Chương Một - Chiếc Áo Ngắn
“Người ta không thể chọn để được sinh ra nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy”
Khúc Một
Khi con thưa với mẹ
Mưa bay mờ đồng ta
Ngày mai con đi
Khói bếp mẹ con mình chợt ngừng trên mái rạ
Chuyến tàu tăng-bo ngoài ga sơ tán
Vẳng tiếng còi đêm có bao người vội nói lời chia tay
Ngày mai con đi
Nửa đất đai này mẹ gánh
Sông Cầu chảy lơ thơ
Sông Hồng trằn sóng đỏ
Tiếng gà sang canh mùi xôi không ngủ
Đêm cuối cùng bên con mắt mẹ dệt những gì
Làm sao con hiểu hết
Cả đời mẹ chưa từng viết một bức thư
Dù chỉ dăm ba chữ
Ngày mai con đi
Chiếc áo lính thức tròn đêm có mẹ
Chiếc áo bọc hình hài mẹ cho
Bọc trái tim dòng máu mẹ cho
Không bao giờ đổi khác
Mẹ ơi, sau khi sống đêm từ giã ấy năm năm rồi
Sau khi sống ngày 30 tháng 4 đất nước
Sau khi sống bao bạn bè đã chết
Con xin lại bắt đầu từ mẹ
Từ cơn ho của mẹ một mình khuya khoắt
Từ dáng đi dáng ngủ của mẹ hằn vất vả
Làm sao con hiểu hết
Mẹ đã hát ca dao
Mẹ giặt áo bên cầu
Hồn nhiên gió bay dải yếm
Cho con xin bắt đầu từ mẹ
Để nói về chúng con
Lớp tuổi hai mươi, ba mươi điệp trùng áo lính
Xanh màu áo lính
Đã từng sung sướng đã từng nghẹn ngào
Được làm con mẹ
Được ra trận những năm đất nước mình khốc liệt
Những năm
Chiếc áo dính chặt vào thân bạc màu ngắn nhanh rồi rách
Những năm
Một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời
Rồi tới lúc chúng con thay áo khác
Nhưng khi cởi áo ra
Con không còn gì thay được!
Khúc Hai
Hái lá “mỳ chính”
Nấu một nồi canh
Thương nhau rốt rét thèm chua
Bạn leo cây thanh trà cao ba mươi thước
Trường Sơn thác bay trong mây
Đá tai mèo xô ngang ngực
“Hùng ơi, tao đã qua đây!”
Dòng trang ai khắc bằng mũi dao găm
Rừng săng lẻ ầm ào nhắc lại
“Hùng ơi, tao đã qua đây!”
Mùa khô một nghìn chín trăm bảy mốt
Hàng vạn chục bức thư như thế
Cây Trường Sơn giấu trong từng thớ gỗ
Những Bức thư truyền qua tháng qua năm
Là thông điệp của một thời gian khổ
Những chiếc võng mục giữa rừng nguyên thuỷ
Còn ôm bạn ta cơn sốt rét cuối cùng
Những lán hầm nửa đêm mưa xối xả
Giấc ngủ vùi bên nhau khô ướt mấy mươi lần
Gối kề mãi một vùng đồi Vĩnh Phú
Lá cọ xoè da Gối mét xanh
Phong nhớ con sông Châu lành
Đường thèm một bát canh hoa lý
Chúng tôi đi rung người ngày lặng gió
Dấu dép thường hằn đỉnh dốc mây buông
Chuyện tiếu lâm làm khuây nỗi nhớ
Ngọn lửa trên bàn tay soi tìm đến ngọn nguồn.
Khúc Ba
Thằng OV.10 nghiêng ngó, qua rồi
Còn chúng tôi
Cởi trần cùng sông Bạc
Ba mươi phút nữa hành quân
Chú bói cá từ đâu đó trời xanh
Cắm vụt xuống
Anh chàng Long thốt kêu lên...
(Ở đây so với trời xanh với rừng thì chúng tôi trẻ nhất)
Bờ đá toả con sông hát
Mây chiều bay lững thững như không
Ba mươi phút nữa hành quân
Được cười vang
Nằm lăn trên cát ấm
Được ngụp hết mình lòng sông đẫm
Được bè bạn với đá với trời xanh với rừng
Được nín thở hồi hộp cùng chú bói cá
Được là con trai
Không phải giữ gìn
Cánh tay trần khoát lên vai sóng
Ba mươi phút nữa hành quân.
Khúc Bốn
Đôi ta có nhiều khoảng cách trong tưởng tượng
Còn bây giờ - anh đã thật xa em
Ở đây chúng nó thường cất bom vào bóng đêm
Nơi trộn lẫn giấc mơ anh và bụi những đoàn xe ra trận
Máy điện tử rình mò sự sống
Dù loé lên chỉ một ánh đèn
Anh nhớ em
Quân thù không thể biết
Anh nhớ em
Trường Sơn có bao nhiêu cây xanh
Chót vót trên kia thắm một vòm lá đỏ
Nỗi nhớ anh dâng lên tới đó...
Ôi mái nhà cành sấu xoà ngang
Cơn mưa
Những đường phố miên man như ý nghĩ
Ánh mắt em buổi chiều bên sông ấy...
Anh nhớ
Anh nhớ gì hôm nay
Cả những điều nhỏ nhoi bình lặng nhất
Của hai ta-cũng soi vào đất nước
Bằng ngọn lửa riêng bền bỉ suốt đời mình
Em muốn ta là đôi lứa cuối cùng con xa cách
Nhưng em ơi, bao người anh đã gặp
Mỗi mảnh đời mang một nét hy sinh
Mỗi gương mặt bình thường như thổ lộ cùng anh
Rằng sức chịu đựng của con ngươi là vô tận
Ta sẽ vượt lên đầu là năm tháng
Để yêu em hóa thành cây lá đỏ
Suốt bốn mùa cháy hoài ngọn lửa...
Khúc Năm
Một mai... một mai... câu hát đi qua ngoắt ngoéo những đường rừng
Chỉ thấy trước chừng mươi thước
Mùi lá mục dịu dàng mùi hoa gay gắt
Mùi trống không những hố bom
Người ta không thể chọn để được sinh ra
Nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy
Gió ào ào trên đầu lá thầm vỡ dưới chân
Câu chuyện mười phút nghỉ trùm lên đất nước
Dòng sông, bữa cơm canh chua mắm tép dưa cà
Mái nhà mẹ cơn dông mùa lũ
Chúng ta không thể nào sống nô lệ
Không cho phép tên giặc nào đạp trên đất phù sa
Đồng bằng ơi bầu trời mùi vỏ chanh
Ai chẳng muốn một lần
Đi tràn trề bình yên dưới nắng
Cho gió mát lùa tận cùng chân tóc
Lòng bâng quơ câu hát cũng bâng quơ
Chúng tôi uống nước suối ăn lương khô
Miếng đường nhỏ cắt giữa mùa xuân
Ve đột ngột đồng ca lúc sáu giờ chiều
Lệnh hành quân từ khoảng rừng mắc võng
Những gương mặt đong đầy mưa nắng
Gió Lào suối lũ Trường Sơn
Để san sẻ cho nhau những lo nghĩ tâm tình
Những kỷ niệm chẳng có gì rực rỡ.
Bạn thương mến
Một mai... một mai... trái tim bạn giờ ở non cao
Trong một lớp rễ sù sì hàng săng lẻ
Dù quên dù nhớ
Gương mặt vụt về một chớp xanh
Đêm cơn sốt B.52 rừng nghiêng ngả
Chúng mình nằm bên nhau
Nghe tầng cây rào rào như mưa xuống
Bàn tay nắm bàn tay nóng bỏng...
