đình tại khu tái định cư
Nhịp sống nơi cực Tây Tổ quốc bình dị nhưng cứ khiến người đến phải nhớ mãi. Cái bình dị lẫn trong sự đói nghèo, khắc khổ và cái lam lũ chẳng thể giấu. Và bình dị trong cả đời sống của những con người nơi đây.
Trạm kiểm lâm Sín Thầu trong cái nắng 380C mà không có điện. Điện được kéo về phục vụ bà con trước vậy nên ở đây, các chú, các anh vẫn hàng ngày tự mình vượt qua cái nắng rát của vùng cao bằng những chiếc quạt tay. Cái nắng chiếu thẳng vào mặt, rát và oi nồng. Bác trạm trưởng chỉ hơn năm nữa là về hưu, cái khó, cái khổ nào cũng đã trải qua, nhưng trong mỗi câu chuyện, đều thấy niềm vui và nụ cười. Bác làm cho mọi người cười, thắp lên những niềm vui nơi vùng cao để rồi có khi tôi cứ nghĩ mãi: có phải nhờ đi qua gian khó mà con người ta lại can đảm và yêu đời đến vậy.
Bộ đội biên phòng, những con người luôn thật đẹp trong mỗi câu ca, vần thơ. Tiếc rằng trong chuyến đi đã không thể lên đồn biên phòng để biết được cuộc sống của những con người đang bảo vê biên cương Tổ quốc. Nhưng những người tôi đã gặp cũng đủ để thấy tin tưởng và yêu thêm những chú bộ đội nơi cực Tây Tổ quốc. Bộ đội biên phòng là những thầy giáo mang quân hàm xanh, là người gần dân và là người dân yêu nhất ở những nơi xa xôi như Sín Thầu.
- Thửa ruộng đầu tiên canh tác 2 vụ lúa/năm của xã Sín Thầu – Mường Nhé
Người lính biên phòng tôi gặp thật đặc biệt. Chú đã từng ngang dọc đất nước, đặt chân đến tận cực Nam Tổ quốc, và rồi bây giờ là cực Tây. Về làm cán bộ tăng cường cho xã Sín Thầu, chú là người đầu tiên cùng với cán bộ khuyến nông nghiên cứu và vận động người dân cấy được 2 vụ lúc trong một năm. Những thửa ruộng nhỏ nằm ngay sau trường học đã bắt đầu trổ bông. Cứ thấy niềm vui và nụ cười hiền hậu trên gương mặt người lính biên phòng khi đứng trước ruộng lúa. Chú không muốn nói về thành tích, về những điều mình đã làm được, chú chỉ muốn cho mọi người được nhìn thấy cánh đồng lúa của người dân Sín Thầu…Cuộc sống nơi cực Tây Tổ quốc chắc chắn rồi sẽ đổi khác từ chính những cánh đồng lúa như thế…
Và những người cuối cùng tôi gặp trong chuyến đi: những đứa trẻ người dân tộc Hà Nhì. Ở Sín Thầu, nơi cực Tây Tổ quốc có đến 95% là người dân tộc Hà Nhì, một trong những dân tộc hiếu học nhất ở Điện Biên. Đường vào trường còn mấp mô đầy sỏi đá, những lớp học nằm chênh vênh. Những đứa trẻ Hà Nhì trong trang phục dân tộc ngồi trong lớp, vừa đọc bài, chốc chốc ánh nhìn tò mò lại hướng về những người lạ. Các em chính là mầm non, là “của để dành” của mảnh đất Tây Bắc.
Lắng nghe những câu chuyện từ thầy cô, càng tin tưởng và yêu hơn cái sự hiếu học của người dân Hà Nhì. Những người dân hiến đất làm trường, những ông bố bà mẹ bỏ ngày công đến làm nhà ở bán trú cho con em và những đứa trẻ luôn lấp lánh nụ cười ngày đến trường.
Ở trường tiểu học, các em được ngồi thành vòng tròn. Các em được nói, được làm, được chia sẻ nhiều hơn và quan trọng như cô giáo trẻ bảo: để các em hiểu được ai cũng quan trọng như nhau…Trong lớp học nhỏ này các em ai cũng quan trọng và với Tổ quốc người Hà Nhì cũng rất quan trọng. Các em là một phần không thể tách rời, là bản sắc và là nhành hoa đẹp giữa núi đồi Tây Bắc.
Chia tay Mường Nhé trong một ngày mưa, cơn mưa làm dịu đi cái nắng nóng và cũng làm dịu đi bao suy nghĩ, đắn đo trong lòng người. Còn thật nhiều điều nuối tiếc, còn thật nhiều con người muốn gặp mặt và những điểm muốn dừng chân.
Cực Tây Tổ quốc, nơi có những con người bình dị, làm nên nhịp sống bình dị. Và tin rằng cuộc sống chắc chắn rồi sẽ đổi khác. Mường Nhé sẽ tự mình vươn lên từ những mầm xanh đang có của ngày hôm nay…
Những chuyến tiền trạm của Sông Mã, luôn là những chuyến đi gây thương nhớ …