Nguồn: Phan Cao Hoài Nam.
“Là hi vọng”
Đó là khi người đàn ông chuẩn bị treo cổ. Cái thòng lọng chính là chiếc cravat, tượng trưng cho tất cả áp lực của thế giới hiện đại, cái thòng lọng anh ta đã đeo vào mọi ngày trong cuộc đời. Bất thình lình, anh ta… đau bụng, và phải tìm chỗ “giải quyết”. Đến cái chết của phải xếp dưới nhu cầu nhân bản này. Trong bụi rậm, người đàn ông ngồi mút những cánh hoa xô đỗ. “Ngọt quá, mình khóc mất!”. Và anh ta khóc.
Khi xem đến cảnh phim này, tôi biết đây sẽ là một phim hay. Tôi đã sai, vì Castaway On The Moon là một phim xuất sắc. Xuất sắc đến mức khó khăn trong việc lựa chọn từ ngữ để khen ngợi. Một cốt truyện nguyên bản, rất nhiều thông điệp lồng ghép, diễn xuất tuyệt vời, hình ảnh tuyệt vời, âm nhạc tuyệt vời, vừa giàu cảm xúc vừa giàu triết lý và đa hình tượng, gói lại trong một trải nghiệm điện ảnh khác biệt. Nó hay đến mức khiến tôi khó thở.
Chỉ một cảnh phim thôi, đã đâm thẳng vào tim tôi với sự tinh tế, chất đời và trải nghiệm rất thật của người viết. Kim Seong-geun (Jae-yeong Jeong) là một nhân viên công sở đã mất hết tất cả. Công ty phá sản, đeo nợ khổng lồ với ngân hàng, bị người yêu ruồng bỏ. Anh quyết định nhảy cầu tự tử. Anh không biết bơi, ở cả hồ bơi như trong ký ức tuổi thơ với bố “ai cũng làm được sao con không làm được?”, và ở cả biển lớn cuộc đời, chỉ còn cách chết. Nhưng ngay cả thần chết cũng từ chối anh, Seong-geun lạc vào một gò đất nhỏ (tạm gọi là đảo) ở giữa sông Hàn, nơi trở thành khu bảo tồn không ai lui tới. Không thể bơi, điện thoại sắp hết pin, anh cố gọi cho một vài người, và bị họ phớt lờ. Thế giới không ai nhớ đến và cần đến anh.
Đó không chỉ là sự cô độc, nỗi đau này lớn hơn sự cô độc: bị bỏ rơi. Sống cả cuộc đời để trở thành một con số “0” ở tất cả mọi nghĩa, mất tích cũng không ai hay biết, không ai lắng lo. Nỗi đau đó vỡ òa khi mút một cánh hoa “cả trăm năm rồi chưa mút” trong bụi rậm, với cặp mông trần và một cái thòng lọng đang chờ. Một tình huống kỳ cục, và có vẻ hài hước, “tấn trò đời” là từ thích hợp nhất, và dồn anh đến mức này, ai có thể nghĩ mình sẽ lâm vào tình huống như thế? Và thế là nước mắt rơi. Nó thật, với tôi, và với những ai từng trải qua một khoảnh khắc tương tự trong đời. Sự tương phản giữa hình ảnh hài hước và sự nghiêm trọng của cảm xúc, nhân sự bi thảm lên gấp nhiều lần. Phải là một người sống đủ nhiều mới có thể viết nên chi tiết ấy.
Sau khi đã khóc, Seong-geun không muốn chết nữa. Anh thấy tức giận trong một dây chuyền tâm trạng hợp lý và dễ hiểu. Anh quyết định sẽ sống, tách biệt với thế giới văn minh kia, anh phỉ nhổ vào thành phố đang lấp lánh ánh đèn phía xa. Đến đây, bộ phim trở thành một mẩu chuyện “Robinson” thời hiện đại. Seong-geun bắt đầu cuộc sống của một người nguyên thủy, “săn bắt-hái lượm” để có thức ăn, lấy về một chiếc thuyền vịt cũ làm nhà, dần dần thích nghi với việc thiếu vắng các tiện nghi hiện đại.