Tôi không muốn tôi tin trái tim ấy hóa ngọc
Trái tim thường sau lồng ngực đẫm mồ hôi
Đập giữa rễ cây và chồi cây
Như ngọn đèn ban đêm con mắt ban ngày
Nơi vầng trán của anh ba lô của tôi
Trong bếp lửa và chén canh môn thục
Vẫn cái dáng thằng con trai chịu thương chịu khó
"Con trai giống mẹ"... từ nết ở nết ăn
Lẳng lặng yêu
Chưa lúc nào nói hết
Nhưng làm sao nói hết mọi điều.
Không yên nghỉ
Ngày dân tộc tụ về đường số Một
Lòng không nguôi thương những cánh rừng này
Nơi những đứa con nằm lưng đèo cuối dốc
Dọc theo lối mòn chìm khuất dưới tầng cây
Nếu một ngày ta dựng những hàng bia
Xin hãy để "nơi đây những cuộc đời chưa bao giờ yên nghỉ"
Và trận gió xoáy trên nóc rừng
Như buổi sớm mùa khô năm ấy
Trùng điệp áo màu xanh là tiếng trả lời
Của nhân dân mẹ ơi!
Của nhân dân muôn đời không yên nghỉ.
Đó là khoảng trời trong trẻo nhất
Sung sướng thay những rừng già mùa xuân thay lá
Cây cổ thụ rồi còn sống lại mỗi chồi cây
Những người yêu nhau sẽ nói thế nào
Sẽ lặng im ra sao
Và họ đi qua buổi sáng
Năm nay tôi ba mươi tuổi
Buổi sáng ấy tôi bước vào tuổi 25
Ở đường dây 559 - trạm 73
Ngày sinh nhật bắt đầu bằng cơn sốt
Cổ đắng khô ngồi thở trên đỉnh dốc
Bạn mở bi đông nhường hớp nước cuối cùng
Hớp nước cuối cùng giữa cơn sốt đầu tiên
Ngày sinh nhật ở tuổi 25 mình được uống
Mình uống mắt bạn mình mát đẫm
Khi nắng trưa dội lửa xuống đầu
Những người yêu nhau sẽ nói thế nào
Sẽ im lặng ra sao
Chúng tôi đi qua buổi trưa ấy
Với bi đông cạn khô
Và hớp nước cuối cùng chảy dịu dàng trong ngực
Đó là khoảng trời trong trẻo nhất
Tôi được uống ngày bắt đầu tuổi 25.
Khúc Sáu
Nhà tôi rừng xúm xít quanh
Không ngăn vách cửa cây thành yêu thân
Chỉ cần quá một bước chân
Là tôi ngập giữa rì rầm tiếng cây
Chỉ cần thêm một với tay
Là rừng ăn ở đêm ngày cùng tôi
Những khi mưa giăng kín trời
Hạt nghiêng thấm võng hạt rơi ướt cành
Nhà ai cũng thể nhà mình
Đêm đốt lửa thấy xum quanh bạn bè
Chuyện vui đến nỗi rừng mê
Xích gần đống lửa cây xoè tay hơ
Nhà không ngăn vách thân sơ
Tôi mơ tiếp những cơn mơ của rừng
Tôi mang bóng lá trên lưng
Tôi đi xuyên dưới tầng tầng cây che
Từ trong lòng đất tôi nghe
Sau bom rách xé tiếng ve lại đầy
Bàn tay cầm khẩu súng này
Ấm như cầm một mầm cây nhựa bừng.
Khúc Bảy
Chúng tôi không mệt đâu
Nhưng cỏ sắc mà ấm quá!
Tuổi hai mươi thằng em tôi sững sờ một cánh chim mảnh như nét vẽ
Nhiều đổi thay như một thoáng mây
Khi chúng tôi nằm nó vẫn ngồi nguyên đó
Ngậm im lìm một cọng cỏ may...
Những dấu chân lùi lại phía sau
Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất
Mười tám hai mươi sắc như cỏ
Dày như cỏ
Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ
Cơn gió lạ một chiều không rõ rệt
Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất
Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên
Hơn một điều bất chợt
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?
Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em...
Chương Hai - Nguồn Sông Hát
"Muôn đời là nhân dân đã chắp cho chúng ta đôi cánh những bài ca”
Khúc Một
Bầy chim như lốc xoáy
Trên mùa xuân
Đầy tiếng chim dòng sông lấp lánh
Đưa xuồng ta trở lại đầu nguồn
Cơn nước lớn nuốt trời xanh khoảnh khắc
Lau trắng xoá đứng trong chiều lặng phắc
Những dẫy mới phơi lưng trần đen xạm
Thở nhọc nhằn từng đụn khói dồn lên
Anh đã đến trước tôi một mùa kháng chiến
Tiếng ghi-ta bếp lửa đêm rừng
Cơn mưa dứt
Nghe mến “tác” cồn cào bên suối đá
Ngoài trảng tranh âm ấm nảy chồi
Cuối mùa khô đất đang hồi trở dạ
Nồi khoai mỳ trên bếp cũng vừa sôi
Trái tim anh rung giữa những dây đàn
Giữa những dây đàn bỗng dòng sông chảy xiết
Và cô gái hiện lên đột ngột
Cất giọng hát như một luồng gió ngược
Cuốn ta về nguồn sông.
Khúc Hai
Đó là lúc nước rong ngập những rễ gừa
Chiếc xuồng một vệt đen lẳng lặng
Đuôi cá quẫy chòm sao tan loãng
Phảng phất mùi cỏ cháy đống un
Mùi phân bò ngai ngái
Những con tôm càng xanh mắt đỏ lừ
Một khoảng ngắn giữa hai chấm lửa
Và mũi chĩa xiên ngập lưng chúng nó
Sương giăng xa tiếng vọng cuối rừng
Ngôi nhà nhỏ cất de ra mí nước
Bếp lại nhen mùi tôm lụi bâng khuâng
Ly rượu trong hồng lên cùng ký ức
Uống đi anh ngọn lửa của mình
Để nhớ mãi người đầu tiên khai rừng phá rẫy
Giọt nước nào khởi sự dòng sông.
Khúc Ba
Chúng tôi sống ở đây mấy mùa khô mấy mùa mưa
Có mùa đói và mùa nào cũng giặc
Nhưng bàn tay không với tới nữa rồi
Những bàn tay nhạy cảm hơn lời
Hơn im lặng mồ hôi lấm tấm
Bấu vào đất mong kiếm tìm sự sống
Một củ chụp củ mài nuôi bài ca cho anh
Ôi cánh tay có thể hoá dòng sông
Ghì mảnh liệt suốt một vùng đất mới
Có thể vươn những đỉnh cao vòi vọi
Cánh tay đã từng ở vài thước đất thôi
Khi đầu ngón run run chạm tới củ mài
Nước vọt lên
Từ những hố nhỏ sâu hút ấy
Máu của đất
Giọt nước nào đã khởi sự đời ta.
Khúc Bốn
Cám ơn dòng sông em làm dịu vẻ khắc nghiệt những cánh rừng
Nơi hoà giải bầu trời mặt đất
Nhưng ta chẳng bao giờ nguôi
Mùa nước đổ ngọn gió gào hoang dã
Từ mấy trăm năm trước
Những người dân mộ nghĩa
Những gia đình thất cơ lỡ vận
Quần quật suốt đời không giữ nổi nồi cơm
Những ông già chỉ còn một cái khố một chiếc rìu
Đôi mắt quắc cạp chân mày lưỡi mác
Đã hạ những cây bằng lăng cổ thụ
Đẽo thành xuồng độc mộc
Ôi quê hương
Nơi không thể cách gì sống được
Lòng quặn đau từng mái lá xạc xài
Ly rượu đắng cặn này nghẹn đắng
Thôi từ giã
Hài cốt cha ông cùng hột giống
Đựng trong những hũ sành
Giữa đêm họ lặng lẽ rời làng
Không một tiếng gà gáy tiễn
Đốm nhang đỏ mắt ai nhìn nhức nhối...
