Đêm Hà Nội thở hắt ra, những tiếng trở mình trằn trọc. Hẻm xéo nhịp nhịp câu rao:
“Ai xôi lạc, xôi dừa bánh khúc đây?
Ai xôi lạc, xôi dừa bánh khúc nào!”
Không tiếng thưa, chẳng một lời gọi. Bóng nón nhấp nhô, vòng xe lê thê kéo qua vũng tối.
Lại là yên lặng. Hay là, Hà Nội đừng ngủ nữa được không?
Một, hai, ba, bốn… chín lăm, một trăm. Ý lộn, chính lăm, chín sáu…
Cừu trốn đâu cả? Chui hết vào cho đầy hốc mắt đăm đắm này đi.
Kẽo cà, kẽo kẹt.
Điện thoại mốc meo, vùi dưới gối vương hương lài.
Vớ đại cuốn tập nhỏ. Hoa từ trong rơi ra, vương vào mặt, vào tóc.
Là hoa của tụi nhỏ
Lại đau đáu mơ về rẻo đất ấy. Mùa hè mà sượng lạnh thấu vai, mùa hè mà quấn chăn, trải mền vẫn run rẩy, mùa hè mà nước buốt. Phải rồi, có mùa hè đã qua đi như thế. Dốc núi chơi vơi, heo hút mây trời. Ở đồng bằng chỉ quen nhìn mưa ở dưới mặt đất thôi. Mấy ai nhìn thấy khoảnh trời trắng xóa đằng xa mây vờn vũ buông rèm nước bụi đục mờ. Nhìn mưa ở chỗ cao hơn một nghìn mét hẳn sẽ thấy khác. Sẽ không còn thắc mắc sao chỗ này khô, nơi kia ướt khi cách nhau có vài bước chân.
Đó là chuyện mưa
Thế còn nắng. Không gắt gỏng cũng chẳng ngột ngạt. Lưng ướt nhẹp, trán mướt mát, nhưng xắn tay áo vẫn thấy hơi khô lạnh. Chẳng hiểu sao? Ở dưới người ta sẽ đón được bình minh, sẽ được hương cái tinh khôi của nắng mai. Ở đây, ta chào hoàng hôn, hưởng nốt cái huy hoàng, thanh sắc khi leo lên thành bể cũ kĩ, tranh thủ từng giây trước khi mây kia nuốt chửng.
Nhắc tới mây
Nghe kể “tưởng như với tay là chạm tới” tiếc chưa một lần được thức dậy đúng lúc ấy hẳn sẽ lao vào quấn quanh mình như chăn bông. Đặc mùi sương khói, ngai ngái, tưng tức. Mây dày, xốp ngùn ngùn cả đống sà xuống sân đất đỏ bùn lầy.
Đất
Như đã nhắc. Đất đỏ – thứ vật chất ấy kết hợp với giọt mặn đắng cùng đôi bàn tay đã tạo ra những thửa ruộng bậc thang đẹp đến ngây dại. Người dân ở đây không hề biết đến cái gọi là “nấc thang lên thiên đường” hay danh phong “ruộng bậc thang đẹp nhất Việt Nam”, “địa điểm phượt bậc nhất”… mà in-tơ-nét đặt cho mảnh đất này. Họ chỉ biết đó là nơi giúp mấy đứa con đi học cái chữ, mua được con giống… Họ cũng chỉ biết lấy cái màu để trồng dưa, trồng ngô, trồng đào, bí cho thật mập mạp, đẫy đà. Lúa đẹp thật. Ruộng bậc thang cũng khéo mà uốn lượn. Cả đời chưa bao giờ nhìn thấy cảnh đẹp nào phải sững sờ đến vài giây mà tận nhãn. Thua kém gì đâu thảo nguyên ngút ngàn đầy dấu móng ngựa. Thua kém gì đâu trảng cỏ với nhà gỗ sồi nhỏ trong truyện cổ Andersen.
Đến chuyện của hoa
Hoa trên sườn đồi, hoa dưới chân núi, hoa bên con suối, hoa mọc ven rừng. Không sắc hương ngào ngạt kiêu sa. Chỉ dung dị một màu tinh khôi, thanh khiết như khóm hoa nhà cô bé nọ. Hay vàng ruộm như những bông ở ven dậu thưa trước trường học. Cũng có khi tự nhuộm đủ màu sắc như những bông hoa bất tử. Phải, là hoa bất tử, thứ hoa tinh diệu nhất trên đời. Bởi sao? Có người ta từng lo sợ đến độ “Muốn tắt nắng đi – Cho màu đừng nhạt mất”. Nhưng nếu được tặng bông hoa này, có khi sẽ sửa những câu thơ đó đi chăng. Bất tử sẽ chẳng phai nhạt đâu. Hoa là giống thiêng của đất trời. Phải chăng có ẩn ý gì gửi vào đó khi bất tử được tạo ra không nhỉ? Ngắm kĩ giống hệt vầng dưong nhỏ bé, thân mảnh mai, lá tựa cúc. Học trò đã từng mang tới tặng cô sau buổi dạy và trước lúc tạm biệt để cô trở về Hà Nội. Cô cuốn vội chiếc dây ruy – băng xin được thành một bó, nâng niu cất vào túi ngực. Trò đứng ở cây cầu xa tít, đợi xe qua chỉ để vẫy chào. Sau này nghe chị kể, tụi nhỏ tưởng cứ đi theo là sẽ về tới Hà Nội với các thầy cô được. Lũ nhóc đi phải đến mấy chục cây số nếu không gặp người quen đưa về chẳng biết sẽ thế nào. Vậy mới thấu cái tình, cái nghĩa trong thời gian ngắn mà đã trở nên sâu đậm nhường nào.
“Cô ơi, sau này các thày, cô có lên đây nữa không”
“Cô nhớ trở lại đưa con về Hà Nội nhé?”
“Cô Xà Nu…”
Nếu để kể hết, có khi viết được thành tập truyện dài.
Hoa bất tử vẫn mãi còn đó…
Cứ nhớ, cứ thương cả thời tuổi trẻ.
Thơ bé cỏn con sẽ có ngày khôn lớn. Cô tin!
Gửi tặng những ngày sương khói. Cho cô gửi lời chào. Ngoài kia trăng sáng lắm…