Có thể bạn chưa biết...
Rằng Tí không phải là Chuột, Sửu cũng không phải là Trâu, Dần không phải là Hổ…Tương tự như vậy, tất cả những Thìn, Tị, Ngọ, Mùi… cũng không phải là cái con mà chúng ta vẫn nghĩ. Tí, Sửu, Dần, Mão là số đếm. Tí là năm thứ nhất, và con vật biểu tượng của năm thứ nhất là con Chuột, nhưng Tí không phải là Chuột. Sửu là chỉ năm thứ 2, con vật biểu tượng của năm thứ 2 là con Trâu, nhưng Sửu không phải là Trâu… Nhưng vì chúng ta đã hiểu sai những từ này quá lâu, và dùng nó trong những ngữ cảnh của đời sống hàng ngày, nên chúng ta đã gán cho nó 1 nội hàm khác. Bây giờ, chỉ cần nói đến Dậu – người ta sẽ nghĩ đến con Gà.
Trên đây chỉ là 1 phần rất nhỏ mà chị được nghe từ anh Nguyễn Phúc Anh sau 4 buổi Talk của anh ấy tại Hà Nội trong tuần vừa rồi. Vì có thời gian và khá hứng thú với các vấn đề mà anh ấy nói nên chị đã đi cả 4 buổi này. Chị tổng hợp lại những gì mà chị nghĩ sẽ cần cho nhận thức của các em trong quá trình làm Cội rễ ở đây nhé.
NHÂN HỌC VỀ SỰ TỨC GIẬN: CHỦ NGHĨA PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC VÀ NHỮNG NGƯỜI MỸ NGHÈO DA TRẮNG
Anh ấy mở đầu bài nói này bằng một nghiên cứu Nhân học về người Ilongot với tục “săn đầu người”. Khi những nhà nghiên cứu Châu Âu lần đầu tiên khám phá ra nơi ở và tục “săn đầu người” của tộc người này, họ cảm thấy thật kinh khủng (cái phản ứng này thật là quen nhỉ?). Họ phỏng vấn một số người trong bộ tộc Ilongot về lý do, động cơ mà họ “săn đầu người” là gì, thì họ trả lời rất đơn giản: vì họ buồn chán quá, nên chặt đầu người, có thế thôi. Người phương Tây không thể chấp nhận được điều này và tục ăn đầu người đã bị đàn áp dữ dội, kiểu như: thằng nào mà tiếp tục chặt đầu người vì buồn chán thì họ sẽ bắn chết. Tuy nhiên thì việc săn đầu người vẫn được tiếp tục. Có vẻ như một mối đe dọa chính diện như vậy không có tác dụng với họ, có thể vì nếu như họ đã coi việc chặt đầu người nhẹ như lông hồng đến thế thì họ có gì mà sợ bắn chết chứ. Thế thì phải thay đổi nỗi sợ của họ. Và thế là, người phương Tây sử dụng tôn giáo.
Kito giáo được đưa đến với những người dân Ilongot, thay đổi cách thức người ta tư duy về cuộc sống, xây dựng cho người ta một nỗi sợ mới gọi là “Hell” – “Địa ngục”. Nếu như sống trong nền văn hóa của Kito Giáo, anh PA có nói, thì sẽ thấy nói đến từ “hell” đối với họ là một điều gì đó rất kinh khủng, trong khi đối với chúng ta thì chẳng có nhiều tưởng tượng cho lắm. Và bằng cách đó, người phương Tây đã thành công trong việc làm giảm rõ rệt tục săn đầu người của người Ilongot.
Trên đây là một ví dụ tiêu biểu của việc áp đặt logic văn hóa của mình lên logic của một nền văn hóa khác, và đã thành công.
Một ví dụ tương tự là tục “vị táng” ở một số bộ tộc. Thay vì địa táng (tức chôn người chết như chúng ta làm) thì họ ăn thịt người chết. Với lớp nền văn hóa được xây dựng bên trong chúng ta, điều này đương nhiên rất kinh khủng, thậm chí phi đạo đức. Tuy nhiên, trong tư duy của họ, đó là cách duy nhất để những người thương yêu đã mất được ở lại cùng với những người đang sống. Trước đây “hỏa táng” cũng là một điều khó chấp nhận, thế mà giờ nó cũng phổ biến rồi đấy.
Cho nên, một lý thuyết cơ bản của nhân học là: chấp nhận logic của một nền văn hóa trước khi đưa ra nhận xét hay bất kỳ hành vi nào đó.
