Nguồn: Phan Cao Hoài Nam.
Contact (Tiếp xúc) là một bộ phim đầy thách thức về niềm tin. Lấy chủ đề người ngoài hành tinh trên bầu trời, nhưng tác phẩm của đạo diễn Robert Zemeckis thực chất miêu tả vấn đề của con người dưới mặt đất, về sự yếu đuối và lạc lõng của họ khi phải đứng trước những thay đổi lớn về nhận thức.
Cảnh đầu tiên của Contact là một trong những cảnh dùng hiệu ứng máy tính phức tạp nhất từng thực hiện. Ban đầu là hình ảnh Trái Đất nhìn từ ngoài không gian, với các âm thanh radio xen kẽ ồn ào. Rồi khung hình lướt đi xa dần, Trái Đất thu nhỏ lại và biến mất, rồi đến Sao Hỏa, sao Thổ, hệ Mặt Trời chúng ta… Tiếng radio cũng nhỏ dần cho đến lúc câm lặng, khi góc nhìn ở tầm mức Thiên Hà. Nhưng đó chỉ phần rất nhỏ trong sự bao la vô cùng của vũ trụ.
Trường đoạn 3 phút ấn tượng này mang đến một hình dung về sự nhỏ bé của Trái Đất. Còn khoảng cách sóng radio vươn tới chính là tiếng nói của nền văn minh con người phát ra đại dương vũ trụ. Tất cả gói gọn trong đôi mắt háo hức của Ellie (Jodie Foster), cô bé 8 tuổi sống với bố ở Chicago. Cô thường dùng sóng radio để bắt liên lạc với nhiều người ở mọi nơi, và cùng bố ngắm nhìn các vì sao. “Bố nghĩ có người sống ở các hành tinh khác không?” cô bé hỏi. “Bố không biết, nhưng bố nghĩ nếu chỉ có chúng ta, quả là một sự phí phạm không gian”, bố cô trả lời.
Ellie lớn lên và trở thành tiến sĩ khoa học, điều hành dự án SETI chuyên tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái Đất. Bố cô đã mất, nhưng niềm cảm hứng và tình yêu ông để lại đã thúc đẩy Ellie tìm câu trả lời cho câu hỏi thuở bé. Sau khi thuyết phục được một nhà tài trợ bí mật, cô đã có đủ kinh phí để thuê dàn ăng-ten lớn nhất thế giới. Trong nhiều năm, cô cũng như chúng đều hướng về bầu trời và lắng nghe, mong rằng sẽ bắt gặp một âm thanh lạ phát ra giữa “hàng tỉ và hàng tỉ” ngôi sao.
“Hàng tỉ và hàng tỉ ngôi sao” (Billions and billions) là câu nói gắn liền với nhà thiên văn học nổi tiếng Carl Sagan, tác giả kịch bản Contact, dựa trên tiểu thuyết viễn tưởng cùng tên của ông. Ngoài đời thật, ông là người tiên phong trong cuộc cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất, là một trong hai người đã viết thông điệp đầu tiên bằng sóng radio (gọi là thông điệp Arecibo) bắn vào không gian năm 1974. Ellie có thể xem là hóa thân của ông, để thỏa mãn điều đã không xảy ra với Sagan ở hiện thực: Sự hồi đáp. Một đêm nọ, Ellie đã nghe thấy “họ” ở Vega, ngôi sao sáng thứ năm trên bầu trời, cách Trái Đất 25 năm ánh sáng. Nhưng điều chấn động là, những người ngoài hành tinh không chỉ gửi lời chào, họ còn “đính kèm” bản thiết kế ra phương tiện để con người ghé thăm họ.
Contact là một ví dụ tuyệt vời cho sự hòa quyện giữa chất viễn tưởng và tâm lí, để làm bật lên những vấn đề nhân sinh mang tính cốt lõi. Viễn tưởng luôn là chất liệu quí giá khi được sử dụng đúng cách, giúp khai mở những giới hạn và tạo lớp nền cho các xung đột vốn rất khó khai thác ở hiện thực thông thường. Ở bộ phim này là xung đột giữa khoa học và tôn giáo, giữa người vô thần và người theo thuyết sáng thế, giữa niềm tin vào công nghệ và niềm tin vào tâm linh. Vị trí của Chúa, và của cả con người sẽ ở đâu, nếu thực sự có người ngoài hành tinh tồn tại? Nếu con người không là duy nhất và cao quí như chính họ vẫn tưởng? Đó là một tiền đề sáng giá.
