BỨC THƯ ĐIỆN TỬ ANH MAI XUÂN BÁCH - MẠC VẤN GỬI SÔNG MÃ
11:20, Ngày 27/06/2022
Chào các em,
Anh là Bách, là Trưởng Thôn ver 4, quyền Trưởng Thôn giai đoạn 2016-2017 của Sông Mã. Trước tiên, xin được cảm ơn mấy đứa vì đang là Sông Mã của hiện tại. Với anh, điều đó là đáng quý.
Anh cũng là người khởi xướng cái gọi là Tinh thần Cội rễ, cũng như góp phần chuyển hướng Sông Mã sang hoạt động theo các dự án như bây giờ. Gần đây, qua một số kênh thông tin, anh được biết Sông Mã đã dừng hoạt động ở La Pán Tẩn để tiếp tục một hành trình mới, mà đã nảy sinh ra rất nhiều bối rối.
Anh nghĩ, những bối rối này sẽ bớt đi rất nhiều, nếu như có sự kết nối và trao đổi hiệu quả giữa các thế hệ Sông Mã và giữa các thế hệ Sông Mã với lịch sử của Sông Mã. Các bối rối của hiện tại, có lẽ đa phần đều phát sinh từ sự sai khác về góc nhìn của các em với hành trình của Sông Mã. Thật có chút tiếc nuối bởi không còn Forum nữa.
Bởi vậy, anh có vài lời, mong rằng sẽ giúp bọn em bớt băn khoăn phần nào.
1. Tại sao lại chuyển hướng
Trước năm 2017, Sông Mã là một đội tình nguyện theo kiểu (tạm gọi) cổ điển, rất phổ biến khi đó. Chúng ta không có lĩnh vực ưu tiên, không có đối tượng trọng tâm. Chúng ta tổ chức các hoạt động tình nguyện thành các chiến dịch, chương trình tình nguyện riêng biệt, xong là thôi, gần như không có sự tiếp nối kế thừa. Cách thức làm khi đó là, đến thời điểm nào đó trong năm (mùa hè, Trung thu, Tết, hay khi mới tuyển thành viên), sẽ đi tiền trạm một loạt các địa điểm, sau đó sẽ chọn một nơi để làm chương trình. Các hoạt động đa phần là rất ngắn hạn, bề nổi.
Bởi có rất ít sự kết nối, kế thừa, nên bao giờ cũng vậy, các chiến dịch luôn luôn là sự lặp lại những thành công và cả những sai lầm của các chiến dịch trước đó. Và theo cách làm này, chúng ta đã bỏ ra một lượng nguồn lực rất lớn mà không thực sự tạo ra được những dấu ấn bền vững, lâu dài. Tất nhiên, bằng sự nỗ lực của các thế hệ, Sông Mã cũng đã ít nhiều tạo ra những bản sắc riêng, còn tồn lưu đến tận bây giờ.
Từ năm 2011, anh đã suy nghĩ về việc sẽ như nào nếu Sông Mã làm tình nguyện lâu dài ở một địa phương, và tập trung vào những lĩnh vực nhất định. Và anh đã có nhiều hành động để có thể đưa Sông Mã chuyển hướng vào năm 2017.
Nhưng điều cần nói ở đây là, mặc dù chuyển hướng, nhưng Sông Mã chưa bao giờ đi xa tinh thần thuở ban đầu, khi anh Phong thành lập Đội. Ấy là "làm tình nguyện một cách tử tế". Mà có lẽ cũng bởi tinh thần ấy, mới có nhiều trăn trở để đưa Sông Mã chuyển hướng.
2. Thế Tinh thần Cội rễ là gì?
Dừng lại làm tình nguyện lâu dài ở một địa phương có vẻ như là tốt? Nhưng làm gì?
Đến khoảng những năm 2015 2016, hiểu biết và cảm thức về tình nguyện, tộc người của anh đạt đến một mức độ nhất định, cùng với việc tiếp cận với nhiều góc độ khác về nhân học, anh khởi xướng cái gọi là Tinh thần Cội rễ.
Tinh thần Cội rễ khi đó được phát biểu là "văn hóa, ngôn ngữ và nội lực tộc người". Mùa hè xanh 2016 tại Pá Lau (Trạm Tấu, Yên Bái), có một nhóm nhân sự cốt cán (Bích, TK, Sep), được tách ra để xây dựng nền tảng cho Tinh thần Cội rễ.