Phải phát rừng quần nhau với cọp
Soi đèn lao gỗ mun vào mắt sấu
Đàn trâu như ngọn gió đen ào qua trảng cỏ
Heo rừng đem trăng về nhá hột cày
Con rắn hổ cất mình sau cây mục âm u
Mùi ẩm mốc lạnh một vùng chướng khí
Nơi đây đã nguồn sông
Chốn tận cùng
Thì cắm bàn chân xuống đất này mà sống
Đó là Tổ quốc!
Chớp như lưỡi búa xanh chẻ đôi rừng già
Những dây leo quờ quạng
Con sóc bông tìm hốc cây trú ẩn
Lối mòn xuyên bãi bom mình em len lỏi đi
Chuyến giao liên cuối ngày
Mưa hốt hoảng trườn qua tầng cây
Có tiếng gì cất lên có tiếng gì vụt tắt
Cây ngã ngang lấp lối
Một mình em giữa lặng ngắt rừng già
Bấy giờ em bé giao liên vừa vạch lối đi vừa khe khẽ hát
Bài ca những cánh rừng miền đông
Bơi chúng mình đã sống nhiều năm
Đẩy lùi từng mảng tối
Dứt phăng những dây leo ma quái
Nâng niu từng vệt màu xanh
Bài ca và ngọn lửa
Tôi đi giữa bàn tay hơi thở bạn đường
Không phải bó đuốc một trái tim riêng lẻ
Dắt ta qua rừng đêm
Những đớn đau mơ ước hy sinh
Không của riêng một trái tim nào nữa
Bài ca và ngọn lửa
Tôi đi trong ánh sáng mọi người.
Khúc Năm
Cuối rừng khuya tiếng đập cánh nặng nề
Giữa hai bờ những đám sũng nước
Ba tiếng cuốc kêu báo yên
Trước lệnh vượt sông tôi có ở đây một khoảng đời mình
Phút chờ đợi không lời không ý nghĩ
Những động tác quen những tin hiệu quen
Cỏ dưới bàn chân mọc lại bao lần
Ngỡ rồi quên... cái bờ lau đêm ấy
Bè lục bình trôi ngang bất chợt
Lúc tàu soi rà lượn trên đầu
Ép vào ngực tôi con sóng đen hào hển
Hơi bùn tanh tanh trong rễ lục bình
Còn phải lội hết đêm quần áo ướt
Nắm cơm vắt khi chiều vị lạt nước sông
Chúng tôi đã qua với tiếng chim đêm
Cơn gió thốc chân trời rạng sáng
Với nắm cơm thiu trở mùi chua chua
Những thành phố dâng lên bên bờ giấc ngủ
Ôi sao Hôm! Thương nhớ gởi về xa
Ngọn lửa em cháy suốt đời nguyên vẹn
Qua những tháng năm dài đi kháng chiến
Phút giây nào chẳng mang bóng em theo
Sẽ trôi mãi cùng nhau hỡi dòng sông bầu bạn
Mỗi chúng mình là giọt nước
Uống đất bùn và mặt trời long lanh
Sẽ khát mãi hỡi cánh rừng u tối
Nước bật lên từ những rễ cây
Những ngọn suối vặn mình qua khe đá
Khi xác lá mục chìm đầu độc nguồn sông
Sẽ trở lại lòng ta đói no đồng đội
Cuộc đời trong veo nước mặt tiếng cười
Những gương mặt nồng nàn quanh bếp lửa
Tiếng tắc kè buông rơi đêm xào xạc nóc rừng
Ai đang nhớ vùng quê mình ngoài đó
Những ngọn đồi đá ong nuôi giấc mơ bạch đàn
Mẹ quét lá thấy dấu con trên đất
ngày con đi chân cứng đá mềm
Con đã trải đá mền rồi mẹ ạ
Và đá cũng cứng hơn con tưởng rất nhiều
Nhưng cây bạch đàn trên đồi kia đứng được
Nó không tìm một chỗ sống khác hơn
Cuối một đêm con qua khoảng rừng cháy trụi
Cây như ngàn cánh tay khô khẳng níu bầu trời
Bên hố bom B.52 khét lẹt
Sao Mai xanh như giếng nước tình cờ
Phút cái đẹp bùng lên trước trăm lần đe doạ
Đây là thời thách thức của bình yên
Ôi mẹ bạch đàn dòng sông kiên nhẫn
Những cánh rừng rồi sẽ tái sinh
Cho nghiêng xuống đời ta những vòm trời xanh mát mẻ
Lòng trẻ thơ mơ trái chín trên cành
Trong gió bấc mắt mẹ nhìn đăm đắm
Miếng trầu cay bền bỉ suốt mùa đông
Con sẽ về chạy rát bỏng bàn chân
Vầng trán mẹ giờ này lặng sóng
Sau mưa bão mía ngọt dần lên ngọn
Vẫn chỗ ướt mẹ nằm đất nước mình ơi!
Khúc Sáu
Tôi thương quá những gì đã nuôi nấng đời tôi
Bờ suối ngọn nguồn con tôm con tép
Bát canh tàu bay tiếng bầy chim két
Một chút trăng thu trái bắp đầu mùa
Những cây rừng mọc thẳng giữa dây leo
Nấm mới thơm lành sau cơn mưa buổi tối
Mỗi hạt quả chim ăn còn để lại
Này một niềm vui nho nhỏ trong tôi
Mái tăng che giấc mơ kỳ lạ của con người
Những - cây - lửa hừng trong đêm mất ngủ
Tàn lửa như sao băng tung toé khắp trời
Con heo rừng lồng lên chân mắc vào dây bẫy
Nồi cháo khuya cả đơn vị gật gù...
Những thăng trầm bao năm tháng chiến khu
Không dập nổi ngọn lửa đằm trong mắt
Lắm trận đói lắm trận càn thắt ngặt
Đêm lạc rừng võng buộc giữa chênh vênh
Nghe dế giun rên rỉ giọng thấp hèn
Thèm một tiếng chim bình minh như suối mát
Tôi đến đây thành rễ cây hút chặt
Với đất này-nhớ câu hát ngày xưa
“Lấy anh em biết ăn gì
Lộc sắn thì chát lộc si thì già”
Nhưng thương quá biết làm sao khác được
Có thể nào khác được nếu mình yêu.
Khúc Bảy
Nơi đó xuồng anh trôi giữa xóm nghèo
Những ngôi nhà dìm trong gió sớm
Mái lá gầy nép dưới gốc cây vạm vỡ
Mùi nước mưa mùi khói un mùi cá nướng
Cỏ âm thầm mọc dưới trời sao
Đã phủ lấp lối mòn năm trước
Cỏ trùm lên những chiếc M.113 đang rữa nát
Thành những gò đống lang thang
Khi anh ghé xuống thăm chú Tám
Con nước rong nhằm đêm cuối tuần trăng
Ông già cởi trần tay vuốt tròm râu cước
Da màu hồng và đôi mắt màu than
Rượu của nhà tôm cá của dòng sông
Người của đất tâm hồn của gió
Anh ngồi xuống chẳng có gì bỡ ngỡ
Phên liếp sơ sài không ngăn cách mùa xuân
Giữa câu chuyện thường nghe cá quẫy
Nước dâng lên mấp mé hiên nhà
Từng trôi dạt tới nơi này lập nghiệp
Thuộc dòng song như thuộc nết con mình
Những khúc ngoặt những luồng nước xoáy
Những vực trời mây cuốn xô tơi tả
Đã tạc khuôn mặt ông già thành góc cạnh
Người du kích của hai thời kháng chiến
Nói với anh vụ rẫy màu mưa
Giống lúa mới xem chừng chịu đất
Miệt đồng hoang giờ bắp đã phất cờ
Chỗ dám đế giấu đôi bò năm trước
Bà con vừa dọn sạch để trông khoai
Từ bếp Tháp nơi tụi bay hay vượt
Một thằng Bảy thằng Năm đã chuyển lên đồi
Con Sau giao liên bơi xuồng dạo đó
Lấy chồng bên sông cũng đã mấy con rồi...