Câu chuyện này có thể xảy ra không? Giữa Seol của thế kỷ 21? Nhìn ở một góc khác, mọi thứ không mang tính phiêu lưu đến thế. Seong-geun chỉ là một gã vô gia cư và thất nghiệp, sống như một tên ăn mày ở gò đất hoang. Chỉ thế, không hơn. Người xem sẽ thấy nó không quá to tát, như cảnh phim lấy lửa rất hài hước, cuối cùng vẫn từ chiếc hộp quẹt. Seong-geun không phải hoàn toàn tách biệt với mọi thứ, thế giới nhỏ này của anh vẫn nằm giữa thành phố hiện đại bậc nhất Hàn Quốc, anh có sống từ rác thải của nó thì vẫn nhờ ơn nó. Nhưng điều thú vị trong câu chuyện này là sự thay đổi, từ một con người bình thường, nhỏ bé và nằm trong guồng quay xã hội, gần như bị nó đè nát, giờ đã vượt ra khỏi nó, đã thoát khỏi ngục tù. Từ một nhân viên nhút nhát và yếu ớt, giờ đã có thể sống và chiến đấu, không phải với tiền bạc, nợ nần hay khao khát vật chất, mà với thiên nhiên, với sự sống còn của bản thân. Anh trở thành một người hùng. Và điều đáng nói nhất, là từ trong sâu thẳm mỗi chúng ta, chúng ta sẽ thấy thích thú. Vì đó cũng là điều khao khát mà chúng ta không bao giờ làm được, có thể bỏ đi mọi gánh lo và trách nhiệm cuộc đời, nằm trên bãi cỏ để than vãn “chán quá” rồi cười xòa “một sự chán nản hoàn hảo”. Đó là sự tự do.
Có hơi khập khiễng, nhưng hình tượng của Seong-geun mang dáng dấp tôn giáo trong đó. Anh mang hình dáng của Jesus, và đang sống như thể Adam khi vừa mới bị truất khỏi Địa đàng, mọi thứ đều tươi mới, hoang sơ, và cần phải thích nghi. Castaway On The Moon có không khí huyền thoại của một truyện cổ tích, tất nhiên, ở thời hiện đại, và âm hưởng của một thiên anh hùng ca về con người.
Nhưng thiên anh hùng ca ấy chỉ được nghe bởi một người, một cô gái. Bởi lẽ đây không phải là một hòn đảo hoang, mà giữa Seoul ồn ào đông đúc, Robinson Kim lọt vào tầm ngắm của một ống kính. Nhưng chỉ những kẻ cùng một thế giới, hoặc cùng nằm ngoài một thế giới, mới có thể nhìn thấy nhau. Kim Jung-yeon (Jung Rye Won) chưa ra khỏi căn phòng của mình đã hai năm, không giải thích nhưng có lẽ liên quan đến vết sẹo (hoặc bớt) trên trán cô. Cô là một “hikikomori”, những người tự giam mình và từ chối mọi giao tiếp xã hội, trừ gia đình. Nhưng “gia đình” cũng chỉ là vài tin nhắn yêu cầu nhu yếu phẩm. Cô “làm việc” với một chiếc máy tính, bằng cách tạo ra những trang web ảo với hình ảnh “ảo” về bản thân. Liên hệ duy nhất với thế giới bên ngoài là ống kính máy ảnh cô dùng để chụp ảnh mặt trăng. Jung-yeon không sống ở trái đất mà sống ở mặt trăng. Cô có một chiếc mũ bảo hiểm, không gì khác là chiếc mũ bảo hộ của phi hành gia, trong những lần phải ra ngoài. Chỉ hai ngày duy nhất trong năm, khi thủ đô Seoul diễn tập phòng không, người dân và xe cộ rút đi để lại một đường phố vắng lặng, khi trái đất trở thành một tinh cầu cô đơn như thế giới của cô, Jung-yeon mới mở cửa sổ ngắm nhìn. Và cô tìm thấy chàng Robinson nọ.
