Bài học không có trong giáo án
Tôi vốn không thích trường lớp cho lắm, thành thật mà nói, dù đã 15 năm phải gắn liền với một ngôi trường nào đấy đơn giản vì người bình thường nào chẳng như vậy.
Tôi thì là người bình thường.
IQ 108 (nếu bài test là đáng tin cậy), tức độ thông minh “ thường thường bậc trung”, sử dụng 78% não phải (nếu bài test lại đáng tin cậy), hay nhìn ra ngoài cửa sổ hoặc nhìn thầy cô giáo nhưng tâm trí ngoài cửa sổ, trong suốt ngừng ấy năm tôi ở trường học.
Bây giờ đang lập thu, sắp vào đông rồi đấy. Mùa đông khi tôi học lớp 4, tôi nhớ thầy giáo mình (mà có nên gọi ông ta là thầy giáo không), đã đi đôi ủng trong tiết trời mưa phùn và đạp vào đùi cậu bạn tôi ngồi gần vì cậu ấy không biết làm Toán, ông ta cũng thẳng tay tát một cô bé vì cô ấy không thuộc bảng cửu chương, và ném phấn từ trên bảng xuống lớp. Tôi chỉ nhớ là trời rất lạnh. Tôi chỉ nhớ chúng tôi còn rất nhỏ. Bất cứ hình phạt nào, cũng chỉ là sự bất lực mà thôi.
Trẻ con như tờ giấy trắng, viết gì lên đó thì mọi thứ vẫn còn mãi vẹn nguyên như thế. Tôi, do đó, chẳng ưa gì trường lớp từ dạo đó rồi. Nhưng, cái câu mà tôi vừa nói đó, là tôi nói lại từ thầy hiệu trưởng trường cấp 3 của mình đó thôi. Tôi băn khoăn có nên gọi trường cấp 3 là Tô-mô-e của Tốt-tô-chan không, vì thầy hiệu trưởng thực sự là giống lắm. Việc tôi học tại đó, khiến tôi nghĩ lại là trong 15 năm đã qua, không hẳn là mình ghét trường lớp lắm đâu.
Lớp 11, tôi đạt giải Nhì quốc gia môn Văn. Tôi kể vì nó là một tình tiết cần có cho sự logic, chẳng khoe khoang gì, vì tôi nhận ra mình đã không còn nhớ thủ pháp nghệ thuật là cái gì nữa rồi, tôi còn không thể thuộc thơ trong sách giáo khoa từ khi còn đi học. Ai đó nói giải thưởng đó không phải của tôi, đại loại, nó có màu sắc thương mại. Tôi bỏ thi chọn vào đội tuyển quốc gia năm lớp 12. Chỉ riêng điều này đã đủ để trở thành học sinh hư hỏng và diện kiến cả thầy hiệu phó lẫn hiệu trưởng rồi. Nhưng, ai mà ngờ được chứ, đó lại là những người tôi yêu quý nhất sau này.
“Thứ nhất, em không phải học sinh hư. Thứ hai, em không phải người đầu tiên từng mắc lỗi này. Thầy cũng không bắt ép em phải đi thi. Máy bay trên bầu trời rộng thế còn có lúc đâm vào nhau, con người không thể không có lúc va chạm và làm tổn thương nhau. Cô giáo em hẳn là rất buồn. Thầy nói với những trường khác là học sinh của tôi không có đứa nào hư hết, chúng chỉ mắc những lỗi lầm. Học sinh chuyên Văn hẳn là em biết suy nghĩ, thầy tin như thế.” Và thầy hiệu trưởng luôn gọi là “ các em học sinh”, chứ không phải chỉ là học sinh. Thầy phê bình cô phụ trách Đoàn phạt một bạn không mặc áo dài ngày thứ hai đứng trước toàn trường vì sao cô chưa hỏi em lí do mà đã phạt. Khi thầy lên thăm kí túc xá, thầy hỏi tiền điện nước có minh bạch không, các em có gì không hài lòng không, trẻ em như tờ giấy trắng, viết gì còn đó, không muốn những cô bé này sau khi ra trường còn nhớ về trường có chút gì không được đẹp.
…
Thầy hiệu phó thì kể nhiều chuyện lắm, dạy Lý ôn thi tốt nghiệp cho chúng tôi nhưng thừa biết là bọn lớp Văn chẳng biết gì rồi, nhọc công dã tràng xe cát. Tôi luôn tin người hài hước thì sâu sắc, người làm cho chúng ta cười nhiều nhất cũng sẽ khiến chúng ta khóc. Tôi khóc thật. Tôi không còn nhớ quá rõ những câu chuyện không đầu không cuối của thầy nữa, chỉ biết không ai có thể làm tôi cười nhiều như thế và khóc ngay sau đó như vậy. “Thầy có thể đuổi học nhiều đứa, nhưng thầy không làm thế. Bọn học sinh cá biệt mới cần đến giáo dục, bọn vừa giỏi vừa ngoan thì cần gì. Tại sao có nền giáo dục mà loại hết những đứa hư hỏng ra khỏi hệ thống vì thành tích, rồi chúng nó sẽ hỏng hẳn khi không ai còn cố gắng dạy dỗ, nó sẽ thấy mình như bỏ đi rồi.” Tôi nhớ đến bài báo kể về một cậu ấm con nhà giàu hay đập phá đồ đạc trong nhà chỉ để mẹ cậu chịu mắng cậu một câu, nhưng bà ta bận rộn túng thiếu thời gian và thừa thãi của cải đến mức không thèm làm thế.