Người chị ấy dễ thường tôi quên mặt
Đêm vượt sông may kéo đan trời
Chị đứng lại ở mũi xuồng lúc những vì sao tắt hết
Quân đi quân đi như gió rừng ngang dọc
Ai tìm chị bến này chị còn nhớ chúng tôi
Những người chị suốt dọc đường tôi gặp
Các chị trẻ các chị già như đất
Như đất các chị nhớ và gìn giữ
Cả điều tưởng chừng không đâu
Những câu hát không còn ai hát nữa
Dấu vết hạt mưa
Cái soãi mình của gió
Hơi ấm mặt trời
Trái tim nổ trong đám lửa
Những lối mòn lãng quên
Những nền nhà bị quần thù cố tình vùi lấp
Các chị giữ như giữ những thói quen
Trong đáy sông lặng lẽ đời mình.
Khúc Tám
Tôi thương quá những gì đã cho tôi hình dung Tổ Quốc
Sau tất cả những lớn lao ngoài mặt
Mở liếp cửa kia là gặp thật những con người
Da ta chạm tới niềm vui nỗi khổ
Chú Tám quen cởi trần má Năm cười ít nói
Cô Út hay thẹn thò ngồi nhóm lửa
Tên tuổi họ nhiều khi ta khó hỏi
Bao tai ương cứ giội xuống theo mùa
Nhưng theo mùa dòng sông vẫn chảy
Tấm lưng trần nâng dậy cả trời sao
Gió hồn nhiên lăn mình trên trảng cỏ
Về với má con lại là trẻ nhỏ
Dù mái nhà đây vẫn thấp tự bao giờ
Sao con nhớ đôi tay gầy nhen nùn rơm xua muỗi
Dáng lặn lội đầu nguồn bóng tàu chuối nghiêng qua
Cứ toả mát không một lời nhắc nhở
Khi con đến với lòng con chân thật
Để trong lành đôi mắt
Như luống khoai con khát trận mưa mùa
Như giọt nước con thèm hoà tận biển
Như cánh rừng gió lên và gió lặng
Những tảng đá ven bờ sóng đập mãi ngàn năm
Xin má cứ nhai trầu cho buổi chiều yên tĩnh
Chưa tắt ngấn cười kia thì trăng khuyết lại tròn.
Khúc Chín
Người nghệ sĩ đã nằm lại bên con rạch gần cửa sông
Vào một đêm bảo an giăng mìn clây-mo phục kích
Ai từng trải những năm ấy đều hẳn biết
Ta phải trả giá thế nào cho một bài ca
Lời tha thiết dưới mặt trời nóng nực
Trong bóng tối trước cái chết
Anh đã ngỏ một lần đâu dám đơn sai
Một lần thôi ngay giữa rừng già
Khi anh hát về con đường ngập nước
Bàn chân người vợ gai cào rớm máu
Vo vén nuôi chiến khu từ đồng bằng
Nhớ quay quắt hơi ấm của chồng trong căn nhà dột
Nằm dưới hầm nửa đêm pháo bắn
Quờ tay ôm nằng nặng tiếng ru con...
Chúng tôi những thằng lính trẻ
Đã mắc võng những khoảng rừng xa lạ
Biết quạt khói ban ngày che lửa ban đêm
Đã nằm hầm những địa hình gay cấn
Biết vuốt cỏ xoá dấu chân
Chúng tôi những thằng lính trẻ
Không biết giấu giếm lòng mình
Đôi lúc cứ hát tràn bài hát của anh
Mà thương cha nhớ mẹ
Ngồi kể cho nhau nhiều chuyện đâu đâu
Tự nhiên cười ồn ào tự nhiên thấm thía
Trong đời ai chẳng có một quê hương
Cuộc hành quân dài hơn nỗi nhớ
Chính chúng ta là dòng sông
Bắt đầu từ trái tim
Sung sướng thay những ai bắt đầu như thế
Người nghệ sĩ đã ngã xuống bên con rạch gần cửa sông
Ánh chớp mìn clây-mo
Bàn tay chầm chậm buông rời tàu dừa nước...
Không phải lời cuối cùng giã biệt
Chúng tôi những thằng lính trẻ
Lớn lên khắp trăm vùng gọi nhau là đồng đội
Đi chiến đấu ngủ bụi nằm bờ đầu nguồn cuối bãi
Nhiều đứa cùng tuổi với bài hát của anh
Lòng vô tư đã hát một lần
Và như anh ngã xuống
Cây cô đọng màu xanh từ ngực đất
Ai cũng biết rồi mùa xuân đã đến
Một tiếng chim bên đường trong veo giọt nước
Sẽ nhắc lại
Vẻ tươi sáng chảy tràn gương mặt những người yêu
Sẽ nhắc lại bao điều
Ta hay nói cùng nhau sau này sau chiến tranh
Những chuyện đừng ai cho là nhỏ nhặt
Bây giờ không còn anh
Mỗi giờ không còn anh
Mỗi chúng tôi còn một cuộc đời
Trên bàn tay mở ra cân nhắc
Tôi chưa hề tin phép lạ
Nhưng tôi tin kỳ diệu những lời cất lên từ trái tim
Ngôi sao từ lúc tối trời
Dòng sông miên man chảy
Hai mươi năm vợ anh vẫn chèo xuồng ngược nước
Lặng lẽ cứu từng bông lúa
Đưa ta qua mắt nhìn thẳng những vực sâu
Con người không thể thiếu bài ca
Dù chỉ một lần một lần thôi đã hát.
Khúc Mười
Trên bàn tay em tặng anh
Ngọn nguồn của hạt
Trên bàn tay em tặng anh
Những vết chai nhiều trang trải
Ca dao sắc lá lúa
Ca dao mêm dao cau
Ca dao dải yếm bắc cầu
Thương nhau cởi áo gió đâu bay về
Anh đã qua mấy núi mấy đèo
Mấy sông anh từng vượt
Bữa đói bữa no áo quần lấm láp
Khi anh đến em hồn hậu dưới mặt trời
Lòng xin sống chết trọn đời nước trong.
Khúc Mười Một
Chim két bay về trên cây cụt ngọn
Mùa bẻ bắp rồi cuộc đời đẹp hơn
Tôi biết có những lúc hoàn toàn hạnh phúc
Mình nằm trên đống cây bắp khô vẩn vơ mùi mật
Và bầu trời không gợn bóng tàu bay
Đất sáng trong như ngọn lửa giấu hình
Chợt kêu khẽ một điều chợt nghĩ
Ngọn gió sông bàn tay thật dịu dàng
Và hạt bắp cái màu đằm thắm lạ
Suốt mùa sau không đói nữa rồi
Đàn két bỗng sà ngang một lần chớp biếc
Chiến khu của tôi chiến khu của tôi
Làm sao quên cảnh chúng mình nướng bắp
Dưới trời mưa che đỡ tấm ni lông
Lửa vẫn cháy rạng ngời từng khuôn mặt
Trái bắp chín trong bàn tay nóng hổi
Nóng hổi hàm răng nóng hổi nụ cười
Lúc ăn hết mới biết mình thật đói
Mùi bắp thơm quần áo ướt đầm
Khúc Mười Hai
Năm ấy mùa mưa rừng đưa lưng chịu cả bầu trời
Đàn vắt xanh chuyển lào xào sau lá
Chúng tôi gùi thâu đêm
Chân dép đạp lối mòn vệt lân tin mờ nhạt...