Thực ra buổi này còn nói đến một số vấn đề Nhân học khác nhưng chị chỉ đưa ra đây nội dung này thôi, vì những cái khác có thể sẽ không cần thiết cho các em lắm.
LỊCH SỬ CỦA KHÁI NIỆM - VỀ QUÁ TRÌNH BẢN ĐỊA HÓA CÁC KHÁI NIỆM “NATION”, “STATE”, “ETHNICITY” Ở VIỆT NAM VÀ TRONG KHU VỰC
Trước tiên phải nói rằng, những khái niệm này có nội hàm hoàn toàn khác nhau ở những quốc gia khác nhau (đối với mỗi người đã khác nhau rồi chứ đừng nói đến quốc gia). Nghĩa là, chủ nghĩa dân tộc mà ta nói đến chưa chắc đã là chủ nghĩa dân tộc mà Mỹ nói đến. Kỳ thực, mọi khái niệm đều mơ hồ, nên nguyên tắc căn bản trước khi tranh luận bất cứ cái gì, đó là hãy làm rõ nội hàm khái niệm mà anh đang nói đến trước tiên.
VỀ KHÁI NIỆM NATION
Theo một cái ông tên là Benedict Anderson (trong cuốn Imagined Communities – Những cộng đồng tưởng tượng) thì 1 cái Nation nó sẽ có những điểm sau:
- Biên giới lịch sử
- Ký ức và huyền thoại
- Nền văn hóa
- Nền tảng kinh tế
- Quy định về quyền và nghĩa vụ cho tất cả mọi người (kiểu như luật pháp)
Và trung tâm của 1 cái “nation” là “người dân” – cộng đồng người là trung tâm.
State (kiểu như Chính phủ) là thiết chế chính trị/đơn vị pháp lý gắn với cộng đồng người chứ không phải cộng đồng người.
Khái niệm “Nation” được giới thiệu vào nước Nhật vào thời kỳ giới thiệu các lý thuyết xã hội từ phương Tây. Trước đó, trong văn hóa Nhật Bản không hề có khái niệm “người dân” với ý thức về “quyền và nghĩa vụ”. Trước đó chỉ có khái niệm “thần dân”, chứ không có khái niệm “công dân”.
Khái niệm “nation” được dịch ở Trung Quốc bởi Lương Khải Siêu lần đầu vào năm 1901. Nation = hợp đồng chủng, dị dị chủng (tập hợp những người đồng chủng và loại trừ những người nằm ngoài đó). Ông này gán cho Nation một nội hàm đạo đức đậm tư duy Nho giáo: những người cùng chung một đặc điểm tâm lý và đạo đức giống nhau.
Ở Hàn Quốc (1905), Nation = những người cùng sở hữu chung một dòng máu thuần chủng (Hàn Quốc). Và thậm chí tư duy này đến bây giờ vẫn còn tồn tại rất rõ rệt trong tâm lý của người Hàn.
Ở Việt Nam, khái niệm “dân” (phá bỏ mô hình quan hệ dân cũ, đưa dân vào mà không phải là “thần dân”) thể hiện rõ nhất trong “Hải ngoại huyết châu” của Phan Bội Châu: “Dân là dân nước, nước là nước dân” (nghĩa là dân là dân của một nước, nước là nước CỦA NHÂN DÂN).
Học thuyết giống nòi liên tục được cổ vũ mạnh mẽ từ năm 1887 -1905 (và cho đến tận bây giờ). Nation là tập hợp những người chia sẻ cùng một nòi giống với nhau. Nòi giống là khái niệm căn bản nhất để hình thành khái niệm Nation. Và như vậy thì phải làm gì? à Phải tìm một quốc tổ. Thế là các sử liệu về Hùng Vương và 18 đời vua Hùng bắt đầu trở nên nhiều hơn.
Đó là quá trình bản địa hóa khái niệm “Nation” ở một số nước, trong đó có chúng ta.
VỀ KHÁI NIỆM ETHNICITY
Trước khi có khái niệm này, chúng ta vẫn dùng cụm “dân tộc Việt Nam” như thường mà không băn khoăn gì. Cho đến năm 1945, khi những nhà nghiên cứu Pháp đến Việt Nam, họ đi thực địa và phát hiện ra, rằng ở đây có những nhóm người khác nhau, văn hóa khác nhau, quần áo khác nhau, tiếng nói khác nhau, dường như họ thuộc về những “nation” khác nhau. Nhưng trên thực tế, họ vẫn thuộc về lãnh thổ Việt Nam. Trong các ghi chép của họ có cụm từ “ethnic group” à mà sau đó chúng ta đã phải dịch ra là “dân tộc”.
