Trong các hoạt động thiện nguyện, mọi người thường bàn về việc “đi ngược dòng xa hơn nữa” để tìm về và giải quyết gốc rễ của vấn đề thay vì chỉ giải quyết các triệu chứng. Chúng ta ở đây bàn về việc đạt được hiệu quả lớn hơn nữa cho những sự thay đổi bằng cách tham gia vào các hoạt động “thiện nguyện mang tính chuyển hóa”, điều mà sẽ thách thức thế giới quan của chúng ta, cách suy nghĩ của chúng ta cũng như cách thế giới này được cấu thành và vận hành. Thế nhưng điều này có nghĩa là gì? Tôi tạo ra “Câu chuyện về nhà sư thứ năm” này để minh họa những cách thức khác nhau về hoạt động thiện nguyện và khái niệm về lực đẩy đòn bẩy.
Ngày xưa, có 4 nhà sư, trên con đường tìm kiếm sự giác ngộ, cùng ngồi bên bờ sông và thiền định hướng về hòa bình thế giới. Nhiều năm trôi qua trong thầm lặng. Một ngày kia, có một chiếc thúng trôi theo dòng, ở trong là một đứa bé đang khóc. Các nhà sư vội lội xuống sông và cứu đứa bé. Một thời gian sau, càng ngày càng nhiều thúng trôi xuống, với nhiều em bé hơn. Các nhà sư chìm trong công việc chăm sóc trẻ. Rồi đột nhiên, ba nhà sư rời đi, chỉ để lại một nhà sư để chăm sóc lũ nhỏ.
Nhiều tháng sau, các em bé dạt từ đầu nguồn xuống ít dần rồi dừng hẳn. Nhà sư thứ hai trở về, và giải thích, anh ấy đi bộ lên đầu nguồn, tới ngôi làng trên đó, nơi dân số quá đông và xảy ra nạn đói. Lũ trẻ sơ sinh được thả xuống hạ nguồn từ đó. Nhà sư thứ hai đã thành lập một trại trẻ mồ côi để chăm sóc chúng. Thật hạnh phúc biết bao, vấn đề dường như đã được giải quyết, và hai nhà sư trở lại với thiền định.
Nhưng chẳng bao lâu sau, trại trẻ mồ côi trở nên chật chội, và cuộc khủng hoảng lại tái diễn. Nhiều năm sau, vấn đề lại dừng lại một cách bí ẩn và nhà sư thứ ba trở lại. Cô giải thích rằng, cô đã nỗ lực tìm ra nguyên nhân sâu xa hơn của việc quá tải dân số, và đi xa hơn về thượng nguồn, thiết lập một chương trình kế hoạch hóa gia đình thành công. Tin chắc rằng vấn đề đã được giải quyết ổn thỏa, ba nhà sư trở lại thiền định.
Thật không may, chỉ vài năm sau, do sự suy thoái của nền kinh tế và xu hướng bảo thủ trong viện trợ của chính phủ dẫn đến việc chấm dứt chương trình kế hoạch hóa gia đình và cuộc khủng hoảng đã quay trở lại. Các xáo trộn lại bắt đầu, ảnh hưởng đến việc thiền định của các nhà sư và một lần nữa đột nhiên các vấn đề lại biến mất một cách bí ẩn. Nhà sư thứ tư quay trở lại, giải thích rằng việc bùng nổ dân số chỉ là một trong những vấn đề phức tạp có liên quan với nhau. Nhà sư đã tập hợp tất cả các bên liên quan để hình thành một phong trào xã hội và chính trị thống nhất hướng tới sự thay đổi tiến bộ. Phong trào đã đưa vào một liên minh tự do bắt đầu cung cấp tài trợ và hỗ trợ giải quyết tất các các vấn đề khó khăn. Thật may, vấn đề dường như đã được giải quyết hẳn, và bốn nhà sư trở lại thiền định.
