Những con đường dốc khó đi, những mái nhà nằm cách nhau xa xa, những con người chân chất mộc mạc; những điểm trường nằm nhỏ bé khiêm nhường…Những hình ảnh quen thuộc ta bắt gặp ở rất nhiều nơi trong mỗi chuyến hành trình về với bà con vùng cao.
Và Đức Thông – Thạch An- Cao Bằng cũng là một trong số đó; nhưng vẫn có điều gì đó đặc biệt; đáng để nhớ, để trân trọng và để ta trăn trở khi nghĩ về nơi ấy…
Miền quê nghèo khó
Cách xa Hà Nội khoảng 275km, Đức Thông là một xã nghèo của huyện Thạch An và hiện đang nằm trong dự án 135 giai đoạn 2 của Nhà nước. Những thôn bản nằm cách xa nhau; những ngôi nhà cách nhau cả quả đồi trong khi đường xá đi lại còn rất nhiều khó khăn đặc biệt vào mùa mưa.
Cuộc sống của và con nơi đây vẫn đang phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp và chủ yếu là tự cung tự cấp. Niềm hi vọng được thắp lên để thay đổi cuộc sống của người dân là mô hình trồng cây thạch đen thì vẫn chưa thể tìm câu trả lời về kĩ thuật, vốn và đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Những mái nhà nằm lọt giữa núi đồi, vẫn còn nhà bằng tre nứa, xây cất tạm bợ. Sự lụp xụp, sơ xác và buồn là những gì có thể cảm nhận được khi nhìn thấy những ngôi nhà của người dân nơi đây. Chỉ cách trung tâm xã khoảng 6km, đã nhận thấy cuộc sống có sự khác biệt; từ chính con đường đi; những mái nhà và những khuôn mặt người.
Cơ sở vật chất của toàn xã còn rất nhiều thiếu thốn. 2 trong tổng số 5 trường trên địa bàn xã vẫn là tạm bợ, chưa được xây dựng kiên cố. Cả xã hiện tại có 1 trạm xá và gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình cứu chữa cho người bệnh do thiếu về đội ngũ y bác sĩ, thuốc men và máy móc trang thiết bị.
Dù hàng năm vẫn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước nhưng Đức Thông vẫn còn cần đến nhiều hơn nữa sự chung tay góp sức của cộng đồng để từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Ấn tượng về Đức Thông
Sau những chuyến đi tiền trạm để lên chương trình cụ thể phù hợp với địa phương, mỗi chúng tôi lại có những ấn tượng riêng về Đức Thông. Cảnh vật, con người, sự mến khách và chân chất của người dân vùng cao…có rất nhiều điều để nhớ, nhưng cái làm chúng tôi ấn tượng hơn cả đó là: Con đường đến trường của học sinh Đức Thông.
Trong lần tiền trạm đầu tiên, điều đọng lại sau cùng là hình ảnh các em học sinh phải đi bộ 15-17km từ 4h sáng với bó đuốc trên tay để đến trường trong lời kể của cô hiệu trưởng. Đường vùng núi không hề dễ đi, nhất là vào mùa mưa, trơn trượt, lầy lội. Vậy mà đã bao năn nay, các em học sinh vẫn ngày ngày đều đặn vượt qua đoạn đường dài ấy để đến trường.
Trong câu chuyện với cô hiệu trưởng trường cấp 2, đã được nghe rất nhiều về chuyện đời, chuyện nghề, chuyện học sinh. Và có cái gì đó đượm buồn khi nghe cô nhắc đến việc có em học sinh đến trường chỉ vì mỗi tháng nhận được 400.000đ tiền hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng làm sao có thể trách các em, những đứa trẻ vẫn ngày ngày phải đến trường trong nỗi lo của bữa no bữa đói; trong những ám ảnh về cuộc sống thường ngày của mình. Con đường đi học của các em không chỉ dài, khó khăn hơn bạn bè đồng trang lứa, cái trường học của các em cũng khiến mỗi người khi nhìn thấy phải trăn trở, xót xa.
Điểm trường Nà Sài khiêm nhường
Đến thăm Nà Sài – 1 trong 2 điểm trường chưa được xây dựng kiên cố của xã Đức Thông, lại càng thấm thía hơn sự gian nan trên con đường đến với cái chữ của trẻ em nơi đây.Điểm trường nhỏ bé, nằm khiêm nhường giữa bao la núi rừng. 3 lớp học với gần 20 em học sinh. Gọi là phòng học, nhưng chẳng có gì, được dựng lên từ tre nứa và đã bị dột nát; nền vẫn là nền đất. Cả lớp học chỉ có 1 cái bảng xanh, 3 bộ bàn ghế. Chỉ như vậy thôi, cũng làm thành một lớp học; và trong cái gian phòng nhỏ ấy, ngày ngày vẫn chứng kiến những đứa trẻ cặm cụi đến trường, vẫn lắng nghe được tiếng ê a đọc bài của những đứa trẻ vùng cao nơi đây.
Điểm trường Nà Sài, nhỏ bé và đơn sơ đến hiu quạnh; nhưng dể duy trì được nó là sự cố gắng không biết mệt mỏi của thầy cô nơi đây. Không chỉ hàng ngày vượt quãng đường dài để đến trường, mang cái chữ đến cho học sinh; mà thầy cô còn chính là những người động viên, giữ các em lại với trường lớp; là người lo lắng nhiều nhất mỗi lần thấy trong lớp trống một chỗ ngồi nào đó…
Cái lớp nhỏ chỉ với 5-6 học sinh nhưng vẫn được duy trì để mong các em học được cái chữ. Cảm phục những con người mang cái chữ đến với vùng cao; và trân trọng những bước chân nhỏ bé mà can trường của những đứa trẻ nơi đây.
Con đường đến với cái chữ của các em khó đi hơn bạn bè, các em thiệt thòi và thiếu thốn rất nhiều. Và thế mới hiểu, mỗi cái chữ mà các em học được đáng quý và đáng trân trọng biết nhường nào.
Mùa hè xanh 2013, có thể không làm được nhiều, nhưng mong sẽ san sẻ khó khăn cùng thầy trò nơi đây, để các em được đến trường trong niềm vui và tin tưởng; để con đường đến với cái chữ của các em không còn đầy những lo toan về cơm áo, nỗi lo liệu ngày mai có còn được đi học.
Mong rằng, khi Giáo dục được quan tâm; khi cộng đồng đang hướng nhiều hơn đến vùng cao; khi những chương trình tình nguyện đến được với những nơi khó khăn…thì con đường đến trường của các em sẽ bớt đi chông gai. Mong trong một tương lai không xa, sẽ không còn phải bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ đến trường với vợt bắt bọ xít, can nhựa hay bó đuốc.
Written by Phương cua gà Published in Tình nguyện Monday, 06 May 2013 13:02_**