Castaway mang một thông điệp “phản-xã-hội” (anti-social) rất rõ ràng, khi kể câu chuyện về hai con người hoặc bị xã hội ruồng bỏ hoặc ruồng bỏ xã hội, hoặc cả hai. Lý do sâu xa hơn, giống như lời ao ước của Jung-yeon “ước gì trọng lực ở Trái Đất nhẹ đi gấp sáu lần giống Mặt trăng, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn”, chẳng gì khác ngoài áp lực khủng khiếp của cuộc sống hiện đại, ở một đất nước mà học sinh thường tự tử vì thi rớt hoặc không chịu nổi kỳ thi đại học. Bộ phim còn hàm chứa thông điệp về cuộc sống ảo trên blog và các mạng xã hội, một vấn nạn thời đại mới, bởi nỗi đau nó gây ra và hậu quả là thật. Tất cả áp lực ấy giống như một gã khổng lồ mang găng võ sĩ. Cả hai con người đều chạy trốn nó, một người đã ở trong nó và bị nó “nốc ao”, một người tránh xa nó ngay từ đầu để tránh tổn thương.
Jung-yeon gọi người đàn ông là “người ngoài hành tinh” (Alien), và vì thông điệp trên cát ban đầu Seong-geun là tiếng Anh, cô cũng dùng tiếng Anh để đáp lại. Nhưng với cô, chỉ có anh mới là “đồng loại”, còn những người xung quanh mới là “ngoài hành tinh”, hai đồng loại với điểm chung là cô đơn trên hai tinh cầu khác nhau, nối với nhau qua một ống kính dài. Mối liên hệ hình thành, mối liên hệ đẹp đẽ nhất khi một tâm hồn quan tâm đến một tâm hồn khác, niềm hạnh phúc đầy đau khổ đó, tôi không biết gọi tên. Chất lãng đãng và lãng mạn được dệt nên từ những chi tiết tinh tế và đáng yêu, đắp dần lên qua những bức ảnh đính vào, mặt trăng của cô không còn hiu quạnh, vì đã sẻ chia với một ai đó. Hoang đảo của anh đã xuất hiện Thứ Sáu, hình dung từ những thông điệp trong vỏ chai từ trên trời rơi xuống. Einstein nói một câu tôi đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, nhưng không bao giờ cũ: “khi bạn bắt đầu sống vì người khác, khi ấy cuộc sống mới thật sự bắt đầu.” Không ai chọn trở thành một kẻ cô đơn. Cô khóc vì hạnh phúc khi thấy anh đáp lại bằng hình ảnh trên bờ cát. Với cả Robinson và cô gái, họ chỉ vừa mới bắt đầu được sống. Họ vừa tìm thấy hi vọng.
