Nhiều năm về trước, một người bạn của tôi đã tham gia hoạt động tình nguyện cùng Mẹ Teresa ở Calcutta, Ấn Độ. Cô kể lại rằng: có một nhà tài trợ lớn đã đến đó, săm soi mọi thứ, và cuối cùng hỏi “con xin chụp hình với Mẹ có được không?” Mẹ Teresa đáp “Ồ, được chứ!” Vấn đề là tấm hình không được hoàn hảo. Ông ta yêu cầu “Mẹ có thể quay qua đây một tí không?” Thế rồi chụp hết tấm này đến tấm khác. Có khi ông ta còn xoay khuôn mặt của mẹ hết qua phải, rồi ra đằng sau.
Thấy cảnh này, bạn tôi không khỏi tức giận. Đây là người thầy đáng kính của cô, một biểu tượng lớn của tinh thần phụng sự trên thế giới. Sao lại có người có thể cư xử với bà như thể với một đồ vật vậy? Cô không nói gì. Chờ khi mọi người đã đi khỏi, cô đến bên Mẹ và hỏi “Mẹ ơi, sao mẹ không nói gì hết vậy?” Mẹ Teresa đáp lại một câu mà làm thay đổi cuộc đời cô. Bà nói “Con à, có nhiều kiểu nghèo lắm!”
Mẹ Teresa đã thấy trong con người giàu có về tài chính này một dạng nghèo nàn về tinh thần. Nhưng Mẹ không dừng lại ở đó mà Mẹ đáp lại bằng một kiểu giàu có khác. Bà đáp lại cái nghèo ấy bằng sự chấp nhận, lòng khoan dung, vị tha, sự tử tế, lòng từ bi chứa chan. Điều mà Mẹ đã dạy chúng ta qua câu chuyện đó là: có nhiều kiểu nghèo và nhiều kiểu giàu.
Trong xã hội ngày nay, chúng ta quá thiên về hướng giàu có về tài chính. Sự giàu có được đánh đồng với tiền bạc, cho dù còn có rất nhiều dạng vốn khác. Xu hướng tiền bạc đơn thuần ấy thì không tốt lành gì cho chúng ta đâu. Ngay tháng trước thôi, tổ chức Oxfarm vừa công bố báo cáo chỉ ra rằng 62 người trên thế giới sở hữu lượng tài sản nhiều hơn cả 3,5 tỷ người ở đáy (của pyramid) – hơn một nửa dân số thế giới còn gì!
Điều này ảnh hưởng đáng kể đến well-being của chúng ta. Không những là tiền không được dành để gia tăng toàn bộ trải nghiệm làm người mà tiền được tạo ra trên đời như món nợ, và để trả nợ thì chúng ta cần tăng trưởng liên tục. Càng ngày nó càng buộc chúng ta phải biến những của cải và dịch vụ, mà lẽ ra chỉ được chia sẻ thuần túy từ tấm lòng như cho đi nhờ xe, nấu món ăn mời hàng xóm, cho bạn ngủ nhờ … thành hàng hóa. Chúng ta, giờ đây, định giá mọi thứ. Hơn nữa, xu hướng tiền tệ này tạo ra cảm giác thiếu thốn, chẳng có ích lợi gì cho lý trí, tâm hồn hay não bộ của chúng ta hết.
Vậy làm sao chúng ta có thể làm nên một cái bánh to hơn? Nói cách khác, đâu là những dạng vốn khác nữa mà chúng ta có thể khai thác?
Thật ra chúng tôi tìm thấy những dạng vốn này ngẫu nhiên thôi. Vào năm 1999, chúng tôi là 1 nhóm thanh niên ngoài 20 tuổi ở Thung lũng Silicon, sáng lập một tổ chức tên là ServiceSpace. Chúng tôi chỉ muốn cho đi, khởi đầu bằng việc xây dựng trang web cho các tổ chức phi lợi nhuận, hoàn toàn tình nguyện.
Nhưng sau đó, người ta nói với chúng tôi rằng “Nếu các bạn muốn nhân rộng mô hình này lên và muốn tiếp tục lâu dài thì phải tiền tệ hóa nó thôi”. Rồi 16 năm sau đó, việc làm của chúng tôi đã tác động đến hàng triệu người và chúng tôi vẫn chưa hề tiền tệ hóa chúng. Chúng tôi chả cần phải chạy quảng cáo và cũng chả gây quỹ gì hết.
Làm sao mà chuyện đó khả thi được? Nó khả thi vì chúng tôi đào trúng mỏ vàng, một mỏ vàng của những dạng vốn khác.