Đáng buồn thay, bốn năm sau, liên minh tự do hoạt động trong chính đảng và đã bị liên minh bảo thủ bỏ phiếu từ nhiệm, dẫn tới cắt giảm tài trợ cho tất cả các chương trình. Cuộc khủng hoảng về trẻ sơ sinh quay trở lại và dường như tình hình còn tệ hơn bao giờ hết. Hoặc có thể chỉ là các nhà sư đã già đi nhiều và cảm thấy mệt mỏi sau nhiều năm nỗ lực.
Trong nỗi tuyệt vọng sâu sắc, các nhà sư nhận ra rằng họ phải chuyển hóa bản thân và xã hội theo một cách căn bản nhất – giống như một con sâu bướm chuyển mình thành bướm. Với các ý tưởng ban đầu, các nhà sư mời nhóm các nhà lãnh đạo ngồi lại với nhau để suy ngẫm và đối thoại. Dần dần, một loại mối quan hệ, tinh thần và trí tuệ tập thể đặc biệt xuất hiện trong nội bộ nhóm, giữa các nhóm, và cả sự xuất hiện của một quyền lực cao hơn mà họ gọi là “nhà sư thứ năm”. Dưới sự giúp đỡ và hướng dẫn của “nhà sư thứ năm”, các nhóm bắt đầu nhìn ra hình ảnh con bướm trong bản thân và ở trong xã hội. Những hình ảnh này bắt đầu tạo thành một câu chuyện mới, mô tả xem họ là ai, và họ sống cùng nhau như thế nào trong một cộng đồng nhân ái kiểu mới. Đồng thời, quá trình chữa lành và hòa giải mới xuất hiện, giúp họ loại bỏ những vết thương và khuôn mẫu cũ. Điều này đã thúc đẩy một tinh thần kiến tạo mới, và hy vọng rằng từng bước một, qua từng năm, sẽ giúp xây dựng nên một nền tảng xã hội mới, nơi mà những vấn đề từng là không thể tránh khỏi, cứ lặp đi lặp lại ở quá khứ, nay đã lỗi thời.
Bốn nhà sư, nay đã già, ngồi lại cùng nhau bên bờ sông và cùng suy ngẫm trong tĩnh lặng. Họ chẳng cần cầu nguyện cho hoà bình nữa. Giờ đây nhờ “nhà sư thứ năm”, họ đã có thể ngồi thảnh thơi ăn sô cô la và nhấm rượu.
Nhà sư thứ năm và thiện nguyện mang tính chuyển hoá: Nỗ lực của 4 nhà sư và sự khám phá ra “nhà sư thứ năm” đã giúp định hình rõ năm loại hình thiện nguyện khác nhau. Biểu đồ dưới đây trình bày rõ sự khác nhau giữa năm mô hình này cũng như so sánh chúng với các mô hình khác.
Như bạn thấy, mỗi mô hình đều cố gắng đi xa hơn để tìm hiểu và giải quyết gốc rễ vấn đề. Thông thường, càng đi ngược dòng các vấn đề, thì càng có nhiều đòn bẩy tiềm năng để sự thay đổi trở nên hiệu quả và lâu dài. Đồng thời, những nỗ lực ngược dòng thường phức tạp hơn, rủi ro hơn, khó hiểu và khó định lượng, đo lường. Chúng cũng thường cần khung thời gian dài hơn và tốn nhiều chi phí hơn. Ví dụ, trong trường hợp của 5 nhà sư, những nỗ lực của vị sư thứ nhất (cứu và chăm sóc trẻ sơ sinh) và thậm chí của nhà sư thứ hai (thành lập trại trẻ mồ côi) là rất kịp thời, hữu hình, dễ thấy và dễ định lượng. Tuy nhiên, họ đã làm rất ít để giải quyết bất cứ điều gì khác ngoài các triệu chứng của vấn đề, và do đó lực của đòn bẩy không được cung cấp cho sự thay đổi lâu dài. So với những nỗ lực này, thì những nỗ lực của các nhà sư thứ tư và thứ năm – những người nhắm đến mục đích thay đổi và chuyển hóa xã hội – đưa đến một lực đẩy mạnh hơn, hướng tới sự thay đổi lâu dài nhưng cũng mất nhiều thời gian hơn, nhiều rủi ro và khó định lượng hơn.
