ĐẾN ĐIỂM CUỐI CHƯA?
Đi tiếp với Sông Mã, với chính mình sau một thời gian nhìn lại mình luôn nhận thấy có những điều sáng tỏ hơn đôi chút.
Hồi đầu năm khi đúc rút quá trình 5 năm của Thư viện Cội Rễ thành những bài học và đường hướng mới rõ ràng. Ta cùng nhận thấy điểm cuối của thư viện "Là khuyến đọc và trao cơ hội để các bạn trẻ vùng cao tự mình vận hành và tiếp nối thư viện cho các thế hệ sau." [Trong bài viết THƯ VIỆN CỘI RỄ HÀNH TRÌNH 5 NĂM (2017-2022) mình đã trình bày cụ thể]
Lộ trình 3 bước của thư viện đã từng được đề cập như sau:
Giai đoạn 1 - Thành lập điểm đọc.
Ở giai đoạn này, sách được hiện diện gần gũi với các em. Dự án tạo không gian kết nối các em nhỏ chủ yếu từ cấp 1, cấp 2 với nhau từ đó hình thành nên các "Cộng đồng đọc sách" xung quanh điểm đọc. Ngoài ra, Thư viện Cội Rễ cũng không giới hạn bạn đọc.
Giai đoạn 2 - Tự quản: Các em chủ chốt tự quản lý điểm đọc
Các hoạt động được tổ chức tại các chương trình (Đọc sách cùng em, chia sẻ sách, chơi cờ, vẽ tranh, giải đấu, chiếu phim,...)
Giai đoạn 3 - Tự vận hành: Các em tự quản lý - tổ chức sinh hoạt thư viện
Dự án hướng dẫn các em tự vận hành thư viện và rút vai trò của Sông Mã tại địa phương.
Trong quá trình tiền trạm, thực hiện chương trình tháng 7 năm 2022 (Mùa Hè Xanh) mình đã từng nhấn mạnh giai đoạn (1) và giai đoạn (2) có thể sẽ không được chia thành giai đoạn nữa mà phải thực hiện đồng thời. Hoặc là, giai đoạn (1) sẽ cần được rút ngắn nhanh nhất có thể để chuyển sang giai đoạn (2) kịp thời. (Để các em không bị mông lung và nhàm chán với điều ta nói nhưng mãi vẫn chưa hành động). Tới thời điểm này, qua chuyến đi của Bắp và Vạt hồi tháng 11, thư viện đã được tự quản một cách nhịp nhàng. Tất nhiên chỉ dừng lại ở mức độ bọn trẻ được nhà trường trao quyền tự quản thư viện (tức mở cửa - đóng cửa - chăm sóc thư viện).
Bằng một cách nào đó, toàn bộ dự án đang ngầm hiểu rằng ta đã đi đến bước cuối. Thế nên mới có giai đoạn trùng xuống và đôi lúc là hoang mang chưa rõ phải làm gì tiếp.
Vẫn là câu chuyện định hướng hồi đầu năm. Giai đoạn (2) và giai đoạn (3) được diễn giải một cách chưa thực rõ ràng, mạnh lạc. Ở đó có sự trùng lắp nhất định. Thế nào là "tự quản"? Thế nào là "tự vận hành"? Bằng cách định nghĩa lại mong muốn phụng sự của Thư viện Cội Rễ với Púng Luông cuối cùng sẽ ra làm sao chúng ta sẽ mô tả được như sau.
Ta mong bọn trẻ tự quản lý được thư viện - tức thư viện được vận hành hoàn toàn nhờ bọn trẻ (nhà trường trao quyền - từ mức tạm hiểu và tạm tin sang mức dần hiểu và dần tin tưởng).
Sâu hơn, ta mong bọn trẻ thực sự đọc sách, lan tỏa và tiếp nối cho các thế hệ sau. Ấy mới là điểm cuối ta thực mong muốn.