Hôm nay tôi muốn chia sẻ chi tiết một vài dạng vốn.
Dạng vốn đầu tiên là Thời Gian.
Bằng trực giác, tất cả chúng ta đều hiểu điều này. Ai cũng có thời gian. Ta thường liên tưởng nó với công việc. Ta nói: “Tôi có thời gian, và tôi dành nó cho công việc”. Nhưng thật ra chúng ta thật sự hiểu sai và đánh giá sai loại Vốn Thời Gian này. Một cuộc thăm dò của công ty Gallup công bố năm ngoái cho thấy 71% những người được hỏi cảm thấy không thực sự chú tâm trong công việc. Điều ấy tiêu tốn đến 350 tỷ đô-la.
Không chỉ vậy, ta thực ra có rất nhiều thời gian để cho đi – thời gian có thể được điều chuyển theo nhiều hướng khác nhau. Chúng ta dành 200 tỷ giờ để xem TV mỗi năm, tận 200 tỷ. Và chuyện này còn ngạc nhiên hơn. Chúng ta dành 300 tỷ phút mỗi ngày để chơi trò chơi điện tử. Liệu ta có thể điều chuyển thời gian ấy theo hướng khác không? Có thể dùng nó để đóng góp cho xã hội không?
Công nghệ thật ra đang giúp ta làm điều đó. Có rất nhiều ví dụ, như Wikipedia chẳng hạn. Chúng ta không nghĩ rằng Wikipedia là nơi mọi người tham gia làm tình nguyện, nhưng thực tế các nhà nghiên cứu đã thấy rằng 100 triệu giờ tình nguyện đã được đóng góp cho Wikipedia, và đó mới chỉ là 1% khả năng. 99% còn lại vẫn chưa được dùng đến.
Nếu thời gian là một dạng vốn, và mỗi giờ là mộ t đơn vị tiền tệ. Bạn có thể tưởng tượng là chúng ta có cả ngân hàng thời gian để duy trì đơn vị tiền tệ này.
Trên thực tế, có khoảng 300 ngân hàng như vậy trên thế giới. Ở Vermont, thậm chí còn có cả những ngân hàng chăm sóc sức khỏe dành chongười già.
Ở Seattle, có một ví dụ tuyệt vời – một viện dưỡng lão tên là Mount. Điểm độc đáo của nơi này là họ đặt một nhà trẻ ngay trong viện dưỡng lão! Điều này thúc đẩy việc học hỏi giữa các thế hệ. Ta thử nghĩ về điều đó xem, đó quả là một ý tưởng tuyệt vời bởi vì cả người già và trẻ em đều có rất nhiều Vốn Thời Gian. Ta để họ sống cùng nhau và khiến cho rất nhiều “giao dịch tài sản” diễn ra. Người già có những câu chuyện, có trải nghiệm, có sự khôn ngoan. Trẻ em thì tò mò, đầy năng lượng và hăng hái. Kết hợp những nguồn lực đó lại với nhau thì tạo nên biết bao giá trị mới.
Một dạng vốn khác là Cộng Đồng.
Chúng ta thường nghĩ về những người đóng góp là các cá nhân, nhưng thật ra 1 cộng 1 thường ra kết quả lớn hơn 2, vì dấu cộng ở giữa có giá trị. Cái cách mà chúng ta liên hệ, kết nối với nhau có thể làm nên những kết quả hoàn toàn khác. Nếu bạn nhìn kĩ 1 mẩu ruột bút chì hoặc kim cương thì chúng đều là các phân tử carbon cả. Điểm khác biệt duy nhất là cách các phân tử liên kết lại với nhau. Chính mối quan hệ này cuối cùng lại là yếu tố vô cùng quan trọng.
Chúng ta cũng không cần đi xa hơn cái bàn ăn để hiểu được khái niệm này. Trong một nghiên cứu, Mỹ xếp thứ 33 trên 35 quốc gia, trong việc dành thời gian ăn tối cùng gia đình. Như người ta nghiên cứu thì hóa ra chúng ta thật ra được rất nhiều lợi lạc khi ăn tối cùng nhau. Ở trẻ nhỏ, vốn từ vựng được phát triển. Nếu bạn có con lớn hơn 1 tí, điểm số ở trường cũng tăng. Thậm chí với trẻ lớn thì chúng sẽ ăn nhiều trái cây và rau quả hơn và ít khả năng bị béo phì ngay cả khi về già. Nhậu nhẹt, trầm cảm, bạo lực - tất cả những tỷ lệ này đều giảm. Chắc bạn không nghĩ việc ăn bữa cơm cùng nhau lại có nhiều tác dụng như vậy đâu, nhưng những mối quan hệ tốt là ngọn nguồn của những tác động tích cực (hiệu ứng gợn sóng – ripple effects).