Khi cùng ghé lưng mang quá sức nặng chính mình
Trong chia sẻ rừng ơi ta thành đồng đội
Những dong gió khiến mặt rừng bối rối
Nhưng lòng rừng yên tĩnh đường kia
Lối nhỏ mở ra những hướng mới không ngờ
Ta đi mãi chẳng bao giờ thấu được
Đây giàn giá ai dựng lên cho đặt gùi nghỉ tạm
Cơn đói lạnh tiếng chim khuya mùi hoa sau cơn mưa ập đến cồn cào
Thèm củ mì nướng vàng thơm thèm giấc ngủ
Thèm một ấm chè bạn bè thức bên nhau
Mùa mưa ấy bây giờ đọng trong tôi gương mặt
Những đường, Phong, Hùng, Nam, Dũng, Tuấn...
Những tên quen trẻ lại giữa rừng già
Mỗi dáng dấp mỗi tâm tình riêng biệt
Thoắt đến thoắt đi như từng chuyến mưa sa
Và đất giữ âm thầm trong đất.
Khúc Mười Ba
Chiến khu này chúng con là của mẹ
Ở đây lời cuối cùng mẹ báo trước hừng đông
Đêm con ghé nhà mẹ vùi củ khoai kêu thằng Út
Liếp cửa gầy lạnh run lập cập
Đến bao giờ đời mẹ mới thong dong
Đêm ấy bên bếp lửa con kể mẹ nghe lời Bác Hồ vẫn nhắc
Về ước ao tột bậc của Người
Sao cho dân mình ai cũng có cơm ăn áo mặc
Ai cũng được học hành được rộng rãi niềm vui
Và phút chốc túp lều bừng ấm lại
Mẹ cời than đưa củ khoai cho con
Rồi chép miệng: ước trời cho mẹ sống
Ngày giặc tan tụi bay về thăm nhà khỏi lặn lội đêm hôm
Phải thương lắm mới đi làm cách mạng
Phải thương nhiều hơn mới giữ nổi lòng tin
Nhưng phải thương đến tận cùng đớn đau mới làm người Mẹ
Bao nếp nhăn trên vầng trán dõi nhìn
Những mạch nước chảy ngầm qua năm tháng
Mắt con tìm chỉ gặp suối gặp sông
Khi sóng lớn chỉ biết là sóng lớn
Lúc mặt nước yên chỉ thấy vẻ yên bình
Con quý một chồi non mẹ dưỡng hết cánh rừng
Nhà nghèo chật những chổi cùn rế rách
Mẹ vun vén xếp chung cùng tinh chất
Chẳng bao giờ mẹ để hạt cơm rơi
Không một hạt cơm vô ích ở trên đời
Chính mẹ đẻ anh hùng và truyền thuyết
Từ túp lều lợp lá tranh
Cắt cuống nhau bằng lưỡi liềm
Bàn chân thô quanh năm bùn lấm
Chưa một lần ướm qua sử sách
Tập con bước vịn vào ca dao tục ngữ
Dù uống nước đau lòng vẫn nhớ nguồn
Thương từ cái kiến con ong
Tím ruột bầm gan thù bọn ác
Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người
Là đứng theo dáng mẹ
“Đòn gánh tre chín rạn hai vai”
Mùa hạ gió Lào quăng quật
Mùa đông sắt se gió bấc
Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người
Mồ hôi vã một trời sao trên đất
Trời sao lặn hoá thành muôn mạch nước
Chảy âm thầm chảy dọc thời gian.
Khúc Mười Bốn
Ta lại về nguồn sông ca hát
Buổi đoàn tụ của lưỡi cày xẻ đất
Sương mù dâng hơi thở trắng mặt rừng
Chú Tám vung roi đôi bò cần mẫn bước
Lưỡi cày xiết bật lên những vỏ đạn mảnh bom
Những dị vật rỉ hoen trong ngực đất
Những chiếc răng gãy lìa của đất thảy bọn xâm lăng
Bắt đầu lại thời mạ non và hạt giống
Tia nắng sớm xuyên qua màn sương đặc
Một mũi dùi nóng bỏng
Thời khai mở những mạch ngầm khát vọng
Những dòng sông tuôn chảy hết mình
Người ăn ở thuỷ chung trên đất nước
Đi dưới trời xanh mãi mãi lạ lùng
Bao thấm thía kết tinh thành muối mặn
Biển hồn nhiên vỗ sóng đến vô cùng
Lại đặt tiếp bài ca và lại hát
Mấy nặng nề người mang hết trên lưng
Tiếng chim hót tình cờ anh dừng bước
Mở bà tay xao xúc động vô chừng
Mang lịch sử qua trăm ngàn thử thách
Dân tộc này còn tiềm ẩn những nguồn sông.
Chương Ba
"Đất nằm im như chết/ Có bao giờ đất chết đâu anh"
Địa Hình
“Những trận bão đi qua nên thành dấu vết
Đất nằm im như chết
Có bao giờ đất chết đâu anh”
Những người đã đi qua con đường nhỏ gài lựu đạn
Một người hai người ba người...
Chẳng phải họ hàng không cật ruột
Trên con đường nhỏ gài lựu đạn
Một khoảng khắc một bước chân có thể tôi còn anh mất
Không cật ruột chẳng phải họ hàng
Mỗi người mỗi quê hương
Họ đi vào chiếc nôi chung của một thời khốc liệt.
Thử Phác Lại Mấy Chân Dung
I
Ông chín vuốt râu xốc lại quai bòng
Bòng của ông là thùng đạn đại liên cũ
Sẽ thành chiếc phao khi qua rạch băng sông
Chắc hẳn nhiều năm sau
Lại có ông già như thế
Giữa quây quần cháu con
Khoan thai vuốt râu khoan thai kể...
Còn ông Chín
Tới bây giờ như chưa phút rảnh rang
Dấu gậy chống hằn trong đêm bươn bả
Tai vẫn quen nghe pháo giặc “đề-pa”
Nghe rõ hơn nỗi mong ước bà con tiếng đất tiếng gà
Tiếng trẻ khóc thét căn nhà hoang vắng
Như cây trâm trụ giữa ngã ba làng
Những đìa Sấu, bưng Heo, gò Me, sông Cũ
Đã mọc rễ vào trí nhớ
Mỗi khi ông Chín xoè bàn tay
Thấy hiện dọc ngang miền quê kinh rạch
Thấy loé dưới nếp khăn đầu rìu đôi mắt xếch
Và tấm lưng trần người mở đất năm xưa.
II
...Cô giáo giao liên nhắc lại lần cuối cùng
“Các đồng chí chú ý
Mật hiệu đêm nay: “Bé Bảy”!
