Ngồi viết những dòng này nhưng lòng chật hẹp. Trước ngày đi, Tà Xùa chởn vởn trong tâm trí một màu xám, màu của mây hòa trong sương giăng đặc kín, màu của đất đồi trơn tuột nham nhở. Ngày đi, Hà Nội ghé qua chào với cơn mưa lạnh như thử lòng người đi về nơi ấy.
Tà Xùa mưa giăng giăng…
Ngồi sau em, đứa nhỏ lần đầu đi xa. Hơn 200 cây số, có khi nào trời thương mà lặng hạt? Hai đứa gào lên dỗ dành nhau bằng những mẩu chuyện không đầu không cuối nhưng chàng gió cuốn phăng lời người kể đi tận đâu ấy. Nhưng kể cũng thú, mưa xối xả vào mặt, chạm đầu lưỡi, vị man mát mới thấy miệng người còn mặn mà lắm.
Dốc kề dốc, chẳng hay biết mình đã chạm Tà Xùa từ lúc nào. Nhưng khứu giác thật nhanh nhạy, mùi cỏ ven đường làm tỉnh cả người đang say trong mây, chính là mùi quen của hơn một năm trước. Lẫn trong mùi ngai ngái của cỏ dại, mùi khói từ mái bếp nhà dân khiến người đội mưa nhưng lòng thấy ấm lạ.
Dừng chân ở UBND xã, nhớ tới bếp lửa trong trường THCS Tà Xùa, bằng ấy con người ghé vào trường. “Sông Mã kìa!”, một đứa nhỏ khác hét lên “Aaaaaa…” thích chí giữa phòng ở nội trú. Người quen nhưng lũ nhỏ bẽn lẽn, nhường ghế ngồi gần bếp lửa cho anh chị. Chúng chạy ra ngoài nhưng chốc lát, đứng ven cửa nhìn anh chị.
Làm việc với xã, cả đoàn đi xuống trường tiểu học Tà Xùa. Ngày nghỉ, trường vắng bóng học trò. Gặp được cô, cuối tuần nhưng ở lại trường, nhà xa mà mưa lạnh. Cô kể về chuyện học theo chương trình mới, cả lớp có khoảng 2 – 3 em có thể tự học nhưng chưa thể điều khiến theo cái mô hình mà học sinh được gọi là “chủ tịch”. Hay như chuyện lũ nhỏ, nhà gần thì nghỉ đi chăn trâu, nhà xa hẳn thì cuối tuần không về nhà, đi hái chè thuê để kiếm chút tiền. Còn trăn trở, cô giữ nhiều lắm!
Rời trường tiểu học vào chiều muộn để đến Bản Bẹ, mây đặc kín như cái mành che, chẳng thể biết trước là đường hay là khoảng không. Ngồi sau nhưng thấy lo cho người lái, thỉnh thoảng ngoảnh lại không thấy xe sau mà giật thột.
Thời tiết nơi này chẳng hiền lành chút nào nhưng trong căn nhà người Mông, bếp lửa rực lên lại dịu lòng con người hay hờn. Tối đầu tiên ở Bản Bẹ, nhà bác Súa nhiệt thành đón những người khách ở xa. Bác gái đổ gạo mới ở trong bao ra đầy một nia, là gạo đỏ, thứ gạo quý của vùng này. Bác Súa để dành cả một giường cho khách, nhà người Mông thường thế! Sáng sớm, tiếng mưa vẫn đằng đặng trên mái nhà, tỉnh dậy mà thèm hơi ấm của bếp lửa chờn vờn đêm qua. Đầu nhà, tiếng dao băm đều đều, lũ trẻ con ríu rít. Nhà bác có 4 đứa trẻ, hai đứa lớn thì khoảng lớp 1 lớp 2, nhỏ hơn thì được 2 tuổi và một đứa nhỏ mới sinh được vài tháng. Chị lớn nhất tên Khoa, Khoa đang ẵm đứa út trên tay, thỉnh thoảng mấy đứa nhỏ lại ghì nhẹ mặt vào cái má đứa nhỏ mới sinh rồi cười. Cách chúng chăm sóc nhau chẳng khác gì lũ chim nhỏ. Cu em thứ hai uống chút sữa anh chị cho rồi lại nhanh nhảu cầm cho em nhỏ hơn uống cùng. Chẳng may sữa rớt vào đứa út, mấy đứa vội vàng lau ngay, nhìn nhau cười khì. Mấy đứa nhỏ ngoan và thương nhau, phải chăng như chính bản chất con người dân tộc chúng hay như chính gia đình nề nếp mà chúng được dạy dỗ?
