Đời người có những việc chờ đợi là hối tiếc, sợ hãi không bằng tiếp nhận
Con người ta khi đến một độ tuổi nhất định, trải qua càng nhiều càng hiểu rõ rằng đời người có những việc là không thể chờ đợi, chờ đợi là hối tiếc, cũng có những việc không nên sợ hãi mà hãy điềm tĩnh tiếp nhận.
Nhân sinh vô thường, không có điều gì là bất biến. Sinh mệnh có ý nghĩa không phải ở chỗ nhận được bao nhiêu, tranh giành được bao nhiêu mà là ở chỗ cho đi được bao nhiêu. Rất nhiều sự tình trên đời chẳng thể nào dự đoán trước và nắm bắt được. Sinh mệnh lại quá yếu ớt, chỉ một chớp mắt âm dương đã cách biệt rồi. Bởi vậy trong cuộc đời ngắn ngủi ấy, có những việc là không nên chờ đợi, có những việc là cần phải tiếp nhận, như vậy người ta mới có thể sống được tự do thản đãng hơn.
1. Hiếu kính cha mẹ
Trên th1 gian, có rất nhiều việc cần phải tùy thời, cần phải chờ đợi, nhưng riêng việc hiếu kính cha mẹ là không thể chờ đợi. Người xưa có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”, trong trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu. Dù cha mẹ có là người như thế nào thì là phận con cái cũng phải thành tâm tôn kính.
Con cái ngày một trưởng thành, cha mẹ ngày một già đi, hiếu kính cha mẹ là việc cần làm ngay. Làm con hãy nhớ “xem cha mẹ là bản thân mình trong tương lai” mà hiếu thuận kịp thời, đừng để đến khi “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”, “con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn” thì lúc đó đã quá muộn rồi, dù hối hận cũng không còn kịp nữa.
Công ơn sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ cao như núi, nếu không thể báo đáp thì nhất định sẽ hối tiếc cả đời.
2. Giữ gìn sức khỏe
Sức khỏe được ví như tiền vốn của mỗi người. Con người khi bị bệnh, mệt mỏi thường sẽ nghĩ lại và hối hận rằng đã không làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Nhưng khi bệnh có chuyển biến tốt thì người ta lại thường quên mất đạo lý này.
Khi con người còn trẻ và khỏe mạnh thì không ngừng tính toán danh lợi, buông thả trong rượu và sắc, không để tâm tiết chế dục vọng. Làm như vậy thì sẽ ăn không ngon, ngủ không yên. Đến tuổi trung niên hay khi cơ thể mắc bệnh, người ta dễ rơi vào hối hận. Đây chính là vòng quay nhân quả mà con người thường mắc phải. Đã hiểu được nỗi khổ ấy, thì nên để tâm được bình thản, giảm bớt ham muốn và sự hưởng lạc của bản thân. Có như vậy mới có thể sửa được thói xấu, khéo dưỡng được thân tâm của mình.
Con người khi trải qua nỗi khổ bệnh tật mới hiểu được rằng: “Không có bệnh thật là hạnh phúc”. Cho nên đừng vì ham muốn, hưởng lạc vô độ mà hủy hoại thân thể.
3. Biết ở một mình
Mỗi người đều có những trải nghiệm riêng khác nhau, có những suy nghĩ khác nhau và chính chúng đã làm cho mỗi người có những cảnh giới tinh thần khác nhau. Trừ những bậc giác ngộ ra, mấy ai hiểu được tường tận bản thân, hiểu được tường tận người khác? Điều ấy cũng là nguyên nhân khiến người ta khó tránh khỏi cảm giác cô độc trong cuộc đời.
Nhưng những lúc như thế, con người đều nên tĩnh tâm suy ngẫm, nhìn nhận bản thân. “Ở một mình” giúp con người học cách tự trò chuyện với mình tốt hơn. Trong xã hội hiện đại vô cùng huyên náo này, người ta thường chỉ nhìn vào người khác chứ ít khi nhìn vào bản thân. Sự ồn ào và huyên náo ấy thường có sức phá hoại rất lớn với sự trưởng thành của con người.
4. Vui với mệnh
Một người được sinh ra ở hoàn cảnh nào là điều mà không ai có thể tự lựa chọn được. Có người sinh ra đã là con nhà giàu sang quyền quý, nhưng có người sinh ra đã ở nơi đầu đường xó chợ, không nhà cửa. Tuy nhiên, xuất thân giàu sang hay nghèo hèn không phải là yếu tố quyết định, yếu tố quyết định quan trọng là người ấy đối diện, bước đi trong cuộc đời này thế nào.
Cũng như vậy, không ai có thể lựa chọn được vận khí của chính mình, không ai có thể lựa chọn được những thăng trầm của cuộc sống, nhưng lại có thể lựa chọn phương thức đối diện với nó. Khi gặp vận khí xấu, cần phải vững vàng. Một cánh cửa đóng lại thì nhất định sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Trời không tuyệt đường người, cùng đường tất sẽ có biến chuyển. Khi gặp được vận khí tốt cũng đừng quá đắc ý, “tái ông thất mã, phúc họa tương y”, trong họa có phúc, trong phúc có mầm họa, cho nên cần phải thận trọng.
5. Tiếp nhận sinh tử
“Sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật tự nhiên của sinh mệnh. Con người không có cách nào thay đổi được quy luật ấy, chỉ có cách tiếp nhận nó. Cuộc đời của mỗi sinh mệnh là hữu hạn, cho nên mỗi người đều cần phải sống sao cho không uổng, sống sao cho có ý nghĩa.
Tín ngưỡng của nhân loại cho rằng cái chết là không đáng sợ như con người vẫn tưởng tượng. Một người có thể giữ vững lương tri thì sẽ có chỗ tốt đẹp cho sinh mệnh của mình. Luân hồi là để một sinh mệnh mới được ra đời. Chính sự lưu luyến, không muốn rời xa cõi trần của con người ta lúc cận kề cái chết mới là nỗi đau khổ lớn nhất, nỗi sợ hãi lớn nhất.
6. Tìm được ý nghĩa nhân sinh
Cuộc sống là một chuỗi hành trình đi tìm và khám phá ý nghĩa chân chính của sinh mệnh đời người. Trải qua những cung bậc cảm xúc, con người suy ngẫm và rút ra những bài học tinh thần khác nhau, đồng thời lại không ngừng tìm kiếm.
Từ xa xưa, các bậc giác ngộ đã để lại cho nhân thế câu trả lời cho những câu hỏi được coi là chỗ mê vĩnh hằng như: nguồn gốc con người, mối quan hệ giữa con người và vũ trụ, ý nghĩa của sự tồn tại. Mặc dù có sự khác biệt trong hình thức, nhưng tựu chung lại, thông qua các phương pháp như tu tâm, tu Thiện, tu thân, tu Chân, đức tin, cứu rỗi, v.v., các bậc giác giả đã định hình nên khái niệm về tu luyện trong văn hóa nhân loại.
Người chân chính hiểu được ý nghĩa sinh mệnh, ý nghĩa nhân sinh sẽ không bị những “vật ngoại thân”, những việc nơi cuộc sống đời thường làm khó khăn, phiền não.