Tôi thích ngồi bệt trên một bậc thềm nói chuyện với ai đó. Thân thật thân. Hoặc lạ thật lạ. Người ta sẽ dễ dàng nói ra mọi điều hơn khi không phải ngồi đối diện nhau. Như tôi hay ngồi ở bậc thềm bưu điện bờ hồ lúc nhá nhem với bạn thân. Như tôi ngồi trước bậc cửa nhà cô giáo cũ chiều hôm trước. Bọn trẻ lớn hết cả, cô thấy mình như già đi nhiều rồi. Cô kể về một học sinh suýt bị đuổi học do học Toán yếu, em ngây thơ, ngây thơ thật sự nhưng bị mang tiếng giả nai nên cả lớp cô lập. Cô là người giữ em lại trường. “ Nó yếu đuối quá, với học sinh như thế chỉ có động viên chứ không thể trách phạt, đuổi học chẳng may nó nghĩ quẩn, lại làm liều. Học sinh cũng như con cái mình, thoáng qua là hiểu nó nghĩ gì.” Khi tôi học lớp 12, đi thi tỉnh đạt giải Ba, thấp nhất trong đội, đi thi đại học 5,5 – thấp nhất khối D của trường, cô không trách mắng gì, chỉ nhắn tin: ” Vì họ không hiểu những điều em viết. Mạnh mẽ lên”.
Tôi, lúc này, đang tha thiết mong mình sẽ nghiện một thứ gì, thứ gì cũng được. Cũng như những anh chàng nghiện game, trốn đời sau bàn phím vì họ quá trống rỗng. Cũng như những cô gái nghiện shopping và ngôn tình với mong muốn một ngày hoàng tử sẽ đến nếu các cô lộng lẫy như công chúa. Nghiện fast food, nghiện smartphone, nghiện mạng xã hội. Độc hại hay không đôc hại, nếu người ta còn có thể nghiện một thứ gì, nghĩa là vẫn còn sợi dây nối với cuộc sống. Không thể yêu thứ gì đến mức nghiện mới là đáng buồn nhỉ.
Nếu không có hành tây và mù tạt thì tôi khó lòng khóc được dù thật lòng cũng muốn làm thế. Cố gắng không đủ thì cố gắng gấp đôi, gấp đôi không đủ thì sao? Có một ngày tôi đi 17 chuyến xe bus. Tối về xe vắng tanh, qua cửa kính thành thị nhấp nháy nhòa mờ, tôi thấy mình nhạt nhòa bị bóng tối nuốt chửng như một sinh vật đơn bào yếu ớt đang sống trong môi trường chân không ngột ngạt như bị hút hết không khí. Tìm một con đường để đi không đơn giản, dù Trái Đất rộng thế. 20 tuổi đấy. Sau cánh cổng trường đường dài rộng hơn quá nhiều rồi, không còn cô giáo mắng cả lớp xếp thứ 27/27, không còn buồn so vì làm bài thi không tốt, không còn viết bản kiểm điểm khi không mặc đồng phục, tôi nhìn ngày hôm qua cứ như một trò nghịch dại. Tôi ngồi bên cô, cái lúc tôi cảm thấy mình sắp trở thành một đứa muốn hư hỏng thật sự rồi, và cô nói tuổi trẻ luôn phải đối mặt với thật nhiều khủng hoảng, nền giáo dục yếu kém đã bắt các em phải trả giá đắt cho những năm tháng tuổi trẻ của mình. Tôi không nói gì, chỉ nghe câu nói ngày xưa rõ bên tai: “Em không phải học sinh hư…”
Trường Tô-mô-e làm từ những toa tàu đã cũ, tôi cũng đã rời khỏi toa tàu ngày xưa, đến những sân ga mới. Có những người sẽ bước xuống và bước lên toa tàu của bạn, nhưng chỉ một vài người mà bạn luôn nhìn thấy họ trên từng thanh ray của đường sắt ở phía trước, như những người dẫn đường. Không thầy cô nào có thể dạy bạn mọi thứ, với tôi, người thầy thực sự sẽ làm bạn luôn muốn tự mình trở nên tốt hơn.
Cho dù một lúc nào đó, tôi thực sự muốn trở nên hư hỏng đi chăng nữa, tôi cũng không làm nổi nữa rồi. Có những người thầy như thế, tôi nỡ hư hỏng làm sao cho được…
Thân Ái Đài Trang - TrangXtd@Tinker