Ngay cả khi xem Contact ở thời điểm gần 20 năm sau, chúng ta vẫn dễ dàng nhận thấy sức sống mạnh mẽ của chủ đề, sự dũng cảm về mặt thông điệp, và sự xuất sắc ở cách thức thể hiện nó của các nhà làm phim. Phần kịch bản khéo léo diễn tả xung đột chủ đạo ở cả hai mặt cá nhân và cộng đồng, một cách thuyết phục. Ở mặt cá nhân là mối quan hệ tình cảm giữa Ellie và chàng nhà văn Joss (Mathew McConaughey), một người hoàn toàn tin vào Chúa Trời. Ellie là một nhà khoa học, chỉ tin vào bằng chứng. Joss thì đã trải qua một giây phút “thần thánh” để chấp nhận Chúa có hiện diện. Đây chính là điểm khác biệt và đối lập mấu chốt của hai hệ tư tưởng.
Ở mặt cộng đồng, đạo diễn Zemeckis đã rất thành công khi khắc họa phản ứng đáng sợ của đám đông trong cơn khủng hoảng niềm tin. Cảnh phim đậm chất hiện thực nhất là khi Ellie lái xe ngang qua khu vực đặt ăng-ten, nay đã trở thành “lễ hội” của đủ các nhóm người: Nhóm phản đối người ngoài hành tinh, nhóm thì tôn sùng họ, nhóm tin vào ngày tận thế, trẻ em nhà thờ hát thánh ca về sao Vega… và trên truyền hình, là tin về các cuộc tự sát tập thể. Chúng ta có thấy những hình ảnh này quen thuộc? Hãy thử nhớ lại năm 2012, năm cuối cùng trong lịch người Maya. Sự hỗn loạn này mang đến một góc nhìn cho một vấn đề nóng bỏng khác: Liệu tiến bộ về kĩ thuật có đồng nghĩa với tiến bộ của nền văn minh? Và những hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc sống sẽ khiến chúng ta chắc chắn hơn hay hoài nghi hơn về sự tồn tại của chính mình?
Nửa sau phim là hành trình của Ellie khi được lựa chọn làm người du hành đến hành tinh lạ. Zemeckis, nổi tiếng với các loạt phim đậm chất phiêu lưu như Back To The Future (Trở lại tương lai, 1985-1990), Forrest Gump (1994) hay sau đó là Castaway (Lạc lõng, 2000), đủ kinh nghiệm để xử lí các trường đoạn hành động hấp dẫn. Với nhịp phim nhanh, mạnh, dồn dập về cuối, kết hợp với các hiệu ứng kĩ xảo đẹp mắt, Contact vẫn sẽ làm hài lòng những người yêu mến thể loại viễn tưởng đơn thuần. Trường đoạn du hành của Ellie có nhiều điểm tương đồng với trường đoạn lỗ đen của Interstellar (Giữa các vì sao, 2014), do Christopher Nolan đạo diễn. Điều thú vị là cả hai phim đều có sự góp mặt của Mathew McConaughey.
Vai diễn của McConaughey trong phim là khá ấn tượng. Chúng ta có thể cảm thấy bóng dáng của một diễn viên nội lực trong anh, ở cả những cảnh riêng lẻ hay khi phải phối hợp với Foster, dù phải nhiều năm sau mới được đánh thức hoàn toàn. Với Jodie Foster, sẽ công bằng hơn nếu vai Ellie của cô trong Contact cũng trở thành biểu tượng như vai nữ cảnh sát Clarice trong The Silence Of The Lamp (Sự im lặng của bầy cừu, 1991). Chỉ có diễn xuất tuyệt vời của Foster, nhất là ở cảnh phim chất vấn cuối cùng, mới đủ sức thuyết phục chúng ta tin vào thông điệp nặng kí và đầy tính nhân văn của Contact. Chính xác hơn, là đúc kết từ trí óc lỗi lạc của Carl Sagan: Tôn giáo và khoa học không đối lập nhau, mà bổ khuyết cho nhau trên con đường kiếm tìm chân lý.
Và mỗi ý nghĩa của Contact chạm vào chúng ta không phải bằng lí tính. Bộ phim của Zemmerkis, như các tác phẩm viễn tưởng xuất sắc khác, lấp đầy cả trí tưởng tượng và trái tim. Hành trình của Ellie bắt đầu từ chiếc radio nhỏ bé, mà cô bé tin rằng ngày nào đó có thể liên lạc với người mẹ đã mất. Sự kiên trì của cô với một công việc gần như vô vọng và cuối cùng được đền đáp, chính là bài học về thực hiện ước mơ. Mỗi hành động, quyết định của cô đều gắn với một kỉ niệm về người cha thuở bé. Động lực lớn nhất giúp con người vươn đến những vì sao hay làm nên những điều vĩ đại, hiếm khi là lòng tham hay máu phiêu lưu, mà luôn là tình yêu. Đó là một chân lý.