Chúng tôi mới từ xa về đây
Cái gì nghe cũng lạ
Bé Bảy
Chắc là tên cô giao liên
Cố gái chắc xinh và hiền
Thành khẩu lệnh trang nghiêm đêm vượt lộ
Tôi sẽ gọi tên em khi súng nổi
Khi giặc kích lạc đường
Tôi sẽ gọi tên em mà nhận ra đồng đội
Trong bóng tối
Tôi sẽ gọi tên em
Bé Bảy
Chúng tôi mới từ xa về đây
Đêm kín đáo che gương mặt người em gái
Vùng đất phía nam
Em sẽ dẫn chúng tôi về nơi ấy
Các đồng chí chú ý
Mật hiệu đêm nay:
“Bé Bảy”
Nghe thanh thanh tiếng cô giao liên
Nhắc bằng giọng thật hiền
Chúng tôi nhớ rồi em
Dù có phút nào quên
Suốt đời chúng tôi xin nhớ!
III
Cái đêm anh Út dẫn tôi về nhà
Hai bờ kinh lập loè đom đóm
Luồng cá ăn lóc chóc dưới lục bình
Pháo sáng treo chập chờn ngoài lộ Bốn
Con đường ruột thoắt nhoè thoắt hiện
Người bí thư đi bằng trí nhớ của mình
Mỗi bước chân thầm đều bước trong cân nhắc
Để bất thần tôi đứng giữa nhà anh
Túp lều cất vội bên kinh
Sơ sài dăm ba tấm lá
Căn hầm tránh bom tránh pháo
nhà không đủ che mưa
Thuỷ chung còn ba ông táo
Đấu lưng giữ lửa đêm ngày
Trên nóc hầm dựng một trang thờ
Mùi nhang phảng phất
Trong hương thơm cơn gió vẫn đi về
Nơi đoàn tụ những ai còn ai mất
Anh Út thổi lửa bùng nồi cắm thêm nén nhang
Đất này đâu chỉ là đất ở
Khi người bí thư đêm đêm len lách về nơi đó
Cắm thêm nén nhang
Thổi bùng ngọn lửa
Nói một lời tha thiết với bà con
Nhận ít gạo từ tay người vợ
Ôi đất này đâu chỉ là đất ở
Anh Út gài bãi chết trước nhà mình
Chúng tôi lặng lẽ rút về địa hình
Sang quác một trời sao giữa trận càn của giặc.
IV
Đêm quân về
Bờ trâm bầu phăng phắc
Tiếng kêu tiếng cười nén chặt
Bóng người đan bóng cây
Đi vòng hố bom, lại hố bom
Đường ruột xuyên địa hình
Cây cầu bắc qua mương chông chênh
Có anh chàng nào trượt ngã
“Tháo đạn! Đứng dậy!”
Rúc rích cười. Tiếng xuỵt khẽ. Và đêm
Đêm trùm lên khoả lấp những dấu chân
Vuốt lại từng ngọn cỏ
Những nhát xẻng cồn cào nhịp thở
Những khuôn mặt nóng bừng sau vòm lá
Đẫm sương
Cây chết đứng lần đầu tiên ngã xuống
Đưa toàn thân áp chặt nắp hầm
Công sự choàng tay kết nối những vuông vườn
Đìa Đưng-Ba Hơn-Cả Mít
Gò Me-Mỹ Long-Lộ Đất
Thu rất gọn trong tầm nhìn trinh sát
Đêm quân về cắm giữa quê hương
...Đêm ấy nhà chú Ba chong dầu cạn lần cận lần
Bức bối quá. Chú cởi trần ngồi quạt muỗi
Ly rượu đăm đăm uống hoà không cạn nổi
Những gương mặt thương yêu cuộn về...
... Thằng Hai du kích nằm dưới gốc me kia
Năm bình định
Thằng Ba xã uỷ về bám đất bám dân
Tụi ác ôn bắn ngay giữa ruộng
Năm bình định.
Và thím Ba-người vợ tần tảo
Người mẹ bốn lần sinh
Ba lần dắt gà quanh mồ con giặc giết
Bữa đó, sau một loạt pháo bầy bắn từ Bình Đức
Chú Ba ôm thằng Út - lặng người...
Chúng con về đây, cha ơi!
Những thằng út mồ côi mẹ
Những thằng út mất anh
Chúng con về trong mắt cha khô cháy
Đêm bức bối là đêm kề cơn bão
Công sự con đào bới dưới gốc me kia
Ngay đám ruộng nhà ta
Hương lúa thơm những linh hồn trung nghĩa
Nỗi đau đớn tự hào nung đốt lòng cha
Bao đêm dài thức trắng
Mái tóc bạc và ly rượu trắng
Mặt trận sẽ bùng lên từ mỗi ngôi nhà
Từ mỗi góc vườn chúng con xả đạn
Trong ánh đuốc đỏ rần căm giận
Chính đây là trận đánh của đời cha!
Gương Mặt Địa Hình
Giá ta được một người hát rong
Đi lang thang qua xóm ấp thị thành
Kể về địa hình những năm tháng ấy
Từ vuông vườn bỏ hoang
Từ lùm cây mắc cỡ
Một nền nhà dấu hầm sâu dưới đó
Từ đám dừa nước ken giữa sình lầy
Mọc lên những bảng “tự địa”
Những hàng rào rấp lá rấp cây
Những lối đi mờ cỏ phủ
Ai đâu tiên cất tiếng gọi “địa hình”
Xin anh cứ hình dung
Anh một người giàu tưởng tượng
Có những cây vú sữa tới mùa rụng quả
Không một bóng trẻ con
Có những trái mít ngủ quên chín thơm phức lưng chừng
Không người hái
Khi đó ngoài kia những mái tôn khu đồn héo rũ
Chợ chiều mớ rau con cá
Nắm bông súng mẹ cũng phải mua
Buổi sáng ra làm đồng
Chúng nó xét từng lon cơm chén mắm
“Con mẹ già tính đem cơm nuôi Việt cộng
Già khọm thế ăn sao hết từng này!”