Ngay từ ban đầu, anh đã luôn cho rằng Tinh thần Cội rễ không nhất thiết phải bất biến, ngược lại, nó luôn cần trôi chảy, chuyển hóa và tự hoàn thiện. Quả vậy, anh bây giờ cho rằng cái phát biểu ban đầu về Tinh thần Cội rễ có phần hơi tham lam và quá rộng lớn. Mà, nhỏ là đẹp.
Thế thì, Tinh thần Cội rễ của hiện tại là gì? Theo anh, đó trước hết là về cách tiếp cận các hiện tượng, vấn đề mà chúng ta quan sát được ở mức độ căn nguyên, mà thông qua đó chúng ta biết được nên làm và không nên làm gì.
Đó là cách Sông Mã có thể bước từng bước nhỏ nhưng vững chắc.
3. Nhóm Đại diện (NĐD) và các CR
Cơ cấu tương đương với NĐD trong Sông Mã trước đây là Ban Điều hành (BĐH). Khác biệt lớn nhất là, áp lực lên BĐH khi đó là lớn hơn rất nhiều.
Bởi lượng nhân sự cốt cán luôn không nhiều, nên các thành viên BĐH thường xuyên phải đảm nhiệm các vị trí trong Ban Tổ chức các chiến dịch. Cộng với vai trò quản lý, điều hành Đội, vai trò của BĐH khi đó là trung tâm và nặng nề. Nhiệm kỳ của BĐH thường chỉ gói gọn trong 1 năm, hiếm người có thể làm lâu dài hơn thế. Mà trong 1 năm ngắn ngủi đó, việc tìm chọn người kế thừa đã chiếm gần hết tâm tư rồi. Nhịp độ của Sông Mã khi đó cấp tập hơn bây giờ rất nhiều (một năm có thể có tới 4-5 chiến dịch), đôi khi là rất căng thẳng.
Vì vai trò trung tâm của mình, nên chỉ cần BĐH xuống tinh thần là cả Thôn đi vào rệu rã, gần như không làm được gì. Đã nhiều hơn một lần xảy ra tình huống đó. Mà nghiêm trọng nhất là sau MHX 2016, BĐH khi đó không thể tìm được người để chuyển giao, cũng không biết và muốn làm gì tiếp theo. Anh đã tiếp nhận quyền điều hành Đội khi đó, rồi triệu tập một họp toàn Thôn để quyết định Sông Mã nên dừng lại hay đi tiếp. Rất may, có những người muốn đi tiếp. Và hành trình của Thư viện Cội rễ (CR01) bắt đầu.
Vì lý do cá nhân, anh không thể tham gia nhiều cùng Sông Mã, nên anh có tiến hành một vài "cải cách" ngõ hầu giúp Sông Mã tránh những tình trạng xấu đã gặp.
Để giảm tải cho BĐH, anh đổi tên nó thành NĐD. Hiểu theo nghĩa đen của "đại diện". NĐD không đóng vai trò quản lý và điều hành Đội như trước nữa, mà chủ yếu làm các công việc đối nội, kết nối thành viên, kết nối thế hệ. Thay vì điều hành, hãy trở thành những người đại diện cho tinh thần Sông Mã, những người giữ lửa, những người kể chuyện. Anh đã hi vọng với thay đổi này, những người đại diện có thể đi lâu đi dài và thiết tha hơn.
Cần hiểu điều này. Không phải cứ được bầu chọn, đề đạt thì có thể trở thành người đại diện. Mà ngược lại, chỉ khi đủ uy tín, kết nối, đủ thấu hiểu, mới nên đứng ở vị trí đó.
NĐD trong một số hãn hữu trường hợp, sẽ làm nhiệm vụ Đối ngoại. Với vai trò Đội trưởng, Đội phó. Tất nhiên, trong những trường hợp thực sự quan trọng, như khi các CR chệch hướng, NĐD có quyền triệu tập họp toàn Thôn. Nhưng chỉ nên dừng lại ở mức nêu vấn đề, và từ đó cùng toàn Thôn giải quyết. Không ai có quyền hành hơn ai.
