Gió thu thổi đến, lá vàng rơi.
Tôi chơi vơi, một chiều tự hỏi.
Sao lá lại rơi, khi thu tới,
Sao chẳng xanh tươi mãi nơi này?
Quay ra nhìn lại thì vạn vật quanh chúng ta có gì là mãi mãi, câu trả lời có lẽ nằm trong hai chữ vô thường.
Vậy vô thường là như thế nào? Theo lời đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy: “Tất cả những gì trong thế gian đã là biến đổi, hư hoại, đều là Vô thường”. Vậy Vô thường nghĩa là không thường, không mãi mãi ở yên trong một trạng thái nhất định, từ vật nhỏ như hạt bụi đến lớn như trái đất này, luôn luôn thay hình đổi dạng, đi từ trạng thái hình thành đến khi tan rã, nên gọi là Vô thường.
Đối với con người những giai đoạn biến đổi mà ai cũng phải trải qua là: Sinh, lão, bệnh, tử. Đối với cây cỏ là sinh, trụ, dị, diệt. Đối với sự vật vô tri trên thế gian là thành, trụ, hoại, không. Thực ra tất cả đó đều chung một ý nghĩa.
Hiểu vô thường như vậy, chúng ta quán chiếu vô thường vào chính chúng ta trên phương diện là một con người tham gia tình nguyện, chúng ta thấy được điều gì.
Trước hết, chúng ta thấy thân này là vô thường.
Tại sao vậy, bởi cái thây này từng phút giây, có khi nào là không biến đổi, từ cái nhỏ như một tế bào chết đi, đến xa hơn là lão, bệnh và tử.
Hiểu thân này là vô thường, chúng ta mới ngẫm thế này: trong tình nguyện, nhiều khi chúng ta phải lao động chân tay, vất vả, bẩn thỉu, có thể sẽ làm chúng ta ngại, chúng ta chùn tay vì sợ sẽ làm xấu bẩn cái thân này. Nhưng chúng ta biết, thân này là vô thường, nó vô thường bởi mỗi ngày nó đều có sự thay đổi, dù nhỏ hay lớn. Bởi nó là thay đổi, nên mọi thứ xấu đẹp sạch bẩn cũng chỉ là tạm bợ, sẽ qua. Vậy thì trong quá trình làm việc, có gì chúng ta phải ngại ngùng mà không hy sinh nó để tạo nên nụ cười cho người khác.
Nhưng cũng vì thân là vô thường, nên tất có bệnh, tử. Vì vậy, trong quá trình làm việc nếu chúng qua ham một cái gì, không biết giới hạn bản thân, quá hy sinh nó cuối cùng công việc không hoàn thành mà thân lại mang bệnh. Lúc đó, có phải vô tình chúng ta đã tự làm mình khổ đầu tiên, đồng đội mình cũng khổ, và ảnh hưởng tới công việc chung. Vậy có chăng, mỗi chúng ta nên biết đúng sức mình, biết sẻ chia và quan tâm lẫn nhau trong công việc và trong cuộc sống.
Thân này là vô thường, vậy còn tâm thì sao?
Tâm nãy cũng là vô thường: Cái tâm, cái suy nghĩ có bao giờ là dừng lại, là không thay đổi, nay yêu, mai ghét, vui buồn, giận hờn…cái tâm niệm của chúng ta cũng thay đổi theo từng phút giây.
Cái tâm thay đổi như thế, nếu chúng ta không cảnh giác, thức tỉnh, để những suy nghĩ u mê, ganh ghét xâm lấn tâm trí, có phải sẽ rất tệ hay không. Bởi vậy, có lẽ chúng ta nên luôn luôn ý thức để nó thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn.
Ví như chúng ta trót làm sai điều gì hay chót nghĩ xấu cho đồng đội, thì hãy đối diện với bản thân, nhìn thẳng vào tâm mình để nhận rõ mà sửa đổi. Còn chẳng may, đồng đội có làm sai, thì cũng đừng mang tâm trách cứ, ghét bỏ, còn nếu đã chót một giây phút nào có ý nghĩ đó thì hãy cố dẹp nó đi, thay vào là một tâm độ lượng, cảm thông, chia sẻ, góp ý hoan hỉ. Như vậy thì nghĩa đồng đội được bền chặt, tình anh em mới vững vàng.
Đối với những con người nơi chúng ta hoạt động, tất sẽ có người này người khác, những nếu mang tâm thiện ra để đối đãi với tất cả mọi người, thì lo gì bị hậu quả xấu ác.
Vậy là, nhờ vô thường, chúng ta có thể biến một cái tâm không tốt thành một tâm tốt hơn. Tất nhiên, có điều ngược lại, mà điều ngược lại có lẽ còn dễ hơn điều xuôi rất nhiều. Nhưng nếu có lòng tin và kiên trì tinh tấn, thì ngại gì mỗi chúng ta không nuôi cho mình có được một tâm thiện, để trên mỗi bước đường, chúng ta sẽ luôn hát vang bài ca “Nối Vòng Tay Lớn”.
Thực sự, ý nghĩa của vô thường rất cao sâu và vi diệu, ở đây chỉ xin có mấy lời nông cạn trao đổi. Cuối cùng, xin mượn một câu của cổ nhân để khép lại:
“Nhân sinh là kiếp vô thường
Vô thường là kiếp đoạn trường nhân sinh”
@Kiếm Phong@Tinker@24/09/2014
Nguồn ảnh: Đội TNTN Sông Mã và Internet