Xưa có một bà thí chủ vào chùa, muốn cúng dường nhưng trong túi chỉ còn hai xu, đem hết dâng cúng. Vị Trụ trì đích thân làm lễ bái sám hồi hướng. Sau số mạng bà thay đổi, bà được tuyển vào cung vua, trở nên giàu có. Bà đem hàng ngàn lạng vàng vào chùa cúng dường, không ngờ vị Trụ trì chỉ sai người đệ tử hồi hướng. Bà thắc mắc hỏi : « Trước kia con cúng dường hai xu thì Hoà thượng đích thân hồi hướng, lần này con cúng dường hàng ngàn lượng vàng mà Hoà thượng lại không đích thân hồi hướng cho con » ? Vị hòa thượng trả lời :
« Trước kia tiền tuy ít ỏi, nhưng lòng chân thành quý giá, nếu lão tăng không đích thân bái sám hồi hướng thì e không xứng với công đức này. Nay tiền cúng dường tuy nhiều, nhưng lòng thành không bằng ngày xưa, cho nên để đệ tử hồi hướng đã đủ ». Đây nói lên tấm lòng hai xu là đầy, còn tấm lòng ngàn lượng là vơi.
Ông Chung Ly (1) truyền phương pháp luyện đan cho Lữ Tổ (2) bảo phương pháp này có thể luyện sắt thành vàng để giúp đời. Ông Lữ hỏi : « Luyện vàng như vậy có phai màu không » ? Ông Chung Ly trả lời rằng : « Năm trăm năm sau vàng ấy sẽ biến trở lại thành chất sắt ngày xưa ». Ông Lữ liền đáp : « Vậy tôi không học vì phương pháp này sẽ hại đến người năm trăm năm về sau ». Ông Chung Ly vừa ý và bảo : « Tôi chẳng qua muốn thử lòng ngươi mà thôi. Muốn tu tiên cần phải tích trữ ba ngàn công hạnh, nhưng chỉ câu trả lời này đã trọn đầy ba ngàn công hạnh rồi ». Đó cũng là một ví dụ về vơi và đầy.
Chú thích:
(1) Chung Ly : tên Quyền, người đời Hán, sau tu thành tiên.
(2) Lữ Tổ : tên là Nghiêm, hiệu Động Tân, người đời Đường. từng đậu khoa cử, từng làm huyện trưởng. Sau gặp Chung Ly. Chung Ly truyền phương pháp luyện đan và tu tiên.
-Câu chuyện được trích trong Liễu Phàm Tứ Huấn, Liễu Phàm viết cho con là Thiên Khải cách cải tạo vận mệnh.