Robert Waldinger từ Havard, trưởng nhóm nghiên cứu của một đề tài lâu nhất từ trước đến giờ về “cuộc sống hạnh phúc”. Sau 75 năm nghiên cứu, họ công bố một phát hiện chính: “Những mối quan hệ tốt chính là chìa khóa để sống khỏe hơn và hạnh phúc hơn”. Tất cả nằm ở những mối quan hệ. Và chúng ta không cần đi xa hơn Robert Putnam trong tác phẩm “Bowling Alone” (Chơi Bowling một mình) để thấy việc này đang suy giảm. Chúng ta từng đi chơi bowling cùng nhau, nhưng bây giờ chỉ còn 1 mình. Không chỉ bowling, mà cả chơi bài. Chúng ta đã không tham gia hoạt động cộng đồng nữa. Chúng ta cũng đi bầu cử ít hơn. Trên thực tế, chỉ trong 1 thế hệ, lòng tin của chúng ta đã giảm hơn phân nửa.
Thử thách này cũng đồng thời là một cơ hội. Bạn thân của tôi, Pancho, đã tận dụng nó. Từng làm nghiên cứu sinh về Thiên văn học tại Trường UC Berkeley, anh tự nhủ “Tôi muốn là sự thay đổi mà tôi muốn thấy ở thế giới này”. Và anh chuyển đến ở Oakland, kế bên nhà của 3 anh xã hội đen, và thầm nhủ “Tôi muốn xây dựng một cộng đồng ở đây. Tôi muốn gầy dựng Vốn Cộng Đồng”.
Vậy anh đã làm gì? Bước đầu tiên, anh kết nối với những người hàng xóm. Anh xuống phố, và ai cũng biết anh. Anh tổ chức những buổi gặp mặt hàng tuần. Vào mỗi thứ 6, họ tổ chức Awakin Circle (Vòng tròn bạn hữu). Vào Chủ nhật, họ lại làm một “bữa ăn cộng đồng” nơi mà mọi người chia sẻ trái cây địa phương với nhau mà không tốn chi phí gì cả. Nhà anh không có khóa, bất cứ ai có thể đến bất cứ lúc nào. Nếu bạn gặp Pancho và hỏi “nè anh bạn, anh đã làm việc này 4 năm rồi. Đã có tác động gì chưa?” Anh sẽ trả lời rằng “Cách đây 4 năm, nếu có một vụ xả súng, mọi người trốn trong nhà cho an toàn. Bây giờ, khi có xả súng, ai cũng chạy ra ngoài vì đó là hàng xóm láng giềng của họ, cộng đồng của họ, những người mà họ quan tâm.”
Một loại vốn tinh tế hơn, đó là Sự Chú Ý.
Bằng trực giác, tất cả chúng ta đều biết loại vốn này vì cả ngành công nghiệp quảng cáo hiện này đều nhắm kiếm tiền từ sự chú ý của chúng ta. Xét loại vốn này thì có lẽ cá vàng đang ở chót bảng – với khoảng thời gian chú ý là 9 giây thôi. Nhưng vào năm 2015, chúng ta đã giành vị trí chót bảng của chúng. Loài người từng có thời gian chú ý là 12 giây, nhưng giờ chỉ còn 8 giây thôi! Tâm trí chúng ta đầy rồi. Thay vì chú tâm thì chúng ta lại hoàn toàn quá tải. Thời báo New York ngày hôm nay có lượng thông tin còn nhiều hơn lượng thông tin mà ta tiếp xúc cả đời người, ở Anh, vào thế kỷ 17. Lượng thông tin ấy làm hệ thần kinh của chúng ta bị kích thích tột độ, khiến ta kiệt sức và bất mãn.
