Tà Xùa là một xã vùng cao thuộc huyện Bắc Yên, Sơn La, Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội khoảng 200km dọc theo tuyến đường Quốc lộ 32 và 37. Xã Tà Xùa nằm ở độ cao trung bình từ 1400-1600m so với mực nước biển, nằm gọn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa – nơi đã từng nổi tiếng với loại gỗ quý pơ mu, mà đến nay đã hầu như tuyệt diệt. Tà Xùa có 100% dân cư sinh sống là người dân tộc Mông mà đến nay vẫn còn gìn giữ rất nhiều truyền thống văn hóa đặc sắc. Tà Xùa lạnh, nhiệt độ vào mùa hè không vượt quá 25 ºC, về mùa đông nhiệt độ có thể xuống dưới 0 ºC và đôi khi có cả băng giá. Đặc biệt, dải đất vùng cao này gần như được bao phủ bởi sương mù quanh năm, từ sáng sớm cho đến khi trời tối. Trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như vậy, những người Mông nơi đây vẫn kiên cường bám đất, bám rừng, vẫn hi vọng vào một tương lai tươi sáng hơn, khi màu xanh trở lại.
Trong một chuyến đi về Tà Xùa, khi những đợt rét đậm đầu tiên tràn về Miền Bắc, chúng tôi đã bắt gặp nhiều câu chuyện về vùng đất này. Đó là những câu chuyện về Đất, về Người, những câu chuyện mà chúng tôi trân trọng gọi bằng cái tên “Hoa trên đá”. Xin giới thiệu với bạn đọc Tinker một câu chuyện về một em nhỏ người Mông, trong gian khó vẫn không ngừng vươn lên ở cái rẻo cao cằn lạnh này.
1. 5 giờ kém, trong cái lạnh se sắt của Tà Xùa, Dua đã thức dậy để chuẩn bị bữa cơm sáng cho kịp buổi đến trường. Nhà Dua không có điện, em phải sử dụng đèn pin để thắp sáng. Với đồng bào dân tộc Mông, bữa cơm sáng là bữa cơm quan trọng nhất, chuẩn bị cho cả một ngày dài lao động phía trước. “- Thế bây giờ mà anh chị lắp cho một cái bóng đèn thì em có thích không? – Thích.”
2. Dua đến trường trong màn sương mù dày đặc của Tà Xùa. Thời tiết Tà Xùa rất khác lạ, ban đêm là thời điểm ít lạnh và sương mù nhất. Càng về trưa, sương càng giăng dày đặc, càng lạnh hơn.
3. Nhà của Dua. Đây là gian nhà mà Dua mà mẹ đã sinh sống trong suốt những năm tháng vừa qua. Nó chỉ như một gian nhà dựng tạm, với một cái giường nhỏ, một bếp lửa cùng các vật dụng sinh hoạt tối thiểu. Căn nhà rất tối do không được lắp điện và không có cửa sổ.
4. Một quyển vở của Dua. Em thiếu vở, và mẹ không có tiền để mua cho em. Đây là quyển vở mà em xin của bạn để viết tiếp vào những trang còn thừa.
5. Dua ở trên lớp. Nhưng trong hoàn cảnh đó, Thò Thị Dua vẫn là một học sinh giỏi, và là lớp trưởng lớp 4B trường Tiểu học Tà Xùa. Trong câu chuyện của mình, thầy Hiệu phó Thào A Sáy luôn miệng bảo: “Con bé học tốt lắm, tốt lắm”.
6. Sau giờ học, em và mẹ cùng làm váy. Người Mông ở Tà Xùa vẫn mặc trang phục truyền thống, vẫn ăn Tết cổ truyền theo phong tục của dân tộc mình. Trong một chuyến đi khác, chúng tôi có ngủ nhờ nhà chú Ư tại bản Mống Vàng. Sáng sớm hôm sau, khi ngỏ lời chụp một kiểu ảnh để tạm biệt, cô chú ngay lập tức đi thay những bộ trang phục truyền đẹp nhất của mình. Đẹp và đáng trân trọng.
7. Dua và mẹ cả. Bố Dua có hai người vợ, và đã mất cách đây 6-7 năm. Hiện tại Dua đang sống với mẹ mình, còn mẹ cả đang sống cùng 2 người anh của Dua ở căn nhà ngay bên cạnh.
8. Thò A Rê và mẹ. Rê là anh kế của Dua. Rê đang nấu cơm sáng để đi học. Em đang học lớp 7 trường THCS Tà Xùa. Rê bảo: “Ở trên trường lạnh hơn ở dưới này”.
9. Một bữa cơm tối điển hình của nhà Rê. Bữa cơm còn có gạo trắng, rau cải nấu mì tôm.
...
Những câu chuyện như của Dua là không hiếm ở Tà Xùa. Lạnh giá và mịt mù, nhưng các em vẫn mỉm cười, vẫn mạnh mẽ vươn lên…như là những bông hoa trên đá.
Ảnh: Mạc Vấn - Trường Bao @Tinker@13/12/2014