Có thể nói, trước năm 1945, mối quan tâm của xã hội đến các nhóm dân tộc thiểu số này là không quá lớn. Phải đến tận sau năm 1954 mới hình thành nên bộ môn “Dân tộc 2 học”, để phân biệt với từ “dân tộc” trong “dân tộc Việt Nam”. Cho đến nay, hai cụm từ này vẫn được chúng ta sử dụng lẫn lộn.
Có phải thực sự Việt Nam có 54 dân tộc, hay Trung Quốc có 56 dân tộc hay không? Các dân tộc không được hình thành tự nhiên mà được hình thành trên bàn giấy. Bởi vì bất cứ khái quát nào về một nhóm người nào đó cũng sẽ nhanh chóng tìm ra được ngoại lệ, chưa kể có một số ông chỉ khái quát dựa trên quần áo giống nhau thì cùng gọi là một dân tộc. Thực tế là có những tộc người với số lượng người quá ít nên không đủ để được xét là một dân tộc (trên bàn giấy nhé, chứ tồn tại của họ là không thể phủ nhận). Cứ nhìn dân tộc Thái là thấy đấy, Thái rồi mà lại còn Thái Đen – Thái Trắng nữa. J)
Anh PA đã từng có dự định làm một đề tài nghiên cứu về người H’mong nhưng sau khi bập vào tìm hiều một thời gian thì quyết định bỏ cuộc, vì có quá nhiều “chi, nhánh” (tạm dùng từ này) của người H’mong mà 1 bạn người H’mong trong buổi hôm đó cũng chia sẻ là anh có nghiên cứu 30 năm thì may ra mới xong được. Và như vậy, thì căn cứ nào, cơ sở nào để chúng ta phân ra 54 dân tộc đó, rằng cái tộc người đó thì có đặc điểm như này, như này, như này…, chúng ta đã hiểu được lớp nền văn hóa của họ chưa? Và mất bao lâu thì hiểu? Cái này thì các bạn trẻ tự trả lời nha!
VỀ QUỐC DÂN ĐƠN NHẤT (Homogeneous nation)
Về một quốc dân đơn nhất, tiêu biểu nhất cho tư duy này là người Hàn (Đại Hàn Dân Quốc), người Đức. Thậm chí, theo anh PA, khi hỏi người Nhật là nước chúng mày có bao nhiêu tộc người, họ sẽ hớn hở trả lời là nhiều lắm: người Nhật này, người Hàn Quốc này, này Trung Quốc này… @@ Đây là một xu hướng, gọi là “biến tên dân tộc thành tên quốc gia, một quá trình mà ở đó những cộng đồng lớn tận diệt những cộng đồng nhỏ và hòa cộng đồng nhỏ vào cộng động đồng lớn hơn.
Ở Việt Nam, có thể thấy điều này đang diễn ra với sự phát triển của truyền thông đại chúng, phổ cập ngôn ngữ và xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, xây dựng những bảo tàng văn hóa (mà ở đó chỉ có trí tưởng tượng của chúng ta về tộc người chứ không có bản thân văn hóa tộc người), thực hiện các thống kê dân số và sự phát triển của tầng lớp trung lưu. Về mặt khoa học, hiện tại từ “dân tộc Việt Nam” có thể sai, nhưng chỉ sau 200 năm nữa thôi (hoặc còn ngắn hơn thế nhiều lần), nó trở thành đúng. Đó là quá trình hình thành một Quốc dân đơn nhất.
Sự thật là, càng cố gắng bảo tồn bao nhiêu thì chúng ta càng chỉ bảo tồn được “hình ảnh” của hiện vật bấy nhiêu. Càng bảo vệ thì càng đồng hóa, bởi vì chúng ta đang đem hình dung của chúng ta về dân tộc thiểu số và định dướng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng đó, bảo tồn theo hướng đó.
BÊN LỀ
Có người có thể nói rằng: “Không, tôi đang thấy một diễn tiến ngược lại với quá trình “đồng nhất”. Chưa bao giờ như bây giờ, tôi thấy người ta nói đến nhiều về bản sắc, nhiều tiếng nói để bảo vệ bản sắc bản địa như hiện tại”. Ồ, đấy chính là vấn đề. “Identity” – căn cước. “Chúng ta chỉ có nhu cầu của căn cước khi chịu áp lực của sự diệt vọng.” – Stuart Hall.