Mẹ lẳng lặng đi qua tiếng chửi rủa tục tằn
Thằng hạ sĩ bảo an chỉ đáng tuổi con mẹ
Xin anh cứ hình dung
Anh một người giàu tưởng tượng
Giữa hồi đắng cay lúc quân thù bình định
Chúng giành giật với ta từng người dân, từng góc tối, từng đường bờ
Dồn ép ta vào từng ô vuông toạ độ
Rồi nằm phục ngay cửa ngõ địa hình
Chúng rình mò giăng bẫy
Giọng đứa con gái trong loa chiêu hồi rên rỉ
Toan giằng anh từ vị trí cuối cùng
Không phải một lần, không phải một đêm
Chúng tung ra giữa trời tiếng mèo kêu trẻ con khóc
Tôi nhắc lại điều này rất thật
Có những buổi chiều trên lộ đá âm u
Một tốp người ngồi đợi xe đò cúi mặt
Họ lặng câm mà ai cũng biết
Đời họ từ lúc ấy về đâu
(Có một kẻ chiêu hồi
Chỉ cho tụi ác ôn đốt phá nhà mẹ nó
Một kẻ chiêu hồi khác
Ném lựu đạn vào hầm em ruột nó)
Trong đêm tối những căn hầm lại dời đi
Địa hình thay đổi gương mặt
Lớp trung kiên đã bao lần lột xác
Cho đến tầng đất chót
Lại bừng lên vẻ mới mẻ ban đầu
... Chiếc “cá rô” bay xẹt ngọn trâm bầu
Thằng Mỹ cởi trần cầm đại liên Mã Lai
Cổ nó hừng như ức gà chọi
Đây là vùng “dân da đỏ”
Vùng săn người vùng oanh kích tự do
Chiếc “cá rô” vụt quay đầu
Nó thấy gì dưới cây dưới cỏ
Tràng đại liên rít lên
Xin anh cứ hình dung
Lúc khoảng trời trên địa hình hoàn toàn yên tĩnh
Thì chắc sau lưng mười lăm phút sẽ giội B.52
Những đợt pháo bầy những quả pháo “mồ côi”
Bắn theo giờ bắn theo cơn cuồng say bọn đĩ
Bắn vào giấc mơ bắn vào ý chí
Những người đang trụ giữa địa hình
Công sự mùa mưa nước ngập láng lênh
Mỗi đêm phải mười lần choàng dậy
Những ai ngủ nửa ngày ngâm trong nước
Chắc anh nghĩ họ sẽ chập chờn ác mộng
Giống như lúc anh nhìn trên bản đồ không ảnh
Cái ô vuông địa hình và những hố B.52
Rất khó tin con người lại sống được
Với giấc mơ bình dị của con người
Rất khó tin địa hình còn đứng được
Những căn hầm đất chao trong hơi bom
Cây dừa cụt thành chiếc đinh đóng chặt
Trái bình bát vàng thơm rụng xuống bờ mương
Giờ đang mùa sạ lúa
Anh Sáu ngồi bứt rứt bàn tay
Đám ruộng của nhà bỏ hoá mấy năm nay
Mình chị Sáu ngược xuôi theo bầy trẻ nhỏ
Dứt đợt pháo lại lầm lũi ra đồng
Tránh thằng ấp trưởng như tránh điều xuôi gở
Lách qua đường bờ có gài lưu đạn
Lo áo cho con, lo gạo cho chồng
Đêm giật mình nghưe tiếng nổ ngoài bưng
Lo các anh về đụng tụi bão an phục kích
Nhiều lúc chị đưa vào địa hình nắm cơm
Lặng lẽ nhìn mấy anh em ngồi ăn
Rồi kể thêm tin tức khu đồn ngoài đó
Giọng chị đều đều nho nhỏ
Và anh em và địa hình cũng nhỏ lại
Tôi, một người đến sau, tôi chỉ ăn nắm cơm ấy đôi lần
Nên chị Sáu thương tôi như thương thằng em út
Người ta bảo chim trời không gieo không gặt
Nhưng chúng tôi nào có phải chim trời
Dẫu đến trăm lần thay chốn đổi nơi
Nắm cơm ấy suốt đời nuôi ta sống
Những cành cong hình cánh cung, những cành mềm chơ chỏng
Là nỗi sợ của loài chim
Ta sống cùng nhân dân, chết giữa nhân dân
Rất yên ổn mầm cây nở chìm trong đất
Những định nghĩa cao xa xin dành cho người khác
Tôi chỉ cảm thấy phía sau gương mặt địa hình
Phía sau mỗi người tôi thương
Còn ngọn lửa lung linh sống động
Những trận bão đi qua nén thành dấu vết
Đất nằm im như chết
Có bao giờ đất chết đâu anh
Sợi khói xanh mỏng mảnh tan nhanh
Chúng tôi nấu cơm trước khi trời sập tối
Màu lửa hoà trong màu ráng đỏ
Một cái gì như có như không
Giữa những vòm cây và mặt đất
Tiếng quả pháo rít dài ngang đầu
Nồi cơm chín dần dà
Như hy vọng chúng tôi
Niềm hy vọng sắc người qua gian khổ
Là ngọn dao mài trên trảng đá.
Những Người Đã Qua Cung Đàn Nhỏ
Bây giờ, họ ở đâu?
Buổi sáng ngày 30 tháng 4
Những ai không còn đến được
Buổi sáng 15 tháng 5 trên quảng trường xanh biếc
Sài Gìn chuyển rào rào muôn đợt lá me non ngày chúng ta toàn thắng
Đâu những người tôi thân thiết tận tâm can
Xin nâng chén rượu nhỏ này
Trong như nước mắt nóng bừng như tiếng hát
Gởi nhớ thương về các anh tôi
Những đường bờ làng
Những đường bờ mẫu sình lầy ngập ngụa
Những cầu khỉ chênh vênh
Rặng trâm bầu lời ca dao mộc mạc
Nơi ánh chiều thẫm lại
Vừa tới bưng ngọn gió bỗng ngang tàng
Các anh dẫn tôi đi
Lách đường xuống khu dồn
Tay cầm súng và tay cầm ngọn gió
Bóng đêm dày tưởng cắt được bằng dao
Ta cắt bóng đêm bằng chính mắt ta
Bằng nỗi nhớ bà con sau rào gai kẽm
Tung ngọn gió tràn rung các mái tôn
Gió những đồng bưng tự do gọi người về cầm phảng
Mùa đốt đồng nấm khói chạm trời cao
Tiếng chó sủa người dậm cù đuổi chuột
Mùi cá nướng tiếng trẻ reo bất chợt
Những chiếc xuồng say ngả say nghiêng...
... Đêm lạnh ngắt khu đồn
Đêm nén lại phập phồng chờ tiếng nổ
Những ngôi nhà sẽ bung khắp đồng bưng hơn rất nhiều phép lạ
Ấm lòng sao tôi theo các anh tôi.
Anh Sáu Như
Người xã đội trưởng không bằng cấp
Ngay tên mình anh viết vẫn chưa xuôi
Đã mấy năm nằm hầm bí mật
Thông thạo trên mười kiểu gài lựu đạn
Sống với anh em bằng tất cả máu mình
Mái nhà dột năm đứa con áo rách
Người đi trước giữ lòng mình trong sạch
Lấy trọn đời trả nghĩa với nhân dân
Anh Tư Tròn
Rất hay cười
Và thích uống rượu
Ham chiến đấu
Người bắt cá giỏi nhất địa hình
Có thể bất thần leo mút lên ngọn cây trâm
Mắt bao hết cuộc càn của giặc.
Anh Ba Tốt
Người thương binh ấy qua cây cầu lắt lẻo
Tiếng chân gỗ dội xuống lòng kinh dội mãi trong tôi
Chỉ còn một bàn chân bám đất khôgn rời
Bao nhiêu trận càn anh đều vượt thoát
Lúc chìm vào đất lúc trầm vào nước
Để lại trồi lên cùng gây dựng cao trào
Dấu chân gỗ tròn hằn trên đất phù sa
Những con dấu lạ kỳ im lặng
Có đêm nằm với tôi anh thủ thỉ
Làm thế nào kiếm thêm sách vở
Việc càng nhiều càng phải học nhiều hơn
(Tôi biết nói sao bởi lúc chiều anh vừa thoát chết một trái gài nổ chỉ cách anh vài bước...)
Ta sống được trên đời là sống được với lòng tin.
Tám Hùng
Cậu ở đâu những lúc mình viết những dòng này
Có khi nỗi vui của ta trào sóng trắng
Và khi khác là nụ hoa thầm lặng
Cậu bao giờ cũng nâng đỡ mình lên
Bằng đôi tay bền như gỗ nặng
Những cánh cửa mở ra đóng lại không ngờ
Mình đọc thấy đôi lần trong mắt cậu
Màu mắt đen dồn hết cho ánh sáng
Như khoảng tối trong tay người họ sĩ
Được nén chặt để nổ bùng ngọn lửa
Chúng mình đã sống chúng mình đã đi
Mà miệng cậu ngây thơ như là trẻ nhỏ
Mà mắt cậu trong veo như buổi sáng mát trời
Gió chướng xanh đến nỗi mình ngợp thở
Ta vươn tới chân trời vô tận mãi
Lòng khát khao ý nghĩ cháy trong đầu
Những người anh em tay siết chặt tay nhau
Hàng ngũ dồn lên muôn đợt sóng
Tiếp tục sống tiếp tục làm cách mạng.