Castaway On The Moon rất thi vị, đã thi vị ngay từ cái tên, lạc lõng trên mặt trăng, không hiểu vì sao, mọi thứ liên quan đến mặt trăng đều rất đáng nhớ với tôi. Mọi thứ đáng nhớ đều bắt đầu từ mặt trăng, và kết thúc bằng một cái nắm tay, như trò chơi “To the moon” tôi yêu thích. Thi vị từ những khung hình mộng mơ, như khi Jung-yeon bay lên trong căn phòng mình, từ một cốt truyện cổ tích và bay bổng, từ những chi tiết dễ thương và cổ điển (robot giấy, vỏ chai, ảnh và thật…) nhưng đẹp đẽ vì không hề thiếu chất liệu của thực tế, thậm chí là thực tế nặng nề đến xé lòng. Và len lỏi trong ấy, là niềm hi vọng, ngọn lửa ấm được thắp lên giữa tình cảm con người, níu lấy nhau ở lại giữa cuộc đời. Họ sống như đã chết trước đó, và tìm lại được sự sống. Một người từ cái chết, còn một người từ việc cứu người khác khỏi cái chết. Niềm hi vọng luôn ở đó, luôn tồn tại, dù là ở bát mì đen rất bình dị, hay theo dõi một người hoàn toàn xa lạ, không quan trọng, không phải là việc nó xuất hiện dưới dạng nào, mà là nó có tồn tại. Nó là thứ kho báu nằm dưới chiếc hộp Pandora, đã và sẽ đưa loài người đi qua những thời khắc đen tối nhất. Tôi khóc khi xem Seong-geun ăn bát mì được làm nên bằng chính tay anh, tôi khóc khi xem Jung-yeon bước ra “hành tinh lạ” mà không cần bộ đồ phi hành gia. Bát mì là hi vọng của anh, còn anh là hi vọng của cô. Anh giúp cô nhìn thấy thế giới này đẹp đến mức nào. Nhưng nó rất mong manh, cả bát mì sẽ không bao giờ có lại sau trận mưa bão, cả một linh hồn mất dần trên chiếc xe định mệnh. Người ta muốn sống phải níu lấy hi vọng, phải đấu tranh vì nó. Nó, giống như nước trong “xứ con người”, là một vị thần không bao giờ thỏa hiệp.
Con người liệu có thể chiến thắng không? Với cả thiên nhiên và xã hội? Trong bức tranh tái hiện hai cuộc đấu tranh luôn song hành tự cổ chí kim, giữa con người với tự nhiên và giữa con người với chính những bất ổn trong lòng nhân loại, câu trả lời rất dễ đoán. Seong-geun đã thua. Anh đánh mất khu vườn và “ngôi nhà” chỉ với một trận bão đêm, anh đã từ bỏ bộ áo vét, biến nó thành bù nhìn đầy cao ngạo, để rồi lại khoác lên người, anh dùng tấm thẻ để “nạo cứt chim” một cách khinh khi, cuối cùng lại phải dùng nó cho chuyến xe cuối, cảnh phim ấy anh cười, nhưng là nụ cười cay đắng. Ra khỏi hòn đảo, hiện thực trở lại, anh là một kẻ bị ruồng bỏ, không xu dính túi, một kẻ vô gia cư, một gã ăn mày. Chúa ơi, một người mất tích trong một năm trời mà không một ai đi tìm, không một ai để tâm, không một ai nhớ đến, còn thứ gì khác để lưu luyến, còn thứ gì khác để bám víu vào. Không cần phải nói nhiều về diễn xuất của nam diễn viên chính Jae-yeong Jeong. Khóc có lẽ không phải là việc khó làm với phim Hàn, nhưng khóc không phải chỉ là rơi nước mắt, khóc để chạm đến sâu tận những nỗi đau, để biến nó thành thật như anh làm trong phim, là sự xuất sắc.
Con người không thể chiến thắng, trong mọi cuộc chiến, nếu chỉ có một mình.
Và câu chuyện cổ tích này có một cái kết đầy chất cổ tích. Một kịch bản hoàn hảo đến từng chi tiết nhỏ, không có một cảm giác “chênh” nào trong suốt thời gian phim, không một cảm xúc nào là thừa, không một sự sáng tạo nào là vô ích hay kém hiệu quả. Cảm giác tuyệt vời có được từ câu chuyện, từ diễn xuất, từ những khung hình được sắp xếp, những cảnh quay chậm tuyệt đẹp và âm nhạc lắng đọng và đúng “chất”, cảm giác này, cảm giác này là điều giữ tôi lại với điện ảnh, qua biết bao lần chán nản và tưởng như có thể từ bỏ bất kỳ lúc nào. Và khiến tôi, trong giai đoạn không muốn viết về bất kỳ điều gì khác, cũng phải để cho cảm xúc trôi đi qua những con chữ, dù chỉ một lần nữa, và một lần nữa.
Con người thật đẹp, vì có thể làm nên những tuyệt tác như thế này. Và điều đó trở thành niềm hi vọng trong tôi.
Đọc thêm: Tôi vẫn còn sống.