Ý tưởng ở đây là, xây dựng một tổ chức nhỏ nhưng thân thiết, trong đó tất cả mọi người đều biết lẫn nhau.
Về mặt hoạt động, anh cho rằng các CR cần có sự độc lập ở mức cao nhất. Cái tên coreTeam - Nhóm chủ chốt, cũng là chủ định, khi đặt bên cạnh cái tên Nhóm đại diện. Để khi phần lớn Sông Mã đi vào rệu rã, mệt mỏi, chỉ cần còn một CR còn sức sống, thì tức là Sông Mã vẫn chảy trôi. Có vẻ như đó đang là trạng thái hiện tại của Sông Mã.
Theo cách diễn đạt về Tinh thần Cội rễ ở trên, mỗi một CR đều có thể và nên là một đại diện cho Sông Mã, ở những lĩnh vực khác nhau. Sông Mã không lớn hơn, không bao hàm các CR. Mà chính nhờ các CR, Sông Mã mới hiện diện như một hình hài. Trên thực tế, xét cho rốt ráo, CR01 và CR04 rất gần nhau. Chẳng phải ngay từ cái tên, Thư viện Cội rễ và Rễ, đã rất gần gũi đó hay sao?
Đằng sau tất cả những hành động của mình, cả CR01 và CR04 đều là về gieo xuống những hạt giống, những ý tưởng. Ý tưởng về những góc nhìn khác, những không gian khác, những cách làm khác, những lựa chọn khác, khác với lề lối và định kiến chủ lưu. Ngõ hầu mong rằng những hạt giống này, sẽ nảy nở thành sự hài hòa và niềm vui.
4. Điều lệ và Minh ước
Tất nhiên, là một tổ chức, chúng ta cũng cần có những quy tắc ứng xử chung, để hài hòa các mối quan hệ trong Thôn.
Trước đây, đã từng có một bản Điều lệ Đội dài nhiều trang A4, với rất nhiều những Điều những khoản, những quy định chặt chẽ, chi li. Tuy vậy đã không hề giúp Sông Mã hoạt động quy củ, chuyên nghiệp như mục đích của nó. Bởi vì nhiều phần trong đó là trừu tượng, cứng nhắc và khó hiểu với đa phần thành viên Sông Mã. Khi chuyển hướng hoạt động Sông Mã, anh đã cố tình không nhắc đến nó, cho nó ra chuồng gà.
Anh cũng biết, không thể không có một điều gì đó tương đương. Nhưng chỉ là khi bọn em cảm thấy thực sự cần đến. Anh cũng đã có sự hình dung về cái tương đương này. Thay vì là một Điều lệ cứng nhắc, thì nó nên hình thành như những hương ước làng xã. Thay vì là những quy định chi tiết để hòng khuôn khổ hóa Sông Mã, nó nên là những thống nhất chung của toàn Thôn, một minh ước, về cách mà Sông Mã sẽ tri nhận và hành động, cách mà các thành viên Sông Mã thành tín và tôn trọng lẫn nhau. Ngắn gọn thôi, chỉ độ 10 dòng đổ lại.
Và thay vì là một file word nằm trên Google Drive, cái Minh ước Sông Mã này, nên được thành lập và thống nhất ở một cuộc Đại hội Thôn, nó sẽ được viết tay trang trọng và truyền thừa như totem. Mà điều đầu tiên được ghi vào, điều anh sẽ đề xuất, không phải là một định nghĩa Sông Mã bằng những định nghĩa khác, mà chỉ đơn giản thế này:
Đó đã từng là những mong muốn của anh.
Anh đã từng mong muốn Sông Mã trở thành một điều gì đó. Nhưng có lẽ, thảy mọi điều trên đời này là "khả ngộ, bất khả cầu". Nên từ mong muốn, nó trở thành những câu chuyện, những sự gợi mở.
Anh không còn mong Sông Mã sẽ trở thành một điều gì đó nữa. Anh chỉ mong mỗi người đi qua Sông Mã, sẽ trở thành một phiên bản mạnh khỏe, vui vẻ, hạnh phúc hơn của chính mình. Và dù thật khó, rất khó, và có được bằng hữu hữu bền lâu.
Nhất kỳ nhất hội. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.
Hãy trân trọng những sự gặp gỡ này."