Trẻ em là niềm thương cũng là sự day dứt
Chào gia đình bác Súa, chúng tôi bắt đầu ngày thứ hai ở chính Bản Bẹ. Ghé thăm nhà em, Mị hào hứng khi có khách tới chơi nhà. Nhà Mị có 4 anh chị em, anh lớn lấy vợ và ở chung nhà, anh thứ hai thì đang học bán trú còn chị gái thì nghỉ học khi sang cấp 2. Mị đang học ở dưới Tà Xùa, em nhanh nhẹn và cười xinh lắm. Mị kể đi học vui, em thích học môn Toán này. Thật lạ, khi hỏi tiếp, Mị bảo chỉ học hết tiểu học thôi. Chị hỏi: “Sao Mị không đi học cấp 2”, em chỉ lắc đầu. Mị ngồi ra ngưỡng cửa canh nhà, thêu mảnh vải để làm váy. Ngồi cạnh em, nhưng tránh chị, cô bé lẳng lặng đứng dậy. Ngày về, đôi mắt của đứa nhỏ ám ảnh nhưng tin ở sự rắn rỏi toát ra từ đứa nhỏ đó. Sẽ không bỏ cuộc, nhỉ?
Giữa ngày, trời hửng nắng, làm sao mà mưa mãi được, ông trời cũng mệt mỏi mà. Tà Xùa hiện lên rõ ràng, mà thằng em đùa “full HD không che”. Nhưng mà lòng thì ướt nhẹp. Gặp đứa nhỏ trên đường vào Trò A, cậu bé nắm tay anh dẫn lối vào nhà mình. Anh kể, Trống học lớp 1, bố em đi tù, mẹ em mất khi sinh em thứ ba, em thứ ba cũng mất khi mới được 7 tháng. Trống và em gái ở với nhà bác. Bác gái lại gần, nói bằng tiếng Mông, tuy không hiểu tiếng nhưng nhìn ánh mắt nhòe đi cũng thấy nặng lòng. Trống thích vẽ, em lấy phấn bảng vẽ ở trên tường gỗ. Cậu bé chẳng nói mấy, ngồi ở tảng gỗ trước cửa nhà, lấy cành hồng dại của mấy đứa nhỏ nhằn ăn. Chị hỏi: “Trống có nhớ mẹ không?”, em im lặng một lúc, bảo “Không!”. “Trống có muốn gặp bố không?”, em lắc đầu. Có thể đứa nhỏ cũng chưa nghĩ nhiều, nhưng sao lại cứ ám ảnh?
Bọn nhỏ gặp người lạ nên đứng dúm vào nhau. Có nhà đang làm ở khoảng đất phía trên, chúng nhặt nhạnh mẩu gỗ để chơi, đứa nào bạo hơn thì vào trong nhà, gần chỗ người lớn làm xem, người lớn sợ phải quát lũ nhỏ ra ngoài. Có đứa nhỏ, lấy chân vùi vùi đống bùn đất ở cái rãnh trước nhà. Chúng lớn lên như cây cỏ. Một điều tiếc nuối nhất là không thể nói bọn trẻ hiểu bằng ngôn ngữ của dân tộc mình và bọn nhỏ nói bằng tiếng của dân tộc chúng, tôi cũng không thể hiểu. Nhưng chúng hay lắm, theo sau anh chị xuống tận phía dưới. Quan sát bọn trẻ chơi với nhau cũng thú vị không kém. Tôi đi kiếm kim chỉ nhưng cũng vì không thể nói được, dùng hành động, hy vọng bà sẽ hiểu. Bà cười hiền, bảo “Chi Pao” (tiếng Mông có nghĩa là “Không hiểu”). Nhưng bà lại vào nhà, kiếm kim chỉ đưa tôi. Thầm nghĩ, người ta có thể hiểu nhau kể cả khi họ khác nhau. Chị núm hai bên áo bị hỏng khóa, bảo em giữ nguyên như này nhé. Rồi, chị khâu xong, đứa nhỏ vẫn ngoan ngoãn tay vẫn cầm núm áo. Đứa nhỏ mấy tháng tuổi hồn nhiên và hiểu chuyện! Lũ nhỏ lớn hơn xúm lại như thể điều kì lạ ở trước mắt chúng.
Nắng ở trên đồi…
Cảnh vật và những cung đường, tôi tự hỏi sao lại giống nơi ấy đến thế! Trời Tà Xùa xanh không vẩn vơ một gợn mây. Em bảo “Trời ở đâu chả thế!” – “Không, chỉ ở đây thôi!”. Ở Hà Nội có mấy khi ngẩng mặt lên nhìn trời. Ngửa đầu ngông nghênh, tưởng như mình là người giàu và cũng là người may mắn, mấy khi được ôm trọn bầu trời xanh trong cho mình.