Hiện giờ ở phía nhà trường thông qua cuộc trò chuyện của Bắp và Vạt với thầy Giàng- Phó Hiệu Trưởng, cô Dung - Tổng phụ trách Đội đã đi đến mức tạm hiểu và tạm tin. Cách bọn trẻ đang tự quản thư viện như thế nào sẽ là câu trả lời rõ nhất cho việc nhà trường có thực sự hiểu và tin tưởng về định hướng này không. Việc đồng hành cùng bọn trẻ gần (trong các chương trình) tới xa (khi ta về Hà Nội) là điều quan trọng trong giai đoạn này.
Đọc sách - Lan tỏa - Tiếp nối là 3 điều tuy là một nhưng lại có điểm khác. Mình diễn giải như sau,
Về đọc sách, đọc sách như một thói quen không phải chuyện ngày một ngày ngày hai. Đó là cả chặng đường dài vun vén gieo hạt và chăm sóc mới nảy nở, hoặc là không (lẽ tự nhiên). Điều ta có thể làm đó kiên nhẫn gieo hạt. Gieo hạt là gieo như thế nào? Để một người thực sự đọc sách, mình tin rằng phải đi từ sự tò mò thú vị để "biết đến" sau đó là biết thêm một chút để mà "tự hiểu sách là gì" sau cùng là tự lựa chọn có đọc sách hay không. Ba điều này không phải ba bước tuần tự từ (1) đến (2) và đến (3) mà là một lẽ tự nhiên đang được phân tích cô đọng một cách chủ quan để truyền đạt từ góc nhìn cá nhân của mình tới mọi người mà thôi.
Về lan tỏa, ta chỉ có thể lan tỏa điều ta thực sự có. Việc đọc sách cũng vậy. Với bọn trẻ cũng vậy, ta có một mong muốn lớn lao rằng tụi nhỏ sẽ có một nhóm nòng cốt (hiện được gọi là nhóm đại sứ) sẽ lan tỏa tới cộng đồng bọn trẻ xung quanh. Điều này sẽ khó thành nếu Púng Luông không có một nhân vật xuất chúng thích đọc và năng lực lan tỏa. Hẳn điều gì ta không trông chờ được thì tác động từ phía trong mình trước. Nhân sự 01 theo đuổi điều này nhất định cần tự mình yêu việc đọc sách trước tiên. Sau đó mới lan tỏa và khuyến khích tụi nhỏ lan tỏa được. Không có lối tắt nào khác cả. Tự hoàn thiện chính mình là cách mỗi nhân sự đóng góp thiết thực nhất để dự án đi sâu hơn nữa. Và chắc chắn không ai thiệt nổi đâu.
Về tiếp nối, tiếp nối tựa như lan tỏa nhưng là từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không chỉ chuyện đọc sách mà bao gồm cả cách thức tự quản và chăm sóc thư viện. Một khi đã lan tỏa chuyện đọc sách được thì điều này không còn khó nữa. Totem đã được trao cho cậu nhóc đầu tiên - Vũ Tùng. Giữ vững và truyền thừa tinh thần thư viện Cội Rễ là điều mà chỉ có kết nối thành thực và tự nhiên nhất giữa người với người mới có thể kết thành. Kết nối giữa TNV với TNV, kết nối giữa bọn TNV với bọn trẻ, kết nối giữa bọn trẻ với nhau. Ta cứ nhìn vào Totem Sông Mã là sẽ thấy. Chưa thấy thì chỉ cần muốn thì sẽ sớm tự thấy.
Cuối cùng, đây là góc nhìn của mình trong hành trình đi cùng thư viện Cội Rễ tại thời điểm này. Trong ấy tinh thần cốt lõi mình được kế thừa từ các thế hệ trước của Sông Mã và cả quá trình tự tư duy đúc kết. Các cậu đọc thấy phù hợp thì chắt lọc và tự tư duy theo cách của các cậu. Mình cũng chẳng là gì cả. Không giỏi giang, không sâu sắc, không tinh tế, duy chỉ có tình yêu dành cho Sông Mã thì đúng thật là rất nhiều mà cũng chỉ bằng cách các cậu yêu Sông Mã mà thôi! Thật đấy.