Còn bao nhiêu các anh chị
Những người tôi quen biết
Những người tôi chưa một làn gặp mặt
Mỗi cuộc đời như quyển sách mở ra
Không tài nào ta đọc song trang chót
Em mỉn cười em hát tôi nghe
Chị sửa lại vành khăn anh lau súng
Ăn chung nồi cơm rồi đổ về muôn hướng
Đất nước đi đây hết thảy Con Người
Bóng họ toả mênh mang ngày nắng gắt
Họ đi như gió họ đứng như rừng
Lúc nằm xuống họ hoá thành mặt đất
B.52 thuốc khai quang chúng hòng chi huỷ diệt
Cây trâm bầu bị chặt đứt bật chồi lên
Những chồi non sáng quắc giữa đêm đen
Tôi đã thấy màu xanh chỉ một màu xanh ấy
Tràn tới cả nơi tận cùng khô cháy
Nới trảng cát hắt lên thứ ánh trắng ghê người
Còn nở những cánh hoa li ti biêng biếc
Và đâu đó cứ chảy ngầm mạch nước...
Ôi phút này tôi xin được cầu mong
Về trong hồn tôi các chị các anh
Những người đã đi qua con đường nhỏ
(Trong chiến tranh vẫn một con đường đó
Nối mọi tấm lòng yêu nước đến cùng nhau)
Bài hát rặng trâm bầu
Võng mắc bên công sự
Thằng em tôi đã chết
Bây giờ em về đâu?
Buổi sáng những trái dừa non long lanh chùm ngọc bích
Bao người tôi yêu là những trái dừa ấy
Lặng lẽ hút nắng và gió
Chuẩn bị cho đời dòng nước ngọt
Ẩn bên trong lớp vỏ thảo hiền
Có thể nào tôi đã vội vàng quên
Mùa xuân của các chị
Mùa hạ của các anh
Nắng loang loáng trên vai người chiến sĩ
Dòng sông cuốn đất nước chao đảo
Trung đoàn băng qua đồng cỏ mùa khô
Đám cháy dựng lên những bức tường vàng sẫm
Những cánh chim tả tơi trong vầng khói
Mặt trời như quả cam nóng rực ngang đầu
Tiểu đội trưởng Lê Văn Mười -bạn tôi
Hạ chiếc trực thăng đầu tiên bằng hoả tiễn tầm nhiệt
Quả đạn mang sức nóng mùa hạ năm 72
Nổ giữa trời một quầng da cam chói
Đây mùa đồng khởi những mái nhà
Ngày giải phóng những bông hoa
Đây cuộc vùng lên của bùn đất
Gió mài dọc bờ kinh
Khiến dòng nước sáng loà như kiếm thép
Chúng ta đã đi vào đã rắn lại đã bước ra từ chiếc nôi nhỏ -địa hình
Bàn chân trần thường bỏ qua cái chết
Và các chị các anh còn dắt tôi đi
Tôi sung sướng làm thằng em út
Được cùng bạn bè bắt cá dưới hố bom
Ăn Nắm cơm mà chị Sáu chia đều
Uống rượu với anh Tư đã tới một bữa
Nghe anh Ba nhắc vài câu chuyện cũ
Đất nước này ôi tất cả đời ta!
Không Phải Truyền Thuyết
Bởi tôi tin ở tình yêu chân thật
Là mềm mại đường bay lưỡi phảng
Và nhịp điệu của bàn tay vãi giống
Lời hẹn hò con gái con trai
Là chén canh cá lóc
Mẹ nấu cho tôi dưới hàng cây sau đũa
Là lời du em nhẩm đọc vô tình
“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi’’
Là câu chuyện ông Chín thường kể lại
Hiển hiện đàn voi từ ngàn năm cổ tích
Lững thững đi trong bóng chiều rậm rịt
Dấu chân bết bùn mở một dòng sông
Chúng cất vòi chào con nước mênh mông
Vang bổng tiếng rìu vang trầm tiếng búa
Vang uy nghiêng tiếng tù và mở cõi
Bao nhiêu trứng Âu Cơ về cuối đất này
Đất trằn lên và xèo mạnh đôi tay
Bạt hết những cánh rừng nguyên thuỷ
Cho bây rồng chín con thả một con về đây nằm nghỉ
Gối đầu lên êm ả đất Gò Me
Bìm bịp kêu dòng sông thở tràn trề
Bìm bịp kêu...
Căn hầm sũng nước
Sau loạt pháo cầm canh
Nằm cạnh tôi là anh Sáu
Bên này là bé Năm
Và ông Chín chừng như vẫn thức
Khi cửa gõ vô địa hình vô địa hình đã rấp
Quanh chúng tôi tỉnh táo bãi gài
Cây trâm cụt đâm thẳng mình không chớp
Bỗng gió
Tràn lên bốn phía vuông vườn
Những cơn gió không hề mang thương tích
Thổi bùng dậy nỗi niềm người du kích
Khi đã quen mọi tiếng nổ thình lình
Thì cơ gió
Vẫn ngang dọc trên nền xanh kinh rạch
Thì hơi đất
Vẫn nồng nàn hơi đất
Có phải những đêm rừng chiến khu xa lắc
Đã nôn nao mơ phút đầm ấm thế này
Ta nằm giữa những tấm lòng thương mến nhất
Ta gắn chặt lưng ta vào mặt đất
Nghe miên man gió chuyển những đường bay
Bỗng thèm nói một câu gì đó
Không phải trên đầu môi chót lưỡi
Một câu gì thật giản đơn
Như rễ cây như máu
Một câu gì đó có thể bền lại qua mỗi lần chiến đấu
Chiều chiều ra đầu ngõ
Mẹ đứng trông thiệt lâu
Đám lá nào con ở
Đêm nay con nằm đâu
Ôi sao mà khát vọng một trận mưa rào
Cho trâm bầu đâm chồi nảy tược
Cho lớn vụt những cây cà bắp
Cho lá dừa xoè kín môi con
Một trận mưa nhuần rửa mặt đất sạch không
Cho thuốc khai quang theo kinh rạch trôi ra ngoài sông cái
Cho miếng pháo miếng bom hoá thành sắt gỉ
Cho con vuông vườn lên da non
Cho con thấy màu xanh trong mắt mẹ
Nơi khu rừng đã mất
Sau bước chân voi đột ngột hiện dòng sông
Giọng ai nghe chầm chậm
Bàica người hát rong
Và cứ thế nhân dân thường ít nói
Như mẹ tôi lặng lẽ suốt đời
Và cứ thế nhân dân cao vòi vọi
Hơn cả những ngôi sao cô độc giữa trời
Mãi mãi sống còn hỡi nhân dân tôi
Người mãnh liệt hơn cả ngàn truyền thuyết
Dẫu ai được ngàn lần tái sinh cũng không sao hiểu biết
Tấm lưng trần kia mang nặng những gì
Khi các thần tiên đã nghỉ an tận trời
Nhân dân tôi khởi lên tự phù sao vất vả
Từ điệu múa hồn nhiên trên vách đá
Người mang gươm đi mở nước đến bây giờ
Có một đêm trong địa hình chật chội
Vừa qua cuộc chống càn
Tám Hùng loay hoay căng lại dây đàn
Chúng tôi ngồi quanh ngọn đèn vặn nhỏ
Lúc điệu lý ngân lên sẽ sàng ngọn gió
Những vòm cây bất chợt sững người
Tôi nghe máu rần rần chuyển dưới làn da
Ngọn đèn nhỏ nhoè đi rồi sáng lại
Không ai nói làm sao mà nói
Ta bỗng hiểu ngay phút giây này những năm tháng này đây
Những gì của ta sẽ biết còn biết mất
Trước luòng sáng địa hình bùng tận mắt
Soi rất rõ trong đêm - từng gương mặt
Và điệu lý thương yêu ngập bầu trời