Cũng như trong cuộc sống hàng ngày, khi hoạt động tình nguyện cũng có rất nhiều sự việc ngoài ý muốn, do bản thân, hay người khác tạo ra, gây cho mình bực bội khó chịu, nóng giận trong lòng. Nếu không biết cách hóa giải đôi khi chúng ta có những lời nói, hành động tiêu cực, dẫn đến hậu quả xấu, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn tới đồng đội… Thiết nghĩ, nếu trong lòng mỗi người có một chữ Nhẫn, dù nhỏ thôi, thì có lẽ cuộc sống sẽ nhiều tiếng cười hơn.
Cổ nhân có câu:
Có khi nhẫn để yêu thương
Có khi nhẫn để liệu đường lo toan
Có khi nhẫn để vẹn toàn
Có khi nhẫn để chớ tàn hại nhau.
Vậy Nhẫn là gì ?
Chữ nhẫn theo hán học, chiết tự ra gồm chữ đao nghĩa là dao ở trên và chữ tâm ở dưới. Cấu trúc này khiến cho chữ nhẫn diễn tả một hành xử: Đó là tính chịu đựng.
Theo quan điểm của Phật giáo thì Nhẫn là nhịn, là nhận phần kém, phần thiệt thòi về mình, để cuối cùng lợi mình lợi người. Chữ nhẫn ngoài sự chịu đựng điềm tĩnh còn cần phải có sự tha thứ, độ lượng, khoan dung, nhận đúng bản chất mà kiên tâm nhẫn nại. Nhẫn, chính là thể hiện bản lĩnh của con người.
Hiểu như vậy có thể thấy Nhẫn, không phải là sự cam chịu. Nhẫn, cũng không phải là nhục một cách hèn nhát.
Tại sao chúng ta nên nhẫn?
Giả như chúng ta – những tình nguyện viên không giữ được trong mình một chữ nhẫn, gặp chuyện khó chịu, không may, tức khắc lửa giận nổi lên, đây là tâm sân hận, sân sẽ dẫn tới si, mà hậu quả của việc hành động theo cái ngu si, che mờ lí trí thì bạn cũng biết là thế nào rồi.
Thật vậy, chỉ một phút nổi nóng, không tự kìm chế được mình mà không dằn được cơn tức giận, nghĩa đồng đội phải phân rẽ, bạn bè trở thành kẻ oán thù, và mâu thuẫn dẫn đến xung đột bè phái, đánh mất cái nghĩa cao đẹp trong hai chữ tình nguyện…
Ngày bước vào Đội, trước khi đi Mùa hè xanh đầu tiên, chúng tôi được các anh chị đi trước kể về việc anh đội trưởng đầu tiên của Đội bị thanh niên địa phương gây hấn và đấm một quả vào mặt. Thay vì nóng giận và phản ứng tiêu cực, anh và mọi người đã bình tĩnh xử lý vụ việc. Mặc dù không được chứng kiến, nhưng tôi nghĩ thế này, nếu như lúc đó, thay vì việc kìm chế, dùng lý lẽ bằng những phản ứng tiêu cực thì sẽ thế nào, có phải sẽ là một trận ẩu đả hay cãi vã, cuối cũng thiệt vẫn là mình và đồng đội, không chỉ thế mà hình ảnh và quan hệ của Đội với nhân dân địa phương cũng sẽ rất tệ, thậm chí có thể không còn Đội để tôi được ngồi nghe những câu chuyện như thế nữa.
Tôi cũng nhớ có một lần đi tiền trạm, được nghe một chuyện cũng đáng buồn. Chuyện là trước khi chúng tôi đến, có một tổ chức từ thiện cũng từng làm chương trình ở đó, nhưng vì bất đồng quan điểm giữa những người đồng đội mà dẫn tới cãi vã, cuối cùng làm hỏng cả chương trình, mất đi hình ảnh người tình nguyện viên. Đó chỉ là một ví dụ khi chữ Nhẫn giữa những người đồng đội không giữ được.
Có phải chăng nếu mỗi khi gặp chuyện, chúng ta lắng lại, chịu lắng nghe nhau một chút, nhường nhịn nhau một chút, có một chữ nhẫn dù nhỏ thôi trong lòng, thì đã không có sự việc đáng tiếc xảy ra.
Muốn thấm nhuần và vận dụng được đạo của chữ Nhẫn, thì mỗi người chúng ta cần làm thế nào?
Để có thể như vậy, chúng ta phải thức hành trên ba phương diện là: thân nhẫn, khẩu nhẫn và ý nhẫn.
Thân nhẫn là thực hành chữ Nhẫn qua hành động, là có những việc làm phù hợp, kể cả có những lúc chấp nhận và hy sinh tạm thời bản thân để công việc chung có thể đạt được những kết quả tốt.
Khẩu nhẫn là thực hành chữ Nhẫn qua lời nói. Người đi làm tình nguyện thực hành khẩu nhẫn là phải thận trọng khi phát ngôn để không dẫn đến khẩu chiến trong công việc.
Ý nhẫn là thực hành chữ Nhẫn qua tư duy và nhận thức. Con người tình nguyện cần có trí tuệ và tư duy, thận trọng trong giải quyết công việc, phân tích đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan thì sẽ thành công.
Cuối cùng, xin được trích lại một câu của cổ nhân:
“Chữ nhẫn là chữ tượng vàng
Ai mà giữ được đời càng hiển vinh”
Chữ Nhẫn thật quan trọng với mỗi con người, đối với người tình nguyện viên thiết nghĩ càng cần thiết và thường trực hơn.
Tinker@Kiếm Phong@20/09/2014
Ảnh: Internet