Nhớ tối hôm trước, ở nhà chú Ư bên bản Mống Vàng, trước khi đi ngủ, ra ngoài trời, thấy lạnh run người, tay cầm bát nước mà chân nhảy bần bật. Nhưng kìa, sao sáng và điệu đà ghê. Bạn kể, trên Nậm Khòa, tối dải chiếu nằm ngắm sao, sao ở Nậm Khòa đẹp lắm. Chưa được nhìn bầu trời sao Nậm Khòa, nhưng mình muốn đem cả bầu trời sao Tà Xùa để khoe bạn. Đứa dốt khoa học tự hỏi: “Sao trời lạnh lại nhiều sao sáng như thế!”. Và nếu nó chịu khó đọc sách thiên văn, chắc sẽ hiểu ý nghĩa những chùm sao thêu thành dải trên kia rồi. Nhưng, nó cũng còn nhớ, trời nhiều sao thì sẽ nắng to…
Y rằng, ngày hôm sau cũng là ngày cuối, trời có nắng. Nhưng nắng không thích thể hiện đâu, nó nhẹ nhàng, đùa nghịch đôi bàn tay đưa ra hóng nắng. Bạn đi La Pán Tẩn kể thấy “nắng trong sương”, nhưng ở Tà Xùa, “tớ đã thấy Nắng ở trên đồi”. Nắng kén chọn, đâu phải chỗ nào cũng ghé qua. Những vạt nắng tíu tít trên những mảnh đồi phía xa, thầm nghĩ được ở trên đấy chắc sẽ thích lắm. Nhưng, đâu phải đến tận quả đồi bên kia núi mới thấy nắng…
Người Mông ở Tà Xùa đón khách chơi nhà một cách nhiệt thành. Ở nhà bác Nhè ở Trò B, khách đến chơi nhà được mời ngồi gần bếp lửa, nơi có một ấm nước được đun, nước sôi sẽ rót ra bát nhỏ mời khách. Thật lạ kì, cả nhà sẽ ngồi quanh bếp lửa tiếp chuyện khách ở xa. Bà nội, cháu trai ẵm đứa con nhỏ cũng lại gần nghe chuyện. Một gia đình người Mông sẽ có nhiều thế hệ chung sống, bác bảo “Người Mông gọi đấy là một gia đình”. Và được sống cùng người Mông và ăn bữa cơm trong gia đình họ, mới thấy chữ “gia đình” gần và nhớ quá. Bữa cơm tại nhà chú Ư, những 12 người nhưng mọi người chăm nhau. Chú Ư bảo nhà có khách nên mới mang măng muối ra mời.
Cái hồn của dân tộc là bất diệt. Người Mông có tiếng nói của mình và họ còn có cả chữ của người Mông nữa. Người Mông còn có cả dân ca riêng của mình. Nhưng anh Xà bảo “Người Mông giờ không thích hát dân ca, thích nghe nhạc của Lào”. Anh bảo, người dân xuống chợ, tải nhạc, phim của Mông bên Lào, bên Thái về nghe, xem. Lũ nhỏ trong nhà anh cũng thế, chúng xem phim nước khác. Sau này, liệu mấy người còn hát được dân ca người Mông, giữ được chữ Mông? Còn lịch sử người Mông nữa, liệu có bị mờ dần?
Anh bảo “Suy cho cùng con người chỉ có 2 nhiệm vụ là quan trọng nhất. Thứ nhất là sản xuất lương thực, thực phẩm. Thứ hai là dạy dỗ các thế hệ sau. Cách mà người dân ở Tà Xùa sống làm mình tin vào điều này. Người dân trồng rau, trồng lúa cho bữa ăn hàng ngày, có việc lớn hay dịp Tết, sẽ mổ lợn, gà. Cuộc sống nhẹ nhàng và hài hòa với tự nhiên. “Người Mông không biết khổ”. Bác Súa ở Mống Vàng kể “không có tiền thì mua muối, mì chính ăn rau thôi”. Sự chân thật ấy càng thêm tin vào sự hồn hậu của con người nơi đây. Nhưng lại thương, nếu xảy ra biến cố, cuộc sống ấy có bị rạn vỡ? Cái đói, cái khổ còn bám riết nơi đây.
Trở về là thấy thương, thấy bất lực nhưng cũng càng phải tin hơn. Lòng người thật hẹp, muốn thương nhiều nhưng phải lựa chọn. Nhưng, nếu còn thương thì mãi ở đấy thôi.
Sẽ làm được gì? Chợt nhớ đến câu của anh, người gặp trước khi lên đường về Hà Nội “Dân tộc nào cũng có cá tính của dân tộc mình”. Và, tin rằng giữ được hồn của dân tộc thì sẽ phát triển bằng chính nội lực của dân tộc!
Ngọc Bích@Tinker@20151230