Hãy nhìn nước Mỹ này, họ hay nói về “nhân loại”, “Human right”, “toàn cầu”. Còn những nước nhỏ thì sao: “bản sắc”, “hòa nhập mà không hòa tan”. Vì sao vậy? Vì luật chơi không phải do những nước nhỏ, những cộng đồng nhỏ đặt ra. Khi cộng đồng đủ mạnh và thống trị thì identity không còn cần thiết nữa, hay đúng hơn họ còn chẳng buồn lo về điều đó nữa.
Trở lại với câu: "người ta sẽ nói nhiều về những thứ sắp hay đang mất đi". Có lẽ, đó chính là lý do vì sao bây giờ chúng ta lại nghe nhiều về “identity” đến thế.
QUYỀN LỰC VĂN HÓA VÀ HÒN ĐÁ N YỂM ĐỀN HÙNG
“Hòn đá trấn yếm Đền Hùng” là cái gì thì bạn nào quan tâm có thể lên GG search thử xem. Dù sao thì diễn giả cũng chỉ dùng nó để làm mở bài dẫn dẵn đến nội dung chính: quyền lực văn hóa.
Trong câu chuyện về hòn đá trấn yếm đền Hùng có hai phe: một phe bảo vệ hòn đá, cho rằng nó có giá trị và phải có lý do thì người ta mới đưa hòn đá lên đó; phe còn lại bác bỏ hòn đá, cho rằng nhà nước quản lý không tốt mới để cho một hòn đá không rõ nguồn gốc và mục đích như thế lên đền. Vấn đề là, dù hai phe tưởng chừng như đang đưa ra những lập luận trái ngược để phản biệ lại ý kiến của bên kia, thì họ vô hình chung không nhận thức chung rằng họ đang tranh luận dựa trên cùng một nền tảng: sự thừa nhận quyền lực của Nhà nước trong việc quản trị và lãnh đạo văn hóa. Nghĩa là, nhà nước phải đứng ra trong việc bảo vệ văn hóa dân tộc và ĐỊNH HÌNH văn hóa dân tộc. Càng chống lại bao nhiêu thì càng thừa nhận hệ thống bấy nhiêu.
“Văn hóa thống trị là sản phẩm của tầng lớp lãnh đạo xã hội. Ý thức hệ xã hội được hình thành đồng thời với ý thức hệ chính trị.” (“Cutural Hegemony” – Antonio Gramsei).
VỀ TƯ DUY DI SẢN
Thực tế là, “di sản” không tồn tại khách quan.
Tư duy di sản là tư duy mới gần đây mới bắt đầu xuất hiện. Nó không phải là loại tư duy theo chúng ta từ thuở khai sinh hay xa xưa của loài người. Chính xác hơn, tư duy di sản “heritage” xuất hiện chỉ với ảnh hưởng của tư duy khoa học phương Tây. Trước đây, cha ông ta (người Á Đông) sống trong “di sản” và coi “di sản” là một phần hoặc toàn bộ cuộc sống đời thường. Nói cách khác, “di sản” hình thành khi Ý THỨC VỀ DI SẢN hình thành. (có dễ hiểu không nhỉ?)
Trước năm 2003 (mới quá nhỉ), chúng ta chưa bao giờ có khái niệm vè “di sản phi vật thể”. Thế mà bây giờ từ đó lại quen thuộc quá, nói như đúng rồi vậy. Bởi vì có những thứ trước đây không phải bảo tồn những giờ mới nghĩ đến bảo tồn.
Khi tư duy di sản hình thành, có một thứ khác cũng đã được hình thành và không tách rời khỏi tư duy di sản, đó là quá trình “vốn hóa” – hay còn gọi là “làm tiền di sản”, coi di sản như một thứ vốn xã hội, một dạng của cải. Một nền công nghiệp di sản ra đời và tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người (những người làm du lịch, viện bảo tàng, những người nghiên cứu và tạo ra những di sản mới…) và hàng loạt những thứ liên quan đến “niềm tự hào dân tộc” được ăn theo. Vịnh Hạ Long là điển hình và rõ ràng cho quá trình hình thành di sản song song với quá trình vốn hóa di sản như thế nào. Đầu tiên, khi tư duy di sản về nó được hình thành, người ta dùng cái gọi là “lòng tự hào dân tộc” kêu gọi bình chọn để cho nó là một danh hiệu. Sau khi nó đã có danh hiệu là “di sản thiên nhiên thế giới”, quá trình vốn hóa ngay lập tức diễn ra: nâng giá các dịch vụ du lịch, địa điểm quay phim bom tấn, hình ảnh trên các clip quảng cáo... Những “di sản phi vật thể” khác như hát quan họ, hát chầu văn hay mới đây nhất là đờn ca tài tử cũng không tránh khỏi quá trình “di sản hóa” và “vốn hóa” như vậy.