Có nhiều cách để xây dựng Vốn Chú Ý của chúng ta, và việc thực hành thiền chánh niệm là một trong những cách. Bạn tôi Megan Cowan, đã quyết định xây dựng năng lực thiền chánh niệm trong trường học. Cô đã xây dựng chương trình và đưa vào lớp học nhiều bài thực hành khác nhau. Một trong những bài thực hành là: cô mời 1 tiếng chuông và hỏi học trò rằng “Các em có thể chỉ theo dõi hơi thở của mình đến khi tiếng chuông kết thúc chứ?” Bọn trẻ thực hành điều đó mỗi ngày. Vài năm sau, tôi nhớ có xem một đoạn clip trên kênh ABC về việc đó. Trong clip ấy, một học sinh được phỏng vấn cho biết “Cuộc sống của em không ổn. Một ngày kia, em ngồi trên giường và đã nghĩ đến chuyện tự tử. Nhưng em nhớ đến bài tập tiếng chuông ấy, và nghĩ ‘hay mình cứ chờ một tí. Có lẽ cảm giác đó sẽ qua đi’. Và nó đã qua thật”. Đứa trẻ đó không chỉ là vẫn còn sống, mà còn sống khỏe nữa. Đây là sức mạnh của Vốn Chú Ý, một tâm trí tĩnh lặng cho ta rất nhiều lựa chọn để thích ứng với cuộc đời.
Thời gian, cộng đồng, sự chú ý - là 3 dạng vốn khác. Mỗi loại đều có đồng tiền (currency) riêng.
- Vốn Thời Gian được tính bằng giờ, phát triển thành các ngân hàng thời gian, và thể hiển hiện qua sự dấn thân vào xã hội.
- Vốn Cộng Đồng được tính bằng những mối quan hệ, tạo nên những kết nối xã hội và gầy dựng lòng tin trên thế giới này.
- Vốn Chú Ý dẫn đường cho sự tỉnh thức và rốt cuộc là các hành vi phụng sự xã hội.
Và chúng ta không chỉ có chừng đó. Còn rất nhiều dạng vốn khác nữa.
- Thiên nhiên là một dạng vốn.
- Vốn kiến thức, đồng tiền của nó là các ý tưởng dẫn đến đổi mới trong xã hội.
- Công nghệ cũng là một dạng vốn.
- Văn hóa là một dạng vốn với đồng tiền là các câu chuyện.
- Lòng từ bi là một dạng vốn với đồng tiền là những hành vi tử tế.
Nếu chúng ta nhìn thật sâu qua qua lăng kính này và mở rộng ra ngoài phạm vi tiền bạc, chúng ta có thể thay đổi cán cân sang hướng khác – có thể là hướng tới tình thương bao la hơn.
Bạn tôi, đồng thời là nguồn cảm hứng, sư thầy Rev. Heng Sure, người dùng âm nhạc làm công cụ để chuyển hóa. Khi ông phát hành một đĩa CD, ông tự hỏi mình có nên định giá luôn hay thử khám phá các dạng vốn khác. Ông chọn cách thứ hai. Đây là những gì ông viết trên website của mình “Cách để tải đĩa CD này về: làm một việc tử tế vô giá, viết và gửi cảm nhận về trải nghiệm đó của bạn ở đây, sau đó kiểm tra email của bạn và tải album về.”
Ông nhận được mấy trăm đăng ký. Một trong số đó đến từ một phụ nữ Ba Lan. Cô nói “việc tử tế vô giá của tôi là gọi điện cho mẹ mình.” Chuyện xảy ra vào đêm Giáng sinh, đèn đã tắt, người mẹ ngồi trong bóng tối, và khóc. Cô con gái hỏi “Sao mẹ lại khóc?” Bà nói “hôm nay là Giáng sinh, và mẹ không muốn hàng
xóm mình biết là mẹ ở nhà có một mình thôi”. Cha mẹ cô đã li dị và cả gia đình đang ở chỗ người cha và người mẹ chỉ có 1 mình. Và chị này đã đóng gói hành lí và về đón Giáng sinh cùng mẹ.
Hãy thử tượng tượng bạn tặng ai đó một bài hát và nhận lại một việc làm tử tế như vậy. Quả thật là vô giá!
Câu hỏi còn lại ở đây là: những dạng vốn nào mà chúng ta muốn gia tăng?
Nếu chúng ta mở rộng lăng kính này thì các khả năng là vô tận. Nếu chúng ta sử dụng trái tim mình để thu nhận giá trị ở khắp mọi nơi, nếu chúng ta sử dụng cái đầu của mình để đầu tư một cách khôn ngoan vào những dạng vốn tuyệt diệu này, nếu chúng ta sử dụng đôi tay mình để can đảm thiết kế toàn bộ sự Giàu có này, chắc hẳn sẽ tạo nên một loạt giải pháp mới cho một nhân loại thịnh vượng.
Cầu chúc cho bàn tay, trí óc, trái tim chúng ta nhất quán theo hướng của Mọi Dạng Vốn.