Mọi người vẫn thường bảo với nhau: Cuộc đời là những chuyến đi; nên cứ cố gắng đi để hiểu, để biết và để yêu hơn quê hương đất nước mình. Mỗi người đều tự chọn cho mình những chuyến đi phượt cùng bạn bè, những chuyến du lịch cùng gia đình…còn tôi, tôi chọn chuyến đi cùng Sông Mã.
Mùa hè xanh, cái danh từ thân thương đã trở nên quen thuộc với tất cả mọi người. Còn hơn cả một chiến dịch tình nguyện, đó là nơi những người trẻ tuổi gặp nhau với mong muốn mang sức trẻ, yêu thương đến với những vùng đất còn khó khăn.
Năm thứ 2 tham gia Mùa hè xanh, và là năm đầu tiên tôi có được cho mình chuyến đi tiền trạm để tìm địa điểm tổ chức chiến dịch. Và đó quả thực là chuyến đi đáng nhớ của cuộc đời…
Hành trình của cảm xúc
Háo hức, mong chờ để được lên đường; cái cảm giác giống như một đứa trẻ lần đầu được bố mẹ cho đi chơi công viên hay đi thăm vườn bách thú. Chuẩn bị tinh thần, chuẩn bị trước cho mình cả những cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng tất cả đều biến mất khi hành trình bắt đầu; mọi cảm xúc đều đến tự nhiên, khác lạ và tuyệt vời.
Đi theo cung đường từ Hà Nội, qua Thái Nguyên, Bắc Kạn và đến Cao Bằng; con đường đẹp đến ngỡ ngàng; nhìn đâu đâu cũng chỉ thấy một màu xanh trải dài bất tận. Đi xa Hà Nội, bỗng nhận ra: Đất nước mình còn nhiều nơi đẹp quá, cái đẹp hoang sơ, giản dị. Và tất cả mọi người trong đoàn đều phải thốt lên: Đi rồi lại thấy yêu quê hương đất nước mình hơn.
Và cảm xúc trọn vẹn nhất khi được gặp những con người chân chất ở Cao Bằng.
Sẽ còn nhớ mãi hình ảnh các anh tại xã Đức Thông mặc áo xanh tình nguyện để đón đoàn. Đó cũng chỉ là trang phục mà có lẽ các anh vẫn mặc hay vì hôm nay đón những sinh viên tình nguyện nên các anh mới mặc? Dù lí do là gì thì vẫn thấy vui, thấy có cái gì đó hiểu nhau ngay từ phút gặp mặt.
Cả chị, cô giáo của trường cấp 2 xã nữa…Chẳng thân quen, chẳng trò chuyện nhiều, một câu chào lúc ra về thôi nhưng chị lại níu tay những đứa em lại, con vẫn còn đang bồng trên tay, để dặn dò vài câu. Hình như người trên đấy ai cũng chân chất, hiền lành như vậy. Cái thật trong mỗi câu nói, mỗi cử chỉ để rồi yêu thương đến với nhau rất đơn giản.
Và cũng chẳng thể nào quên những câu chuyện rất thật của cô hiệu trưởng trường cấp 2. Cái cách cô nói chuyện khiến người nghe vừa vui lại vừa buồn. Vui bởi sự cởi mở, chân thành của cô. Nhưng buồn vì trong mỗi câu chuyện ấy luôn hiện lên hình ảnh của những đứa trẻ đến trường đầy khó khăn; hình ảnh những người thầy, người cô bám trụ với trường với lớp…
Ra về rồi mà vấn cứ thấp thoáng trong đầu hình ảnh của những đứa trẻ dậy từ 4h sáng để đốt đuốc đến trường…
Và chúng tôi nhớ: ngọn đuốc ấy…
Trong chúng tôi, đâu đã có ai được nhìn thấy tận mắt hình ảnh những đứa trẻ tay đuốc, tay sách đến trường. Những cuốn sách giáo khoa được mượn từ thư viện trường, những cuốn vở nhận được từ sự hỗ trợ của nhà nước…vậy liệu còn có ai hỗ trợ các em để ngọn đuốc đến trường được sáng hơn?
Mới nghe rồi mường tượng thì ai cũng thấy đó là hình ảnh đẹp để rồi háo hức được một lần nhìn thấy. Nhưng nghĩ kĩ thì đó lại là nỗi buồn, là sự thiệt thòi của các em. Trong khi bạn bè đồng trang lứa ở dưới xuôi hay các vùng phát triển hơn được đến trường bằng xe đạp, xe máy; trong ánh điện đủ đầy,…thì em, vẫn ngày ngày đến trường với ngọn đuốc trên tay.
Tôi không biết các em sẽ đi trên con đường ấy được bao lâu, sự kiên trì để học cái chữ sẽ kéo dài được bao nhiêu năm…nhưng chỉ với những gì các em đã và đang làm cũng khiến tôi cảm phục. Tôi cũng không biết rõ về mục đích đến trường của các em, nhưng dù có là gì thì cũng đáng để trân trọng. Trân trọng những bước chân nhỏ bé vẫn ngày ngày dậy từ 4h sáng để đến trường.
Có thể Mùa hè xanh này, nếu Đức Thông được chọn để tổ chức chiến dịch thì chúng tôi cũng không thể làm gì nhiều để giúp các em, không thể thay ngọn đuốc ấy đi để con đường đến trường bớt gập ghềnh hơn. Nhưng tôi mong, sẽ có một ngày các em được đến trường với hành trang đủ đầy.Và sẽ không còn hình ảnh những đứa trẻ vùng cao đi học với ngọn đuốc, can nhựa hay vợt bắt bọ xít…
Mong rằng ngọn đuốc theo các em đến trường ngày hôm nay sẽ là ánh sáng để soi đường đi cho tương lai của các em, của cả một thế hệ, một vùng đất vào một ngày mai…
Vậy là, mọi sự chuẩn bị về cảm xúc trước chuyến đi đều là thừa. Bởi tôi không biết được mình lại có lúc rất buồn trong lần khảo sát ở xã đầu tiên; cũng không biết được lại có lúc hăm hở, tin tưởng đến vậy khi đi đến xã tiếp theo; và cũng chẳng đoán trước được cảm xúc lại rõ ràng như thế khi đến với Đức Thông.
Hành trình của cảm xúc và may mắn đó là những cảm xúc trọn vẹn…
Và tôi lớn lên…
Có khi đi cả một chặng đường dài cũng không cảm nhận được điều gì, không học hỏi và cũng không có điều gì đọng lại. Nhưng chuyến đi ấy, 3 ngày thôi, nhưng tôi được lớn lên, dù không phải là nhiều…
Lần đầu tiên đưa mặt về phía trước để đón lấy những hạt mưa tạt vào mặt. Cảm giác khác hẳn khi ngồi co ro phía sau để tránh những hạt mưa bụi để rồi hỏi anh một câu thật vô nghĩa: Trời còn mưa không anh?
Biết được tinh thần làm việc cần đến như thế nào. Nản chí, buông xuôi khi chưa kết thúc là điều thật sai lầm. Nhưng cũng chỉ cần một câu nói của người anh cả trong đoàn là đủ để hiểu nhau và hiểu được mình cần phải làm gì.
Và sau chuyến đi ấy, tự ấp ủ cho riêng mình những dự định, kế hoạch. Có thể năm nay chưa thể làm được nhưng rồi sẽ làm, và có thể là truyền lại cho những thế hệ sau mình…
Tiền trạm lần đầu tiên là như vậy đấy, đủ để ta nhớ và lớn lên…
Phương Cua Gà@Tinker@20130413