VỀ QUÁ TRÌNH DI SẢN HÓA
Quá trình di sản hóa có phải là hướng đến việc “bảo tồn văn hóa”? Có lẽ, chính những người đang làm trong nền công nghiệp di sản hiện tại cũng tự lừa phỉnh mình như vậy. Thực chất, quá trình di sản hóa cũng chính là quá trình bóp chết văn hóa.
Quá trình di sản hóa = quá trình ý thức hệ hóa quá khứ được coi là chuẩn của dân tộc. Khi ta coi A là di sản à ta sẽ kể những câu chuyện về A à thông qua đó, ta định hình lại quá khứ thông qua những câu chuyện kể đó. Bất cứ một di sản “vô hại” nhát tồn tại cũng có khía cạnh chính trị ở đó.
Quá trình di sản hóa gắn liền với hình ảnh của những Viện Bảo tàng mọc lên. Mọi bảo tàng đều được hình thành theo ách diễn giải, chính thống hóa quá khứ hơn là gìn giữ thứ gì đó thực sự tồn tại trong quá khứ. Không thể vào Bảo tàng dân tộc học và nghĩ rằng chúng ta có hình dùng đầy đủ về phong tục, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số được, bởi vì sự thực là chúng ta không bao giờ chúng ta có thể bảo tồn nguyên trạng. Tất cả chỉ là bảo tồn hình dung của chúng ta về nguyên trạng mà thôi.
Để xem quá trình di sản hóa đã hủy diệt văn hóa như thế nào thì không gì rõ ràng hơn là với Tây Nguyên. “Cồng chiêng Tây Nguyên” được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể”. Tivi, báo đài cứ nhắc đến Tây Nguyên thì lại là hình ảnh mấy người đi vòng vòng quanh đống lửa và gõ cồng, đánh chiêng. Một cách vô thức, hình dung của chúng ta về Tây Nguyên chính là như thế, là mấy hình ảnh đó. Cái chúng ta gọi là “bảo tồn” được, chính là phần xác của “cồng chiêng”, cái chúng ta truyền tải được, chỉ là cồng chiêng rất quan trọng với người Tây Nguyên, nhưng quan trọng như thế nào, vì sao quan trọng, và nó nằm ở phần nào trong toàn bộ văn hóa Tây Nguyên thì chúng ta không truyền tải được. Chưa kể một thực tế là, rất ít khi người Tây Nguyên dùng cồng, chiêng. Như vậy, quá trình di sản hóa chính là quá trình mà ở đó, chúng ta CỐ ĐỊNH MỘT SỐ KÝ ỨC, ĐỒNG THỜI LOẠI BỎ HẦU HẾT NHỮNG PHẦN KÝ ỨC KHÁC RA KHỎI VĂN HÓA.
Cho nên, nếu như chúng ta là người Kinh, đừng bao giờ lên tiếng nói rằng chúng ta đang bảo tồn văn hóa cho người dân tộc khác. Đơn giản vì đó là chuyện mà chúng ta không thể làm. Có rất nhiều nhà nhân học khi nghiên cứu về một nhóm người nào đó đã sống điền dã cùng tộc người trong suốt một thời gian dài cho đến khi họ coi mình trở thành một người trong cộng đồng luôn. Nếu chúng ta chỉ là những kẻ qua đường, ở lại vài ngày, đọc sách vở và nói rằng: "Ôi nền văn hóa này thật hay, ôi thật dáng quý, ôi nó đang mát dần đi, ôi nó cần được bảo tồn." thì thật chẳng có tư cách gì. Một khi còn nói đến “di sản”, “bảo tồn”, thì chúng ta vẫn là kẻ đứng ngoài. Và một khi còn là kẻ đứng ngoài, thì tất cả những gì chúng ta có thể bảo tồn chỉ là hình dung của chúng ta về nền văn hóa đó. Trong sự bất lực của ngôn từ, đành phải dùng tạm từ “bảo tồn” cho câu kết này, muốn thực sự “bảo tồn” một điều gì đó, chỉ có thể tin và sống với nó thôi.