Khi nói đến vấn đề xin tài trợ, có một nguyên tắc chung là bạn càng đi ngược dòng thì nguồn tài trợ càng ít. Không có nghiên cứu về tài trợ nào về mô hình của nhà sư thứ năm, nhưng ngoại suy từ các nghiên cứu được xuất bản bởi tạp chí Chronicle of Philanthropy, tôi ước tính rằng sự ủng hộ đến từ các cá nhân và tổ chức ở Hoa Kỳ được chia nhỏ như sau: dành cho nhà sư thứ nhất và thứ hai: 70%; dành cho nhà sư thứ ba: 20%; dành cho nhà sư thứ tư: 9%; và dành cho nhà sư thứ năm: 1%.
Tại sao chỉ chiếm 1% của tổng số tiền cho đi, lại giành được những hiệu quả cao nhất để tạo nên sự thay đổi? Hệ thống thiện nguyện của chúng ta hướng tới việc đo lường sự thành công của một dự án dựa trên các kết quả ngắn hạn và hữu hình, dễ đo lường – và thường không bao gồm ý thức cá nhân và tập thể, cũng như thay đổi trong hệ thống. Do đó, cách chúng ta nghĩ về sự thay đổi và đo lường chúng sẽ cản trở chúng ta trên con đường đạt được sự thay đổi sâu sắc, toàn diện. Nếu chúng ta có thể vượt qua được những thách thức phía trước, tôi tin rằng các hoạt
động thiện nguyện sẽ phải thay đổi đáng kể cách tư duy và tiếp cận sang một hướng mang tính chuyển hóa, bằng cách hoạt động theo rất nhiều nguyên tắc mới và sử dụng nguồn lực một cách rất khác. Hiểu rõ mục tiêu này, thành viên tổ chức Wisdom Funders’ Network đã bắt đầu ngồi lại với nhau để phụng sự cho cuộc cách mạng trong cách làm thiện nguyện.
Những lời của nhà sinh vật học tiến hoá - Elisabet Sahtouris về hình ảnh sâu bướm rất hữu ích ở đây. Bà nói: “Một con sâu bướm có thể ăn gấp ba trăm lần trọng lượng của chính nó trong một ngày, tàn phá nhiều loài thực vật trong quá trình này, và tiếp tục ăn cho đến khi nó phình to đến mức phải treo mình lên và đi ngủ, da cứng lại thành một vết thâm. Sau đó, trong vỏ kén, một cơ thể sâu bướm đang ngủ đông – một loại sinh vật mới, rất khác bắt đầu hình thành – đó chính là bướm. Các tế bào bên trong con bướm … tập hợp của các tế bào gốc mà các nhà sinh vật học gọi là “tế bào tưởng tượng”, vẫn ẩn bên trong con sâu bướm suốt cuộc đời của nó, cho đến khi khủng hoảng do ăn quá nhiều, mệt mỏi và suy nhược cho phép chúng phát triển, và dần dần thay thế sâu bướm bằng một con bướm.”
Sử dụng ví dụ này như một so sánh tương đương, tôi muốn đề xuất rằng các sáng kiến, ý tưởng chuyển hoá đại diện cho những “tế bào tưởng tượng” của một xã hội đang thức tỉnh của chúng ta. Các nguồn lực khổng lồ mà những cá nhân và tập đoàn tích lũy được trong xã hội hiện tại, giống như những gì họ làm trong các thế bào của sâu bướm, để cung cấp nhiên liệu và hỗ trợ những sự chuyển hoá nhằm phát triển một thứ hoàn toàn mới. Chính lời hứa thay đổi bản thân và xã hội với sự trợ giúp của các nguồn lực thiện nguyện đã truyền cảm hứng cho tôi đi tiếp theo tiếng gọi của lĩnh vực thiện nguyện theo đúng tinh thần và sứ mệnh của nó.